tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 18-12-2015

  • Cập nhật : 18/12/2015

Nga bổ sung 6 tàu ngầm tối tân cho hạm đội Biển Đen

Tổng thống Vladimir Putin hôm nay cho biết sẽ trang bị nhiều tàu chiến và tàu ngầm mới cho hạm đội Biển Đen và phát triển hơn nữa căn cứ hải quân Sevastopol. 
tau ngam novorossiysk cua nga. anh: naval today

Tàu ngầm Novorossiysk của Nga. Ảnh: Naval today

"6 tàu ngầm với các vũ khí tối tân nhất sẽ được triển khai ở căn cứ Sevastopol", Sputnik dẫn lời ông Putin cho biết tại cuộc họp báo thường niên với 1.400 phóng viên trong và ngoài nước.

Theo ông, thành phố cảng nằm bên bờ Biển Đen, thuộc bán đảo Crimea, là một yếu tố hạ tầng hải quân quan trọng ở châu Âu. Nga sẽ tiếp tục phát triển Sevastopol nhưng không chỉ với vai trò là một căn cứ hải quân.

"Sẽ là sai lầm nếu nói Sevastopol chỉ cần là một căn cứ hải quân. Tôi tin rằng sự phát triển của Sevastopol cần bao gồm nhiều hướng, nhiều chiều cùng một lúc", ông Putin nói. "Chúng ta đã nỗ lực nhiều để duy trì căn cứ Sevastopol, chúng ta đã phát triển nó và sẽ tiếp tục phát triển nó hơn nữa".

Người dân Crimea bỏ phiếu nhất trí tách bán đảo khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái. Động thái này khiến phương Tây tức giận và lên án Nga xâm chiếm Ukraine.

Sevastopol là căn cứ chính của hạm đội Biển Đen. Căn cứ có tầm quan trọng về mặt chiến lược đối với hải quân, ngoài vai trò là căn cứ ở miền nước ấm duy nhất của Nga.


Tổng thống Putin ký sắc lệnh ngừng FTA với Ukraine

tong thong nga vladimir putin da ky sac lenh ngung hiep dinh thuong mai tu do (fta) giua nga va ukraine tu ngay 1.1.2016 - anh: afp

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ngừng Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Nga và Ukraine từ ngày 1.1.2016 - Ảnh: AFP


Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16.12 đã ký sắc lệnh theo đó ngừng Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Nga và Ukraine từ ngày 1.1.2016, theo Russia Today.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin nêu rõ: "Do tình hình đặc biệt ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh kinh tế của Liên bang Nga, đòi hỏi phải thông qua các biện pháp ngay lập tức, tôi quyết định từ ngày 1.1.2016 sẽ đình chỉ Hiệp định thương mại tự do với Ukraine, ký tại thành phố St. Petersburg vào ngày 18.10.2011".
Trước đó hồi tháng 11, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga, ông Aleksey Ulyukaev cũng cho biết Nga sẽ áp đặt lệnh cấm vận về thực phẩm đối với Ukraine từ ngày 1.1.2016. Theo ông Ulyukaev, lệnh cấm vận này được đưa ra nhằm đáp trả việc Ukraine tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm vào Nga. 
Cũng tới ngày 1.1.2016, Hiệp định liên kết giữa Ukraine với Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực, tạo ra khu vực thương mại tự do giữa Ukraine và EU. Hiệp định này được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và lãnh đạo EU ký ngày 27.6.2014 vốn đã bị phía Nga chỉ trích mạnh mẽ.  
Moscow lo ngại khi Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU được thực thi, thị trường Nga sẽ tràn ngập hàng hóa của châu Âu vì vậy việc ngừng FTA với Ukraine là một trong những biện pháp để bảo vệ thị trường Nga, ngăn chặn tác động của hàng hóa miễn thuế từ châu Âu vào Nga.

Nhà lãnh đạo châu Á nào công du nhiều nhất 2015?

