tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 17-12-2015

  • Cập nhật : 17/12/2015

Úc xác nhận tuần tra khu vực đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông

Bộ Quốc phòng Úc vừa lên tiếng xác nhận đã triển khai máy bay tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông như phóng viên BBC đưa tin.

may bay uc tuan tra bien dong - anh: abc

Máy bay Úc tuần tra biển Đông - Ảnh: ABC

Trong chuyến bay áp sát một số đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông hôm 25-11, phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes cho biết radio máy bay của ông thu được thông điệp của một máy bay Úc khẳng định đang thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông.

Trước đó Úc chưa từng tuyên bố tổ chức các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Tuy nhiên hãng ABC đưa tin mới đây Bộ Quốc phòng Úc xác nhận đã triển khai một máy bay tuần tra trong khu vực từ ngày 25-11 đến 4-12.

“Một máy bay AO-3C Orion của không quân hoàng gia Úc thực hiện chuyến bay tuần tra thường lệ trong khu vực. Đây là một phần của chiến dịch Gateway từ ngày 25-11 đến 4-12. Trong chiến dịch này, lực lượng vũ trang Úc thực hiện các cuộc tuần tra giám sát hàng hải ở Bắc Ấn Độ Dương và biển Đông” - Bộ Quốc phòng Úc cho biết.

“Đây là nỗ lực đóng góp của Úc đối với việc bảo vệ an ninh và ổn định tại Đông Nam Á” - Bộ Quốc phòng Úc nhấn mạnh.

Phản ứng lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược cáo buộc Úc “gây rắc rối”.

“Các nước ngoài khu vực nên tôn trọng chủ quyền của các nước khác thay vì gây rắc rối. Một số quốc gia cố tình đẩy căng thẳng leo thang với ý đồ gây hỗn loạn, để can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông)” - ông Hồng Lỗi lớn tiếng.

Trong thời gian qua, Mỹ cũng đã triển khai tàu khu trục và máy bay B-52 tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông. Nguồn tin Reuters cho biết phải sang tháng 1-2016 quân đội Mỹ mới tổ chức một chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải mới trên biển Đông. 


Mỹ cảnh báo IS để mắt tới mỏ dầu ngoài lãnh địa

Một quan chức cấp cao Mỹ hôm qua cảnh báo Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tìm kiếm những mỏ dầu dễ tấn công ở Libya và những khu vực khác ngoài vùng chiếm đóng ở Syria.
xe cho dau cua is bi nga tieu diet. anh: imgur

Xe chở dầu của IS bị Nga tiêu diệt. Ảnh: Imgur

Theo Reuters, quan chức giấu tên cho biết, Mỹ đang rà lại những phe đang kiểm soát các mỏ dầu, đường ống, tuyến vận tải và cơ sở hạ tầng khác ở những nơi dễ bị tấn công, trong đó có Libya và bán đảo Sinai, Ai Cập.

"Chúng đang tìm kiếm những mỏ dầu khác ở Libya và những nơi khác. Chúng ta phải phòng ngừa", quan chức này nói. Mỹ ước tính IS từng thu lời 40 triệu USD một tháng từ dầu mỏ. Tại Syria, IS đang chiếm giữ 80% các mỏ dầu và khí đốt.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch không kích, nhiều tuyến đường vận tải dầu, xe chở dầu của IS bị triệt phá. Mỹ gần đây cũng bắt đầu nhắm mục tiêu tấn công các xe tải chở dầu, gây thiệt hại cho nguồn tài chính của IS.

"Chi phí cho các hoạt động của IS đã tăng lên, và khả năng chi trả thì giảm xuống", quan chức này nói. Dầu thô liên tục sụt giá trong thời gian gần đây. Kể từ tháng 6/2014 đến nay, giá dầu thế giới đã giảm hơn 50%.

Giá dầu thấp có thể là con dao hai lưỡi trong cuộc chiến chống IS. Một mặt, nó làm giảm lợi nhuận của IS ở Syria, nhưng mặt khác, nó lại khiến các công ty khai thác dầu buộc phải sa thải công nhân, biến họ thành kẻ thất nghiệp và trở thành mục tiêu dễ bị IS chiêu mộ.


