Cơ hội để Tường An vươn lên trên thị trường dầu ăn đang ngày càng hẹp khi họ không nắm trong tay quyền tự quyết. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh và nguy cơ tiếp tục đánh mất thị phần lại ngày càng lớn.
Thất thu thuế ở doanh nghiệp bán lẻ ngoại
- Cập nhật : 24/05/2017
Ước tính chiếm đến 50% thị phần bán lẻ tại VN, nhưng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn báo lỗ triền miên khiến tình trạng thất thu thuế ngày càng trầm trọng thêm.
10 năm, lỗ gần 2.000 tỉ đồng
Thị trường đang xôn xao khi các báo cáo tài chính thường niên giai đoạn 2007 - 2016 của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cho thấy Lotte Mart báo lỗ liên tục suốt 10 năm kinh doanh tại VN, ước tổng cộng gần 2.000 tỉ đồng. Năm 2016, Lotte Mart đạt doanh thu hơn 263 tỉ won (tương đương hơn 5.310 tỉ đồng), tăng gần 21,8% so với năm 2015, tăng 84% so với năm 2014 và gần 200% so với năm 2013, nhưng năm nào cũng lỗ. Ngay từ năm đầu hoạt động, Lotte Mart đã thua lỗ hơn 45 tỉ đồng; năm thứ hai (2008) mức lỗ vọt lên gần 153 tỉ đồng, đỉnh điểm là năm 2015 với mức lỗ hơn 533 tỉ đồng. Mới đây, năm 2016 Lotte báo lỗ gần 270 tỉ đồng. Tổng tài sản Lotte Mart tại VN đạt gần 9.500 tỉ đồng, nhưng nợ đã xấp xỉ mức 9.000 tỉ đồng.
Thị trường bán lẻ VN được dự báo có sức hút lớn với nhiều doanh nghiệp nên liên tục có những gương mặt mới tham gia... Vì vậy, việc báo lỗ của các đơn vị như Lotte Mart là một câu chuyện đáng ngờ
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
Hiện nay, trên thị trường VN đã xuất hiện hàng loạt tên tuổi bán lẻ đình đám thế giới như Lotte, Big C, MM Mega Market (trước là Metro), Circle K, B’smart, Family mart, Auchan… Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến hết năm 2016 các doanh nghiệp (DN) FDI đã chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị; 15% thị phần qua siêu thị mini và 50% thị phần qua các hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại...
Nhưng theo ước tính của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, các DN nước ngoài đang nắm giữ khoảng 50% thị phần bán lẻ nói chung tại VN, bởi mỗi điểm bán hàng của các DN FDI doanh thu có thể gấp 10 lần một điểm bán của DN trong nước. Trong năm 2016, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của VN đạt 2,67 triệu tỉ đồng thì ước một nửa thuộc về khối DN FDI. “Thị trường bán lẻ VN được dự báo có sức hút lớn với nhiều DN nên liên tục có những gương mặt mới tham gia, chẳng hạn mới đây là 7-Eleven; hay nhiều DN có mặt lâu năm duy trì mở rộng hệ thống. Vì vậy, việc báo lỗ của các đơn vị như Lotte Mart là một câu chuyện đáng ngờ”, ông Phú nói.
Ông Phú phân tích, hiện nay nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ không hề xuất hóa đơn cho khách hàng, chỉ khi nào khách hàng yêu cầu mới có. Điều này có thể giúp cho họ dễ dàng né thuế. Bên cạnh đó, với các siêu thị, trung tâm thương mại nếu muốn rút doanh số bán hàng giảm xuống cũng dễ dàng vì không ai quản lý trực tiếp.
“Ở Moscow (Nga) cách đây 19 năm, tôi đã thấy dù cửa hàng bán 1 bát phở cũng phải chuyển thông tin giao dịch về cục thuế, nếu không sẽ bị rút giấy phép đăng ký kinh doanh ngay. Các nước quản lý bằng kỹ thuật, công khai, còn ở VN ông bán 5 bát phở có khi chỉ nộp thuế 1 bát, còn ông bán 1 bát có khi nộp thuế nhiều hơn. Vì vậy nếu muốn tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài, thì phải công khai thuế và tiến tới các siêu thị, trung tâm thương mại lớn phải kết nối phần mềm bán hàng thường xuyên với cục thuế để kiểm soát doanh thu”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Thất thu thuế hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm
Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các cục thuế rà soát và tiến hành thanh tra DN FDI kinh doanh bán lẻ; trên cơ sở rà soát, đánh giá rủi ro để lựa chọn DN bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2017. Thời gian thanh tra trong 5 năm, từ 2012 - 2016 và sẽ thực hiện thanh tra các năm chưa được thanh kiểm tra thuế. Trước đó, Nghị định 20/2017 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1.5.2017 là một trong những nỗ lực nhằm chống chuyển giá.
