Tổng thống Putin: Nga không dung thứ tội ác bắn hạ Su-24
Nội bộ OPEC ‘khẩu chiến’ vì giá dầu giảm
Hàng loạt công ty dầu mỏ Mỹ vỡ nợ vì giá sụt giảm
Fed được dự báo nâng lãi suất 4 lần trong năm sau
Kim Jong-un có thể đưa trợ lý thân cận xuống nông trang để phạt
Tin thế giới đọc nhanh trưa 23-11-2015
- Cập nhật : 23/11/2015
Úc cảnh báo Trung Quốc có thể gây ra chiến tranh ở Biển Đông
Hai thủ tướng Úc và Trung Quốc trong cuộc gặp song phương ngày 21.11 ở Kuala Lumpur, Malaysia - Ảnh: The Australian Financial Review
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cảnh báo Trung Quốc sẽ không chỉ tự cô lập mình, mà còn có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh nếu cứ tiếp tục các tuyên bố chủ quyền và đe dọa việc đi lại ở Biển Đông.
Triều Tiên doạ tấn công trả đũa 5 đảo Hàn Quốc
Lời đe doạ được đưa ra nhằm cảnh báo Hàn Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật ngày 23-11 nhân dịp vụ pháo kích gây chết người của Bình Nhưỡng 5 năm trước đây.
Hãng thông tấn Trung ương KNCA dẫn tuyên bố từ quân đội CHDCND Triều Tiên nêu rõ: “nếu Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật vào vùng biển phía tây ngày thứ hai (23-11), họ sẽ phải gánh chịu màn trả đũa không thương tiếc từ các đơn vị mặt trận tây nam của chúng tôi”.
“Họ không nên tự đào mồ cho mình bằng cách gây chiến với Triều Tiên như vậy, mà nên rút ra bài học cay đắng từ 5 năm trước đây mới phải”, phát ngôn viên quân sự Triều Tiên nói thêm.
Trước tuyên bố khiêu khích trên, các quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết họ vẫn đang tiếp tục theo dõi tình hình, nhưng từ chối bình luận gì thêm.
Vụ pháo kích đảo Yeonpyeong ngoài khơi bờ biển phía Tây hôm 23-11-2010 đã làm 4 người Hàn Quốc thiệt mạng, trong đó có 2 dân thường, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột toàn diện giữa hai bên.
ASEAN chính thức thành lập cộng đồng kinh tế
Bản tuyên bố thành lập cộng đồng hôm nay được ký kết bởi 10 lãnh đạo của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Kuala Lumpur, chủ nhà năm nay của hội nghị thượng đỉnh.
"Trong thực tế, chúng ta đã loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan giữa chúng ta", Reuters dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak, nói. "Bây giờ, chúng ta phải đảm bảo sự lưu chuyển tự do hơn và loại bỏ các rào cản cản trở sự tăng trưởng và đầu tư".
Các quốc gia đặt ra mục tiêu là hài hòa chiến lược kinh tế, công nhận trình độ chuyên môn của nhau, và tham vấn chặt chẽ hơn về các chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính.
Họ cũng đã nhất trí tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và thông tin liên lạc, tạo điều kiện tốt hơn cho giao dịch điện tử, kết hợp các ngành công nghiệp để thúc đẩy nguồn cung ứng khu vực và tăng cường sự tham gia của tư nhân trong nền kinh tế.
8 nhóm ngành nghề sẽ có thể làm việc dễ dàng hơn trong khu vực gồm kỹ sư, kiến trúc sư, y tá, bác sĩ, nha sĩ, kế toán, khảo sát và du lịch.
Cả thế giới theo dõi hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông
Ngày 22-11, tại Hội nghị Đông Á (EAS) ở Kuala Lumpur (Malaysia), Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định cả thế giới đang theo dõi cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo AFP, Tổng thống Aquino tuyên bố: “Chúng tôi hi vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng lời nói của họ và tuân thủ luật pháp quốc tế. Cả thế giới đang theo dõi và trông đợi Trung Quốc hành xử như một cường quốc có trách nhiệm”.
Ông Aquino nhấn mạnh hoạt động bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên biển Đông là “bất chấp luật pháp quốc tế” và sự hiếu chiến, gây hấn của Bắc Kinh đã leo thang đến mức “chúng tôi không còn có thể đi vào chính vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước mình”.
