Trung Quốc đang cố đánh bóng quan hệ kinh tế với Mỹ trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng ông Tập sẽ phải đối mặt với dư luận dè dặt hơn rất nhiều trong chuyến thăm Mỹ lần này so với chuyến thăm 3 năm trước, theo Wall Street Journal ngày 18.9.
Vị thế mới của Nhật Bản
- Cập nhật : 20/09/2015
(Tin kinh te)
Dự luật an ninh mới sẽ tác động mạnh đến quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng
Với việc Thượng viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh gây tranh cãi, quân đội nước này sẽ được phép tham chiến ở nước ngoài trong những tình huống đặc biệt.
Một khi dự luật có hiệu lực trong vòng 6 tháng tới, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có thể bảo vệ đồng minh trong các cuộc xung đột dù vai trò này vẫn còn bị hạn chế.
Trước đó, binh sĩ Nhật chỉ được phép tham gia các sứ mệnh nhân đạo ở nước ngoài. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định sự chuyển hướng chính sách này có ý nghĩa thiết yếu nhằm ứng phó với những thách thức mới, như từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Mỹ và Anh hoan nghênh động thái trên của Nhật Bản. “Đạo luật sẽ giúp Nhật Bản và Mỹ xích lại gần nhau hơn. Quan hệ quân sự vững chắc... dẫn đến mối quan hệ chính trị của hai nước mạnh mẽ hơn” - đại tá Grant Newsham, sĩ quan hải quân Mỹ về hưu và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Nhật Bản chuyên nghiên cứu chiến lược tại Tokyo, nhận định.
Trong khi đó, theo chuyên gia Keith Henry của Công ty Tư vấn Asia Strategy (Nhật Bản), đạo luật an ninh mới là bước tiến giúp Nhật Bản trưởng thành hơn và vượt ra bên ngoài khuôn khổ những khái niệm hòa bình, dân chủ mơ hồ và không còn thực tế trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng.
Trái với sự hào hứng nói trên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thúc giục Nhật Bản duy trì tinh thần của bản Hiến pháp chủ trương hòa bình khi Tokyo thực thi các chính sách quốc phòng mới theo đạo luật an ninh.
Tương tự, Trung Quốc lo ngại Nhật Bản “đi chệch khỏi con đường hòa bình” theo đuổi lâu nay, đồng thời kêu gọi Tokyo “hành động thận trọng trong các vấn đề quân sự và an ninh”. Giáo sư Hoàng Đại Huệ thuộc Trường ĐH Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng với sự mở rộng hoạt động của SDF, công nghệ quân sự tiên tiến của Tokyo sẽ tạo thêm áp lực cho Bắc Kinh.
Tạp chí Nikkei Asian Review dẫn lời của ông Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), nhận định dự luật an ninh mới sẽ tác động mạnh đến quan hệ giữa Nhật với ASEAN nói chung và với từng nước thành viên nói riêng.
Ngoài ra, nó cũng mang lại cơ hội để ASEAN đóng vai trò chủ đạo trong việc làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột trong khu vực.
Không chỉ chia rẽ cộng đồng quốc tế, dự luật an ninh còn dẫn đến làn sóng biểu tình trong nước. Những người chống đối cho rằng mấy chục năm theo chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản bị vứt bỏ mà không có lấy một cuộc trưng cầu ý dân nào. Họ còn lo lắng binh lính được phái ra nước ngoài chiến đấu trong khi chưa được đào tạo kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Hàng ngàn người biểu tình tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng và kêu gọi tẩy chay những nghị sĩ ủng hộ đạo luật an ninh mới trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Tác động của đạo luật này lên ngân sách quốc phòng cũng gây lo ngại vào thời điểm Nhật Bản phải đối mặt với thâm hụt ngân sách quốc gia và nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc. Một liên minh mạnh mẽ hơn với Mỹ và sự mở rộng các sứ mệnh của SDF có thể làm gia tăng chi tiêu quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa đề xuất khoản ngân sách 41,7 tỉ USD cho tài khóa sắp tới, tăng 2,2% so với tài khóa hiện nay. Theo đài CNN, việc tăng ngân sách này có thể tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản sau khi ông Abe bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự được áp đặt từ những năm 1960.
Theo HUỆ BÌNH
Người lao động