Scotland rục rịch trưng cầu dân ý tách khỏi Anh
Vạch trần ‘bản đồng thuận 10 điểm’ của Trung Quốc
Vì sao Anh không thể ngay lập tức rời EU
Putin và chuyến thăm Trung Quốc trước thềm phán quyết 'đường lưỡi bò'
Tên lửa Triều Tiên có thể vượt tầm phòng thủ của Hàn Quốc
Vì sao Thái Lan đột ngột hoãn mua tàu ngầm Trung Quốc
- Cập nhật : 03/08/2015
(Thế giới)
Bộ quốc phòng Thái Lan ngày 15/7 đã bất ngờ tuyên bố hoãn thương vụ mua ba tàu ngầm Trung Quốc trị giá hơn một tỷ USD, trong động thái được tin là có sự tác động từ Washington.
Theo Xinhua, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Thái Lan, tướng Prawit Wongsuwan đã đề nghị tư lệnh hải quân nước này, đô đốc Kraisorn Chansuvanit, cần xem lại kế hoạch mua ba tàu ngầm Trung Quốc. Và bản kế hoạch mua sắm sẽ không được đệ trình lên nội các để thông qua vào thời điểm này.
Cụ thể, ông Prawit cho rằng hải quân cần tính tới "cảm nhận của công chúng" về kế hoạch mua sắm tàu ngầm. Ngoài ra "mức độ phù hợp và hiệu quả chi phí" của những tàu ngầm Trung Quốc này vẫn cần phải được xem xét. "Đây là vấn đề bên hải quân chưa nghiên cứu kỹ lưỡng", ông Prawit cho hay.
Trước đó, một ủy ban mua sắm khí tài gồm 17 thành viên của hải quân Thái Lan đã tới tham quan các nhà máy đóng tàu ngầm tại nhiều quốc gia, gồm Đức, Thụy Điển, Pháp, Hàn Quốc và Trung Quốc, đô đốc Kraisorn tiết lộ.
Lo ngại tiến quá gần Bắc Kinh
Hải quân Thái Lan từ lâu đã muốn mua sắm tàu ngầm để sở hữu năng lực phòng thủ mà họ vẫn còn thiếu suốt hơn 60 năm qua, sau khi Thế chiến II kết thúc. Nhu cầu càng trở nên cấp thiết những năm gần đây, khi nhiều nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Singpore, Việt Nam, Indonesia đều đã sở hữu tàu ngầm.
Ngay từ những năm 1990, nước này đã mong muốn ký kết thỏa thuận với nhiều đối tác, mà gần đây nhất là Đức và Hàn Quốc, nhưng vấn đề chi phí cũng như sự khác biệt quan điểm trong nội bộ khiến kế hoạch chưa thể thực hiện.
"Việc mua sắm đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các chính trị gia và các nhà hoạt động Thái Lan, khi nhiều người bày tỏ hoài nghi về việc nước này thực sự có cần tàu ngầm. Họ cũng cho rằng số tiền đó có lẽ tốt hơn nên dành cho các ưu tiên cấp bách khác như thúc đẩy nền kinh tế", Diplomatcho biết.
Đây có lẽ là hàm ý đằng sau đề nghị phải tính tới "cảm nhận của công chúng" mà Bộ trưởng Prawit nêu ra đối với lãnh đạo hải quân.
Nhưng có lẽ còn một lí do sâu kín hơn mà giới chức Thái Lan không tiện công bố, đó là lo ngại Bangkok đang "tiến lại quá gần" với Bắc Kinh.
"Mối quan hệ của Thái Lan với Trung Quốc mạnh mẽ và có vẻ như Bắc Kinh ngày càng tăng cường mối quan hệ với quân đội Thái Lan, mỗi khi Washington lạnh nhạt", Ernest Bower và Murray Hiebert, chuyên gia Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), cho biết và thêm rằng "quan hệ Thái-Mỹ đang băng giá".
Kế hoạch mua tàu ngầm thậm chí còn khiến giới chuyên gia quân sự Thái Lan cho rằng "đáng báo động". "Xích lại gần Trung Quốc là điều dễ hiểu và thậm chí cần thiết, nhưng mua tàu ngầm từ người Trung Quốc lại là điều đáng báo động hơn nhiều, khi những nhà cung cấp như Đức hay Thụy Điển có vẻ hợp lý hơn", Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu an ninh quốc tế, Đại học Chulalongkorn tại Bangkok, nhận định. Ông cho rằng thương vụ tàu ngầm đẩy "trò chơi địa chính trị lên một tầm báo động mới".
