Bloomberg cho rằng Trung Quốc nằm trong số những nước thiệt thòi nhiều nhất khi không vào TPP - Ảnh: Reuters
Do Trung Quốc không vào TPP, Mỹ rộng đường tập trung củng cố chặt hơn các mối quan hệ giao thương với các quốc gia trên toàn cõi châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có thêm lợi thế để tiếp tục xúc tiến chiến lược xoay trục về khu vực này.
Bắc Kinh ban đầu từ chối gia nhập TPP, gọi đây là biện pháp kiềm chế sự trỗi dậy Trung Quốc của Washington; tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc hiện tỏ ra quan tâm đến khả năng tham gia trong tương lai, theo Bloomberg.
“Trung Quốc có thái độ cởi mở đối với việc thiết lập các hệ thống tuân thủ theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có lợi cho sự hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng hy vọng TPP và các hiệp ước thương mại tự do khác trong khu vực có thể tạo ra lợi ích song phương, qua đó có thể đóng góp cho phát triển giao thương, đầu tư và kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương”, theo một bình luận về TPP của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Fielding Trần, chuyên gia kinh tế của Bloomberg, nhận định rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc nhiều khả năng sẽ mất một số thị phần tại nhiều thị trường lớn, như Mỹ và Nhật Bản, lẫn nhỏ, chẳng hạn như Việt Nam.
TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như các loại bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các nước này hiện chiếm đến khoảng 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu.
Các thành viên TPP gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.
Các nước tham gia đàm phán TPP cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp, cũng như hoạt động cạnh tranh với khối doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chi tiết của các vòng đàm phán vẫn không được công khai ra công chúng, mà các nhà thương thuyết sẽ soạn ra một bộ tài liệu cho chính phủ nước họ.
Thổ Nhĩ Kỳ dọa bắn chiến đấu cơ Nga
Mỹ và NATO lên án Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ giữa lúc Ankara dọa sẽ đáp trả nếu Moscow tái phạm.
Một chiếc Su-24 của Nga cất cánh tại căn cứ Hmeimim ở tỉnh Latakia của Syria - Ảnh: AFP
NATO hôm qua 6.10 đã tiến hành cuộc họp khẩn với đại diện 28 nước thành viên tại Bỉ để tìm biện pháp đối phó việc chiến đấu cơ Nga bị tố 2 lần xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần qua. Các thành viên NATO đã cực lực phản đối và lên án hành động của Moscow, theo Reuters. Nhà Trắng cũng gọi động thái của Nga là “hành động khiêu khích” trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng, máy bay có thể bị bắn rơi và đó chính là điều chúng tôi muốn cảnh báo”.
Ankara cho biết phải điều 2 chiến đấu cơ F-16 ngăn chặn một chiến đấu cơ Su-30 của Nga tham gia chiến dịch không kích tại Syria đã bay lấn vào lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3.10. Ngày hôm sau, một chiến đấu cơ khác của Nga tiếp tục bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao của nước này. Vụ việc mới nhất khiến Ankara triệu tập đại sứ Nga lần thứ hai, đồng thời cảnh báo Moscow sẽ “chịu trách nhiệm đối với sự cố không mong muốn có thể xảy ra” nếu tái phạm. “
Quy định giao chiến của Thổ Nhĩ Kỳ rất rõ ràng đối với mọi máy bay xâm phạm không phận của chúng tôi. Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã được hướng dẫn cụ thể. Cho dù là con chim bay ngang cũng sẽ bị ngăn chặn”, theo AFP dẫn lời cảnh báo của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 5.10 thừa nhận chiếc Su-30 “đi lạc” trong vài giây do thời tiết xấu và cam kết chuyện này sẽ không tái diễn. Nga cho biết đang điều tra cáo buộc về chiến đấu cơ thứ hai xâm phạm lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, theo AFP. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm qua 6.10 cho biết ông nghi ngờ về lời giải thích trên. “Tôi sẽ không nghi ngờ về động cơ nhưng việc này không giống như sự cố… vì có tới 2 lần vi phạm”, ông Stoltenberg nói.
Cũng theo lãnh đạo NATO, Nga dường như tấn công vào quân nổi dậy chống chính phủ Syria chứ không phải các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko khẳng định Moscow không có kế hoạch điều lính bộ binh đến Syria, theo Bloomberg. Nga phải vội đưa ra lời giải thích trên sau khi một quan chức nước này tiết lộ ngày 5.10 rằng lính tình nguyện Nga có thể tham chiến tại Syria. “Nhiều khả năng là các nhóm tình nguyện viên Nga sẽ tham gia chiến đấu cùng quân đội Syria”, theo Interfax-AVN dẫn lời Đô đốc Vladimir Komoyedov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng thuộc quốc hội Nga.
Trong một diễn biến liên quan, hơn 40 nhóm nổi dậy tại Syria, trong đó có một số nhóm được các nước Ả Rập hậu thuẫn, đã kêu gọi các quốc gia trong vùng lập liên minh chống Nga và Iran
Hội nghị thường niên WB - IMF: Gỡ gạc
Với việc tổ chức hội nghị thường niên năm nay ở Lima (Peru), cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lẫn Ngân hàng Thế giới (WB) đều theo đuổi chủ ý cải thiện quan hệ với các nước ở khu vực Trung và Nam Mỹ.
