Đó là đề nghị chuyển tới Bộ Công thương về dự thảo nghị định mới điều chỉnh việc kinh doanh, xuất khẩu gạo. Nhiều ý kiến cho rằng nghị định mới vẫn chưa đủ mạnh, chi tiết để hạn chế tình cảnh hạt gạo mất giá, “vô danh”…
Giá dầu thế giới liệu có đi lên sau một quý đi xuống?
- Cập nhật : 29/04/2017
Theo nhiều chuyên gia, hoạt động khai thác gia tăng ở Mỹ sẽ làm tăng sản lượng "vàng đen" của nước này và tác động đến nỗ lực cắt giảm sản lượng của các quốc gia sản xuất dầu mỏ. Giới phân tích dự báo giá dầu rất khó vượt quá được ngưỡng 60 USD/thùng trong năm 2017.
Thị trường dầu mỏ thế giới trong ba tháng đầu năm nay đã ghi nhận một quý “ảm đạm” khi mối lo ngại về tình trạng dư cung vẫn “ám ảnh” thị trường này. Tính chung cả quý I/2017, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WIT) giảm lần lượt 7% và 5,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2015.
Nỗi lo về tình trạng dư cung...
Trong phiên giao dịch ngày 21/3, giá dầu WTI đã giảm xuống 47,34 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016, trong bối cảnh lượng dầu dự trữ cao kỷ lục ở Mỹ. Theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô ở Mỹ, nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, tăng 5 triệu thùng lên mức cao kỷ lục 533 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/3.
Lượng dầu dự trữ của Mỹ ngày càng đầy lên làm dấy lên những lo ngại rằng mức tăng cầu đối với mặt hàng này có thể chưa đủ để giải quyết tình trạng dư cung trên toàn cầu, bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Inc công bố báo cáo hàng tuần cho hay lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 24/2 đã tăng thêm 5 giàn so với tuần trước đó, lên 602 giàn khoan - mức cao nhất kể từ tháng 10/2015. Đây là một dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn đang đẩy mạnh sản xuất nhằm tận dụng cơ hội giá "vàng đen" đang phục hồi.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu thô của nước này năm 2017 có thể tăng 110.000 thùng/ngày, trái ngược với dự báo giảm 80.000 thùng/ngày đưa ra trước đó. Theo nhiều chuyên gia, hoạt động khai thác "vàng đen" gia tăng ở Mỹ sẽ làm tăng sản lượng dầu của nước này và tác động xấu đến nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy Nga chưa thực hiện “tối đa” cam kết theo thỏa thuận nhằm hạn chế sản lượng khai thác để giảm tình trạng dư dôi trên thị trường.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Nga, sản lượng khai thác dầu mỏ trong tháng Hai vừa qua của nước này không thay đổi so với mức 11,11 triệu thùng/ngày trong tháng Một, tương ứng với mức cắt giảm khai thác 100.000 thùng/ngày, hay chỉ tương đương 1/3 mức cam kết cắt giảm của Moskva.
Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, các nước thành viên OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trong sáu tháng kể từ ngày 1/1/2017 nhằm vực dậy giá dầu và làm giảm tình trạng dư cung. Nga và 10 quốc gia không phải thành viên OPEC hồi đầu tháng 12/2016 đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 600.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định cho tới nay, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do mức độ tuân thủ của các bên tham gia chưa thật đồng đều và do một số nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác, nhất là Mỹ, tiếp tục gia tăng sản lượng.
Trong bối cảnh này, Tổng thư ký OPEC Mohammad Sanusi Barkindo vẫn bày tỏ tin tưởng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu sẽ giúp thị trường "vàng đen" phục hồi.
Theo ông Barkindo, việc phối hợp hành động chung đã đặt OPEC và các nước sản xuất dầu khác vào vị trí chủ động, chứ không còn phải bị động ứng phó với những diễn biến trên thị trường dầu mỏ. Dự kiến, OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào tháng Năm và sẽ bàn thảo về việc liệu có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
...dầu có vượt 55-60 USD/thùng?
Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, song một số chuyên gia vẫn nghi ngờ về đà phục hồi bền vững của giá dầu thô thế giới. Nhiều nhà phân tích cho rằng giá dầu rất khó trở lại được mức kỷ lục 115 USD/ thùng được lập vào mùa Hè năm 2014 và giá dầu năm 2017 có thể sẽ không vượt quá được ngưỡng 60 USD/thùng.
Các nhà phân tích của J.P. Morgan dự báo giá dầu trong năm 2017 là 53,75 USD/thùng đối với dầu WTI và 55,75 USD/thùng đối với dầu Brent. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá dầu thế giới có thể tăng lên 55 USD/thùng trong năm 2017.
Lạc quan hơn, ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ) dự báo rằng giá dầu Brent sẽ ở mức 57,75 USD/thùng trong năm 2017. Thậm chí, Goldman Sachs (Mỹ) còn dự báo giá dầu Brent sẽ vọt lên 59 USD/thùng vào giữa năm 2017, một khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng được thực thi đầy đủ.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC có phát huy hiệu quả và tác dụng hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc thực thi cam kết của các thành viên. Và ngay kể cả khi OPEC quyết tâm theo đuổi thoả thuận này, thị trường vẫn tồn tại những yếu tố ngoài tầm kiểm soát.
Chính những yếu tố này sẽ hạn chế những tác động về giá của OPEC. Theo phân tích của Société Générale, việc giảm sản lượng của OPEC sẽ có ảnh hưởng rất khiêm tốn đến nguồn cung dầu mỏ năm 2017.
Thêm vào đó, nguồn cung trên thị trường “vàng đen” vẫn khá cao bất chấp động thái cắt giảm sản lượng của OPEC, một phần do sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng 6,5% kể từ giữa năm 2016 lên 8,98 triệu thùng/ngày.
Giới đầu tư cho rằng việc sản lượng dầu khí đá phiến tăng cao tại Mỹ và nguồn cung tăng từ Nigeria và Libya, hai nước được miễn trừ thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, sẽ gây bất lợi cho nỗ lực cắt sản lượng của khối OPEC.
Hơn nữa, trong trường hợp giá dầu tiếp tục tăng cao sẽ tạo động lực cho các nhà khai thác dầu khí đá phiến tại Mỹ tăng cường sản xuất. Một khi giá dầu tăng, các nhà sản xuất tại Mỹ sẽ tăng sản lượng và khi những doanh nghiệp này mở rộng khai thác tăng nguồn cung cấp dầu khí đá phiến, giá dầu sẽ tự động điều chỉnh xuống mức thấp hơn.
Theo các chuyên gia của Oxford Economics, nhu cầu dầu thô trên toàn cầu hiện thời là thấp, do đó việc cắt giảm nguồn cung cũng không thể đẩy giá dầu qua ngưỡng 60 USD/thùng, ít nhất là cho đến cuối năm 2018.
Về dài hạn, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định mặc dù hiện nay thế giới đang dư thừa nguồn cung dầu mỏ, song nguồn cung sẽ tăng chậm lại sau năm 2020 và đẩy giá dầu lên mức cao hơn.
TTXVN/Tin Tức