Thị trường M&A Việt Nam đang dần chuyển mình khi nhiều doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Thế Giới Di Động, Kido... sẵn sàng chi tiền để thâu tóm các công ty trong và ngoài nước.
Nguyên nhân nào khiến xuất khẩu Việt Nam khó 'khá' lên được?
- Cập nhật : 28/04/2017
Theo TS. Đinh Tuấn Minh, việc chỉ tập trung xuất khẩu vào một số thị trường lớn trong khi cầu nhập khẩu các thị trường này có xu hướng giảm là một trong những "nút thắt" hiện nay của kim ngạch xuất khẩu.
Tăng trưởng trông chờ xuất khẩu
Bình luận về bức tranh kinh tế 3 tháng đầu năm, TS. Đinh Tuấn Minh cho rằng, với kế hoạch cắt giảm khai thác dầu thô và những dấu hiệu kém khả quan ở khu vực công nghiệp trong quý 1/2017, có thể nói mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất khó đạt được.
Theo vị chuyên gia này, để cải thiện sức khỏe của nền kinh tế, thách thức chủ yếu của nền kinh tế sẽ làm thế nào để tiếp tục khuyến khích được đầu tư từ khu vực tư nhân và đẩy mạnh xuất khẩu.
“Ảnh hưởng của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế đối với ta rất lớn. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhập của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI. Ngay quý I có thể thấy, Samsung họ có trục trặc trong sản xuất là ảnh hưởng ngay đến GDP", ông Minh nói.
Tuy nhiên, khu vực FDI dù đóng góp rất lớn trong kim ngạch xuất của cả nước song không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Chưa kể khu vực này không chắc chắn, dễ bị tác động bởi tình hình thế giới. Do vậy theo TS. Đinh Tuấn Minh, không còn cách nào khác phải đẩy mạnh hơn nữa vào động lực tăng trưởng mới và bền vững - đó là khu vực tư nhân trong nước.
Theo ông Minh, xuất khẩu được đánh giá là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, những biến động về chính trị và kinh tế thế giới trong những năm vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2016, xuất khẩu hàng hóa đang có xu hướng tăng chậm dần, giảm từ mức tăng 34,2% năm 2011 xuống chỉ còn 7,9% năm 2015 và 8,6% năm 2016.
"Bắt mạch" nguyên nhân xuất khẩu tăng trưởng chậm
TS. Đinh Tuấn Minh cho biết để lý giải xu hướng vì sao xuất khẩu tăng chậm dần trong các năm trở lại đây, nhóm nghiên cứu thị trường của Market Intello đã phân tích kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2016.
Từ báo cáo phân tích này, ông Đinh Tuấn Minh cho biết đã tìm ra một số nguyên nhân cơ bản khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm. Trước hết, đó là vì xuất khẩu Việt Nam ngày càng tập trung vào thị trường lớn.
"Việc tập trung vào chủ yếu một số thị trường như vậy có mức độ rủi ro cao. Việc khai thác thêm nữa cũng là rất khó khăn. Vì họ cũng chỉ nhập đến một ngưỡng nào đó thôi sẽ bão hoà", ông Minh nói.
Theo số liệu hải quan, các thị trường lớn nhất theo giá trị xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hong Kong, Malaixia, Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Anh, và Australia.
Châu Á là khu vực xuất khẩu chính của Việt Nam với tỷ trọng 49,4% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015, trong đó Trung Quốc và ASEAN vẫn là các đối tác chính. Năm 2016, trong khi tăng trưởng xuất khẩu cả nước là 8,6%, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ đã lần lượt tăng tới 26,5% và 14,5%.
Mức độ tập trung xuất khẩu vào các thị trường chính gần như không thay đổi thậm chí là có phần tăng cao trong những năm vừa qua. Những dấu hiệu này cũng cho thấy nhiều khó khăn trong thực hiện định hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, theo ông Đinh Tuấn Minh, những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng suy giảm dần. Điều này cho thấy việc tiếp tục gia tăng xuất khẩu ở những thị trường này là vô cùng khó khăn.
Số liệu ước tính cho thấy kim ngạch nhập khẩu thị trường Trung Quốc đối với toàn thế giới suy giảm khoảng 14% trong năm 2015 so với năm trước và rơi vào vùng thị trường suy thoái. Cũng nằm trong xu thế suy giảm, kim ngạch nhập khẩu Hoa Kỳ giảm với tỷ lệ 4,3% trong năm 2015.
Một điểm cần đề cập nữa theo ông Minh, đó là sự mất cân đối giữa khu vực trong nước và FDI trong vấn đề xuất khẩu. Khu vực kinh tế trong nước dường như chưa chú trọng vào đẩy mạnh đầu tư xuất khẩu. Khả năng tăng trưởng dài hạn là rất xa vời nếu không cải thiện được điều này.
Cũng theo TS. Minh, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đa phần nằm trong các nhóm hàng có cầu tiêu dùng lớn, tuy nhiên một số mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn gặp khó khăn trong tăng trưởng xuất khẩu. Việc tìm ra mặt hàng mới để thúc đẩy là rất quan trọng.
"Nhìn vào số liệu mới đấy cho thấy, xuất khẩu rau quả tăng trưởng rất nhanh, vượt nhiều ngành khác. Đây là ngành có triển vọng tốt. Nếu chúng ta có những chính sách đầu tư tốt, chuyển đổi cây trồng, đầu tư công nghệ cao... vào lĩnh vực này thì sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới", ông Minh nhận định.
N.MẠNH
Theo Bizlive.vn