Tác động của Brexit với quốc phòng và ngoại giao Anh
Trung Quốc tố ngược Philippines về Biển Đông
Nga chỉ trích kế hoạch của NATO kết nạp Montenegro
Nga thành lập ‘siêu quân đội’ chống IS
Mỹ tố Trung Quốc vi phạm thỏa thuận tránh đối đầu trên không
Tin thế giới đọc nhanh 20-05-2016
- Cập nhật : 20/05/2016
Chiến đấu cơ Trung Quốc chặn đầu máy bay trinh sát Mỹ ở Biển Đông
Hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã “chặn đầu một cách nguy hiểm” một máy bay trinh sát Mỹ đang bay trên không phận quốc tế ở Biển Đông.
Theo AFP, thông tin trên được Lầu Năm Góc đưa ra ngày 18-5. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tá Jamie Davis cho biết: “Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét lại vụ máy bay trinh sát của Mỹ bị 2 máy bay chiến thuật của Trung Quốc ngăn chặn vào ngày 17-5”.
Theo ông Davis, những thông tin ban đầu cho thấy hành động của các máy bay Trung Quốc là “thiếu an toàn”.
Theo đó, 2 chiếc chiến đấu cơ J-11 đã bay cách máy bay trinh sát Hải quân E-P3 của Mỹ khoảng 50m.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, phía Mỹ đã nhận thấy quân đội Trung Quốc cải thiện hoạt động của mình và thực hiện các chuyến bay một cách an toàn và chuyên nghiệp, tuy nhiên, vụ việc gần đây nhất lại không cho thấy điều đó”.
Người phát ngôn Davis cho biết, vụ bay chặn đầu máy bay Mỹ của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hai bên đang hợp tác để giảm thiểu những vụ tai nạn không đáng có bằng cách “tăng cường các cuộc đối thoại ở nhiều cấp khác nhau”.
“Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét giải quyết vụ bay chặn này thông qua các kênh quân sự và ngoại giao phù hợp”, ông Davis nhấn mạnh.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong thời gian qua đã gia tăng nhanh chóng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc xây dựng phi pháp nhiều công trình quân sự trên các bãi đá [mà nước này cải tạo trái phép thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông-ND] và ngang nhiên áp đặt chủ quyền của mình trên hầu khắp vùng biển trong khu vực.
Một số nước có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam và Philippines đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và cho rằng, yêu sách này không dựa trên cơ sở pháp lý.
Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm đảm bảo “tự do hàng hải” ở Biển Đông bằng việc điều máy bay và tàu hoạt động trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo nói trên.
Venezuela: Khủng hoảng chính trị lên đỉnh điểm
Giới phân tích cho rằng Venezuela đứng trước nhiều nguy cơ biến động hơn khi Tổng thống Nicolas Maduro công bố “mục tiêu” áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp mới, trong bối cảnh phe đối lập sẵn sàng phản đối điều mà họ gọi là “nỗ lực bám trụ quyền lực” của ông Maduro.
Đến nay, nhà lãnh đạo cánh tả Maduro vẫn chưa thông báo chi tiết sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà ông ban bố hôm 13-5, ngoài việc tuyên bố thu hồi các nhà máy mà ông cho là đã bị “giai cấp tư sản” làm tê liệt khiến tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm tại nước này trầm trọng hơn.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp có thể là nhằm hạn chế biểu tình, cho phép chính quyền tiến hành các vụ bắt giữ để trấn áp và cảnh sát triển khai các cuộc truy quét mà không cần giấy phép. Phe đối lập coi đây là âm mưu nhằm dập tắt các nỗ lực kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nhằm phế truất vị Tổng thống không được lòng dân này.
Venezuela, quốc gia với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, dường như đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng bởi nền kinh tế này đã lao dốc cùng giá dầu thô thế giới. Các kệ hàng trong siêu thị và hiệu thuốc tại Venezuela những tháng gần đây luôn trống rỗng, khiến người dân Venezuela phải xếp hàng trong nhiều giờ chỉ để mua các nhu yếu phẩm.
Thiếu điện và hạn hán cũng là những nguyên nhân gia tăng tình trạng hỗn loạn, buộc chính quyền Maduro ra sắc lệnh cắt điện vài giờ mỗi ngày ở nhiều nơi trên cả nước, đóng cửa trường học vào thứ Sáu hàng tuần và giảm giờ làm của công chức Chính phủ còn hai ngày/tuần để tiết kiệm điện.
Phe đối lập dự kiến tổ chức biểu tình trên cả nước, hướng tới Văn phòng Ủy ban Bầu cử Quốc gia, để yêu cầu cơ quan này cho phép tổ chức trưng cầu dân ý nhằm phế truất Tổng thống theo quy định của Hiến pháp. Tuần trước, cảnh sát và binh lính đã sử dụng hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình tương tự.
