Mỹ, Ấn Độ sắp đạt thỏa thuận chung về hậu cần quân sự
Bầu cử Mỹ: Hillary trước cơ hội quyết đấu Trump
Trung Quốc ủng hộ LHQ trừng phạt Triều Tiên
ASEAN phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo
IS đánh bom ở Baghdad, 70 người chết
Tin thế giới đọc nhanh trưa 29-02-2016
- Cập nhật : 29/02/2016
Thị trưởng Indonesia: "Bùng phát" trẻ đồng tính do mì gói, sữa công thức (?)
Thị trưởng một thành phố lớn của Indonesia vừa gây bão dư luận với phát ngôn mì ăn liền và sữa công thức làm trẻ em chuyển thành “gay” (đồng tính).
Thị trưởng thành phố Tangerang Arief R Wismansyah đưa ra phát ngôn lạ lùng trên trong một hội thảo về mang thai trong thành phố nằm ở phía tây thủ đô Jakarta này hồi đầu tuần qua.
“Để tạo ra một thế hệ trẻ em Indonesia thông minh, khỏe mạnh và năng động, điều quan trọng là ngay từ đầu phải cung cấp cho trẻ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là nguồn sữa mẹ” – ông Wismansyah nói.
Vị thị trưởng còn khẳng định rằng việc nuôi con ngày nay phụ thuộc nặng vào sữa hộp và các sản phẩm ăn sẵn tương tự khác là do các bậc cha mẹ quá bận rộn. “Thế nên không khó giải thích là gần đây cộng đồng LGBT(người đồng tính) lại đông đảo hơn” – ông Wismansyah nói thêm với những lời lẽ buộc tội vô lý các sản phẩm sữa công thức và mì gói.
Phát ngôn gây sửng sốt của ông Wismansyah xuất hiện không bao lâu sau khi một chính trị gia khác của đất nước vạn đảo cũng bị chỉ trích gay gắt vì so sánh phong trào của cộng đồng LGBT có tiềm năng gây nguy hiểm như một cuộc chiến hạt nhân. Vị chính trị gia này chính là Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu. Ông này nói rằng phong trào của cộng đồng LGBT nhằm kêu gọi sự công bằng lớn hơn với cộng đồng của mình ở Indonesia đang đẩy đất nước vào nguy hiểm.
“Phong trào LGBT nguy hiểm vì chúng ta không thể thấy rõ ai là kẻ thù, nhưng người ta lại bị tẩy não. Nay cộng đồng LGBT đang đòi hỏi thêm tự do, đó thực sự là điều nguy hiểm”- ông Ryacudu nhấn mạnh.
Hồi đầu năm nay, một bộ trưởng khác của Indonesia còn kêu gọi cấm các sinh viên của cộng đồng LGBT đến trường!
Philippines không "đôi co" với Trung Quốc về biển Đông
Thay vì khẩu chiến với Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở biển Đông, Philippines quyết định chờ phán quyết từ Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan.
Ông Herminio Coloma Jr., Thư ký Văn phòng truyền thông của tổng thống Philippines, khẳng định đây là thời điểm “không thích hợp để đôi co với các bên liên quan (chỉ Trung Quốc) trong khi chờ đợi phán quyết từ PCA”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó cáo buộc Philippines khiêu khích chính trị bằng vụ kiện nước này ra PCA. Ông Vương cho rằng hành động của Manila là vô trách nhiệm với người dân Philippines và tương lai của đất nước.
Phản ứng lại chỉ trích nói trên, ông Coloma nói chính phủ Philippines tôn trọng sự độc lập của tiến trình do tòa án đang thực hiện. “Chúng tôi cho là không phù hợp để tham gia cuộc tranh luận trong khi chúng tôi đang chờ đợi kết quả của bản kiến nghị gửi lên tòa án” – ông Coloma cho biết.
Ông Coloma Jr. tuyên bố không tranh cãi với Trung Quốc trước khi có quyết định của tòa án. Ảnh: MetroCebu News
Philippines đã yêu cầu PCA đứng ra phân xử vụ kiện Trung Quốc vi phạm chủ quyền ở biển Đông bằng yêu sách lãnh thổ phi lý và vô căn cứ. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chịu tham gia phiên tòa, đồng thời kêu gọi Philippines “giải quyết song phương”. PCA dự kiến đưa ra quyết định trong tháng 5.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III từng đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế bằng việc tuân thủ các phán quyết của PCA. Trong chuyến thăm gần đây tới Mỹ, ông Aquino cảnh báo về sự hỗn loạn trong khu vực nếu Trung Quốc không chấp hành quyết định của tòa án.
