Sắp có sàn giao dịch kim cương đầu tiên trên thế giới
Cách mua bán kim cương có thể sắp thay đổi. Trong quý 4/2015, sàn giao dịch kim cương đầu tiên trên thế giới sẽ được khởi động tại Singapore, với kế hoạch dài hạn là tạo ra thị trường kỳ hạn dành cho kim cương.
Sàn giao dịch kim cương đầu tiên trên thế giới sắp có mặt tại Singapore - Ảnh: AFP
Theo Channel News Asia hôm 18.9, sàn giao dịch kim cương đầu tiên trên thế giới sẽ được thành lập ở Singapore trong quý 4 năm nay.
Alain Vandenborre, người đứng sau Sàn Giao dịch Đầu tư Kim cương (SDiX) cho hay việc này sẽ giúp kim cương từ bây giờ được mua bán theo một cách hoàn toàn khác. Ông Vandenborre nói rằng ông ngạc nhiên khi ở thế kỷ 21 này, không ai cố gắng đưa kim cương vào giao dịch trên quy mô toàn cầu như một loại hàng hóa.
Để đạt được mục tiêu trở thành sàn giao dịch kim cương đầu tiên, một số công ty đá quý lớn nhất thế giới đã đứng ra làm nhà cung cấp. Trong số này có hãng Leo Schachter ở New York (Mỹ), nhà sản xuất hàng đầu trong ngành kim cương.
“Đến tận bây giờ, ngành công nghiệp vẫn hoạt động theo lối xưa cũ. Vẫn có người bán buôn, các nhà bán lẻ, những người trung gian. Song với sàn giao dịch này, chúng tôi - những người sản xuất kim cương có thể đem sản phẩm đến bán trực tiếp tại thị trường với mức giá hợp lý”, CEO Alex Yarrow của hãng Leo Schachter nói.
SDiX kỳ vọng sẽ đạt được kim ngạch ít nhất 250 triệu USD trong năm đầu hoạt động giao dịch, với các cơ sở được thiết lập tại Singapore, Hồng Kông và Ấn Độ. Sắp tới, sàn sẽ có kế hoạch hoạt động táo bạo hơn nữa: mở ra một thị trường kỳ hạn dành cho kim cương.
“Sàn giao dịch sẽ sớm được mở cửa, ngay khi chúng tôi điều chỉnh theo luật Hoạt động giao dịch kỳ hạn và tung ra được một số sản phẩm mà thị trường có nhu cầu cao”, ông Vandenborre cho biết.
Theo chỉ số kim cương được nhiều người theo dõi Rapaport, trong tháng 8 vừa qua, giá của một carat kim cương đã giảm 13% so với cách đây một năm. Dù vậy, một số thương nhân kim cương vẫn bày tỏ sự lạc quan về tương lai thị trường, bất chấp nền kinh tế Trung Quốc có nhiều bất ổn.
EU cam kết hỗ trợ 170 triệu USD cho chương trình hợp tác với ASEAN
Hội nghị ASEAN-EU tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: TTXVN)
Ban Thư ký ASEAN cho biết trong lễ trình Thư ủy nhiệm lên Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh ngày 17/9, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN ông Francisco Fontan Pardo đã nhấn mạnh EU cam kết tiếp tục tăng cường và nâng quan hệ đối thoại ASEAN-EU lên tầm cao mới.
Theo thông cáo báo chí Ban Thư ký ASEAN, Đại sứ Pardo khẳng định mối quan hệ truyền thống lâu đời và hợp tác cùng có lợi giữa hai khu vực là nền tảng để EU tăng cường quan hệ với ASEAN trong thời gian tới; đồng thời tái khẳng định EU sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN; cam kết tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho các chương trình hợp tác ASEAN-EU lên 170 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020, thể hiện sự cam kết lâu dài của EU trong việc hỗ trợ các nỗ lực hội nhập của ASEAN.
Đại sứ Pardo nhấn mạnh việc thành lập Phái đoàn EU tại ASEAN, có nhiệm vụ điều phối các cơ quan ngoại giao EU có trụ sở tại các nước thành viên ASEAN, là biểu hiện cam kết của EU, bổ sung, phối hợp chặt chẽ trên các lĩnh vực hợp tác song phương và đa phương giữa ASEAN và EU.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh hoan nghênh sự quan tâm của EU trong việc tăng cường hợp tác và nâng quan hệ đối tác của hai khối lên tầm cao mới.
Tổng Thư ký đánh giá cao những hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của EU, cũng như đã chia sẻ những kinh nghiệm và bài học quý báu trong quá trình hội nhập khu vực châu Âu.
Tổng Thư ký Lê Lương Minh thông báo cho Đại sứ Pardo về tiến trình thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, cho biết ASEAN đang có những bước tiến vững chắc để hiện thực hóa một cộng đồng hội nhập, kết nối và hướng tới người dân.
ASEAN cũng đang hoàn thiện Tầm nhìn sau năm 2015 để định hướng cho quá trình hội nhập của Cộng đồng trong 10 năm tiếp theo.
Đồng thời, Tổng Thư ký cho rằng sự hợp tác và hỗ trợ liên tục của các đối tác bên ngoài, đặc biệt là EU, có ý nghĩa hết sức quan trọng cho những thành công của ASEAN.
(TTXVN/VIETNAM+)
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck phải bồi thường hàng trăm tỷ baht
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck phải bồi thường hàng trăm tỷ baht
Ngoài số tiền nộp phạt, trước đó, bà Yingluck bị cấm tham gia chính trường 5 năm do cáo buộc liên quan đến sai phạm trong chương trình trợ giá lúa gạo.
Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam ngày 18/9 thông báo cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và một số bộ trưởng trong nội các chính phủ cũ cùng nhiều quan chức khác sẽ phải bồi thường tổng cộng đến 510 tỷ bath vì thiệt hại của chương trình thu mua lúa gạo.
Trong số các quan chức chính phủ cũ phải bồi thường, ngoài bà Yingluck, có cựu Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom, cựu Thứ trưởng Thương mại Phoom Sarapol và cựu Tổng cục trưởng Cục Ngoại thương Manas Soythong.
Theo ông Wissanu Krea-ngam, hai ủy ban điều tra, một của bộ thương mại và một của bộ tài chính, sẽ hoàn thành hồ sơ điều tra vụ việc trên vào cuối tháng 9 này. Sau đó, các báo cáo điều tra sẽ được trình lên Thủ tướng Prayut Chan-ocha, người sẽ yêu cầu Ủy ban Bồi thường xác định mức độ vi phạm của từng cá nhân và yêu cầu họ bồi thường tương xứng, nếu không chịu bồi thường họ sẽ bị tịch thu tài sản.
Bà Yingluck và các nhân vật trên có 30 ngày để nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Hành chính Thái Lan.
Hôm 23/1, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) đã bỏ phiếu nhất trí buộc tội bà Yingluck vì đã xao nhãng nhiệm vụ của mình trong việc giám sát chương trình trợ cấp lúa gạo và gây thiệt hại cho đất nước hàng tỷ bath.
Với lời buộc tội này, bà Yingluck sẽ bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong vòng 5 năm./.
Mỹ vừa quyết định nới lỏng cấm vận thương mại, du lịch với Cuba
Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận Cuba
Mỹ vừa quyết định nới lỏng cấm vận thương mại, du lịch với Cuba.
Washington Post đưa tin, ngày 18/9, Nhà Trắng đã thông báo những điều chỉnh mới nhằm nới lỏng lệnh cấm vận thương mại của Washington đối với La Habana, qua đó giảm thiểu những lệnh cấm với công ty Mỹ và khuyến khích thêm nhiều người Mỹ tới Cuba du lịch.
Những điều chỉnh mới nới lỏng hạn chế nhằm vào kinh doanh phần mềm và cho phép một số công ty nhất định thành lập chi nhánh ở Cuba.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nói rằng bước đi này "nêu bật cam kết của chính quyền về thúc đẩy sự thay đổi có tính xây dựng cho người dân Cuba... Những sự thay đổi này dựa trên các sửa đổi được thực thi trong năm nay và sẽ nới lỏng hơn nữa lệnh trừng phạt về du lịch, viễn thông và các dịch vụ liên quan đến Internet, hoạt động kinh doanh tại Cuba và hoạt động gửi tiền."
Những quy định mới cũng cho phép có thêm các tàu chở khách đưa khách du lịch và hàng hóa tới Cuba để tham gia các sự kiện thể thao quốc tế.
