Hiện cơ cấu sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao vẫn còn thấp, chỉ 7% cà phê Việt Nam được chế biến sâu, xuất khẩu cà phê nhân chiếm tỷ trọng lớn 93%.
30 năm hạt gạo Việt trở lại thị trường thế giới
- Cập nhật : 19/02/2019
Năm nay tròn 30 năm Việt Nam trở lại thị trường gạo thế giới với tư cách là một nước XK gạo (1989 - 2019). 30 năm trước, ngay khi bắt đầu XK gạo trở lại, Việt Nam đã XK được ngay gần 1,4 triệu tấn gạo. Đây là con số gây ngỡ ngàng bởi trước năm 1989, nước ta vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu lương thực, phải NK với số lượng lớn.
Vừa hết đói đã xuất ngay hơn triệu tấn gạo
Trong thập niên 1980 của thế kỷ trước, do thiên tai và nhất là do những chính sách sai lầm về kinh tế, Việt Nam thường ở trong tình trạng thiếu lương thực. Nhiều thời điểm giáp hạt, đã xảy ra nạn đói ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc.
Năm 1987, do mất mùa ở Miền Trung, sản lượng lúa cả nước sụt giảm mạnh, chỉ còn 17,5 triệu tấn. Đương thời, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn kể, năm đó, nước ta thiếu tới 1 triệu tấn lương thực, nhưng chỉ nhập được 440 ngàn tấn. Khi ấy, ông Tạn đang là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (nay là Bộ NN-PTNT). Trước tình hình đó, ông Tạn đã đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng phải nhập thêm. Nhưng ông Phạm Hùng cho biết rằng ngoại tệ và vàng trong nước đã hết rồi, không thể nhập thêm được nữa.
Đến tháng 3/1988, cũng là thời điểm giáp hạt, miền Bắc lại đói. Những tài liệu cũ ghi lại cho thấy, khi ấy nạn đói đã hoành hành ở 21 tỉnh, thành phía Bắc, với hơn 9,3 triệu người thiếu ăn, trong đó 3,6 triệu người “đứt bữa và đói gay gắt”.
Tuy nhiên, sang năm 1989, khi bắt đầu tiến hành XK gạo trở lại, Việt Nam đã XK được ngay tới 1,37 triệu tấn gạo, thu về hơn 310 triệu USD. Khi ấy, các quy định về XK gạo chưa được thông thoáng, cởi mở như bây giờ mà phải có giấy phép của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), phải có sự phân bổ chỉ tiêu XK gạo theo đơn vị hành chính. Một Quyết định của UBND tỉnh An Giang ban hành vào tháng 6/1989, cho thấy rõ điều này. Đó là Quyết định về chỉ tiêu và quản lý xuất khẩu gạo. Theo đó, UBND tỉnh An Giang giao chỉ tiêu XK gạo cho các huyện, thị và ngành. Trên cơ sở đó, các huyện, thị, ngành giao cho đơn vị trực thuộc thực hiện. Chẳng hạn, về khối huyện, thị, các huyện Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn, mỗi huyện được giao XK 15.000 tấn…
Về khối tỉnh, Cty Lương thực được giao XK 13.000 tấn, Cty Anbimex 9.000 tấn… Quyết định nói trên cũng yêu cầu các công ty không được đến trực tiếp Hội đồng Bộ trưởng để xin phép XK gạo. Nhiêu khê phức tạp là vậy, mà năm đó, cả nước đã XK được tới gần 1,4 triệu tấn gạo, đủ thấy khả năng XK gạo của Việt Nam lớn như thế nào nếu có nguồn lương thực dồi dào.
Chìa khóa “Khoán 10”
Đang là 1 nước thiếu lương thực, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ trở thành một nước XK với số lượng lớn trong thời gian rất ngắn. Đâu là nguyên nhân để nước ta có bước chuyển mình rất ngoạn mục như vậy?
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, chính Nghị quyết 10 năm 1988 (5/4/1988) của Bộ Chính trị (Khoán 10) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp là chìa khóa then chốt để mở ra một thời kỳ mới cho nông nghiệp Việt Nam nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng.
Bởi trước đó, dù đã có Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV (năm 1981) về khoán sản phẩm trong nông nghiệp nhưng đến năm 1988, hộ gia đình vẫn chưa được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, người trồng lúa mới tự chủ 3 trong 8 khâu sản xuất… Vì vậy, dù Chỉ thị 100 đã tạo được không khí phấn khởi trong những năm đầu, giúp sản lượng lúa tăng đáng kể so với trước đó, nhưng đến nửa sau của thập niên 1980, sản xuất nông nghiệp lại chững lại và sa sút.
Sự ra đời của Nghị quyết 10 với tư tưởng chủ đạo là giải phóng sức sản xuất của nông dân, đã giúp cho sản xuất lúa nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung có sự phát triển toàn diện, tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định hơn hẳn so với trước đó. Ông Trần Đức Tụng, nguyên là chuyên viên Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), nay đã về hưu, khẳng định “Chìa khóa vàng mở cửa các vùng sản xuất lúa của cả nước, đặc biệt là vựa lúa ĐBSCL, đó là Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị. Đây là điểm son đánh dấu sự mở đầu cho thời kỳ đổi mới thực sự trong nông nghiệp. Người nông dân đã thực sự làm chủ trên mảnh đất canh tác trên sản phẩm của họ, tạo ra bước nhảy vọt đột biến về sự tăng trưởng sản xuất lúa gạo”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (tháng 3/1989) về bỏ nghĩa vụ thu mua lương thực, thực phẩm theo giá thấp, thực hiện cơ chế một giá, lưu thông lương thực tự do, cũng đã góp phần không nhỏ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa. Cũng theo ông Trần Đức Tụng, chính sách mở cửa tự do lưu thông lương thực, xóa bỏ nạn ngăn sông cấm chợ, khuyến khích mọi thành phần tham gia lưu thông lương thực trong nước và XK, đã tạo được sự gắn kết giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, thúc đẩy cùng phát triển chưa từng có từ trước tới nay.
Đưa gạo XK xuống tàu
Những tác dụng to lớn từ “Khoán 10” và việc mở cửa tự do lưu thông lương thực, có thể thấy rõ qua sản lượng lúa 2 năm cuối thập niên 1980. Năm 1988, sản lượng lúa của cả nước là 19,58 triệu tấn. Năm 1989 tăng lên 21,58 triệu tấn. Tính ra, trong 2 năm 1988 và 1989, mỗi năm, sản lượng lúa tăng khoảng 2 triệu tấn so với năm trước đó. Đây là cơ sở quan trọng để đến năm 1989, do sản lượng lúa gạo cả nước đã vượt nhiều so với nhu cầu, Việt Nam quyết định trở lại là một nước xuất khẩu gạo sau hàng chục năm bị gián đoạn vì chiến tranh, vì thiếu thốn lương thực.
Theo Bộ Công Thương, gạo Việt Nam hiện đã có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 15 tổng lượng gạo XK trên toàn thế giới. Với tỷ trọng như trên, Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trong số những nước XK gạo, sau Ấn Độ và Thái Lan.
Những đề xuất táo bạo
Trong hồi ức, hồi ký, lời kể lại… của nhiều nhân vật là chứng nhân của ngành hàng lúa gạo trong nửa cuối thập niên 1980, không phải đến năm 1989, mà trước đó, đã có những đề nghị về XK gạo, kể cả khi đất nước đang thiếu lương thực trầm trọng.
Đầu những năm 1980, miền Bắc bị thiếu hụt lương thực nặng nề. Do cơ chế lưu thông cũng như tình hình giao thông, vận chuyển ngày ấy, nếu chuyển lương thực từ miền Nam ra miền Bắc, giá sẽ khá cao. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Lương thực (nay là Bộ NN-PTNT) là ông La Lâm Gia đã đưa ra một đề xuất táo bạo là “xuất Nam, nhập Bắc”. Theo đề xuất này, miền Nam đang thừa gạo thì có thể cho XK lấy ngoại tệ. Còn miền Bắc thiếu lương thực, thay vì lấy gạo từ Miền Nam ra thì nên cho NK gạo phẩm cấp không cao với giá về đến Việt Nam rẻ so với gạo đưa từ miền Nam ra. Tuy nhiên, đề xuất táo bạo này của ông La Lâm Gia đã không được chấp thuận. Sau này, nhiều chuyên gia ngành lương thực cho rằng đề xuất của ông La Lâm Gia tuy rất táo bạo nhưng hoàn toàn đúng đắn và hoàn toàn có thể thực hiện được vào thời điểm ấy.
Năm 1987, khi Việt Nam bị thiếu tới 1 triệu tấn lương thực, có DN ở phía Nam cũng đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cho phép XK gạo. Lúc đó, đề nghị này bị coi là điên rồ bởi cả nước đang thiếu gạo thì lấy đâu ra gạo mà xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, ở các tỉnh Nam Bộ, lúa gạo trong dân vẫn còn khá nhiều. Nhưng do chính sách thu mua 1 giá, tức là giá lúa nghĩa vụ hay lúa dư được Nhà nước thu mua theo chương trình huy động lương thực, đều chỉ có một giá như nhau và rất thấp khiến nông dân bị lỗ. Điều này làm cho nông dân phải dấu bớt lúa dư (ngoài lúa nghĩa vụ) để lén bán ra thị trường tự do. Cũng do cơ chế thu mua không hợp lý nên việc điều tiết lương thực ngày đó gặp nhiều khó khăn trở ngại, góp phần gây thiếu lương thực, trong khi vẫn còn gạo trong dân.
Xuất khẩu gạo - Những cột mốc
- Năm 1989, Việt Nam chính thức trở lại là một nước XK gạo với lượng XK là 1,37 triệu tấn, trị giá 310 triệu USD.
- Năm 1995, lượng gạo XK của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tấn khi đạt 2,02 triệu tấn, trị giá 538,84 triệu USD.
- Năm 1996, lượng gạo XK đạt 3,05 triệu tấn, lần đầu vượt mốc 3 triệu tấn, đạt giá trị 868,42 triệu USD.
- Năm 1998, giá trị gạo XK lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD khi đạt 1,005 tỷ USD, với lượng XK là 3,79 triệu tấn.
- Năm 1999, lượng gạo XK vượt mốc 4 triệu tấn khi đạt 4,56 triệu tấn, trị giá 1,009 tỷ USD.
- Năm 2005, XK gạo lần đầu vượt mốc 5 triệu tấn khi đạt 5,21 triệu tấn, trị giá 1,279 tỷ USD.
-Năm 2008, giá trị gạo XK lần đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD khi đạt 2,663 tỷ USD, với lượng XK là 4,68 triệu tấn.
- Năm 2009, lượng gạo XK lần đầu tiên vượt mốc 6 triệu tấn khi đạt 6,05 triệu tấn, trị giá 2,464 tỷ USD.
- Năm 2011, XK gạo lần đầu vượt mốc 7 triệu tấn và 3 tỷ USD khi đạt 7,13 triệu tấn và 3,519 tỷ USD (đây là năm giá trị gạo XK đạt cao nhất trong 30 năm qua).
- Năm 2012, lượng gạo XK đạt cao nhất trong lịch sử XK gạo Việt Nam từ trước tới nay với 7,72 triệu tấn, trị giá 3,45 tỷ USD.
- Từ năm 1989 đến 2017, nước ta đã XK được 121,62 triệu tấn gạo, mang về 41,461 tỷ USD.
(Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam)
Nguồn: Thanh Sơn/Nông nghiệp