Ông giải thích rằng Philippines muốn giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp và nguyên tắc bình đẳng. “Đất nước của tôi sẽ chấp nhận tất cả phán quyết của Tòa Trọng tài và chúng tôi hy vọng hàng xóm của mình – người luôn miệng khẳng định tôn trọng luật pháp quốc tế - cũng sẽ làm như vậy” – Tổng thống Aquino nói.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong tháng này từng kêu gọi tìm kiếm biện pháp để buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của PCA, nếu không sẽ phải trả giá.
Bà Clinton thắng lớn trước ngày “siêu thứ ba”
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 27-2 giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ Bernie Sanders tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ ở bang Nam Carolina.
Chiến thắng này giúp bà Hillary Clinton củng cố vị thế ứng viên tổng thốngsáng giá nhất của đảng Dân chủ, đồng thời xoa dịu nỗi đau thất bại trước đối thủ Barack Obama cũng tại bang này 8 năm về trước.
Trong khi đó, ông Sanders ngậm ngùi rời khỏi bang Nam Carolina trước khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vì biết đã thua cuộc và dành sức cho một loạt cuộc bỏ phiếu quan trọng kế tiếp trong ngày “siêu thứ ba” (1-3 tới).
“Chiến dịch này chỉ mới bắt đầu. Cuộc cách mạng chính trị của chúng tôi đang phát triển ở từng bang và chúng tôi sẽ không ngừng lại” – ông Sanders tuyên bố và cam kết “sẽ chiến đấu mạnh mẽ”.
Ngoài cử tri da màu, bà Clinton còn thu hút sự ủng hộ của phụ nữ và cử tri trên 30 tuổi, theo các cuộc thăm dò mới nhất. Còn ông Sanders tiếp tục làm tốt vai trò tạo thiện cảm với những cử tri trẻ và độc lập.
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ đến từ bang Vermont này – nơi có khoảng 1% dân số là người da màu – lại không thiết lập được mối quan hệ sâu rộng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi giống như bà Clinton đã làm.
Tại bang Nam Carolina, ông Sanders đầu tư khá mạnh tay bằng cách triển khai 200 nhân viên và cho quảng cáo dày đặc trên truyền hình. Nhưng không may cho ông là cứ mỗi 10 cử tri đi bỏ phiếu ở bang này thì có tới 6 người da màu và 70% số người được trung tâm nghiên cứu Edison Research hỏi đã nói rằng họ muốn tân tổng thống Mỹ tiếp tục theo đuổi các chính sách của ông Obama.
Tuần trước, tại cuộc bỏ phiếu ở bang Nevada, bà Clinton cũng giành chiến thắng ông Sanders. Đây được đánh giá là chiến thắng quan trọng khiến thượng nghị sĩ Vermont “mất đà” trong các cuộc bỏ phiếu kế tiếp.
Hãng tin AP nhận định trong các cuộc bỏ phiếu vào “siêu thứ ba” tới, bà Clinton nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng tương tự tại các bang Georgia, Alabama, Tennessee và Virginia, những nơi cộng đồng thiểu số tập trung đông đảo.
Lúc này, ông Sanders hy vọng sẽ bám đuổi đối thủ của mình ở miền Nam trong khi tập trung hầu hết sự chú ý vào các bang ở miền Trung Tây và Đông Bắc, bao gồm Vermont. Với kết quả hôm 27-2, bà Clinton nhận được ít nhất 31 phiếu đại cử tri, còn ông Sanders được 12 phiếu.
Ngày 1-3 tới, sẽ có 865 phiếu đại cử tri dành cho 2 ứng viên trên trong cuộc bầu cử tại 11 bang và lãnh thổ Samoa của Mỹ.
Bên phía đảng Cộng hòa, ứng viên hàng đầu Donald Trump đang tích cực vận động tranh cử ở bang Arkansas với sự hậu thuẫn của Thống đốc bang New Jersey Chris Christie, ứng viên Cộng hòa trước đó rời bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng sau kết quả đáng thất vọng.
Các ứng viên đảng Cộng hòa cũng đối đầu gay gắt trong một loạt cuộc bầu cử trong ngày"siêu thứ ba" tại 11 bang.
Hòn đảo bí ẩn nhất Địa Trung Hải
Montecristo, hòn đảo đẹp như tranh vẽ ở Địa Trung Hải, được đồn là nơi cất giữ kho báu giá trị nhiều thập kỷ qua. Vấn đề là không phải ai cũng có điều kiện chiêm ngưỡng vẻ đẹp làm say đắm lòng người của hòn đảo, nói gì đến việc tìm kiếm kho báu “tin đồn” ở đó.
