Độ mở rất lớn của nền kinh tế Việt Nam đặt ra nhiều thách thức nếu kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Tài chính về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đến kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng trong thời gian tới.
Nông sản Việt 'con hát, mẹ khen hay': Nếu không tỉnh...
- Cập nhật : 11/06/2018
Nông sản Việt khó thoát cảnh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, lợi nhuận thu về thấp, người nông dân vẫn luôn phải chịu cảnh thua thiệt?
Tự trói chân tay
Sự thụ động trong sản xuất, xuất khẩu nông sản được một thương nhân buôn bán nông sản Việt ví von "như cô gái quê danh giá chỉ chờ khách đến nhà tán tỉnh, mua đi". Theo quan điểm này, đó là lý do Việt Nam xuất khẩu rất nhiều, song thị trường bị phụ thuộc, bị thương lái Trung Quốc chèn ép, lợi nhuận thu về rất thấp.
Bình luận về thực trạng trên, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia bán lẻ dẫn lại báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết, chỉ trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 300 triệu USD, riêng thị trường Trung Quốc dẫn đầu đạt 502,1 triệu USD, chiếm tới 77,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.
Như vậy, dù xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều nhưng sản phẩm của Việt Nam vẫn luôn đứng ở thế yếu, chấp nhận bị ép giá, hoặc phải bán đổ, bán tháo.
"Nếu muốn làm chủ được trong xuất khẩu nông sản, ngành nông sản Việt phải có lực mạnh, vốn lớn, có số lượng sản phẩm nhiều, chủ động được về thời gian, kho bãi dự trữ... Tức là ngoài việc bảo đảm về kỹ thuật sản xuất thì quản lý nhà nước cũng phải có chiến lược phù hợp, sản xuất phải kết hợp với chế biến, thu hoạch phải có kho bãi bảo quản, dự trữ để giữ được lâu hơn. Có như vậy chúng ta mới chủ động, tự tin trong đàm phán được.
Song thực tế thì sao, chúng ta vẫn thấy mỗi doanh nghiệp chở vài xe tải dưa hấu, thanh long đi rồi lại xếp hàng dài đợi chờ mấy ngày để được thông quan, hoặc phải chấp nhận đổ đi vì bị hư, hỏng. Thóc gạo thu hoạch song phải chất ngoài đồng, tôm phơi trên bờ, hoa quả không biết bán đi đâu... Tức là trong cách thức làm ăn vẫn giữ tư duy tiểu nông, sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy lo, không có tính liên kết vùng, liên kết nhóm, liên kết giữa các doanh nghiệp...
Về phía người sản xuất, cách thức làm ăn chụp giật, gian dối, tùy tiện, không coi trọng xây dựng thương hiệu, sản phẩm tạo ra có nhiều nhưng không chất lượng, có ngon nhưng không sạch. Đây chính là điểm cốt lõi khiến nông sản của Việt Nam không tìm được chỗ đứng trong các thị trường khó tính.
Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm mang tính mùa vụ, ngắn ngày, bảo quản kém. Quan trọng nhất, vai trò của người nhạc trưởng chỉ huy trong sản xuất nông sản vẫn bị thiếu vắng, không có doanh nghiệp lớn cùng tham gia. Trong khi đó, thương lái Trung Quốc lại quá nhiều thủ đoạn, hay thay đổi chính sách, khiến doanh nghiệp Việt trở tay không kịp.
Về phía quản lý nhà nước, sự yếu kém trong công tác quản lý cộng với những hạn chế trong tư duy, nhận thức của người sản xuất là nguyên nhân khiến nông sản Việt giống như các cô gái quê dù có tí nhan sắc nhưng vẫn bị trói buộc chân, tay, bị hạn chế đủ đường", ông Phú nói.
Sự nghịch dị khó hiểu
Nhấn mạnh điểm yếu cản trở đường xuất ngoại của nông sản Việt chính là chất lượng sản phẩm, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, vì vậy sản phẩm của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nói cách khác, không thể bán đi đâu khác ngoài thị trường này.
"Một quả xoài mà mất mấy năm đàm phán để đưa đi Nhật. Quả thanh long muốn đi Mỹ cũng phải mất 5 năm mới có được hợp đồng. Có thể thấy, để đưa nông sản Việt xuất ngoại hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản.
Đặt trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam phải mở cửa đón khách nhưng thị trường trong nước còn nhiều bất ổn, tính kết cấu không bền vững, làm ăn chấp chới, dễ làm khó bỏ khiến nông sản Việt thua ngay trên sân nhà.
Vì thế, mới có câu chuyện kêu gọi giải cứu từ thanh long, dưa hấu, nhãn, vải cho tới chanh, ớt... đây là sự nghịch dị trong sản xuất nông sản, cần phải thay đổi", ông Phú nói.
Đặt vấn đề phải thay đổi thế nào, thay đổi từ đâu, ông Vũ Vinh Phú kể: "Kinh nghiệm làm ăn với Nhật Bản nhiều năm, tôi tổng kết lại có 3 điều người Nhật rất sợ làm ăn với Việt Nam.
Thứ nhất, không đúng thời gian, lịch hẹn. Hẹn giao hàng 3 ngày thì 7 ngày không có hàng, cũng không giải thích, không thông báo.
Thứ hai, chất lượng sản phẩm không ổn định.
Thứ ba, độ tin cậy thấp. Giới thiệu sản phẩm tốt nhưng chất lượng không đáp ứng được yêu cầu. Giao hàng loại 1 lại nhồi thêm loại 2...
Nếu những thói quen, tật xấu đó không được thay đổi thì không có quốc gia nào muốn làm ăn với chúng ta", ông Phú nhắc nhở.
Cuối cùng, vị chuyên gia cho rằng, để tìm được đường đi bền vững cho ngành nông sản Việt, Việt Nam phải lựa chọn, xây dựng phát triển sản phẩm đặc trưng nhằm hướng tới phục vụ từng nhóm khách hàng cụ thể.
"Tôi lấy ví dụ, chúng ta có nhãn, vải, thanh long là những sản phẩm ngon nổi tiếng, thì bây giờ tập trung đầu tư, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này. Song song với đó, chúng ta sẽ phải tìm hiểu kỹ về nhu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của những thị trường tiềm năng mà sản phẩm của chúng ta có thể xuất đi.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh, ngành nông sản cần phải loại bỏ ngay tư duy "mẹ hát con khen hay" ra khỏi chiến lược phát triển đi. Đừng bao giờ lấy lời khen xuất khẩu nhiều mà coi đó là thành quả vĩ đại để vỗ ngực tự hào. Thay vì chạy theo số lượng thì nên đặt vấn đề: Xuất nhiều nhưng giá trị mang về cho đất nước, cho người dân là bao nhiêu?
Nếu cứ phát triển kiểu đại trà, chạy theo số lượng, cuối cùng tất cả sẽ chìm đắm cùng nhau. Nông sản Việt khó thoát cảnh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, lợi nhuận thu về thấp, người nông dân vẫn luôn phải chịu cảnh thua thiệt", ông Phú nói.
Lam Nguyên
Theo BaodatViet.vn