tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hồ sơ Panama: Kịch hay đợi hồi kết

  • Cập nhật : 14/04/2016

(Tin kinh te)

Cảnh sát và các công tố viên Panama tối ngày 12/4 vừa qua đã tiến hành khám xét trụ sở và các chi nhánh của Công ty luật Mossack Fonseca trên khắp đất nước.

Phía công tố viên cho biết đang nỗ lực tìm kiếm các bằng chứng và tài liệu cho thấy công ty đã thực hiện “những hành vi bất hợp pháp” liên quan đến việc hỗ trợ nhiều khách hàng giàu có trên thế giới rửa tiền và trốn thuế.

Ngoài ra, công tác điều tra và khám xét cũng được triển khai tại một số chi nhánh khác của Mossack Fonseca ở Panama. Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" đang là tâm điểm của sự chú ý trên thế giới khi nó hé lộ về những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới. Khoảng 11,5 triệu tài liệu liên quan bị rò rỉ ghi lại hoạt động hàng ngày của Công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua.

thu tuong anh david cameron, mot trong nhung quan chuc co ten trong ho so panama

Thủ tướng Anh David Cameron, một trong những quan chức có tên trong Hồ sơ Panama

Hệ lụy “Thiên đường né thuế”

Thủ tướng Iceland Sigmundur Davíd Gunnlaugsson, đã trở thành lãnh đạo cao cấp đầu tiên buộc phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực chỉ vài ngày sau khi tài liệu được công bố. Có thể nói, Hồ sơ Panama chỉ là một “giọt nước” làm tràn ly đối với những bất ổn tồn tại lâu nay trong nội bộ Iceland.

Trong khi đó, trước sức ép rất lớn của dư luận, ông David Cameron đã trở thành Thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh phải chính thức công khai về việc đóng thuế của cá nhân vào ngày 10/4. Sau khi ông Cameron thông báo thành lập một lực lượng đặc trách mới để xử lý vụ Hồ sơ Panama, Phủ Thủ tướng nước Anh đưa ra khuyến cáo rằng "các nhà lãnh đạo tiềm năng" nên chuẩn bị tinh thần công khai hồ sơ đóng thuế của họ trong tương lai.

Châu Á cũng không ở ngoài vùng “phủ sóng” của Hồ sơ Panama khi lãnh đạo phe đối lập ở Pakistan Imran Khan đã kêu gọi Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức liên quan những thông tin rò rỉ trong Hồ sơ Panama (trong đó cho rằng các con trai của Thủ tướng Pakistan dính líu đến vụ bê bối).

Trước đó, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã bị cáo buộc có liên quan tới Công ty Fleg Trading Ltd., đặt trụ sở ở Bahamas và Công ty Kagemusha tại Panama, bị nêu tên trong vụ Hồ sơ Panama. Ngày 12/4, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã bác bỏ cáo buộc có liên quan tới công ty thuộc Tập đoàn Marci có trụ sở tại Panama do bố ông này sáng lập, công ty thứ ba mà ông dính líu theo như thông tin rò rỉ trong vụ Hồ sơ Panama.   

Tuy vậy, điều đáng chú ý theo các nhà phân tích là vụ hồ sơ bị rò rỉ này lại thiếu Mỹ - một tác nhân tài chính quan trọng của thế giới. Trong danh sách được tiết lộ, các phóng viên điều tra chỉ phát hiện có một nhóm người Mỹ, những công dân bình thường, đã chuyển một phần tài sản về các "thiên đường thuế" và các công ty vỏ bọc bình phong với sự trợ giúp của văn phòng luật Mossack Fonseca. 

Ngoài cái tên David Geffen, trùm hãng đĩa nhạc và đồng sáng lập hãng phim DreamWorks cùng với đạo diễn Steven Spielberg, thì không có tên một nhân vật có tầm cỡ nào khác nữa. Một số ý kiến cho rằng có khả năng là các công dân Mỹ sử dụng các “thiên đường thuế” rất gần như đảo Cayman hay đảo Virgin của Vương quốc Anh chứ không phải tìm kiếm đâu xa. Ngoài ra, giới chức Mỹ gần đây rất mạnh tay với những kẻ trốn thuế khiến các công ty và cá nhân e ngại.