Tổng thống Maduro ra lệnh tiến hành các cuộc tập trận quân sự vào ngày 21-5 để chuẩn bị đối phó với cái mà ông gọi là mối đe dọa từ cuộc can thiệp vũ trang do Mỹ hậu thuẫn theo yêu cầu của “phe cánh hữu phátxít Venezuela”.
Ngày 16-5, Washington, chính quyền phủ nhận cáo buộc âm mưu chống ông Maduro, đã bày tỏ quan ngại về tình hình ngày một xấu đi tại Venezuela và kêu gọi Tổng thống nước này lắng nghe những lời chỉ trích trong nước. Theo một cuộc thăm dò ý kiến, 7/10 người Venezuela muốn thay đổi chính quyền đương nhiệm.
Cho rằng Trump "quá dở", doanh nghiệp Mỹ muốn Hillary Clinton làm Tổng thống
Các nhóm vận động hành lang đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp Mỹmuốn bà Hillary Clinton chứ không phải ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, tỷ lệ ủng hộ Hillary Clinton cao gấp đôi so với Donald Trump, theo tin từ Financial Times.
Mới đây, Financial Times đã tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp Mỹ về các ứng viên đang tranh cử Tổng thống. Thông thường trong các lần bầu cử trước, Đảng Cộng hòa luôn là lựa chọn số 1 của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, thế nhưng lần này mọi chuyện đã khác hoàn toàn.
Theo công bố của Financial Times, hơn một nửa đại diện doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát trả lời rằng họ muốn Hillary Clinton thành Tổng thống Mỹ trong khi đó chỉ một phần tư số người được hỏi cho biết họ chọn Donald Trump.
Đại diện của một hiệp hội doanh nghiệp Mỹ với sự tham gia của rất nhiều tập đoàn/công ty lớn như Cisco, General Electric hay Procter & Gamble, ông Bill Reinsch khẳng định rằng bà Hillary Clinton sẽ là lựa chọn tốt nhất cho những công ty thành viên của hiệp hội.
Tuy nhiên, ông khẳng định, các doanh nghiệp chọn Hillary Clinton không phải vì họ thích hay đề cao chính sách của bà mà bởi vì họ thấy hai ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa quá dở để có thể trở thành Tổng thống Mỹ.
“Từ góc độ của doanh nghiệp, chúng tôi rất quan tâm đến việc liệu chúng tôi có thể đối thoại được với Tổng thống Mỹ hay không? Bà Clinton có khả năng sẽ lắng nghe chúng tôi nhiều hơn so với hai ứng viên còn lại. Chúng tôi không muốn làm việc với một Tổng thống Mỹ đầy định kiến và thiếu sự cởi mở. Ngoài ra, ông Trump cũng là người có tính tình bất thường, khó đoán biết”, ông Bill Reinsch nói.
Financial Times đã tiến hành khảo sát với 53 nhóm đại diện doanh nghiệp Mỹ và nhận được phản hồi của 16 nhóm hiện đang đại diện cho khoảng hơn 100 nghìn doanh nghiệp nước này, tổng doanh thu hàng năm của các công ty trong nhóm đồng ý trả lời khảo sát là 3,5 nghìn tỷ USD.
Khoảng 25% số người trả lời cho biết họ không thể lựa chọn được ứng viên cho mình bởi hiện tại vẫn còn quá sớm để nói ai tốt nhất, ngoài ra không ít người cho biết họ chẳng thích bất kỳ một ứng viên nào trong số các ứng viên hàng đầu của các đảng hiện nay.
Một số đại diện các hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ tâm lý thất vọng bởi họ cho biết lần đầu tiên trong lịch sử có một cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ mà trong đó không có ứng viên nào thể hiện quan điểm ủng hộ doanh nghiệp mạnh mẽ. Họ khẳng định đến hiện tại họ phần nào không hài lòng với chính sách quản lý quá chặt chẽ của chính quyền Tổng thống Obama.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trả lời Financial Times rằng họ cảm thấy lo sợ với khả năng ông Trump sẽ thực hiện chính sách bảo hộ mạnh mẽ và hạn chế nhập khẩu. Mới hồi tháng 3/2016, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, ông Tom Donohue, từng chỉ trích Donald Trump đưa ra những chính sách “ngu ngốc”.
Đối với vấn đề thương mại, 63% số người trả lời khẳng định họ tin bà Hillary Clinton đang đưa ra chính sách có lợi cho doanh nghiệp dù chính bà Hillary Clinton vào năm ngoái đã tuyên bố phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được nhiều doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng.
Tuy nhiên, họ hy vọng với tư tưởng có vẻ như cởi mở, bà Hillary Clinton sẽ thay đổi quan điểm về TPP khi bà trở thành Tổng thống Mỹ.
Trong khi đó, những người có quan điểm không ủng hộ Hillary Clinton lại có quan điểm khác, họ khẳng định cả Donald Trump và Hillary Clinton đều không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, vì thế ứng viên nào lên làm Tổng thống cũng chẳng khác gì nhau.
Bà Hillary Clinton nhận được rất nhiều sự ủng hộ với chính sách nhập cư bởi đến 71% số người trả lời cho biết họ hoàn toàn không thích quan điểm của Donald Trump về vấn đề này. Ông Donald Trump từng nói sẽ xây tường rào với Mexico để chặn người nhập cư. Doanh nghiệp Mỹ đang hy vọng sẽ thu hút thêm lao động nhập cư để nâng cao chất lượng của nhân sự doanh nghiệp nói chung.
Tân Tổng thống Philippines tiếp tục có những phát biểu gây sốc
"Đừng huỷ hoại đất nước của tôi vì tôi sẽ giết các ngươi. Tôi sẽ giết các ngươi. Không có sự thoả hiệp nào khác".
Tổng thống mới đắc cử Philippines khẳng định lại cam kết trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình là sẽ tái áp dụng án tử hình.
Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi thắng cử vào ngày 9/5, ôngDuterte, thị trường thành phố Davao, cho biết những đe doạ giết tội phạm trong chiến dịch tranh cử của ông không chỉ là để "hùng biện”.
Ông Duerte cho biết ông sẽ đề nghị Nghị viện cho phép các lực lượng an ninh thi hành công vụ quyền bắn để hạ gục đối với những phần tử chống lệnh bắt giữ, trong đó có tội phạm có tổ chức.
Ông nói: "Đừng huỷ hoại đất nước của tôi vì tôi sẽ giết các ngươi. Tôi sẽ giết các ngươi. Không có sự thoả hiệp nào khác. Chừng nào những yêu cầu của luật pháp còn đó, nếu các ngươi mưu toan chống lệnh bắt giữ và nếu các ngươi chống trả và kháng cự bằng bạo lực, tôi sẽ chỉ thị: 'Giết chúng đi'."
Đề tài cốt lõi trong chiến dịch tranh cử thành công gần đây của tân tổng thống Duerte là nguyện chấm dứt tệ nạn tội phạm trong thời hạn từ ba đến sáu tháng sau khi đắc cử. Ở một thời điểm trong chiến dịch tranh cử ông đã thề sẽ giết hàng chục ngàn tội phạm và vứt xác họ xuống Vịnh Manila để cho cá ăn.
Lời hứa này đã giúp ông Duerte giành được mến mộ của một đại bộ phận cử tri vì họ chán ngán với tình trạng tội phạm và đút lót, hối lộ hoành hành.
Philippines bãi bỏ hình phạt tử hình vào năm 2006 dưới thời cựu tổng thống Gloria Arroyo.
Hình phạt này sẽ được áp dụng cho một loạt các tội phạm như ma tuý, hiếp dâm, giết người và trộm cắp. Hình thức thi hành được lựa chọn là treo cổ hay bắn.
Ông Duterte nói: "Điều tôi sẽ làm là thúc giục Nghị viện khôi phục cưỡng chế thực thi án tử hình bằng hình thức treo cổ. Nếu tử tù chống cự, có ý đồ kháng cự bằng bạo lực mệnh lệnh của tôi là cho phép cảnh sát bắn hắn ta. Bắn để giết bất kỳ tội phạm có tổ chức nào”.
Ông Duerte cho hay "các xạ thủ tinh nhuệ” trong lực lượng quân đội sẽ được tuyển dụng trọng chiến dịch truy quét tội phạm.
Vị tân tổng thống 71 tuổi này, còn cho hay ông sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm vào 2 giờ sáng đối với việc nhậu nhẹt ở các nơi công cộng và cấm trẻ con đi ngoài phố một mình ban đêm. Bố mẹ của những đứa trẻ vi phạm lệnh này sẽ bị bắt và tống giam vì tội "bỏ rơi con”.
Mặc dù các kết quả bầu cử chính thức vẫn chưa được công bố, song ông Duterte theo dự kiến sẽ là người đứng đầu đất nước Philippines trong tương lai và sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo vào ngày 30/6. Để các kế hoạch này thực thi, ông Duerte sẽ cần nhận được sự ủng hộ phê chuẩn của Nghị viện.
Nga bắt đầu xuất khẩu trực thăng Alligator cho nước ngoài