Alibaba gặp khó vì kinh tế Trung Quốc
Alibaba từng có một khởi đầu như mơ khi lên sàn chứng khoán nhưng giờ đây hãng thương mại điện tử số một Trung Quốc đang khó trăm bề. 1.000 USD giá trị cổ phiếu hãng Alibaba hồi đầu năm nay chỉ còn lại chừng 635 USD.
Nhà sáng lập hãng Alibaba Jack Ma - Ảnh: AFP
Tỉ phú sáng lập hãng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba, ông Jack Ma, chỉ có một công thức đơn giản cho sự hạnh phúc: Quan tâm đến bạn bè, đừng quá lo về chuyện tiền bạc và cuối cùng cũng là quan trọng nhất, đừng đem công ty lên sàn chứng khoán.
Theo CNN, một năm kể từ khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và giữ danh hiệu đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất lịch sử, Alibaba đang chồng chất khó khăn.
Đã từng có lúc giá trị thị trường Alibaba vượt qua cả đại gia bán lẻ Walmart và hãng thương mại điện tử Amazon. Hiện tại, cổ phiếu công ty Trung Quốc này đã sụt giảm 45% kể từ mức đỉnh lập ra ngày 15.11 năm ngoái và đang giao dịch ở mức dưới 68 USD/cổ phiếu.
Đầu năm nay, tỉ phú Jack Ma từng nói: “Nếu tôi có thể làm lại, tôi sẽ giữ công ty mình ở trạng thái tư nhân. Cuộc sống khó khăn hơn khi bạn để doanh nghiệp của mình thành công ty đại chúng”.
Khi nhắc đến nguyên nhân khiến sức khỏe của ông lớn thương mại điện tử châu Á xấu đi, giới phân tích chỉ ra các yếu tố: kinh tế Trung Quốc, hàng giả, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác, chi tiêu cao và cách quản lý doanh nghiệp.
Hoạt động của Alibaba ít nhiều chịu ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc. Biến động thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế Đại lục yếu đi là hai yếu tố mà họ ít có khả năng kiểm soát. Thương mại điện tử vẫn là hoạt động kinh doanh chủ chốt của Alibaba, vì thế chuyện người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của công ty.
Vấn đề đau đầu thứ hai đối với ông chủ của Alibaba là hàng giả. Tỉ phú Jack Ma và những nhà điều hành cấp cao của hãng đã hứa rằng sẽ loại hàng giả, hàng nhái khỏi các nền tảng thương mại điện tử của họ. Song có vẻ như lời hứa này được đưa ra khá muộn màng, sau khi thương hiệu Gucci đã hai lần đệ đơn kiện và cả giới chức Đại lục cũng cảnh báo về hàng giả.
Hai lý do tiếp theo cho sự suy giảm của Alibaba là mức độ cạnh tranh lớn hơn từ các công ty đối thủ, đơn cử như JD.com, nền tảng thương mại điện tử mà đứng sau là đại gia điện thoại di động Tencent, và số tiền chi tiêu quá nhiều cho các hoạt động mua bán, đầu tư.
Cuối cùng, giới phân tích cho rằng cách quản lý doanh nghiệp là lý do khiến hãng Alibaba điêu đứng. Ông lớn thương mại điện tử đã từng chọn Mỹ, thay vì Hồng Kông, là nơi niêm yết doanh nghiệp. Tuy vậy, với phương châm “khách hàng là trên hết, nhân viên là mối quan tâm tiếp theo và cuối cùng là cổ đông", Jack Ma và công ty của ông vẫn chưa có nhiều hành động để giải đáp các mối lo ngại và sự suy xét kỹ lưỡng của giới đầu tư, chuyên gia phân tích.
Dù thế, Bloomberg và CNN cũng cho hay Alibaba vẫn còn khá nhiều ưu điểm. Một trong số đó là việc hãng đã có được vị trí thống trị tại một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Cách quản lý, quản trị của công ty cũng đang dần được cải thiện.
Chuyên gia James Cordwell, hãng chứng khoán Atlantic, nhận định dù Alibaba sẽ trải qua 2 đến 3 quý khó khăn sắp tới, những thử thách này sẽ giúp họ trở trở thành một doanh nghiệp vững chãi hơn trong 10 năm nữa.
(
Tinkinhte
tổng hợp)