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là hai nhà lãnh đạo châu Á có nhiều chuyến thăm nước ngoài nhất trong năm 2015 - Bloomberg cho hay.

Theo hãng tin này, ông Modi và ông Abe mỗi người đã đến thăm 23 quốc gia trong năm nay, nhiều hơn gấp đôi so với số chuyến thăm nước ngoài của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Nhà lãnh đạo châu Á đứng thứ ba về số chuyến thăm nước ngoài trong năm 2015 là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người đi thăm 14 nước.

Cả ba nhà lãnh đạo trên đã có một năm bận rộn với những chuyến bay khắp thế giới nhằm nâng tầm vị thế của quốc gia mình trong một trật tự thế giới ngày càng trở nên đa cực.

“Ấn Độ không có chính sách đối ngoại thực sự cho tới khi ông Modi lên nắm quyền”, ông Kilbinder Dosanjh, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của công ty nghiên cứu Eurasia Group, nhận định.

Các chuyến thăm nước ngoài dày đặc của ông Modi trong năm nay một mặt nhằm mục đích tìm kiếm đầu tư, mặt khác nhằm thể hiện sức mạnh đang lên của Ấn Độ với tư cách nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á hiện nay.

Đối với ông Tập Cận Bình, năm 2015 là một năm “ngoại giao nước lớn”, tìm kiếm một trật tự thế giới mới và điều mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường gọi là kết quả “đôi bên cùng có lợi”.

Các chuyến thăm của ông Tập năm nay lúc trúng, lúc trượt mục tiêu.

Chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 của ông đã bị che mờ bởi chuyến thăm diễn ra song song tới nước này của Giáo hoàng Francis. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc sau đó đã có chuyến thăm Anh thành công rực rỡ, nơi ông được hoàng gia xứ sương mù đón tiếp bằng nghi lễ trọng thể nhất.

Mặc dù vậy, khi có mặt tại Paris, ông Tập đã bỏ lỡ một cơ hội PR quý giá khi không xuất hiện ở nhà hát Bataclan để tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố đẫm máu hôm 13/11. Trong khi đó, cả ông Abe và ông Obama đều đã tới nhà hát này để tưởng niệm các nạn nhân.

Sau khi thăm 30 quốc gia trong năm 2014, ông Abe thăm nước ngoài ít hơn trong năm nay do phải có mặt trong nước để thúc đẩy dự luật mở rộng vai trò cho quân đội Nhật.

Nổi bật nhất trong số các chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nhật trong năm nay là chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, nơi ông được nhận một vinh dự mà Washington đã không dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc, đó là phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều thời điểm trong năm nay, ông Abe đã chậm chân hơn ông Tập Cận Bình trên mặt trận ngoại giao. Tokyo chỉ đẩy mạnh vai trò nhà cung cấp tài chính cho nhu cầu hạ tầng của châu Á sau khi Bắc Kinh mời được hơn 40 quốc gia, bao gồm Anh và Đức, tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Tổng thống Obama, nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ thăm 11 nước trong năm 2015. Ông Obama có 5 chuyến công du quốc tế trong cả năm, trong đó dài nhất là chuyến đi vào tháng trước tới Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Malaysia để dự 3 hội nghị thượng đỉnh khác nhau.

Mặc dù vây, năm nay là năm mà ông Obama bận rộn với việc tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài tới thăm Nhà Trắng, trong đó có ông Tập và ông Abe.


Tổng thống Putin: "Giá dầu buộc Nga phải xem lại chiến lược"

Hôm 17/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có buổi họp báo quốc tế thường niên với sự tham gia của gần 1.400 phóng viên quốc tế. Trong sự kiện đặc biệt này, ông Putin sẽ trả lời mọi câu hỏi, từ các sự kiện địa chính trị to tát đến những câu hỏi về đời sống cá nhân.

