Giá cà phê gần đây tăng mạnh, song một số nhà phân tích vẫn chưa lạc quan về triển vọng thị trường trong thời gian tới, mặc dù nhiều dự báo thị trường đang chuyển sang thiếu hụt.
Thép Trung Quốc sang VN 'lẩn tránh thuế'
- Cập nhật : 25/04/2017
Sản xuất trong nước dư thừa, lượng nhập khẩu gia tăng... nhưng vẫn có nhiều dự án mới đề xuất làm thép khiến các doanh nghiệp lo lắng.
“Bẫy” xuất xứ
Tháng 1.2017, Ủy ban Châu Âu khẳng định thép ống không gỉ của Trung Quốc đại lục và Đài Loan và một loại thép ống thép hàn đối đỉnh đang được bán phá giá tại châu Âu. Các sản phẩm thép nhập từ Trung Quốc đại lục sẽ bị đánh thuế từ 30,7 - 64,9%, trong khi các sản phẩm của Đài Loan sẽ phải đối mặt với mức thuế từ 5,1 - 12,1%. Trước đó, Mỹ cũng đã áp mức thuế chống bán phá giá (CBPG) lên đến 266% nhằm vào một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục.
Cuối năm 2016, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất thép tại Mỹ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế CBPG và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (thép mạ) nhập khẩu từ VN. Lý do sau khi tiến hành điều tra CBPG và chống trợ cấp đối với cùng chủng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc và một số quốc gia, lượng xuất khẩu của Trung Quốc đối với sản phẩm này sang Mỹ giảm đi rõ rệt nhưng lượng xuất khẩu sản phẩm này từ VN sang Mỹ lại tăng đột biến. Do nghi ngại thép Trung Quốc tuồn sang VN để xuất sang Mỹ nên nguyên đơn đã yêu cầu khởi xướng điều tra và yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này ở mức bằng với mức thuế đối với sản phẩm từ Trung Quốc. Các công ty thép Mỹ cáo buộc những DN Trung Quốc đưa thép qua VN và có một số thao tác gia công để biến các sản phẩm này từ “Made in China” thành “Made in Vietnam”.
Thực tế tại VN, thời gian qua lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc liên tục gia tăng và nhiều DN nước này đã và đang mở rộng đầu tư tại VN. Mới đây nhất, thông tin DN sản xuất thép không gỉ lớn nhất Trung Quốc là TsingShan Iron & Steel và Yongjin Metal phối hợp xin đầu tư dự án sản xuất thép không gỉ có công suất 300.000 tấn/năm tại Đồng Nai, loại thép mà VN đang áp thuế CBPG đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia và Indonesia cũng khiến thị trường nội địa lo ngại bởi nguồn cung hiện đã quá dư thừa. Nhất là DN này có tiền sử gây ra vấn đề về môi trường tại Trung Quốc nên theo các chuyên gia, các cấp có thẩm quyền phải thẩm định hết sức chặt chẽ trước khi cấp phép.
Theo các chuyên gia, việc một số DN Trung Quốc chạy sang đầu tư nhà xưởng để sản xuất ở VN là nhằm 2 mục tiêu: tránh thuế CBPG của VN đồng thời tránh thuế CBPG khi xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác. Điều này sẽ chặn đứng cơ hội xuất khẩu của các DN thép nội khi nguồn cung trong nước bị dư thừa.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc luyện kim VN - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, nhận định rất nhiều vụ kiện về thép của VN diễn ra thời gian qua là do các nước nghi ngờ hàng Trung Quốc lấy xuất xứ từ VN để tránh bị đánh thuế tự vệ. Vì vậy VN cần thận trọng để không rơi vào bẫy xuất xứ vì hàng hóa của các nước xung quanh.
Không khuyến khích sản xuất thép
Số liệu thống kê từ Hội Đúc luyện kim VN cho biết để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 m3 nước thải độc hại. Bên cạnh đó, trong nước thải sản xuất thép có chứa hỗn hợp kim loại nặng rất cao, rất nguy hại đến môi trường sống. Ngoài ra, lượng khí thải ra từ việc sản xuất 1 tấn thép thô có 2,3 tấn khí CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại... Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa a xít, cùng với bụi kim loại, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng trong khu vực.
Mới đây, thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng về dự án thép Hoa Sen Cà Ná đã nêu rõ các cơ quan cần tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường đề xác định quy mô công suất và thời điểm phát triển dự án hợp lý.
Đặc biệt, trong thời gian qua ngành công nghiệp thép của Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn vì dư thừa nguồn cung nghiêm trọng. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chương trình cắt giảm công suất dư thừa thông qua việc khuyến khích sáp nhập, đóng cửa các nhà máy có thiết bị lỗi thời với mục đích bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, nhiều nhà máy thép của nước này sẽ tìm cách chuyển sang VN.
TS Bùi Trinh phân tích lượng phát thải CO2 bình quân cho một đơn vị sản phẩm cuối cùng của Trung Quốc cao hơn VN khoảng 26%. Hầu hết các ngành Trung Quốc có lượng phát thải CO2 cao hơn VN, trừ ngành xây dựng. Do vậy, khi thu hút dự án có vốn đầu tư Trung Quốc, cần phải kiểm tra quy trình xử lý chất thải nghiêm ngặt. Bởi từ năm 2012, Trung Quốc đã thay đổi quy trình công nghệ để môi trường sạch hơn trong khi VN không có nhiều thay đổi. Điều này dẫn đến nguy cơ công nghệ lạc hậu sẽ đưa về VN, khiến lượng chất thải trên một đơn vị sản phẩm ở VN tăng cao ở mức đáng lo ngại.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại Trung Quốc quá thừa công suất về thép nên nguy cơ những nhà máy có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu bị đẩy sang các nước lân cận, trong đó có VN đang xảy ra. Do đó, các dự án sản xuất thép từ nước này cần phải có sự đánh giá rất kỹ về công nghệ, giải pháp xử lý chất thải... Đồng thời việc giám sát, đánh giá tác động môi trường các dự án thép phải hết sức thận trọng.
Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8.2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, nêu rõ thời gian qua ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thủ tướng yêu cầu bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội. Việc thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm...
Mai Phương
Theo Thanhnien.vn