Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật, 37 trên 97 nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh trong khối TPP, chiếm 75% kim ngạch hàng xuất.
Nghịch lý nông sản Việt: Dòng cao cấp không bán lẻ tràn lan vì sợ...hàng nhái
- Cập nhật : 14/10/2015
(Nong san)
Nếu như dệt may, giày dép..đang rục rịch bước chân vào hội nhập, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, sẵn sàng cho một “cuộc chiến” trường kỳ thì hàng nông sản Việt Nam chất lượng cao do chính người nông dân làm ra đang ở đâu trên thị trường?
Lơ mơ với hội nhập
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP đã được thông qua hôm 5/10. Ngay sau khi Bộ Công Thương công bố bản tóm tắt về Hiệp định TPP, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và báo giới đều đã thảo luận về cái được và mất khi Việt Nam bước vào một sân chơi mới.
Thế nhưng, với một nền kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, dù đứng trước thời cơ và thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của mình song những doanh nghiệp này dường như vẫn “lơ mơ”, chưa biết đến hai chữ “hội nhập và TPP”. Những sản phẩm nông nghiệp do chính người nông dân làm ra lại đang ì ạch, trầy trật chinh phục thị trường nội địa hay còn gọi là: sân nhà!
Có mặt tại hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2015 tại Hà Nội, chúng tôi ghi nhận không khí bán - mua ồn ào và sôi động. Tất cả các mặt hàng nông sản đến từ nhiều vùng miền khác nhau như rau củ quả, mật ong, chè xanh, gia cầm, gỗ quý... đều được bày gọn gàng trên kệ, trông bắt mắt và hấp dẫn. Giá các mặt hàng này cũng được rao ở mức “vừa với túi tiền” người tiêu dùng.
Thế nhưng, tìm hiểu sâu mới biết, đó là giá được đưa ra khi giới thiệu hàng, còn thực tế, ở địa phương, giá bán chỉ bằng một nửa hoặc kém hơn. Và nông sản do chính tay người nông dân làm ra với chất lượng tốt, tiêu chuẩn VIETGAP... hầu như không có chỗ đứng trên thị trường.
Gian hàng rộng khoảng 10m2 của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Chè Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bày bán các mặt hàng chè tươi và chè khô. Một túi chè khối lượng tịnh 100gram có giá 25.000 đồng. Chè các loại từ chất lượng trung bình đến hạng cao cấp giá dao động từ 100.000 đồng - 250.000 đồng/kg.
Bà Đào Thị Quý, Chủ nhiệm HTX cho hay, đó là giá được giao bán ở các hội chợ giới thiệu sản phẩm. Thực tế, giá bán ở địa phương chè loại ngon nhất chỉ được 100.000 đồng/kg.
Bà Quý cho biết, trước đây, xã Phúc Xuân chủ yếu trồng giống chè trung du, cho chất lượng và sản lượng thấp, đạt 1,4 tấn/hecta/năm với giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg. Kể từ khi được Sở NN và PTNT Hà Nội hướng dẫn, xã Phúc Xuân quy hoạch vùng chè, trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP, chất lượng chè và sản lượng cao hơn. Trung bình mỗi hecta cho thu về 1,8 tấn chè trong vòng một năm. Giá chè cũng được đẩy cao gấp đôi, khoảng 150.000 – 180.000 đồng/kg.
Giá cao là thế nhưng phải phụ thuộc vào thị trường bán ra. Vì hàng chất lượng tốt nhưng mẫu mã chưa đẹp, thương hiệu không có nên chè của HTX Bắc Sơn vẫn chỉ loanh quanh ở thị trường Hà Nội. May mắn thì đi theo một vài đơn hàng khác vào trong Nam nhưng rồi cũng không thể đi xa hơn.
“Khó khăn nhất là đầu ra. Kinh tế hạn hẹp, không có vốn đầu tư mẫu mã nên chè đóng gói không bán được nhiều, chủ yếu mang đi giới thiệu ở các hội chợ. Chứ ở xã chúng tôi chỉ sau khi xao chè xong, bán đổ cho các thương lái từ tỉnh Thái Nguyên. Họ mua về rồi đóng gói thương hiệu Thái Nguyên với giá rẻ bèo, chưa đến 100.000 đồng/kg”, bà Quý nói.
Với giá này, theo bà Quý mỗi người nông dân trồng chè chỉ thu về được 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cũng chỉ tương đương với các loại chè được trồng bình thường, không phải theo tiêu chuẩn VIETGAP, dẫn đến thiệt thòi cho người trồng chè chất lượng tốt.
Giọng bà Quý chắc nịch: “Chè của hợp tác xã Phúc Xuân trồng đúng theo tiêu chuẩn VIETGAP mà cán bộ huyện Sóc Sơn hướng dẫn, chất lượng chè đảm bảo ngon và sạch. Nếu em không tin thì cứ hỏi cán bộ huyện hoặc các xã lân cận, bên chị chủ yếu đóng gói bán cho các lãnh đạo ở các xã, huyện và mang đi quảng cáo, giới thiệu thôi chứ ít khi đóng gói bán được ra ngoài ”.
“Khó cạnh tranh lắm, vì thương hiệu chè Thái Nguyên ở gần đó đã có tiếng rồi. Hợp tác xã cũng muốn phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng không có vốn đành phải chịu”, bà Quý nói.
Khi được hỏi Việt Nam sắp mở cửa hội nhập, nhiều hãng chè từ nước ngoài có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam bán với giá rẻ, chất lượng tốt, hợp tác xã có sợ mất thị trường không? Bà Quý sững sờ nói: “Tôi không biết hội nhập là gì, nhưng nếu điều đó là thật thì rất đáng lo lắng”!
Hàng Việt “xịn” chỉ để giới thiệu?
Nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ cũng cho rằng, sản phẩm chất lượng tốt để có được chỗ đứng phải tích cực đi quảng bá, giới thiệu, và người tiêu dùng muốn mua phải đặt hàng trước, tránh tình trạng hàng bị làm giả làm nhái...
Trao đổi với Vinanet, ông Nguyễn Quang Chiến, một lãnh đạo Công ty Hải sản Phan Thiết cho hay, dòng sản phẩm nước mắm cao cấp nhất của công ty có giá 150.000 đồng/lít, rẻ nhất là 30.000 – 35.000 đồng/lít. “Nước mắm bên mình là dòng sản phẩm cao cấp, muốn mua phải đặt hàng trước sẽ có người đưa hàng tận nơi chứ không bán lẻ tràn lan trên thị trường”, ông Chiến khẳng định.
Ông Chiến cũng cho hay, ở phân khúc thị trường cao cấp, công ty muốn mở rộng ra để bán cũng khó vì hàng giả, hàng nhái nhiều dễ bị ảnh hưởng đến thương hiệu.
Trong khi ngành chăn nuôi được quan tâm nhiều nhất khi Việt Nam vào TPP hay các Hiệp định thương mại tự do khác thì các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và lẻ vẫn “mịt mù” thông tin.
Anh Hồ Hữu Thanh, Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm, Sơn Tây, Hà Nội, đơn vị chuyên cung cấp gà mía cho thị trường Hà Nội và Vĩnh Phúc cho hay, chu kỳ nuôi một con gà mía đến lúc xuất trại 2,5kg mất khoảng 6 tháng. Chí phí nuôi từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuế phí các loại khoảng 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán ra thị trường chỉ đạt 120.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi kg thịt gà cho thu lãi về 20.000 đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua do ảnh hưởng đùi gà Mỹ giá rẻ, xí nghiệp phải hạ giá thành, chỉ bán được 90.000 đồng/kg, lỗ khoảng 30.000 đồng/kg.
Mặc dù lo lắng thời gian tới khi Việt Nam mở cửa hội nhập, cơ hội cho sản phẩm thịt ngoại lấn át thịt gà của doanh nghiệp, song anh Thanh nói: “Gà mía nuôi khá lâu nên khó giảm giá thành. Chắc chắn chúng tôi sẽ tìm giải pháp nhưng giải pháp như thế nào thì phải từ từ mới biết chứ hiện nay chúng tôi chưa có giải pháp cụ thể nào”.
Có khoảng 200 gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; các sản phẩm nông sản thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; các máy móc thiết bị tiên tiến áp dụng cho sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và phát triển nông thôn; các sản phẩm thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư phân bón nông nghiệp của các công ty và đơn vị hàng đầu.
Hội chợ diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm; giao dịch mua bán, ký kết hợp đồng - hợp tác giữa các doanh nghiệp với người sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2014, tổng giá trị hợp đồng ký kết là 50 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến con số này là 100 tỷ đồng.