tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TPP sẽ khiến Việt Nam tăng xuất khẩu sang Úc

  • Cập nhật : 12/10/2015

(Tin kinh te)

TPP hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích khác ngoài thuế cho cả hai nước Việt Nam và Úc. Với sự đa dạng của các thành viên TPP thì khả năng lớn Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu sang Úc sau khi TPP có hiệu lực.

tpp se khien viet nam tang xuat khau sang uc

TPP sẽ khiến Việt Nam tăng xuất khẩu sang Úc


Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, Việt Nam và Úc có nhiều lợi ích và cách tiếp cận tương đồng trong đàm phán. Úc còn là thành viên có nhiều sáng kiến và tích cực thúc đẩy đàm phán sớm kết thúc. Quốc gia này cũng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm không chỉ trong những năm đàm phán vừa qua, mà còn đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Hiện tại, hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Trên thực tế, quy mô thương mại trong vòng 10 năm qua giữa hai nước (2005-2014) đã tăng gần gấp đôi. Từ năm 2005, kim ngạch thương mại Việt Nam và Úc đạt 3 tỷ USD. Đến năm 2014, con số này đã tăng lên hơn 6 tỷ USD. Trong khi Úc là bạn hàng xuất khẩu đứng thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam. 

Theo chiều ngược lại, Việt Nam là bạn hàng đứng thứ 14 của Úc cả về nhập khẩu và xuất khẩu. Tính đến thời điểm này, Úc vẫn luôn là thị trường xuất siêu của Việt Nam. Năm 2014, xuất siêu đạt 1,93 tỷ USD. 

Trong vòng 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng bình quân 7,83% mỗi năm. Giai đoạn thực thi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA) có tốc độ tăng trưởng 9,89%/năm, cao hơn so với giai đoạn trước khi thực thi Hiệp định (2,04%/năm). Do vậy, quan hệ thương mại giữa hai nước sau TPP được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Hiệp định Thương mại tự do AANZFTA, các dòng thuế của Úc đánh vào hàng hóa Việt Nam sẽ được giảm dần hoặc gỡ bỏ. AANZFTA có nội dung cơ bản là đến năm 2020, Úc và New Zealand sẽ xóa bỏ hết thuế suất đối với 100% biểu thuế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Từ năm 2015 đến 2019 sẽ có 96,3% biểu thuế có thuế suất 0%. Và 3,7% còn lại, thuế suất sẽ khoảng 5-10% gồm một số mặt hàng như thuốc diệt côn trùng, da thuộc, vải, thảm trải sàn, dệt may, máy móc, thiết bị.

Vì đối với thuế suất, cam kết của Úc trong AANZFTA đã là 100% rồi nênTPP không đem lại lợi ích trực tiếp về thuế quan cho Việt Nam trong quan hệ với Australia.

Tuy nhiên, Hiệp định TPP hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích khác ngoài thuế. Với TPP, cả hai nước đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm 12 nước. Điều này sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất trong chuỗi giá trị nói trên, từ đó thúc đẩy thương mại song phương.

Các quy định về minh bạch, thuận lợi hóa thương mại (như tự chứng nhận xuất xứ), hải quan cũng sẽ tạo thuận lợi, giúp thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Úc. Bên cạnh đó, các quy định chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ (IPR), đầu tư cũng sẽ giúp thu hút, tăng đầu tư từ Úc vào Việt Nam, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại.
 
Ngoài ra, TPP cho phép cộng gộp nguyên liệu từ các nước thành viên, nênhàng hóa Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước TPP sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Úc. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này cần lưu ý tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu thuộc các nước thành viên TPP nhằm đáp ứng các điều kiện để được hưởng ưu đãi về thuế khi tham gia hiệp định. Với sự đa dạng của các thành viên TPP thì khả năng tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc sau khi TPP có hiệu lực là lớn. 


Lâm Minh
Theo Vinanet

Trở về

Bài cùng chuyên mục