Các nhà phân tích nhận định niềm tin của giới đầu tư đối với vàng, vốn được coi là "nơi trú ẩn an toàn," sẽ ngày càng giảm trong năm tới, và giá vàng có thể tụt xuống dưới ngưỡng 1.000 USD/ounce vào tháng 3/2016.
Ai đủ sức vực dậy giá dầu?
- Cập nhật : 25/01/2016
(Tai chinh)
Giá dầu đang rơi thảm hại và chưa có dấu hiệu trở lại thời vàng son trong vài năm tới.
Nhiều quốc gia, ngay cả Saudi Arabia cũng chấp nhận thắt lưng buộc bụng chống chịu giá dầu giảm mạnh. Ảnh: MOHAMMED AL-SHAIKH
Dù hai phiên cuối tuần tăng mạnh trong bối cảnh giá dầu thế giới rớt thê thảm trong suốt một năm rưỡi qua nhưng chưa có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy thị trường dầu khởi sắc trung và dài hạn.
Cầu và giá giảm mạnh nhưng cung sẽ còn tăng
“Tại sao giá dầu giảm?” là một câu hỏi phức tạp. Tuy nhiên ở góc độ kinh tế học, nó được giải thích đơn giản - sự chênh lệch cung-cầu trên thị trường. Với sự ra đời của công nghệ khai thác dầu đá phiến, nguồn cung dầu của Mỹ tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài năm qua, cắt giảm lượng nhập khẩu khổng lồ. Những nhà xuất khẩu Ả Rập, Nigeria, Algeria bị bít cửa thị trường Mỹ đột ngột, phải chuyển sang cạnh tranh tại thị trường châu Á với mức giá dầu đã bị giảm đáng kể. Các tay đua xuất khẩu dầu khác như Canada, Iraq, thậm chí là Nga với những khó khăn về kinh tế cũng ra sức gia tăng lượng cung nhanh chóng.
Dù việc giá dầu rơi kinh hoàng khiến hoạt động thăm dò, khai thác và sản xuất tại Mỹ và một vài nước xuất khẩu dầu bị chậm lại, thậm chí là dừng. Tuy nhiên, tại vùng vịnh nước sâu Mexico và Canada, giá dầu rơi không đủ làm tổn thương các giàn khoan với quy mô lớn, hiện đại ngày càng mọc dày đặc. Thậm chí tại biển Bắc, ngành khai thác và sản xuất dầu khí tăng mạnh nhất kể từ năm 1999.
Nói một cách dễ hiểu, không ít quốc gia vẫn quyết định bán dầu ở mức giá trên dưới 30 USD vì họ vẫn có lời hoặc cầm cự được chờ giá lên, trong khi nếu ngừng hoạt động hẳn thì tổn thất có thể cao hơn. Theo dự báo dựa trên kế hoạch sản xuất dầu năm 2016 của Saudi Arabia, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga, các nước châu Á và khu vực biển Bắc, thậm chí Iran trong bối cảnh Mỹ gia tăng lệnh trừng phạt lên ngành sản xuất năng lượng, nguồn cung dồi dào sẽ tiếp tục cao hơn nhiều so với nguồn cầu trong năm 2016.
Nguồn cung tăng liên tục trong bối cảnh kinh tế châu Âu tăng trưởng ì ạch, thiết bị công nghệ lại ngày càng hiện đại nên tiết kiệm năng lượng đến mức tối đa. Các nền kinh tế lớn ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc(TQ) gặp tình trạng “bão hòa” tương đối trong sản xuất, chuyển định hướng từ ngành kinh tế xuất khẩu sang trọng tâm tiêu dùng cũng khiến lượng cầu thu hẹp. Tình trạng này sẽ khó có thể khởi sắc trong vòng một vài năm tới. Đó là lý do có người cho rằng giá dầu chưa có dấu hiệu hồi phục như thời vàng son trong vài năm sắp tới.
Ai đủ sức cứu giá dầu?
