Châu Âu trải qua năm 2015 sóng gió vì khủng hoảng nhập cư
- Cập nhật : 27/12/2015
(Kinh te)
Cho đến nay, lãnh đạo các quốc gia thành viên EU vẫn chưa đạt đồng thuận để đưa ra một chiến lược chung đầy tham vọng.
Chỉ còn vài ngày nữa năm 2015 sẽ kết thúc và cả thế giới sẽ đón chào Năm Mới 2016. Đối với châu Âu, 2015 quả thực là một năm nhiều sóng gió với một trong những thách thức lớn nhất là cuộc khủng hoảng nhập cư. Hàng trăm nghìn người di cư đã đổ về châu Âu.
Họ đến từ những quốc gia đang phải chịu xung đột như Syria, Afghanistan hay Libya hoặc từ những quốc gia nghèo đói.
Để đến được "miền đất hứa" châu Âu, người di cư phải vượt qua biển Địa Trung Hải trên những con thuyền độc mộc mà nhiều người trong số họ đã phải bỏ mạng trên biển, hoặc bằng tuyến đường Balkan qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Trước thách thức này, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành nhiều cuộc họp khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.
Nhưng cho đến nay, lãnh đạo các quốc gia thành viên EU vẫn chưa đạt đồng thuận để đưa ra một chiến lược chung đầy tham vọng.
Ngay cả kế hoạch phân chia người tị nạn giữa các quốc gia thành viên dựa trên tiêu chí khách quan và định lượng với con số khiêm tốn 160.000 người cũng thực sự chưa được áp dụng. Một số quốc gia như Italy, Hy Lạp chưa bao giờ lại "ngập lụt" bởi dòng người tị nạn như hiện nay.
Còn Đức, sau quyết định mang tính nhân đạo và đơn phương của Thủ tướng Angela Merkel, đã quyết định mở cửa biên giới. Để có thể áp dụng chiến lược chung cần có sự thống nhất.
Tuy nhiên, lúc này, EU vấp phải sự ngập ngừng của một số thành viên như Hungary, quốc gia đã không ngại ngần xây bức tường chặn dòng người tị nạn kéo tới. Slovakia hay Ba Lan cũng chậm chạp trong việc triển khai một số biện pháp như xây dựng trung tâm "đầu nguồn" để thuận lợi cho việc tiếp đón, đăng ký và phân chia người nhập cư.
Kể từ sau loạt vụ khủng bố đêm 13/11 tại Paris, các nhà lãnh đạo châu Âu càng tỏ ra lạnh nhạt hơn với vấn đề người nhập cư do những kẻ khủng bố đã trà trộn trong dòng người tị nạn để có thể dễ dàng lọt vào châu Âu.
Hiện nay, Thủ tướng Merkel vẫn "cô đơn" về chính sách mở cửa biên giới và phải chịu sự chỉ trích từ đảng của bà.
Hồi tháng 11, EU đã họp Hội nghị Thượng đỉnh ở Malta để bàn các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư với các quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, vấn đề người tị nạn vẫn không được tiến triển thêm. Chỉ có việc tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề này có vẻ được nhất trí.
Là quốc gia trung chuyển và tiếp nhận 3 triệu người tị nạn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là giải pháp không thể thiếu để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư của châu Âu.
Thế nhưng, sự độc đoán của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra nhiều chỉ trích. Đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi EU mở lại vòng đàm phán về việc họ xin gia nhập liên minh cùng với gói hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro để đổi lại hợp tác giải quyết vấn đề người nhập cư. Những điều kiện mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đã gây ra sự hoài nghi lớn đối với châu Âu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối cùng của năm diễn ra từ 17-18/12, lần thứ 5 trong năm 2015, cuộc khủng hoảng di cư là chủ đề chính.
Các nhà lãnh đạo EU đánh giá việc cần thiết đối với các quốc gia thành viên triển khai kiểm soát biên giới bên ngoài một cách đồng bộ và phối hợp, bao gồm cả với công dân các quốc gia EU.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo 28 quốc gia EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát biên giới bên ngoài nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của khối Schengen, cũng như tăng cường các biện pháp để ngăn chặn dòng người nhập cư đang đổ dồn về "Lục địa già."
Chắc chắn trong năm 2016, thách thức của châu Âu vẫn là vấn đề người tị nạn, điều tiếp tục ám ảnh Hội đồng châu Âu và sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các Hội nghị Thượng đỉnh.
Trong vài tuần tới, vấn đề kiểm soát biên giới Hy Lạp sẽ được đưa ra. Hiện Athens từ chối mọi sự hỗ trợ của Brussels trong khi châu Âu muốn áp đặt mạnh mẽ vấn đề này nếu không Hy Lạp sẽ bị loại khỏi khối Schengen.
Về vấn đề này, việc thành lập một lực lượng biên phòng châu Âu có thể thúc đẩy thỏa thuận giữa 28 nước, mặc dù vẫn còn cần xác định các điều kiện kinh phí của nó trong khi ngân sách của EU chỉ chiếm 1% GDP và đã sử dụng rộng rãi trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Tuy nhiên, vấn đề thành lập lực lượng biên phòng sẽ được bàn thảo trong nhiệm kỳ Hà Lan đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng châu Âu kể từ tháng 1/2016.