Nhân viên bảo vệ trước địa điểm diễn ra hội nghị thường niên của WB và IMF năm 2015 ở Lima (Peru) - Ảnh: Reuters
Lần cuối cùng IMF và WB tổ chức hội nghị thường niên ở khu vực này là vào năm 1967. Rất nhiều nước trong khu vực coi WB và IMF là công cụ của Mỹ, không hài lòng với cách hành xử của IMF và WB. Không ít quốc gia ở đây trong quá khứ gặp khó khăn về kinh tế, khủng hoảng tài chính và tiền tệ nhưng không nhận được sự trợ giúp kịp thời của IMF và WB.
Một số nước đã ngưng trệ toàn bộ quan hệ với IMF và WB. Brazil đã cùng một số đối tác ở trong cũng như ngoài khu vực thành lập những thể chế tài chính và tiền tệ quốc tế mới nhằm thay thế hoặc làm đối trọng với IMF và WB.
Hiện tại, trong khu vực chỉ có Mexico và Colombia nhận được sự trợ giúp tài chính của IMF. Hai nước này lại thuộc diện những nước có quan hệ gắn bó nhất với Mỹ về chính trị. Có thể thấy ngoài Mexico và Colombia, IMF và WB hiện gần như không có ảnh hưởng và không còn vai trò gì ở Mỹ La tinh.
Cho nên IMF và WB phải tìm cách gỡ gạc để dần phục hồi vai trò và gây dựng ảnh hưởng. Các nước cứ ngày càng rời ra WB và IMF thì WB và IMF phải chủ động xích lại gần họ. Khi xưa, WB và IMF hành xử với các nước trong khu vực theo kiểu ban phát và áp đặt điều kiện thì bây giờ phải tỏ ra có lợi và hữu ích đối với các nước này. IMF và WB giờ phải trả giá cho sự ngạo mạn về thế và lực trong quá khứ.
Thái Lan kêu gọi ngưng trồng lúa vì thiếu nước
Trước nguy cơ hạn hán, Thái Lan kêu gọi nông dân trên toàn quốc ngưng trồng lúa, chuyển sang loại cây lương thực đòi hỏi ít nước hơn.
Nông dân trồng lúa ở Thái Lan lao đao vì hạn hán - Ảnh: Lam Yên
Theo The Nation, người phát ngôn của chính phủ Thái Sansern Kaewkamnerd cho biết lượng mưa năm nay ít hơn hằng năm. Mực nước tại những con đập lớn cũng rất thấp và dự báo năm sau hạn hán còn tệ hơn. Điều này sẽ khiến việc trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các tỉnh miền trung.
“Vì vậy, nông dân có thể cân nhắc việc trồng bắp thay vì trồng lúa”, ông nói. Ông Sansern cũng cho biết chính phủ đã hỗ trợ nông dân bằng cách cung cấp vốn để khoan giếng lấy nước tưới tiêu, làm mưa nhân tạo, trả tiền đền bù cho việc mùa màng thất bát, tạo nhiều việc làm thích hợp cho nông dân…
Trong khi đó, theo tờ The Wall Street Journal, hiện tượng El Nino sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm 2015 và là đợt El Nino tồi tệ nhất kể từ cuối thập niên 1990 đến nay. Điều này sẽ khiến Đông Nam Á rơi vào tình trạng khô hạn nghiêm trọng.
Chuyên gia kinh tế David Dawe thuộc Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Nông lương LHQ cho biết: “Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sản lượng gạo của Thái, Indonesia và Philippines. Vì vậy, giá gạo có thể sẽ tăng cao”. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm đến 18%. Trong những năm qua, việc tích trữ đã giữ giá gạo ở mức thấp nhưng lượng gạo dự trữ trên thế giới đang giảm mạnh. Từ năm 2011, dưới thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Thái Lan đã tích trữ lượng gạo khổng lồ. Tuy nhiên, chỉ 10% trong số 18 triệu tấn gạo dự trữ còn đạt chất lượng tốt.
Dự trữ ngoại hối Trung Quốc chạm đáy sau 3 năm
Dự trữ ngoại hối Trung Quốc trong tháng 9 giảm 43,3 tỉ USD xuống còn 3.514 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7-2012, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố hôm 7-10.
Dự trữ ngoại hối Trung Quốc chạm đáy sau 3 năm
Con số suy giảm của dự trữ ngoại hối của Trung Quốc dù không lớn như thị trường dự đoán nhưng vẫn là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương nước này tiếp tục can thiệp vào thị trường trong tháng qua. Ảnh: Reuters
Trước đó, trong tháng 8, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm kỷ lục 93,9 tỉ USD giữa lúc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ráo riết can thiệp nhằm ổn định đồng nhân dân tệ và trấn an thị trường sau động thái phá giá động nội tệ đột ngột hôm 11-8.
Việc dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế số 2 thế giới tiếp tục tụt dốc mạnh trong tháng 9 làm dấy lên nghi vấn đối với sự chịu đựng của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ đồng nhân dân tệ khi các dòng vốn đang tháo chạy khỏi nước này vì sợ sự suy giảm kinh tế có thể tồi tệ hơn trong khi cục dự trữ liên bang Mỹ có khả năng tăng lãi suất.
Từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trung bình mỗi tháng 36,5 tỉ USD. Tháng duy nhất từ đầu năm chứng kiến dự trữ ngoại hối của nước này tăng là tháng 4. Giới phân tích nhận định nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới của Trung Quốc vẫn đang trong đà giảm.
"Con số suy giảm của dự trữ ngoại hối của Trung Quốc dù không lớn như thị trường dự đoán nhưng vẫn là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương nước này tiếp tục can thiệp vào thị trường trong tháng qua” – Nhà kinh tế học Singapore Zhou Hao thuộc Commerzbank nhận định.