Tổng thống Philippines kêu gọi sử dụng Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. “Dưới luật pháp quốc tế, quyền lợi chính đáng sẽ vượt trên sức mạnh” - ông Aquino khẳng định.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tỏ thái độ xấu về biển Đông. Tại buổi họp báo trưa 22-11 bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần 27 ở Malaysia, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tiếp tục nêu những luận điệu cũ rích nhằm bao biện cho những hành vi sai trái của nước này ở Biển Đông.
Đầu tiên, ông Lưu Chấn Dân cho biết Trung Quốc và ASEAN phải cùng nhau gìn giữ hoà bình và ổn định ở Biển Đông và tranh chấp giữa Bắc Kinh và một số nước ASEAN phải được giải quyết qua cơ chế đàm phán song phương.
Trung Quốc nói sẽ không bao giờ chấp nhận bên thứ ba can thiệp vào việc tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có toà án quốc tế, do đó sẽ không bao giờ chấp nhận vụ kiện của Philippines.
Ông Lưu Chấn Dân khẳng định Trung Quốc sẽ cùng các nước ASEAN thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về Ứng xử ở Biển Đông (DOC) đồi thời Bắc Kinh đã và đang chủ động nỗ lực cùng các nước ASEAN hoàn tất sớm Bộ quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC).
Tuy nhiên, khi được hỏi có thời hạn cụ thể để hoàn tất COC không, thì ông Lưu Chấn Dân cho rằng quá trình tham vấn mất rất nhiều thời gian và không nước nào có thể đưa ra thời hạn cụ thể.
Ông Lưu Chấn Dân gọi hành động triển khai tàu chiến của Mỹ đến các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép là “hành động khiêu khích”, vượt quá các quy định của tự do hàng hải. Ông gọi hành động của Mỹ có mục đích là thử phản ứng của Trung Quốc.
Cuối cùng, ông Lưu Chấn Dân ngang ngược nói rằng không nên liên hệ vấn đề quân sự hoá với các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép ở Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc giải thích rằng “đây hoàn toàn là những công trình phục vụ mục đích dân sự”.
Trước đó tại Kuala Lumpur, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu Trung Quốc dừng bồi lấn, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này.
Đến Sydney đối thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Úc Maris Payne và Ngoại trưởng Julie Biship, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani và Ngoại trưởng Fumio Kishida khẳng định Tokyo ủng hộ Mỹ tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.
Ngoại trưởng Úc Bishop cho rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép khiến căng thẳng trên biển Đông leo thang. “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về nguy cơ quân sự hóa các đảo nhân tạo và các cấu trúc trên biển Đông” - bà Bishop cho biết.
Lở đất kinh hoàng tại Myanmar, ít nhất 100 người chết
Một vụ lở đất đã xảy ra tại mỏ ngọc bích ở bang Kachin, Myanmar khiến gần 100 người thiệt mạng và gần 200 người khác được cho là vẫn còn mất tích.
Vụ sạt lở xảy ra vào tối ngày 21-11 ở thị trấn Hpakant, khu vực sản xuất ngọc bích chất lượng cao nhất thế giới. Mặc dù các vụ sạt lở không phải là hiếm tại Myanmar nhưng vụ việc gây thương vong lại khá hiếm ở nước này.
Hầu hết các nạn nhân là lao động nhập cư từ nhiều nơi ở Myanmar, những người làm việc cực nhọc nhiều giờ nhưng chỉ nhận được đồng lương ít ỏi.
Theo truyền thông địa phương, nhiều thợ mỏ ngủ trong lều khi trận sạt lở xảy ra. Ông Brang Seng, một doanh nhân về ngọc bích, cho biết nhiều thi thể được kéo khỏi đống đổ nát và đưa đến nhà xác bệnh viện.
Ông Lamai Gum Ja, một quan chức địa phương, cho hay một số ngôi nhà ở khu vực xung quanh bị phá hủy. Ước tính có khoảng 100-200 người vẫn còn mất tích, ông Lamai Gum Ja nói.
Lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm người sống sót trong vụ sạt lở. Một quan chức cơ quan cứu hỏa ở Hpakant cho rằng số người thiệt mạng có thể tăng cao khi những người mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ sạt lở nói trên. Các biện pháp an toàn tại các khu mỏ cũng như bãi thải xung quanh thường không được chú trọng.
Kachin, cách TP Yangon 950 km về phía Đông Bắc, là nơi sản xuất những viên ngọc bích chất lượng cao nhất thế giới. Nơi này ước tính đã tạo ra khoảng 31 tỉ USD chỉ trong năm ngoái.
Hpakant đến nay vẫn là một thị trấn nghèo khó, thường xuyên bị mất điện và có tỉ lệ con nghiện heroin khá cao.