Các chuyên gia cho rằng ngoài Panama, còn có các “thiên đường thuế” khác như Bermuda, quần đảo Cayman, hay Hong Kong. Ông Henri Đặng, cựu Thanh tra Thuế của Bộ Tài chính Pháp, hiện giảng dạy và tư vấn về thuế ở Paris nhận định “thiên đường thuế” là những quốc gia hay những lãnh thổ không đánh thuế hoặc thuế ở mức thấp. Thêm vào đó, những khu vực này phải có sự ổn định về chính trị, luật pháp, bảo đảm bí mật của khách hàng. 

Theo một nhà nghiên cứu tại London School of Economics năm 2014, lượng tài sản được gửi ở các “thiên đường thuế” khoảng 7.600 tỷ USD. Cũng theo một nhà kinh tế của tổ hợp tư vấn McKinsey, trên thế giới, tổng lượng tài sản được gửi ở nước ngoài khoảng 21.000 tỷ USD. Với số lượng lớn tài sản được “giấu” ở nước ngoài, đây là một khoản thất thu lớn về thuế đối với nhiều quốc gia.

Sự vào cuộc của các nước

Một tuần sau khi rò rỉ những tiết lộ đầu tiên của Hồ sơ Panama liên quan đến đường dây rửa tiền và trốn thuế lớn nhất trong lịch sử thế giới, Chính phủ Panama đã tăng cường và đẩy mạnh một chiến dịch quan hệ công chúng trong nỗ lực đưa nước này thoát khỏi vụ bê bối này.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, dù chưa có quan chức nào xuất hiện trong Hồ sơ Panama, cũng có phản ứng ngay lập tức. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cho biết, đang lên một kế hoạch hành động 10 điểm nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế, rửa tiền.

Đức dự định lập hệ thống danh sách chống rửa tiền, trong đó có toàn bộ cơ cấu của một doanh nghiệp cũng như những người được hưởng lợi về kinh tế trong doanh nghiệp đó. Dự kiến, Chính phủ Đức vào mùa Hè này sẽ đề xuất một dự luật liên quan và đây cũng là một phần trong chính sách chống rửa tiền thứ tư của Liên minh châu Âu.

Thẩm phán liên bang Argentina Sebastian Casanello đã bắt đầu tiến hành các thủ tục cần thiết để xem xét khả năng điều tra ông Macri, trong khi các cơ quan tư pháp đã triệu tập nhà báo Hugo Alconada - người tham gia điều tra các tài liệu của vụ bê bối này - để lấy lời khai.

Đây là những biện pháp đầu tiên mà cơ quan tư pháp nước Nam Mỹ đưa ra để điều tra việc liệu Tổng thống Macri có vi phạm pháp luật hay không, khi không khai báo về các hoạt động của ông này trong hai công ty gia đình được mở tại Bahamas và Panama, mặc dù ông làm giám đốc.          

Còn tại Trung Mỹ, Cơ quan Quản lý thuế Mexico (SAT) đang khẩn trương tiến hành điều tra 33 cá nhân có tên trong danh sách Hồ sơ Panama, trong đó bao gồm chính trị gia, doanh nhân và diễn viên.

Trong khi đó, Tổng Công tố quốc gia láng giềng Venezuela Luisa Ortega đã yêu cầu các ngân hàng phong toả tài khoản của những đối tượng nằm trong diện điều tra của chính phủ liên quan tới Hồ sơ Panama, với các công tố viên đang cân nhắc việc ra lệnh bắt giữ những nhân vật bị “điểm danh” trong Hồ sơ Panama.

Về phần mình, các cơ quan chức năng El Salvador đang tiến hành điều tra 33 cá nhân có tên trong danh sách Hồ sơ Panama để tìm kiếm các bằng chứng liên quan đến việc trốn thuế, gian lận tài chính và rửa tiền.


Quân Anh tổng hợp
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục