Việc siết cho vay ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp do chi phí vay vốn tăng lên.
Gian nan xuất khẩu thịt
- Cập nhật : 08/06/2017
Thịt heo sản xuất trong nước đã vượt nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu được xem là một giải pháp cấp bách. Nhưng việc xuất khẩu cũng không hề đơn giản, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Thú y phải đi trước
Kể về kinh nghiệm xuất khẩu heo sữa tại Hội nghị hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 7-6, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi cho hay, công ty của ông đã có 17 năm xuất khẩu chính ngạch heo sữa, heo choai sang các thị trường như Hồng Kông, Malaysia. Thời gian đầu, sản lượng xuất khẩu chỉ khoảng 1.000-2.000 tấn nhưng số lượng ngày càng tăng lên và 5 tháng đầu năm 2017, công ty đã xuất khẩu được 4.000 tấn thịt heo.
“Hiện nay, Thắng Lợi là thương hiệu mạnh tại thị trường Hồng Kông, Malaysia. Riêng tại Hồng Kong, chúng tôi chiếm tới 60% thị phần heo sữa”, ông Hoàng nói.
Tuy nhiên, để xuất khẩu được thịt heo, theo ông Hoàng, phải đảm bảo được hai vấn đề quan trọng nhất là an toàn dịch bệnh và điều kiện vệ sinh nhà máy.
Ông Hoàng kể về câu chuyện xương máu mà ông đã từng trải qua. Vài năm trước, Thắng Lợi đã tốn rất nhiều công sức để xúc tiến thương mại thịt heo sữa tại thị trường Singapore. Doanh nghiệp hai bên đã thống nhất hợp đồng mua bán nhưng khi đăng ký xuất khẩu thì phía thú y Singapre trả lời rất ngắn gọn: “Chúng tôi không xem xét hồ sơ của doanh nghiệp Việt Nam vì nước này còn dịch lở mồm long móng".
Theo đó, ông Hoàng cho rằng, không giống như các ngành hàng khác, riêng mặt hàng thịt gia cầm, thịt heo thì thú y phải là đơn vị đi trước để mở đường, xúc tiến thương mại. “Nếu không có sự thống nhất giữa thú y hai bên thì mọi hoạt động xúc tiến của doanh nghiệp đều là vô nghĩa", ông Hoàng nói.
Bên cạnh đó, về phía doanh nghiệp, nhà máy phải đảm bảo tiêu chuẩn rất cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ trang trại tới đóng gói bảo quản xuất khẩu. Phía doanh nghiệp nhập khẩu sẽ thường xuyên cử đoàn chuyên gia đầu ngành về giám sát hoạt động tại nhà máy. Vì vậy, doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị tiên tiến mới có thể đáp ứng được các yêu cầu này từ đối tác.
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho hay, để xuất khẩu thịt heo, doanh nghiệp phải xây dựng đề án sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ thức ăn, con giống, tới thương phẩm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp phải phối hợp với Cục Thú y để tìm khách hàng nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, yêu cầu xuất khẩu rất cao đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn. Theo đó, doanh nghiệp phải có có hệ thống dây chuyền khép kín, hệ thống bảo quản mát 2-6 độ C, hệ thống cấp đông nhiệt độ -45 đến -40 độ C, hệ thống kho bảo quản -20 độ C, khu giết mổ, chế biến…
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước có thể đáp ứng được yêu cầu này. Nhưng trước kia, giá heo còn cao thì rất ít doanh nghiệp nghĩ tới việc xuất khẩu thịt mà chủ yếu khai thác thị trường trong nước nên số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chỉ tính trên đầu ngón tay.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay thịt heo chủ yếu được xuất khẩu chính ngạch sang hai thị trường là Hồng Kông, Malaysia với hai loại sản phẩm là thịt heo sữa và thịt heo choai đông lạnh.
Cả nước, chỉ có 8 cơ sở giết mổ xuất khẩu, trong đó 6 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Hồng Kông và 2 cơ sở giết mổ xuất khẩu sang Malaysia.
Năm 2016 sản lượng thịt heo xuất khẩu chỉ đạt 11.000 tấn, trị giá 100 triệu đô la Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng xuất khẩu đạt 10.600 tấn, trị giá 46 triệu đô la Mỹ.
Thịt gia cầm mới được sản xuất và tiêu thụ trong nước, chưa có sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thịt gà đã qua chế biến sang Nhật Bản là Công ty TNHH Koyu & Unitek và Công ty TNHH CP Việt Nam.
Vùng chăn nuôi an toàn... thiếu vốn
Tại hội nghị, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều thừa nhận việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là không hề đơn giản, đặc biệt là công tác quản lý dịch bệnh cho các sản phẩm thịt.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, các tỉnh trọng điểm chăn nuôi heo có nhiều cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen, chưa hình thành các vành đai an toàn dịch bệnh cũng như chuỗi sản xuất thịt heo có kiểm soát theo hình thức khép kín.
Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh heo tại Thái Bình, Nam Định từ tháng 2-2015 nhưng các địa phương không có kinh phí để triển khai. Đây là một nghịch lý, theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, các tỉnh mong muốn xuất khẩu nhưng lại không muốn bỏ một đồng nào cho công tác thú y. Trong khi đó ở nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan, họ dành tới 4.000 tỉ đồng cho công tác thú y mỗi năm.
Do đó, hiện nay Việt Nam chưa có vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận.
Cơ sở giết mổ heo chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, không có hệ thống sơ chế, chế biến sâu, bảo quản sản phẩm để xuất khẩu.
Đáng chú ý, cuối năm 2014, Đoàn thanh tra của Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) sang Việt Nam để đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với 8 cơ sở giết mổ heo và các trang trại chăn nuôi chuyên cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ tại các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, TPHCM.
Tuy nhiên cả 8 cơ sở giết mổ đều không đạt yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Cục Thú y đã tổ chức hướng dẫn cho các công ty khắc phục lỗi mà đoàn thanh tra nêu nhưng các công ty chưa thực hiện việc này.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp lớn trong ngành như Dabaco, CP, DTK, Ba Huân đều mong muốn sẽ học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp xuất khẩu, đầu tư trang thiết bị để có thể xuất khẩu sản phẩm thịt trong thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều mong muốn Bộ NN&PTNT hỗ trợ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và coi đây là điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu được thịt trong thời gian tới.
Thùy Dung/TBKTSG