Nga - Mỹ nhất trí thúc đẩy đàm phán hòa bình Syria

Nga và Mỹ hôm qua nhất trí một số vấn đề quan trọng, xác nhận sẽ tổ chức đàm phán về tình hình Syria trong tuần này dù chưa thống nhất được số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.
tong thong nga vladimir putin (phai) bat tay ngoai truong my john kerry tai dien kremlin ngay 15/12. anh: reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại điện Kremlin ngày 15/12. Ảnh: Reuters.

"Mỹ sẵn sàng hành động cùng Nga", RT dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu với báo giới sau khi kết thúc cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Sergei Lavrov. Ông cho biết quan chức hai nước đã có "một ngày hiệu quả" và các cuộc thảo luận "mang tính xây dựng".

Theo ông Kerry, "sẽ có tiến triển thực sự khi Nga và Mỹ đi chung hướng, dù hai nước còn có khác biệt". Thế giới sẽ hưởng lợi từ sự hợp tác như vậy.

Moscow và Washington xác nhận thỏa thuận trước đó về phối hợp đối phó Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Một số "bước đi thực tế" đã được thống nhất trong các cuộc gặp", ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm,

"Chúng tôi xác nhận những thỏa thuận đạt được giữa quân đội Nga và Mỹ", Bộ Ngoại giao Nga thông báo.

Ngoại trưởng Kerry nói Nga và Mỹ "trung thực đi kèm khác biệt" về tình hình Syria nhưng nhìn chung nhất trí cuộc khủng hoảng tại quốc gia này đòi hỏi có một "tiến trình chính trị".

"Hai nước nhất trí không thể tiêu diệt IS nếu không giảm chiến sự ở Syria", ông cho biết thêm. Cả Moscow và Washington đều "tập trung vào tiến trình chính trị" và "người Syria sẽ quyết định tương lai đất nước". Hai nước còn có "điểm chung" về những nhóm đối lập nên tham gia đàm phán hòa bình.

Ngoại trưởng Nga Lavrov xác nhận cuộc gặp của các cường quốc về Syria, tổ chức vào ngày 18/12 ở New York theo kế hoạch, sẽ diễn ra. Một nghị quyết về Syria dự kiến sẵn sàng để trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau khi kết thúc vòng đàm phán.

Nga và Mỹ đang cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, Tổng thống Putin phát biểu tại đầu cuộc gặp với Ngoại trưởng Kerry.

"Hôm nay ông đã có những cuộc đàm phán toàn diện tại Bộ Ngoại giao Nga", Tổng thống Putin nói, nhắc đến cuộc gặp với ông Lavrov. "Ngoại trưởng Lavrov thông báo chi tiết về những đề xuất của ông và một số vấn đề cần bàn thêm. Tôi rất vui khi có cơ hội gặp và trao đổi cùng ông".

Nga và Mỹ còn bàn về khủng hoảng Ukraine, tái khẳng định hai bên ủng hộ thỏa thuận hòa bình Minsk. Theo ông Kerry, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể thu hồi các lệnh trừng phạt khi những yêu cầu trong thỏa thuận được đáp ứng.

Ngoại trưởng Kerry từng đến Nga hồi tháng 5 và gặp Tổng thống Putin tại Sochi. Cuộc gặp khi đó dự tính diễn ra trong 90 phút nhưng thực tế đã kéo dài hơn 4 giờ.

Trước khi đến điện Kremlin, Ngoại trưởng Kerry hôm qua đi tham quan và mua sắm tại phố du lịch Arbat, Moscow. Ông được người dân địa phương và du khách nhận ra ông chào đón nồng nhiệt.


Na Uy vẫn là quốc gia đáng sống nhất

Trong Báo cáo phát triển con người năm 2015, Liên Hiệp Quốc đánh giá Na Uy vẫn là quốc gia đáng sống nhất thế giới.

thanh pho oslo xinh dep cua na uy - anh: world visit

Thành phố Oslo xinh đẹp của Na Uy - Ảnh: World visit

Theo CNN, đây là năm thứ 12 liên tiếp Na Uy đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số phát triển con người (HDI) của LHQ.

