Quân đội Nga đã đánh dấu sự trở lại ấn tượng trong năm qua bằng các nỗ lực hiện đại hóa và hành động can thiệp quân sự ở nước ngoài.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 25-12-2015
- Cập nhật : 25/12/2015
Anh, Mỹ cảnh báo nguy cơ tấn công ở Bắc Kinh
Cảnh sát có vũ trang tuần tra trước một trung tâm mua sắm lớn ở khu Sanlitun tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Ngày 24-12, đại sứ quán các nước Anh và Mỹ tại Bắc Kinh ra cảnh báo về nguy cơ tấn công nhắm vào người phương Tây ở thủ đô Trung Quốc trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới này.
Theo AFP, chính quyền London và Washington kêu gọi cảnh giác trước nguy cơ bạo lực tại khu mua sắm đông đúc Sanlitun ở Bắc Kinh. Hồi tháng 8, một người Trung Quốc đã dùng kiếm chém một người đàn ông Pháp và người vợ Trung Quốc của ông này tại Sanlitun. Nạn nhân nữ sau đó thiệt mạng.
Đại sứ quán Anh và Mỹ đều cho biết công dân nước mình ở Bắc Kinh phải cẩn trọng tối đa. Phía London khẳng định đã nhận được tin tình báo về một số mối đe dọa nhắm vào người phương Tây. Đại sứ quán Pháp cũng chuyển cảnh báo của Mỹ tới các công dân Pháp ở Bắc Kinh.
Trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều bức ảnh chụp lực lượng cảnh sát dày đặc ở trước một trung tâm mua sắm lớn tại Sanlitun. Một số bức ảnh cho thấy an ninh Trung Quốc được trang bị súng trường tuần tra bên ngoài một tòa nhà trung tâm mua sắm khác.
Cơ quan công an Bắc Kinh cũng phát cảnh báo vàng, có nghĩa là chính quyền có thông tin về một mối nguy cơ đáng kể đối với an ninh chung, có thể là xuất phát từ thiên tai hoặc vấn đề về trật tự xã hội. Cảnh báo này sẽ được duy trì dến đầu năm mới.
Những vụ tấn công lớn hiếm khi xảy ra ở Bắc Kinh. Hồi tháng 10-2013, năm người thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi một chiếc xe hơi lao vào đám đông ở quảng trường Thiên An Môn. Chính quyền Trung Quốc khẳng định đây là một vụ tấn công khủng bố, do người Uighur từ Tân Cương thực hiện.
8 chỉ huy IS ở Iraq bị tiêu diệt
"Các máy bay F-16 tiêu diệt hàng chục tên khủng bố, trong đó có 8 chỉ huy cấp cao của Daesh trong các cuộc không kích ở Hawija và Anbar", đài truyền hình nhà nước Iraq dẫn thông cáo của quân đội cho biết, đề cập đến tên gọi khác của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Lực lượng vũ trang Iraq hôm 22/12 bắt đầu tấn công nhằm đánh bật phiến quân (IS) khỏi Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, vốn bị chiếm hồi tháng 5. Thành phố Hawija cách Baghdad 210 km về phía bắc.
Sau những đợt không kích dữ dội của chiến đấu cơ Mỹ, quân đội, cảnh sát Iraq phối hợp với dân quân người Sunni bắt đầu áp sát trung tâm thành phố. Các quan chức Iraq mô tả đây là một cuộc tấn công trong môi trường tác chiến đô thị khốc liệt, nơi các binh sĩ Iraq phải đối mặt với bom xe, hỏa lực bắn tỉa và các loại bẫy nổ. Quân đội Iraq trước đó ước tính khoảng 300 tay súng IS cố thủ bên trong khu vực trung tâm Ramadi.
"Những ngày tới sẽ được thông báo tin tốt về việc giải phóng hoàn toàn Ramadi", Iraqia TV dẫn lời Tham mưu trưởng quân đội Iraq Othman al-Ghanemi hôm qua nói. Quân chính phủ hiện tập trung vào quận cuối cùng phiến quân chiếm đóng ở Ramadi.
Nhật Bản thông qua ngân sách quốc phòng lớn nhất lịch sử
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe duyệt Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JDSF) tại căn cứ không quân Hyakuri ở Omitama, đông bắc Tokyo, tháng 10/2014. Ảnh:Reuters.
Nội các Nhật Bản thông qua khoản chi 5.050 tỷ yen (41,8 tỷ USD) cho quốc phòng trong năm tài chính tiếp theo, bắt đầu từ tháng 4, AFP đưa tin. Theo đó, Tokyo sẽ tập trung vào tăng cường bảo vệ cho loạt đảo phía nam trải dài từ đất liền đến các vùng biển gần đảo Đài Loan.
Khoản chi trên được phân bổ từ ngân sách quốc gia dự tính cao kỷ lục 96.700 tỷ yen, sẽ được trình lên quốc hội Nhật Bản để thảo luận và thông qua vào đầu năm 2016.
Ngân sách quốc phòng 2016 cao hơn 1,5% so với mức chi trong năm tài chính hiện tại, cũng cao kỷ lục, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp Nhật Bản tăng chi quốc phòng.
Xu hướng này cho thấy Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tìm cách xây dựng một lực lượng phòng vệ tích cực hơn và hợp tác với Mỹ, đồng minh lớn nhất, đồng thời đề phòng khả năng căng thẳng với Trung Quốc leo thang.
Thủ tướng Abe tháng 9 thúc đẩy đưa các dự luật an ninh thành luật, cho phép binh sĩ Nhật Bản có thể tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên sau 70 năm. "Chúng tôi hy vọng bước tiến mới nhất sẽ đóng góp thêm vào sự hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản", một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với báo giới.
Tuy nhiên, quan chức này khẳng định ngân sách quốc phòng cao kỷ lục, đề xuất từ tháng 8, không phản ánh luật an ninh mới. Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu nếu luật an ninh mới đòi hỏi cần có ngân sách lớn hơn trong những năm tới.
Nước cờ khôn ngoan của Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng người đồng cấp Armenia Seyran Ohanyan đã ký thỏa thuận thành lập hệ thống phòng không chung trong khu vực ở Caucasus, bên cạnh thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 2016, hôm 23-12.
Tổng Tư lệnh Lực lượng Không gian vũ trụ Nga, Trung tướng Pavel Kurachenko, ước tính hệ thống phòng không khu vực nêu trên bao gồm 19 đơn vị hàng không, 47 đơn vị tên lửa phòng không, 19 đơn vị kỹ thuật vô tuyến điện và 3 tiểu đoàn tác chiến điện tử riêng biệt.
Động thái này có liên quan đến vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, theo nhận định của cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Phòng không Nga, Trung tướng Alexander Luzan. “Ngày nay, không quân đóng vai trò chính trong chiến đấu. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và máy bay Mỹ cũng đang hiện diện ở các sân bay Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc này cần phải có một hệ thống an toàn hơn để bảo vệ không phận và điều đó đòi hỏi những nỗ lực chung” - Trung tướng Luzan nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Nga đã củng cố lực lượng ở Armenia bằng cách đưa 6 trực thăng tấn công Mi-24P và trực thăng vận tải Mi-8MT hiện đại đến căn cứ Erebuni hôm 21-12. Hai tuần trước, Nga cũng triển khai 7 chiếc trực thăng Mi-24 và Mi-8MT đến căn cứ này. Các nhiệm vụ liên quan đến số trực thăng này sẽ bắt đầu vào quý I/2016, theo Bộ Quốc phòng Nga.
Nằm cách thủ đô Yerevan - Armenia 12 km về phía Tây Nam, căn cứ Erebuni đã được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và máy bay tiêm kích đa năng MiG-29 từ trước. Nga còn có một căn cứ khác tại Gyumri, gần biên giới Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một thỏa thuận liên chính phủ, quân đội Nga sẽ ở lại Armenia tới năm 2044 với số lượng nhân viên quân sự tại 2 căn cứ Erebuni và 102 ở Gyumri khoảng 4.000-5.000 người.
Công ty tình báo toàn cầu Stratfor (Mỹ) nhận định Nga đã đi một nước cờ địa chính trị khôn ngoan khi ký thỏa thuận thiết lập hệ thống tên lửa phòng không chung với Armenia, qua đó giúp Tổng thống Vladimir Putin bắn 1 mũi tên trúng 2 đích.
Trước hết, Moscow củng cố được vị trí của mình tại miền Nam Caucasus cũng như tăng cường an ninh biên giới trước nguy cơ phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng xâm nhập Nga thông qua các cộng hòa Hồi giáo ở miền Nam nước này. “Moscow đang muốn theo dõi sát sao biên giới phía Nam trong khi đẩy mạnh can dự vào cuộc chiến ở Syria. Sự hiện diện quân sự ở Armenia, quốc gia kề cận khu vực Trung Đông, rất thích hợp để Nga đạt được mục đích này” - Stratfor khẳng định.
Cái đích thứ hai, hệ thống phòng không chung với Armenia giúp Nga đối phó với việc NATO thúc đẩy hoạt động quân sự ở Đông Âu, gần biên giới Nga, đồng thời làm đảo lộn tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Ngoài Armenia, theo trang Sputnik, Nga còn đang hợp tác với Kyrgyzstan và Tajikistan để thành lập các hệ thống phòng không tương tự. Trước đó, Nga đã ký hợp đồng thành lập hệ thống phòng không chung với Kazakhstan vào năm 2013, trong khi các hệ thống phòng không của Nga và Belarus đã được hợp nhất.
"Lệnh ngừng bắn không ngăn được Nga tiếp tục không kích ở Syria"
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov khẳng định, Moscow sẽ không ngừng các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở Syria ngay cả khi lệnh ngừng bắn được thông qua.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Nga Interfax, ông Bogdanov giải thích,lệnh ngừng bắn "diễn ra giữa các phe phái trong cuộc xung đột bên trong Syria", và điều đó "không có nghĩa là chấm dứt cuộc chiến chống IS và các nhóm khủng bố khác".
Trái lại, ông này tuyên bố, Nga sẽ tăng cường độ các cuộc không kích nhằm vào IS ở Syria.
Tuyên bố trên được ông Bogdanov đưa ra trong bối cảnh Mỹ, Nga và các quốc gia Trung Đông đang thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài hơn 4 năm ở Syria, đưa chính phủ và lực lượng đối lập ở nước này tới bàn đàm phán.
Ông Bogdanov cũng bác bỏ báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng các hành động quân sự của Nga ở Syria là "tội ác chiến tranh". Theo ông, bản báo cáo đó chứa các "thông tin sai lệch" và "khuôn sáo".