Giá vàng lên cao nhất gần một năm, vượt 1.250 USD/ounce
Giá dầu hồi phục bất chấp lượng dầu lưu kho tăng
Giá đồng giảm
Giá vàng có thể lên đến 1.400 USD/ounce?
Có nhiều bằng chứng cho thấy giá dầu sẽ tăng vì cung giảm
- Cập nhật : 10/05/2017
Mùa cao điểm về nhiên liệu sắp tới, cùng với cam kết của Nga về duy trì việc cắt giảm sản lượng tới năm 2018, sẽ tạo động lực cho giá dầu.
Viết trên trang MarketWatch, cựu chuyên gia môi giới Thomas H. Kee của Morgan Stanley bình luận: "Ước tính của chúng tôi là dự trữ dầu dự trữ sẽ giảm khoảng 50 triệu thùng trong năm nay nếu thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC được kéo dài. Và mọi tín hiệu đều cho thấy nó sẽ được kéo dài ít nhất là đến cuối năm 2017".
Theo ôn Kee, hiện là CEO kiêm chủ tịch của công ty chứng khoán Stock Traders Daily, đà giảm dự trữ dầu đã xảy ra, nhưng không phải là tại Mỹ hoặc ở các nước OECD, những nơi mà dự trữ đã tăng lên kể từ năm ngoái. Khi việc giảm dự trữ bắt đầu ảnh hưởng đến nguồn cung dầu trong nước, cảm giác của thị trường sẽ rất khác so với gần đây.
Dự trữ dầu tại các nước OECD, màu đỏ là dự trữ trung bình trong giai đoạn 2012-2016. Vùng màu tím là biên độ dao động giai đoạn 2012-2016. Đường nét đứt là dự trữ năm 2016, màu đen là dự trữ năm 2017. Ảnh: Market Watch.
Những nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho đến nay đều nhằm giảm bớt nguồn cung dầu. Tuy nhiên, những nỗ lực đó chỉ diễn ra trong lúc nhu cầu dầu thấp do yếu tố mùa vụ. Giá trị gia tăng của việc cắt giảm sản lượng không được thể hiện rõ ràng trong thời kỳ nhu cầu thấp, nhưng nó sẽ sớm phát huy trong mùa nhu cầu năng lượng lên cao điểm.
Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ là nơi cuối cùng mà sự cắt giảm sảnlượng của OPEC được nhận thấy nhiều nhất. Mỹ đã luôn là nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh thời gian qua, nhưng các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu dầu mỏ đang gia tăng trong những năm tới, bất chấp đà gia tăng sản xuất nhanh chóng gần đây. Và các dự án khai thác lớn có thể đáp ứng sự tăng trưởng nhu cầu dự kiến đã bị hoãn lại, vì sự suy giảm giá dầu so với giá hòa vốn của các dự án này
Điều này đặt ra quan ngại cho nguồn cung dầu trong hiện tại và trong tương lai.
Chúng ta có thể phản biện rằng, sự suy giảm gần đây của dầu mỏ là do quan ngại rằng Nga sẽ không tham gia vào thỏa thuận gia hạn việc cắt giảm sản lượng. Nhưng giờ đây, Nga không chỉ lên tiếng ủng hộ việc gia hạn, mà còn hòa giọng với Arab Saudi về việc gia hạn thỏa thuận này hơn sáu tháng. Nếu thị trường biết điều này từ hai tuần trước, thì lẽ ra giá dầu hiện nay sẽ cao hơn đáng kể. Sự chậm trễ trong thông tin đã mang tới sự lo lắng về một thị trường sắp phải đối mặt với tình trạng thâm hụt.
Theo logic, nếu OPEC không gia hạn thỏa thuận , giá dầu sẽ đi xuống, nhưng nếu thỏa thuận có nhiều khả năng được gia hạn như hiện nay, thì xem ra triển vọng khá lạc quan cho giá dầu.
Theo số liệu của OPEC, vốn khá ăn khớp với dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), dự trữ dầu đã tăng khoảng 400.000 thùng/ngày trong quý I và khoảng 900.000 thùng/ngày trong quý 2. Đây là giai đoạn nhu cầu năng lượng thấp do yếu tố mùa vụ.
Do dữ liệu được đưa ra hàng tuần và dự trữ dầu thường tăng vào nửa đầu năm, vì vậy rất dễ nói rằng những nỗ lực của OPEC không làm giảm trữ lượng, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Nỗ lực của OPEC đã làm giảm đáng kể lượng dự trữ dầu. Ví dụ, vào năm 2016, nguồn cung tăng nhiều hơn 1,3 triệu thùng / ngày so với mức của năm 2017.
Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 6, mô hình của Kee cho thấy rằng thị trường sẽ bị thiếu hụt dầu, khi mức cầu được dự đoán sẽ vượt cung, và tình trạng này sẽ diễn ra cho đến hết năm. Ước tính của Kee cho thấy các kho dự trữ dầu toàn cầu sẽ giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày trong quý 3 và 500.000 thùng/ngày trong quý 4 nếu OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Điều đó có thể làm cho các kho dự trữ toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng trong năm 2017, nhưng chỉ có thể nhận thấy rõ ràng điều này theo số liệu vào nửa sau của năm nay.
Cho tới gần đây, giá dầu giảm là vì nhu cầu thấp do yếu tố mùa vụ, cộng thêm nghi ngại rằng Nga có thể không tham gia thỏa thuận gia hạn sản lượng. Tuy nhiên, Nga cuối cùng đã lên tiếng ủng hộ, Arab Saudi và Nga đang đồng thanh về việc kéo dài thỏa thuận hơn 6 tháng nữa, và việc thị trường dầu rơi vào tình thâm hụt là có thể dự báo trước được. Nhưng giá dầu vẫn còn đó một ẩn số và một chất xúc tác dài hạn. Ẩn số sẽ là thuế biên giới mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đưa ra, và chất xúc tác dài hạn là tình trạng thiếu các dự án mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng trên toàn cầu trong những năm tới.
Tuần trước, tâm lý lạc quan về giá dầu mỏ lẽ ra đã được duy trì nếu Nga xác nhận mối quan tâm đến việc tham gia mở rộng sản xuất cách đây hai tuần. Tuy nhiên, theo Kee thì đà tăng của giá dầu trong 2017 và xa hơn nữa sẽ không thay đổi.
Bá Ước
Theo nhipcaudautu.vn