Được truyền hình trực tiếp, buổi họp báo này đã trở thành một “cuộc đua marathon”. Năm ngoái, ông Putin đã trả lời tổng cộng 53 câu hỏi được đưa ra bởi 38 phóng viên trong vòng hơn 3 tiếng đồng hồ.

Năm nay, Tổng thống Nga bước vào họp báo với tỷ lệ ủng hộ cao nhất từ trước đến nay và dư luận trong nước cũng ủng hộ chiến dịch quân sự của ông ở Syria.Trong khi đó quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong giai đoạn căng thẳng và Ukraine vẫn là "một mớ hỗn độn".

Ngoài vấn đề an ninh và khủng bố mà điển hình là căng thẳng trong quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, các câu hỏi sẽ tập trung cả vào nền kinh tế trong bối cảnh đồng ruble đã giảm hơn 6% trong quý này và dầu mỏ - “phao cứu sinh” của nền kinh tế Nga – lại bước vào một đợt lao dốc mới.

Nga cũng đang bước vào năm thứ hai bị cấm vận kinh tế. Người dân Nga đang cảm nhận được đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi ông Putin lên nắm quyền cách đây 16 năm. Tỷ lệ lạm phát của tháng 11 là 15%, trong khi tiền lương giảm mạnh nhất kể từ năm 1999.

Chúng tôi sẽ cập nhật diễn biến của cuộc họp báo này và gửi tới bạn đọc.

"Kinh tế Nga bị ảnh hưởng bởi giá dầu"

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình nền kinh tế, ông Putin khẳng định kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng bởi đà lao dốc của giá dầu. Diễn biến của giá dầu buộc Chính phủ Nga phải hạ dự báo và xem lại chiến lược phát triển kinh tế.

Từ đầu năm 2014, Nga đặt các kế hoạch dựa trên giả định giá dầu ở mức 100 USD/thùng, tuy nhiên hiện giờ giá dầu thô biển Bắc chỉ còn 39 USD/thùng. " 50 USD/thùng cho mức giá quá lạc quan cho năm 2016", ông Putin nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nước Nga đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng kinh tế. Trong quý II, hoạt động kinh doanh đã có nhiều dấu hiệu ổn định.

Theo kết quả khảo sát độc lập vừa được thực hiện bởi Levada Center, 80% người Nga đồng tình với nhận định rằng kinh tế Nga đang trong thời kỳ khủng hoảng. 58% cho biết họ phải cắt giảm mức chi tiêu cho thực phẩm.

Chính phủ Nga dự báo GDP của nước này sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm tới. Tổng thống Putin ủng hộ quan điểm của NHTW Nga rằng không nên vội vàng cắt giảm lãi suất mà phải dựa trên những diễn biến thực tế của nền kinh tế. "Mối đe dọa đối với Nga là lạm phát, trong khi các nước khác đang phải đối mặt với giảm phát", ông nói.

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và khủng hoảng ở Syria

Ông Putin cho biết quân đội Nga đã tăng cường hiện diện ở Syria sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga hồi tháng trước. "Không quân Nga sẽ tiếp tục hoạt động ở Syria vì quân đội Syria cần sự giúp đỡ của Nga".

"Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nên xin lỗi Nga nếu đó là một tai nạn, mặc dù nếu có ai đó ở Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định thân với Mỹ, tôi cũng không chắc liệu đó có phải là một tai nạn hay không", ông nói.

Chính phủ Nga đã quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ máy bay bị bắn hạ, tạo nên xung đột nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ giữa Nga và một thành viên của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cho đến nay vẫn chưa có bên nào chịu nhượng bộ.

Tổng thống Vladimir Putin nói rằng quan điểm của Nga đối với vấn đề Syria không hề thay đổi và sẽ không để bất cứ bên nào áp đặt ý chí của họ lên nước Nga. Ông nhấn mạnh rằng chỉ những người Syria mới có thể quyết định vận mệnh của họ, và ông cũng đã thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Syria với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi ông này tới thăm Moscow hôm 15/12 vừa qua.