Báo cáo “Các tác động của chính sách ưu đãi thuế và tình trạng tránh thuế của các DN FDI tại VN” do Tổ chức ActionAid VN và Hiệp hội Tư vấn thuế VN trong tháng 4 mới đây nêu rõ, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của VN giảm đáng kể từ 28% xuống còn 20% từ năm 2016. VN không công bố chi tiết về số tiền thuế bị mất thông qua ưu đãi thuế cho DN FDI, tuy nhiên các số liệu cho thấy ước tính số tiền mất đi do các DN FDI tránh thuế đã lên tới 20 triệu USD mỗi năm, chủ yếu thông qua hình thức chuyển giá.
Còn trong một điều tra toàn quốc của Tổng cục Thuế năm 2013 về tình trạng trốn thuế đã chỉ ra rằng có 83% DN FDI đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau nhằm giảm số tiền thuế phải nộp. Mức thất thu cho thấy còn nghiêm trọng hơn trong báo cáo Đánh giá chính sách ưu đãi thuế tại VN của Oxfam mới đây, khi chính sách ưu đãi thuế đã góp phần thu hút vốn FDI, tuy nhiên cũng đã làm giảm thu ngân sách khá lớn. Cụ thể, năm 2013, Chính phủ ước giảm thu ngân sách từ thuế TNDN là 2.080 tỉ đồng, năm 2014 là 2.500 tỉ đồng.
ActionAid VN nhận định, việc dùng các biện pháp ưu đãi thuế như cần câu FDI, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế là không mấy thành công, ngược lại còn làm xói mòn nguồn thu ngân sách. Ưu đãi thuế cho DN FDI không chỉ tạo điều kiện cho các công ty ngoại tránh thuế mà còn làm phát sinh các hoạt động trốn thuế bất hợp pháp. Chính sách thuế TNDN thấp và tình trạng DN FDI trốn thuế khiến Chính phủ mất đi hàng triệu USD đáng lẽ có thể chi cho các dịch vụ công, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO tại TP.HCM, cho rằng cụ thể từng trường hợp DN thua lỗ cần cơ quan thuế vào cuộc mới biết được mức độ, nguyên nhân thua lỗ, chi phí nào bất hợp lý. Một điều thường thấy là đa số DN ngoại có chiến lược kinh doanh chiếm thị phần, “lấy thịt đè người”, nên vẫn phát triển mạng lưới, mở rộng sản xuất kinh doanh, mà chưa xét ngay đến hiệu quả. Tuy nhiên, ông báo động chính sách thu hút vốn FDI là một trong những yếu tố tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng trong một thời gian khá dài, đặc biệt là các chính sách giảm thuế, ưu đãi tiền thuê đất đai. “Đây không chỉ là chính sách chung từ T.Ư, mà xuống đến các địa phương cũng có những ưu đãi riêng, khiến DN ngoại hưởng lợi lớn, hoạt động rất thuận lợi. Điều này bộc lộ sự không bình đẳng đối với DN tư nhân trong nước, gia tăng sức ép đối với DN nhỏ khi đi bên cạnh “ông lớn” FDI”, ông phân tích.
Ông Phạm Bình An đề xuất, cần nghiên cứu thêm những cách khác hiệu quả hơn trong thu hút vốn ngoại, quản lý chuyển giá; chứ hiện nay cơ quan thuế còn trông chờ vào việc “có lời mới thu được thuế”. Chẳng hạn ở Lào, cứ mỗi chai Coca Cola xuất xưởng đều được thu thuế 0,06 USD.
Đây là một trong những cách thức quản lý thuế mà VN cần tham khảo. “Điều quan trọng là cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thật sự, căn cơ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc DN FDI (chiếm đến 65% kim ngạch xuất nhập khẩu trong quý 1 năm nay), trong khi DN vừa và nhỏ thì đang teo tóp dần”, ông An nói.
Theo Oxfam, các tập đoàn đa quốc gia đã tránh thuế khoảng 100 tỉ USD hằng năm tại các nước đang phát triển, bao gồm cả VN. 90% các công ty lớn nhất trên thế giới đang mở các chi nhánh ít nhất tại một thiên đường thuế. Song song với các hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia, các nước đang phát triển đang thực hiện các ưu đãi thuế có hại, thậm chí giảm mức thuế TNDN xuống còn 0%. Để cân bằng thất thu từ thuế, các nước tăng các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, làm tăng gánh nặng thuế đối với những người yếu thế.
Hồng Sương - Mai Phương
Theo Thanhnien.vn