Giá dầu rớt thảm, không khó hình dung là túi tiền của những quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ như Venezuela, Nigeria, Ecuador, Brazil và Nga sẽ xẹp đáng kể, thậm chí có thể dẫn đến những hệ lụy bất ổn chính trị. Các bang sản xuất dầu mỏ lớn tại Mỹ như Alaska, North Dakota, Texas, Oklahoma, Louisiana cũng gánh chịu những thiệt hại về kinh tế. Ngân hàng Thế giới ước tính việc giảm giá dầu như hiện nay có thể khiến các nước xuất khẩu dầu giảm 0,8%-2,5% GDP.
Giá dầu có lúc được dự báo sẽ còn xuống thấp hơn 20 USD/thùng trong bối cảnh cung vượt cầu quá nhiều, tuy nhiên trang Daily Times bình luận không có dấu hiệu Saudi Arabia sẽ tìm cách can thiệp thị trường để giải cứu giá dầu. Dù họ phải cắt giảm các khoản chi tiêu, phúc lợi nhưng can thiệp thị trường là điều khó xảy ra dù viễn cảnh giá dầu có đen đến mức nào. Các chuyên gia đánh giá những nhà sản xuất dầu khí tại Saudi Arabia - một cường quốc dầu mỏ có khả năng ảnh hưởng thị trường, đừng mong rằng chính quyền nước này sẽ can thiệp.
Trước đây, Saudi Arabia nói riêng và OPEC nói chung có khả năng cắt giảm và điều chỉnh nguồn cung nhằm tạo ra sức ảnh hưởng về giá. Mặt khác, dầu mỏ càng trở nên quan trọng nhờ nền kinh tế trong xuất khẩu khổng lồ của TQ và những rủi ro về an ninh năng lượng khi bất ổn Trung Đông kéo dài. Tuy nhiên, hiện nay sức mạnh chi phối của OPEC không còn được như vậy, một phần vì kinh tế TQ “chảy máu”, bão hòa xuất khẩu; một phần nguồn cung hiện nay vẫn còn hàng tá nhà cung cấp lớn sẵn sàng thay thế vị trí OPEC.
Tại một số quốc gia Mỹ Latin như Brazil, Colombia, Mexico, chính phủ có xu hướng “tiếp sức” giá dầu trong trường hợp kịch bản giá dầu rớt thấp hơn 20 USD/thùng. Điển hình như Mexico hỗ trợ xuất khẩu với mức giá trung bình 49 USD/thùng trong năm nay. Tuy nhiên, số tiền mà chính phủ phải bỏ ra là không phải nhỏ. Điển hình như hãng Bloomberg thông tin việc giải cứu công ty dầu khí Petrobras sẽ khiến chính phủ Brazil hao tốn đến 21 tỉ USD.
Câu hỏi “ai cứu giá dầu” trong bối cảnh các nhà cung cấp bắt tay làm giá có lẽ sẽ có ý nghĩa hơn so với bối cảnh hiện nay: Giá giảm do chênh lệch cung cầu trên thị trường. Khi nguồn cung vừa cao hơn quá nhiều so với nhu cầu; sự phân bố nguồn cung dầu khí đa dạng tại nhiều quốc gia châu Á, Âu lẫn châu Mỹ, sẽ khó có ai đủ sức thao túng để bẻ cong quy luật thị trường như OPEC từng tấn công Mỹ giai đoạn 1973. Người vực dậy giá dầu trong dài hạn chỉ có thể là “bàn tay vô hình” của thị trường.
Giá dầu giảm cũng khó vực dậy kinh tế
Các nhóm nước có thu nhập thấp và nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ; hay nhiều quốc gia châu Âu vốn phụ thuộc khí đốt để sưởi ấm vào mùa đông sẽ gặp nhiều thuận lợi khi giá dầu “mất phanh”. Ví dụ, việc giá xăng dầu giảm giúp mỗi hộ gia đình người dân Mỹ có thể tiết kiệm trung bình khoảng 700 USD chi phí nhiên liệu vào năm ngoái. Lượng tiền này có thể đổ vào đầu tư, kích cầu tăng trưởng kinh tế.