Ngoài việc nhắc lại vụ máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi làm tổn hại quan hệ giữa hai nước, ông Putin còn phát tín hiệu Nga sẽ sẵn sàng bắn hạ bất kỳ máy bay quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không phận của Syria. "Hệ thống tên lửa phòng không tối tân nhất của Nga là S-400 đang bao phủ khắp Syria", ông nói.


Dàn vũ khí gần 2 tỷ USD Mỹ sắp bán cho Đài Loan

Gói vũ khí mà Mỹ sắp bán cho Đài Loan gồm hai tàu hộ tống, tàu đổ bộ tấn công, tên lửa chống tăng, radar, hệ thống chỉ huy, trinh sát, phòng không tầm gần.
tau ho tong lop perry cua dai loan dien tap phong ten lua chong ngam. anh:cna

Tàu hộ tống lớp Perry của Đài Loan diễn tập phóng tên lửa chống ngầm. Ảnh:CNA

Ngày 16/12, chính phủ Mỹ đã thông báo với Quốc hội nước này về kế hoạch bán gói vũ khí trị giá 1,83 tỷ USD cho Đài Loan, trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng vì những hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, theo Reuters.

Tuyên bố này được Nhà Trắng đưa ra một năm sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cho phép bán số vũ khí này cho Đài Loan. Đây là lô hàng vũ khí lớn đầu tiên mà Mỹ bán cho Đài Loan trong hơn 4 năm qua.

Theo đó, Mỹ sẽ bán cho Đài Loan hai tàu hộ tống lớp Perry theo Điều khoản Quốc phòng Phụ trội. Theo website của Cục Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, mỗi tàu hộ tống lớp Perry sẽ được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực MK-92 Mod 6, hệ thống tác chiến chống ngầm SQQ-89V, pháo MK-75 76 mm, hệ thống phòng không tầm gần Phalanx 20 mm, hệ thống phóng tên lửa dẫn đường MK-13, hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32, radar SPS-49, thiết bị thủy âm kéo SQR-19 cùng các phụ tùng kèm theo.

Tàu hộ tống lớp Perry là một loại tàu chiến cỡ nhỏ giá rẻ được Mỹ thiết kế và chế tạo từ thập niên 1970 để bảo vệ các tàu đổ bộ hoặc tham gia vào cụm tàu sân bay chiến đấu. Tàu có chiều dài 136 m, rộng 14 m, lượng giãn nước 4.200 tấn, thủy thủ đoàn 176 người. Với hai động cơ General Electric LM2500-30, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.500 hải lý.

Sau hơn 40 năm phục vụ trong hải quân Mỹ, đội tàu hộ tống lớp Perry đang được cho về hưu để nhường chỗ cho tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke hiện đại hơn. Thay vì xẻ thịt số tàu chiến về hưu này, Mỹ thường sẽ xem xét bán lại cho các nước đồng minh với giá rẻ trong những thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Trước khi được bán lại cho các nước và vùng lãnh thổ, các tàu hộ tống này sẽ được các công ty quốc phòng Mỹ sửa chữa, tân trang và trang bị các hệ thống vũ khí phù hợp nhằm kéo dài thêm thời gian phục vụ, để lực lượng hải quân tiếp nhận tàu có thể sử dụng các hệ thống chiến đấu theo tiêu chuẩn Mỹ. Hiện có 6 quốc gia, vùng lãnh thổ là Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Pakistan, Ai Cập, Bahrain và Đài Loan đang sử dụng loại tàu hộ tống lớp Perry theo các hợp đồng chuyển giao tàu cũ.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phê chuẩn cung cấp cho Đài Loan tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa chống tăng TOW 2B và tàu đổ bộ tấn công AAV-7. Mỹ cũng sẽ bán cho Đài Loan các hệ thống chỉ huy, trinh sát, kiểm soát Syun-An C4ISR, hệ thống Link 11/Link 16 trên tàu hải quân, các gói nâng cấp radar MIDS/NTAMS/Fuzes cho chiến đấu cơ F-16, các hệ thống phòng không tầm gần Phalanx và tên lửa đất đối không Stinger.