Chỉ tối đa 1.000 du khách được phép đến hòn đảo của Ý này mỗi năm. Để đến được đó, họ còn phải chờ khoảng 3 năm mới được cấp thị thực. Tuy nhiên, chuyện tìm thấy kho báu trên đó, nếu có, dường như là điều không tưởng bởi hoạt động khai quật bị cấm triệt để. Những yếu tố nói trên khiến Montecristo được mệnh danh là hòn đảo bí ẩn nhất Địa Trung Hải.
Đảo Montecristo nằm ở biển Tyrrhenus và là một phần của quần đảo Tuscan. Người Hy Lạp gọi đảo này bằng cái tên cổ là Oglasa hoặc Ocrasia sau khi phát hiện các loại đá ở đây có màu vàng nhạt. Trong khi người La Mã gọi hòn đảo này là Mons Jovis và lập đền thờ cho thần Optimus Maximus trên ngọn núi cao nhất, nơi một số dấu vết của nó vẫn còn tồn tại đến giờ.
Cái tên Montecristo trở nên nổi tiếng hơn sau khi nhà văn Alexandre Dumas đưa vào quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Bá tước Monte Cristo” những truyền thuyết về kho báu bị bọn cướp biển chôn giấu ở đó. Tin đồn đầu tiên về kho báu bắt đầu lan truyền từ thế kỷ XIII khi tu viện St. Mamilian trên hòn đảo này bỗng dưng... giàu có. Tu viện được thành lập vào thế kỷ thứ VII và nhà nguyện được xây dựng trong hang động. Qua thời gian, tu viện tích lũy được tài sản khổng lồ nhờ sự đóng góp của những gia đình quý tộc. Một số người tin rằng tên hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ Oruç Reis, được biết đến là Barbarossa ở phương Tây (tiếng Ý nghĩa là “râu đỏ”), đã cất giấu kho báu trên đảo vào thế kỷ XVI sau khi thực hiện trót lọt nhiều vụ cướp tàu buôn.
Trước thời của Oruç Reis, một hải tặc tên Dragut cũng được cho là đã chôn kho báu ở đó. Tên này đã xông vào tu viện năm 1553, bắt các tu sĩ làm nô lệ và đóng cửa nơi này. Có lẽ y đã phát hiện của cải ở tu viện, đồng thời nhận ra đây là nơi lý tưởng để cất kho báu. Năm 1860, Vương quốc Ý sáp nhập Montecristo nhưng đến năm 1889 đã nhượng lại cho Hầu tước Ginori, người biến nó thành khu bảo tồn. Đến năm 1971, hòn đảo lại thuộc về sự quản lý của nhà chức trách Ý và hiện là một phần của Vườn Quốc gia quần đảo Tuscan. Cách duy nhất đến thăm Montecristo là đặt tour tham quan công viên quốc gia này.
Cựu tổng công tố viên bị bắt, gây chấn động Macau
Hà Siêu Minh (Ho Chio-meng), cựu trưởng công tố Macau, bị bắt tối qua, trong vụ việc gây chấn động thành phố. Ảnh: SCMP
Theo SCMP, cựu trưởng công tố Hà bị bắt vì thủ đoạn nghi là tham nhũng hàng triệu USD, liên quan đến những khoản lại quả để đổi lấy các hợp đồng xây dựng béo bở trị giá tới 20 triệu USD. Ông này bị bắt tối qua khi đang lên phà tới Hong Kong.
Uỷ ban Chống Tham nhũng (CCAC) cho hay các quan chức cấp cao của Văn phòng Công tố (MP) cũng đang bị điều tra. Macau Daily Times dẫn thông cáo chính thức của uỷ ban cho biết "tính tổng cộng, các nghị phạm có thể đã bỏ túi ít nhất 44 triệu MOP (5,5 triệu USD)" tiền lại quả. Những người liên quan bị cấm rời Macau và đình chỉ vai trò công tác.
Ông Hà cũng là cựu quan chức cấp cao của Uỷ ban Chống Tham nhũng và từng được cho là có khả năng trở thành lãnh đạo thành phố.
Đội điều tra do Andre Cheong dẫn đầu cho biết các cựu nhân viên MP và các quản lý công ty tham gia giao dịch bị nghi gian lận, tham gia kinh doanh trái phép, lạm quyền và giả mạo.
Ông Hà làm trưởng công tố viên từ năm 1999 đến 2014, khi ông bị thay thế trong cuộc cải tổ toàn diện nội các chính quyền Macau. Thời điểm này trùng với giai đoạn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường chống tham nhũng ở thành phố.
Uỷ ban cho biết họ nhận được lời khiếu nại hồi năm ngoái và bắt đầu xem xét một số cựu quan chức công tố hàng đầu. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra.
Đây là bê bối tham nhũng lớn nhất ở Macau kể từ khi Ao Man-long, cựu bộ trưởng giao thông và các công trình công cộng bị kết án 28 năm rưỡi tù năm 2009.