Ông cũng lưu ý rằng Bắc Kinh đã có sự ủng hộ rất lớn với quân đội Thái Lan năm 2006 và 2014, thời điểm diễn ra hai cuộc đảo chính ở nước này, trong khi các nước phương Tây không hài lòng với cách xử lý cuộc khủng hoảng ở Thái Lan.
Tờ Bangkok Post dẫn lời quan chức cấp cao trong hải quân cho biết, dự án tàu ngầm bị trì hoãn một phần do những chỉ trích nhằm vào việc Thái Lan bàn giao 109 người Duy Ngô Nhĩ cho giới chức Bắc Kinh. Phía hải quân và Bộ quốc phòng Thái Lan lo ngại các nhà hoạt động và công luận nước này sẽ nổi giận sau vụ việc, khiến kế hoạch mua sắm bị đổ bể.
Năm ngoái, 109 người di cư Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Thái Lan và khẳng định họ là người Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường trở về nhà. Tuy nhiên, giới chức Thái Lan sau đó đã trục xuất họ về lại Trung Quốc hôm 9/7.
Nhân tố Mỹ
Bên cạnh lí do lo ngại dư luận trong nước, một số học giả Trung Quốc tin rằng Thái Lan không muốn làm tổn hại tới quan hệ đồng minh khăng khít truyền thống với Mỹ.
Phát biểu trên tờ Global Times ngày 17/7, ông Li Haidong, một giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Mỹ là một yếu tố quan trọng trong quyết định của Thái Lan, dù "có thể không phải là lớn nhất".
"Rõ ràng Mỹ không muốn thấy sự hợp tác gần gũi hơn nữa giữa Trung Quốc và Thái Lan, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng", ông Li nói. Chuyên gia này cũng cho biết thêm từ góc độ quan hệ đối ngoại, hoàn toàn có thể hiểu và dự đoán được việc Thái Lan xem quan hệ với Mỹ là một ưu tiên ngoại giao rất quan trọng.
IBTimes cho rằng một thỏa thuận mua sắm tàu ngầm với Trung Quốc, và xa hơn là hợp tác quân sự giữa Bangkok và Bắc Kinh, có khả năng làm tổn hại chiến lược "xoay trục" của hải quân Mỹ trong khu vực.
Thái Lan là một đồng minh trọng yếu của lực lượng Mỹ, và là nhân tố trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Lầu Năm Góc, vốn dựa nhiều vào các đồng minh trong khu vực để làm công cụ duy trì hòa bình.
Tuy vậy, mối quan hệ này đang gặp trở ngại sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, khiến thủ tướng Yingluck Shinawatra phải ra đi, và tướng Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền. Bộ ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự miễn cưỡng trong hợp tác với ông Prayuth, khi cho rằng ông liên quan tới việc vi phạm nhân quyền cũng như các vụ lạm dụng quyền lực khác.
Sau cuộc đảo chính, Mỹ đã hủy cuộc tập trận quân sự thường niên, có tên Hổ Mang Vàng, với Thái Lan hồi năm ngoái, trước khi nối lại cuộc diễn tập trong năm nay.
"Mỹ đang tỏ ra lạnh nhạt với chính quyền quân sự, rõ ràng nhất là trong cuộc diễn tập Hổ Mang Vàng", Martin Sebastian, giám đốc Trung tâm an ninh hàng hải và ngoại giao, tại Viện hàng hải Malaysia nhận định trênDefense News.
Hiện chưa rõ chính quyền thủ tướng Prayuth Chan-o-cha sẽ đi bước tiếp theo ra sao với thương vụ tàu ngầm. Có thể việc mua sắm vẫn sẽ diễn ra một khi những tiếng nói phản đối lắng xuống hoặc "nhận thức của công chúng" được nâng lên như đề xuất của Bộ trưởng Prawit.
Một số ý kiến tin rằng lựa chọn trên đơn giản là một cách để Bangkok "nắn gân" Mỹ, và nghi ngờ thương vụ sẽ thành công.
Cũng có khả năng đây là cơ hội để quân đội Thái Lan suy tính một cách toàn diện hơn. "Việc lựa chọn tàu ngầm Trung Quốc khiến nhiều nhà quan sát không khỏi ngạc nhiên, nhất là khi xét tới tầm quan trọng của thương vụ, thiên hướng chọn thiết bị phương Tây của Thái Lan, cũng như những hoài nghi lâu nay về tính ổn định của tàu ngầm Trung Quốc", Diplomat nhận định.