Cho đến nay, lãnh đạo các quốc gia thành viên EU vẫn chưa đạt đồng thuận để đưa ra một chiến lược chung đầy tham vọng.
Tin thế giới đọc nhanh 26-12-2015
- Cập nhật : 26/12/2015
Ukraine áp lệnh cấm vận thương mại với Nga
Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua luật cấm vấn thương mại với Nga. Đây là đòn đáp trả với Nga về việc họ hủy bỏ hiệp định tự do thương mại với Ukraine vừa qua.
Theo Russia Today, thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk, người khởi xướng luật này cho biết lệnh cấm vận thương mại với Nga sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2016, cũng là thời điểm Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU chính thức có hiệu lực.
Ông Yatsenyuk nói: “Trong ba năm qua, chúng ta đã giảm tỉ lệ phụ thuộc xuất khẩu sang Nga tới ba lần. Ba năm trước khối lượng hàng xuất khẩu của Ukraine sang Nga chiếm 35%, nhưng hiện chỉ có 12%. Chúng ta sẽ bảo vệ thị trường trong nước”.
Từ mùa thu 2015, Ukraine đã bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. Danh sách trừng phạt của Ukraine liệt kê 29 ngân hàng Nga, hơn 20 hãng bay Nga, nhiều doanh nghiệp quốc phòng và hãng phần mềm bảo mật Kaspersky Lab.
Mối quan hệ giữa Kiev và Nga tiếp tục xấu thêm trong tháng 12 khi hai bên không đạt được nhất trí với phần nội dung kinh tế trong Hiệp định liên kết giữa Ukraine và Liên minh châu Âu.
Giữa tháng 12, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dừng thỏa thuận tự do thương mại với Ukraine kể từ ngày 1-1-2016. Ông Putin nói việc Kiev mở cửa biên giới với EU đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới những lợi ích cũng như an ninh kinh tế của Nga.
Matxcơva lo ngại nếu không có một rào cản thương mại giữa Nga và Ukraine, Ukraine có thể tuồn lậu hàng hóa của EU vốn bị cấm vận vào thị trường Nga.
Trong các cuộc thương thuyết với những đại diện của Ukraine và EU, quan điểm của Nga là Ukraine không thể cùng lúc tham gia hai hiệp định tự do thương mại của hai khối, vừa của EU vừa của các nước CIS.
Theo Bộ trưởng phát triển kinh tế Nga Aleksey Ulyukayev, lệnh cấm vận thực phẩm với Ukraine của Nga không liên quan gì tới những đàm phán thất bại về hiệp định tự do thương mại. Đó là phản ứng của Nga với việc Ukraine đã tham gia ủng hộ các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và EU đã áp lên Nga hồi tháng 8 năm nay.
Mỹ chi 11 triệu USD mỗi ngày để diệt IS
Tỷ lệ phần trăm chi phí dành cho chiến dịch liên quan đến IS ở Iraq và Syria. Đồ hoạ: WashingtonPost
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố hôm 21/12, trung bình cơ quan này chi 11 triệu USD/ngày cho chiến dịch trong khoảng thời gian từ 9/2014 đến cuối tháng trước.
Washington Post dẫn thông cáo cho biết hơn một nửa khoản tiền 5,36 tỷ USD dành cho các chiến dịch trên không diễn ra mỗi ngày, và 1,26 tỷ USD dành cho "đạn dược". Hầu hết phần còn lại dành cho hoạt động "hỗ trợ nhiệm vụ" như hậu cầu, tiền lương quân đội.
Tính đến ngày 16/12, liên minh chống Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện tổng cộng 8.912 cuộc không kích, trong đó hai phần ba là ở Iraq, còn lại là Syria. Đa số cuộc không kích ở cả hai nước do máy bay Mỹ thực hiện.
Một nghiên cứu ước tính tổng chi phí của các cuộc chiến tranh do Mỹ thực hiện tính đến năm 2014 ở Iraq, Afghanistan và Pakistan là 4,4 nghìn tỷ và con số này vẫn đang được tiếp tục tính toán. Nghiên cứu do Viện Watson Institute of International and Public Affairs, Đại học Brown thực hiện.
Người gốc Việt bị cảnh sát Mỹ bắn được bồi thường 11 triệu USD
Hung Lam (ngồi xe lăn) trả lời báo chí tại văn phòng luật sư đại diện ở Oakland, California, Mỹ, hôm 22/12. Ảnh: Mercurynews
Theo đơn kiện nộp lên tòa án thành phố San Jose, bang California, hôm 3/1/2014, cảnh sát được gọi đến nhà riêng của Hung Lam sau khi có thông tin rằng ông đang có ý định tự sát.
Một tay ông cầm điện thoại, tay kia cầm dao dí vào bụng mình. Một người hàng xóm đã cố gắng thuyết phục Lam bình tĩnh.
Ngay khi nữ sĩ quan Dondi West có mặt, bà lao đến chỗ ông Lam và hét lên, yêu cầu ông "bỏ dao xuống" và "nằm xuống sàn". Tuy nhiên, ông Lam vẫn tranh cãi với người hàng xóm và không để tâm đến viên cảnh sát.
Khi tiến tới cách ông khoảng 5 mét, bà West đã nã hai phát đạn vào lưng của ông Lam, làm tổn thương động mạch chủ, phổi và thận của nạn nhân. Dù đã được cấp tốc đưa đến bệnh viện và trải qua phẫu thuật, ông Lam vẫn bị liệt vĩnh viễn cả hai chân.
Trong đơn khiếu nại, Lam khẳng định khi vụ việc xảy ra, ông chỉ đang cầm dao dọa tự chém mình. Một người hàng xóm cũng xác nhận ông không đe dọa gì nữ cảnh sát.
Sau phiên xét xử dài 3 tuần, hôm 22/12, bồi thẩm đoàn liên bang kết luận rằng bà West đã phản ứng sai lầm trong cuộc đối đầu và phải chịu hầu hết trách nhiệm. Bồi thẩm đoán quyết định ông Lam được bồi thường 11,3 triệu USD cho các thiệt hại về kinh tế và phi kinh tế. Đây là số tiền đền bù lớn nhất trong lịch sử thành phố San Jose.
Hung Lam đến Mỹ năm 2012, mở cửa hàng riêng và sau đó tiếp tục làm việc trong ngành ẩm thực. Ông cũng là một vũ công có tài.
"Tôi rất hạnh phúc", Hung Lam, 38 tuổi, nói tại văn phòng luật sư cùng chị gái Kathy Lam và mẹ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không khoản tiền nào có thể trả lại đôi chân cho mình. "Tôi sẽ không thể đi lại được trong suốt phần đời còn lại".
Nga kêu gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ giữ lời hứa từ chức
Theo Fars News, trong cuộc họp báo hàng tuần ở Moscow hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết những thông tin Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ buôn dầu với Nhà nước Hồi giáo (IS) đã được nhiều nguồn xác thực.
"Ví dụ, báo Đan Mạch Klassenkampen đã công bố bản báo cáo việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia buôn lậu dầu do công ty tư vấn Rystad Energy thực hiện", bà Zakharova nói.
Bà nhấn mạnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng tuyên bố sẽ từ chức nếu việc buôn lậu với IS được chứng minh. Và tới nay, Nga đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy vai trò đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc buôn lậu dầu thì tới lượt ông Erdogan phải giữ lời hứa của mình.
"Tôi xin được nhắc lại rằng cách đây không lâu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu chứng minh được việc vận chuyển dầu do Ankara làm hay giúp đỡ. 'Nếu sự thật được chứng minh, tôi sẽ từ bỏ vị trí này', ông Erdogan đã nói với báo chí bên lề Hội nghị thượng đỉnh ở Paris", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói.
Bà Zakharova cho biết Nga đang thực hiện nhiều biện pháp chống IS buôn lậu dầu và hy vọng những quốc gia khác sẽ tham gia hợp tác với Moscow.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc ông Erdogan và gia đình tham gia trực tiếp vào các giao dịch dầu mỏ lậu của IS ở Syria, nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến cuối cùng của dầu lậu từ Syria và IS.
Nga cũng đưa ra nhiều ảnh vệ tinh và máy bay không người lái cho thấy hàng trăm xe chở dầu di chuyển từ vị trí IS chiếm đóng đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Tổng thống Erdogan luôn phủ nhận và nói đó là "vu khống", nhấn mạnh ông sẽ từ chức nếu sự việc được xác thực.
Lợi nhuận doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc giảm mạnh
Lợi nhuận các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc giảm 9,5% trong 11 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Tài chính nước này cho biết ngày 25/12.
Trong 10 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc chứng kiến lợi nhuận “bốc hơi” 9,8%.
Tổng lợi nhuận của khối doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc trong 11 tháng đạt 2,04 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 315,18 tỷ USD - hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố đăng trên website của Bộ Tài chính nước này.
“Áp lực suy giảm đối với các hoạt động kinh tế vẫn còn khá lớn, dù đã có một số dấu hiệu khởi sắc ở một số chỉ số”, Bộ Tài chính Trung Quốc nhận định.
Nếu không tính các doanh nghiệp tài chính, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc trong 11 tháng giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 40,66 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 6.284 tỷ USD.
Trong thời gian từ tháng 1-11/2015, các công ty quốc doanh của Trung Quốc trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hóa chất và điện lực báo lãi tăng. Trái lại, các doanh nghiệp quốc doanh thuộc các ngành dầu khí, hóa dầu, và vật liệu xây dựng làm ăn thua lỗ.
Các doanh nghiệp sắt thép, than, và kim loại cũng tiếp tục báo lỗ nặng.
Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc năm nay khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7% mà Bắc Kinh đề ra. Nếu vậy, đây sẽ là năm mà nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng chậm nhất trong 1/4 thế kỷ.