tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nông sản Việt và thách thức từ Campuchia

  • Cập nhật : 18/07/2017

Để có đủ nguồn nguyên liệu cho hoạt động xuất khẩu, Việt Nam đã chọn Campuchia làm nơi cung cấp lâu dài. Nhưng với sự lớn mạnh nhanh chóng của “người cung cấp”, ý tưởng này đang có nguy cơ bị “phá sản”.

Campuchia, cứ trồng là năng suất cao

Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), dù nông dân trồng hồ tiêu của Campuchia ít thâm canh so với nông dân Việt Nam, nhưng năng suất của họ luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/héc ta, còn năng suất của Việt Nam chỉ bằng một nửa quốc gia láng giềng này. Khoảng 95% lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, và hai nước đang mua hồ tiêu của họ là Việt Nam và Thái Lan.

Nông sản Việt và thách thức từ Campuchia - Ảnh 1.

Việt Nam vẫn là nước sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới. Ảnh: T.L

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong trung và dài hạn, ngành hồ tiêu Campuchia sẽ có những bước phát triển vượt bậc nhờ khả năng mở rộng diện tích, năng suất cao và quan trọng hơn là quốc gia này có đủ điều kiện sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Còn hiện tại, Việt Nam vẫn là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới và chiếm hơn 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, lâu nay, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát giá tiêu trên thị trường nhờ vào việc không xuất bán sản phẩm những lúc giá xuống thấp. Khi Việt Nam không xuất bán, nguồn cung trên thị trường sẽ bị hụt, do thời gian thu hoạch hồ tiêu của các nước như Ấn Độ, Indonesia... không trùng với Việt Nam. Theo đó, giá được đẩy lên.

Tuy nhiên, Campuchia là nước có thời gian thu hoạch hồ tiêu trùng với Việt Nam, và với sự lớn mạnh của ngành hồ tiêu nước này trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến giá của hồ tiêu Việt Nam.

Đơn cử thời gian qua, khi giá hồ tiêu xuống còn 100.000 đồng/kg người trồng tiêu ở Campuchia quyết định ghim hàng để điều tiết giá, nhưng trên thực tế, giá hồ tiêu không tăng lên mà giảm xuống còn dưới 80.000 đồng/kg . Với mức giá này, nông dân Việt Nam cho biết trồng tiêu bắt đầu không có lãi. Nhưng với nông dân Campuchia thì lại khác: với năng suất cao gấp đôi Việt Nam, lại ít canh tác hơn, nghĩa là giá thành sản xuất hồ tiêu của Campuchia thấp hơn, người trồng tiêu ở Campuchia vẫn có lãi với mức giá này.

Hạt điều cùng chung "số phận"

Những năm qua, do không thể tăng nguồn nguyên liệu ở trong nước và chịu phụ thuộc nguồn điều thô nhập khẩu từ châu Phi, từ năm 2010, Việt Nam đã hỗ trợ hai tỉnh Kampong Cham và Kampong Thom (Campuchia) về cây giống, các giải pháp bảo vệ thực vật cũng như kỹ thuật chăm sóc cây điều, chế biến hạt điều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Mới đây, tờ Phnom Penh Post dẫn lời ông Chhiv Ngy, Giám đốc Hiệp hội Hạt điều tỉnh Kampong Thom, cho biết chỉ cần 18 tháng, người trồng điều ở Campuchia có thể thu hoạch 3,5-4 tấn/héc ta. Hiện Campuchia có gần 65.000 héc ta trồng điều, trong đó, gần 41.000 héc ta cho thu hoạch. Theo ông Chhiv Ngy dự kiến năm nay Campuchia có khoảng 125.000-150.000 tấn điều xuất sang Việt Nam, tăng gấp ba lần so với mấy năm trước.

Vấn đề là ngoài bán điều thô cho Việt Nam, thời gian qua, các hộ trồng điều ở Campuchia còn bán trực tiếp cho nhiều thương nhân Hàn Quốc, Trung Quốc. Các doanh nghiệp điều Campuchia cũng đang có ý định tăng năng suất chế biến điều xuất khẩu thay cho xuất khẩu điều thô như hiện tại. Thông tin này ít nhiều gây ra những bất lợi cho ngành điều của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết hiện Trung Quốc là một trong ba thị trường xuất khẩu điều nhân chính của Việt Nam. Thời gian qua, có khá nhiều thương nhân Trung Quốc đã đến thẳng thủ phủ điều ở Bình Phước, Đồng Nai mua hàng trực tiếp, đồng thời, "dò la" công nghệ chế biến hạt điều của Việt Nam.

Giám đốc một doanh nghiệp cho rằng có thể trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu công nghệ và nguyên liệu về nước họ để chế biến sản phẩm và bán ra thị trường nội địa. Cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đặt cơ sở chế biến ở Campuchia để tận dụng nguồn cung điều thô của quốc gia này nhằm thực hiện chiến lược "mua tận gốc, bán tận ngọn", thay vì phải qua đối tác Việt Nam như lâu nay.

Và câu chuyện cao su

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nhiều năm qua, mặt hàng cao su thiên nhiên chủ yếu bán cho thị trường Trung Quốc. Số liệu năm tháng đầu năm nay cũng cho thấy có hơn 61% lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu là xuất sang thị trường này.

Năm 2010, giá cao su bắt đầu tăng và đạt đỉnh 100 triệu đồng/tấn vào cuối năm. Lúc đó, nhu cầu sử dụng cao su của Trung Quốc được dự báo còn tiếp tục tăng và giá cao su sẽ ổn định ở mức cao trong một thời gian dài. Để cung cấp mủ cao su cho nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư trồng cao su ở Campuchia và Lào.

Tuy nhiên, là một quốc gia tiêu thụ mủ sao su lớn nhất thế giới với khoảng 4-4,5 triệu tấn mủ cao su/năm, Trung Quốc cũng tìm mọi cách để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu. Do vậy, nếu Việt Nam có thể đầu tư trồng cao su ở Campuchia để xuất sang thị trường Trung Quốc thì Trung Quốc cũng có thể đầu tư trồng cao su ở Campuchia để nhập trực tiếp về nước họ.

Theo kế hoạch đặt ra cho đến năm 2020 của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia (MAFF), nước này muốn đạt tới 400.000 héc ta cao su. Nhưng chỉ mới đến tháng 9-2016, Campuchia đã trồng được hơn 402.000 héc ta, tương đương gần 40% diện tích cao su của Việt Nam. Hiện mủ cao su của Campuchia chủ yếu bán cho Việt Nam và Malaysia.

Trong một phát biểu trên tờ Khmer Times hồi tháng 4-2017, ông Pol Sopha, Tổng cục trưởng ngành cao su của MAFF, cho biết Campuchia đang đàm phán để xuất khẩu trực tiếp cao su sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, các công ty trồng cao su tại nước này cũng đang kiến nghị chính phủ giảm thuế xuất khẩu, giúp cao su Campuchia tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Có thể thấy trong tương lai, những mặt hàng nông lâm sản chủ lực của Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức từ Campuchia. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có những tính toán phù hợp trong chiến lược kinh doanh của mình.

Theo Ngọc Hùng (TBKTSG)

Trở về

Bài cùng chuyên mục