"Gói vũ khí này sẽ giúp Đài Loan tăng cường năng lực phòng thủ theo cách sáng tạo và phi đối xứng", ông David McKeeby, người phát ngôn Cục Chính trị-Quân sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết. "Thông báo này phù hợp với Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan, cũng như sự ủng hộ của chúng tôi đối với Đài Loan trong việc duy trì khả năng tự vệ thích hợp".

Ông McKeeby nhấn mạnh rằng gói vũ khí này sẽ không làm thay đổi chính sách "một Trung Quốc" của Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải phản ứng quyết liệt của phía Trung Quốc. "Chúng tôi kiên quyết phản đối việc bán vũ khí hoặc công nghệ quân sự cho Đài Loan do bất kỳ quốc gia nào thực hiện, dưới bất kỳ hình thức hoặc lý do nào", Mã Hiểu Quang, phát ngôn viên văn phòng chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan, tuyên bố.

Vũ khí thuần phòng thủTheo giới phân tích, hợp đồng trị giá 1,83 tỷ USD lần này khá khiêm tốn về quy mô và sức mạnh hỏa lực nếu so với gói vũ khí trị giá 5,9 tỷ USD mà Mỹ bán cho Đài Loan cách đây 4 năm, hay số chiến đấu cơ F-16 trị giá 6 tỷ USD được bán vào năm 2010.

ten lua chong tang javelin, mot loai vu khi phong thu my dong y ban cho dai loan. anh: force.tv

Tên lửa chống tăng Javelin, một loại vũ khí phòng thủ Mỹ đồng ý bán cho Đài Loan. Ảnh: Force.TV

Các chuyên gia phân tích quân sự chỉ ra rằng trong số vũ khí mà Mỹ đồng ý bán cho Đài Loan lần này hoàn toàn không có loại nào có thể hỗ trợ cho chương trình tàu ngầm diesel-điện mà Đài Loan đang thực hiện để thay thế hai tàu ngầm cũ kỹ lớp Hai-lang mua của Hà Lan từ thập niên 1980, và yêu cầu mua chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của Đài Loan cũng không được đả động đến.

"Số vũ khí trong danh sách này chỉ đơn thuần phục vụ mục đích phòng thủ", ông Eric Wertheim, chuyên gia phân tích hải quân Mỹ, phát biểu với trang USNI News hôm 16/12. "Rõ ràng là Mỹ không muốn làm Trung Quốc phật ý với việc cung cấp cho Đài Loan bất cứ thứ gì bị coi là ảnh hưởng đến thế cân bằng quyền lực trong khu vực hay mang tính tấn công".

Trong suốt 4 năm qua, chính phủ Mỹ không hề bán bất cứ loại vũ khí nào cho Đài Loan, bất chấp những lời chỉ trích từ phía Quốc hội. Hồi đầu năm, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố sẽ theo đuổi chương trình tàu ngầm riêng, sau khi Mỹ không có động thái thực hiện thỏa thuận cung cấp tàu ngầm được nhất trí dưới thời tổng thống George W. Bush.

Hồi tháng trước, thượng nghị sĩ John McCain đã viết thư đến Nhà Trắng bày tỏ quan ngại rằng Mỹ đã không tích cực trong việc hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc đang phát triển lực lượng quân sự rất nhanh.

"Nếu không có sự hỗ trợ này, quân đội Đài Loan sẽ tiếp tục thiếu nguồn lực và không thể duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy trước mối đe dọa từ Trung Quốc (đại lục), đặc biệt là khi nguồn lực quốc phòng hạn chế của họ đang gặp khó khăn vì chi phí cho nhân lực ngày càng tăng", ông McCain nhấn mạnh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục