Thịt heo sản xuất trong nước đã vượt nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu được xem là một giải pháp cấp bách. Nhưng việc xuất khẩu cũng không hề đơn giản, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Nằm trong “danh sách gian lận Thương mại” của Mỹ: Việt Nam có đáng lo?
- Cập nhật : 03/05/2017
Việt Nam là nước đứng thứ 3 khu vực châu Á về thặng dư thương mại với Mỹ, liệu có đáng lo?
Tổng thống Donald Trump sẽ đến Việt Nam thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Đà Nẵng. Thông tin này mang lại hy vọng tích cực hơn cho thương mại Việt - Mỹ kể từ khi Chính phủ Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cuộc điều tra 90 ngày
Các quan chức thương mại Mỹ sẽ có một cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại ở Mỹ trong suốt thời gian qua. Đây là một sắc lệnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào đầu tháng 4, nhằm kiểm tra đánh giá cụ thể đối với từng quốc gia và từng sản phẩm giao thương. Trong số 16 quốc gia được cho là khiến Mỹ thâm hụt 500 tỉ USD mỗi năm, hơn một nửa là các quốc gia châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Nhật, Việt Nam và Hàn Quốc là những nước có thặng dư thương mại song phương lớn nhất với Mỹ. Việt Nam là nước đứng thứ 3 khu vực châu Á về thặng dư thương mại với Mỹ, liệu có đáng lo?
Mặc dù chưa có câu trả lời cụ thể nhưng thực tế cho thấy, mục tiêu chính mà Mỹ nhắm tới là Trung Quốc và Nhật bởi Trung Quốc đứng đầu danh sách với 347 tỉ USD, gấp 5 lần so với nước thứ 2 là Nhật. Điều này thể hiện rõ trong công bố của Tổng thống Donald Trump trước khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “tình trạng chính sách thương mại này không công bằng từ các bạn hàng của Mỹ”. Trong cuộc đối thoại kinh tế cấp cao giữa Mỹ và Nhật diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, Mỹ cũng đã nhắc đến vấn đề này.
Thậm chí, cơ quan chức năng Mỹ cũng được yêu cầu đẩy nhanh việc thu thuế chống bán phá giá và các loại thuế cao đã được áp dụng đối với những sản phẩm từ nước ngoài được trợ giá hay trợ cấp một cách bất hợp pháp. Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ nghiên cứu về mức thuế quan của các nước đối tác, những rào cản phi thuế quan, trợ cấp chính phủ, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ cùng những hình thức giao dịch thương mại đi ngược với lợi ích của nước Mỹ và sẽ báo cáo lên Tổng thống trong vòng 90 ngày.
Với những kết quả thu thập được, rất có thể Washington sẽ buộc Trung Quốc, Nhật và những đối tác thương mại khác phải mở cửa thị trường hơn nữa đối với các hàng hóa và dịch vụ đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam chưa được nhắc đến trong những báo cáo của Mỹ. Trong hầu hết các vụ kiện của Mỹ, Trung Quốc bị Mỹ kiện tụng nhiều nhất với 21 vụ kiện thương mại. Tiếp đến là Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico và Nhật (mỗi nước 6 vụ). Indonesia bị kiện 4 vụ trong khi Thái Lan, Malaysia và Việt Nam không có vụ nào.
Tín hiệu lạc quan
Trong báo cáo thường niên về “Ước tính tình hình thương mại hàng hóa quốc gia đối với các vấn đề rào cản thương mại quốc tế năm 2017”, USTR đã chỉ trích Nhật về “các rào cản lớn trong tiếp cận thị trường” đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và “một loạt rào cản phi thuế quan” đối với ô tô. Trong khi đó, Trung Quốc cũng bị chỉ trích về tình trạng công suất dư thừa trong ngành công nghiệp sản xuất thép và nhôm do các chính sách hỗ trợ của Nhà nước gây ra.
Đây được coi là chính sách nhằm siết chặt thương mại với các nước đang có kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ và mở đường cho Mỹ cân bằng mậu dịch thương mại. Thâm hụt thương mại Mỹ trong tháng 1.2017 tăng 9,6% lên 48,5 tỉ USD, cao nhất kể từ 5 năm qua. Con số này trùng khớp với dự báo của các nhà phân tích. Vì vậy, Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp nhằm giảm thiểu thâm hụt thương mại với từng nước.
Hầu hết các vụ kiện mà Mỹ chống lại Trung Quốc nằm trong ngành ô tô, nông nghiệp, vi mạch, máy bay, kim loại và quyền sở hữu trí tuệ. Indonesia bị kiện về các sản phẩm động vật và ô tô. Những sản phẩm này không nằm trong nhóm xuất khẩu của Việt Nam.
“Trực tiếp nhắm đến 16 quốc gia là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Donald Trump thích các cuộc đàm phán song phương trực tiếp”, báo cáo mới đây từ chuyên gia của Maybank chia sẻ. Trung Quốc không tham gia TPP nên chắc chắn Mỹ không muốn sản phẩm của Trung Quốc tràn vào nước này.
Bỏ TPP, đàm phán song phương là điều Nhật không mong muốn với Mỹ. Nhật lo ngại một thỏa thuận song phương sẽ khiến nước này phải đối mặt với sức ép lớn từ Mỹ về mở cửa những thị trường nhạy cảm cao về chính trị như nông sản và thịt bò. “Nhật có ít dư địa hơn để nhượng bộ Mỹ trong một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương”, Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso tuyên bố. Phát biểu này được xem là sự bác bỏ những nỗ lực của Washington nhằm gây sức ép trực tiếp đòi Nhật mở cửa những lĩnh vực được bảo hộ chặt chẽ như nông nghiệp. Trong TPP, Nhật có thể nhượng bộ nhiều hơn các yêu cầu của Mỹ, bởi Nhật có thể bù đắp cho những thiệt hại đó thông qua thỏa thuận với các quốc gia khác. Nhật được dự báo sẽ là một nước hưởng lợi chính trong TPP với ngành công nghiệp ô tô.
Con số thâm hụt thương mại không hoàn toàn do các thỏa thuận thiếu công bằng hay gian lận mà còn do lượng nhập khẩu dầu của Mỹ. Vì vậy, Việt Nam có thể ít bị ảnh hưởng từ lệnh hành pháp mới của nước này. Đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền Donald Trump muốn làm dịu bớt lo ngại về việc “Đông Nam Á bị Mỹ phớt lờ”. Chẳng hạn, Tổng thống Donald Trump đã có lời mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Mỹ. Bên cạnh đó, với chuyến công du Indonesia của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, chính quyền Donald Trump đã gửi một tín hiệu trấn an tới các nước Đông Nam Á. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kết thúc chuyến viếng thăm hai ngày tại Indonesia để gỡ bỏ hàng rào quan thuế của thị trường số một Đông Nam Á. Tổng cộng hai bên đã ký nhiều hợp đồng về năng lượng và vũ khí khoảng 10 tỉ USD. “Diễn đàn APEC sẽ trao cho ông Trump cơ hội giải thích việc Mỹ sẽ can dự thế nào vào thương mại và đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm những sáng kiến mà Mỹ có thể đưa ra sau khi rút khỏi TPP”, ông Murray Hiebert, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), đánh giá.
Theo Bloomberg, thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng của nền kinh tế Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 vì nhiều nhà máy của Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, đồng thời Việt Nam cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất cho các mặt hàng của Mỹ ở châu Á.
Những năm qua, khối lượng hàng hóa Việt Nam mua của Mỹ đang gia tăng. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ với thương mại hàng hóa hai chiều đạt 52 tỉ USD vào năm 2016 và hiện nay là thị trường nông nghiệp lớn thứ 10 của Mỹ với xuất khẩu tổng cộng 2,7 tỉ USD vào năm 2016. Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ vào năm ngoái đạt trên 10 tỉ USD, tăng 43% so với năm trước đó. Vậy nên, nhiều chuyên gia thương mại quốc tế cho rằng, Việt Nam không phải là mục tiêu “đáng quan ngại” của Mỹ.
Việt Nam năm qua vẫn tiếp tục giữ vị thế xuất siêu lớn sang Mỹ với 32 tỉ USD. Riêng quý I, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã đem về cho Việt Nam 8,7 tỉ USD. Hầu hết những sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ thuộc lĩnh vực thủy hải sản, dệt may, da giày, gỗ... Những ngành này ở Mỹ cũng có thể sẽ bảo hộ trong thời gian tới. Tuy nhiên, so với tỉ lệ của Trung Quốc với các nước, thâm hụt thương mại của Việt Nam vào Mỹ là con số rất nhỏ.
Bên cạnh đó, có hoặc không có TPP thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ vẫn tìm đường vào thị trường Mỹ. Đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nhận xét, TPP chỉ là một điều kiện thuận lợi hơn để tốc độ xuất khẩu tăng cao hơn chứ không phải là lý do để làm cho dệt may giảm. Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty Mỹ Thuật Gia Long, chia sẻ: “Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Công ty trong nhóm hàng mỹ nghệ. Sự ảnh hưởng chính sách của Mỹ là không lớn”.
Thanh Hương
Theo nhipcaudautu.vn