HDI đánh giá các quốc gia theo ba lĩnh vực cơ bản là tuổi thọ, giáo dục và thu nhập/mức sống. Na Uy đạt điểm số cao nhất 0,944 điểm.

Tuổi thọ trung bình của người dân Na Uy là 81,6, thu nhập bình quân đầu người lên đến 64.992 USD. Trong tốp năm sau Na Uy có Úc (0,935 điểm), Thụy Sĩ (0,930), Đan Mạch (0,932) và Hà Lan (0,922). Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ xếp thứ tám.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngụp lặn ở vị trí 90. Việt Nam xếp thứ 116 với điểm số 0,666, bang bằng Nam Phi và El Salvador. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 75,8, thu nhập bình quân đầu người 5.092 USD.

Bảng xếp hạng HDI bao gồm 188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hai đất nước tụt mạng mạnh nhất so với năm 2014 là Libya, trượt 27 bậc, và Syria, 15 bậc.

Cả hai quốc gia này đang chìm trong nội chiến đẫm máu và bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thôn tính nhiều vùng lãnh thổ.

Năm quốc gia xếp cuối bảng là Niger, CH Trung Phi, Eritrea, Chad và Burundi.  


Liên Hiệp Quốc bắt đầu chiến dịch chọn Tổng thư ký

Ngày 16-12 theo giờ Mỹ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) chính thức khởi động chiến dịch chạy đua vào chức Tổng thư ký.

logo cua lien hiep quoc truoc tru so cua to chuc nay o new york - anh: reuters

Logo của Liên Hiệp Quốc trước trụ sở của tổ chức này ở New York - Ảnh: Reuters

Hãng tin AFP cho biết thể chế gồm 193 nước thành viên này khuyến khích xem xét đưa phụ nữ vào danh sách ứng cử. Chức vụ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc do đàn ông nắm giữ trong 70 năm qua.

Tổng thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon sẽ chính thức hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2016. Theo lẽ thường, chức vụ Tổng thư ký LHQ sẽ luân phiên giữa các khu vực trên thế giới. Lần tranh cử này đến lượt khu vực Đông Âu nằm trong danh sách ứng cử.  

Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc bao gồm các nước có quyền phủ quyết như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Pháp sẽ tiến cử một ứng cử viên do Đại hội đồng LHQ bầu ra.

Để tăng cường sự minh bạch trong việc tiến cử này, chủ tịch hội đồng báo an LHQ - đại sứ của Mỹ Samantha Power và chủ tịch Đại hội đồng LHQ Mogens Lykketoft của Đan Mạch đã cùng gửi một bức thư đến các nước thành viên của LHQ. Nội dung thư nêu rõ việc tìm kiếm ứng cử viên kế nhiệm Tổng thư ký Ban Ki-moon.

“Để đảm bảo chắc chắn những cơ hội ngang bằng nhau đối với cả phụ nữ và đàn ông trong quá trình tiếp cận với những vị trí đưa ra quyết định quan trọng như thế này, các nước thành viên được khuyến khích xem xét giới thiệu ứng viên là phụ nữ và cả đàn ông”- nội dung thư do hai vị chủ tịch viết.

Giới chức LHQ cho biết họ hi vọng danh sách ứng viên tranh cử chức Tổng thư ký LHQ sẽ được hoàn tất vào tháng 3-2016. Các ứng cử viên sẽ có cơ hội gặp chính thức các nước thành viên và Hội đồng bảo an LHQ sẽ bắt đầu quá trình chọn lựa vào tháng 7-2016.

Ông Lykketoft cho biết tính đến nay có hai ứng cử viên sáng giá kế nhiệm chức Tổng thư ký LHQ của ông Ban Ki-moon, đó là cựu chủ tịch Đại hội đồng LHQ người Macedonia Srgjan Kerim và Bộ trưởng ngoại giao Croatia Vesna Pusic.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục