tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 30-10-2015

  • Cập nhật : 30/10/2015

Đại sứ Osius: 'Mỹ tuần tra để ngăn xung đột' ở Biển Đông

Việc Washington sẽ điều thêm các tàu tuần tra ở quanh các đá ở Trường Sa là nhằm kêu gọi các bên liên quan đến tranh chấp tuân thủ luật pháp quốc tế.
dai su my ted osius. anh: viet anh

Đại sứ Mỹ Ted Osius. Ảnh: Việt Anh

"Tôi cho rằng việc nêu cao tinh thần của luật pháp quốc tế chính là cách để ngăn xung đột. Chắc chắn chúng ta không muốn có xung đột và tôi nghĩ chính các nước trong khu vực cũng không muốn thấy điều này", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius sáng nay trả lời riêng VnExpress về lo ngại xung đột quân sự ở Biển Đông.

Theo Đại sứ, việc tàu Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đá ở Trường Sa không phải là việc khác thường. Washington đã từng điều tàu đến khu vực trước đây và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Mục đích là bảo đảm các vùng biển quốc tế an toàn cho tàu thuyền qua lại, tuân theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.

"Việc này là thường xuyên", ông Osius nhấn mạnh.

Tàu Lassen của Mỹ hôm qua di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết các tàu Mỹ và Trung Quốc đã có liên lạc "thông thường". Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013.

Cũng trong hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter xác nhận việc này và gợi ý sẽ có thêm hành động trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Ông khẳng định các phương tiện của Mỹ sẽ di chuyển trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật quốc tế cho phép.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết hải quân nước này sẽ tiếp tục cử thêm các tàu chiến tới đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép.

Phản ứng trước diễn biến mới này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay sẽ điều hai tàu khu trục tên lửa Lan Châu và Đài Châu bám sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và tiến hành bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo. Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

Đề cập tới chuyến công du sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Đại sứ Osius cho biết trong năm nay ông Obama sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Malaysia. 

"Tôi hy vọng Tổng thống đến Việt Nam trong tương lai nhưng chúng tôi chưa có thông tin về thời gian cụ thể từ Nhà Trắng", ông nói.


Nhật sẽ hợp tác với Mỹ để bảo vệ hòa bình trên biển

Thủ tướng Shinzo Abe ủng hộ tàu khu trục Mỹ vào trong phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa, đồng thời tuyên bố sẽ hợp tác để bảo vệ hòa bình trên biển. 
tau karuma cho thu tuong nhat shinzo abe dan dau doi tau trong mot su kien. anh: reuters

Tàu Karuma chở Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dẫn đầu đội tàu trong một sự kiện. Ảnh: Reuters

"Để bảo vệ vùng biển tự do, mở và hòa bình, chúng tôi sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đồng minh của chúng tôi", Japan Times dẫn lời ông Abe hôm qua nói tại thủ đô của Kazakhstan. 

Thủ tướng Nhật cũng cho rằng hành động tuần tra của Mỹ dựa trên luật quốc tế, trong khi hành động đơn phương thay đổi hiện trạng của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế. 

Tuyên bố của ông Abe được đưa ra sau khi Mỹ triển khai tàu Lassen di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc tuyên bố hai tàu nước này đã theo dõi tàu Lassen. 

Các quan chức cấp cao của Nhật hôm qua cũng cho biết Nhật - Mỹ đang trao đổi thông tin về động thái trên và Tokyo sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình trước khi quyết định phương thức hành động.

Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể ở Trường Sa, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở đây cuối năm 2013. AFP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết nước này sẽ tiếp tục cử thêm tàu chiến tới đảo nhân tạo Trung Quốc, với thời gian và địa điểm tùy thuộc vào lựa chọn của Washington . 

Theo Điều 121, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), chỉ có các đảo tự nhiên có hoạt động của con người và hoạt động kinh tế mới được hưởng vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, nơi nước có chủ quyền có thể kiểm soát việc sử dụng và sử dụng mọi tài nguyên. Việc mở rộng bồi đắp bất cứ thực thể nào không mang lại quy chế cho chúng theo luật quốc tế.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và tiến hành bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.


Nga sắp “cháy túi”, dự báo cú sốc kinh tế thứ hai

Những lo lắng về nền kinh tế Nga lại bùng lên sau khi Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov thông báo Quỹ Dự trữ của nước này có thể sẽ cạn sạch tiền trong năm 2016.

 bo truong tai chinh nga anton siluanov (phai) thua nhan quy du tru dang can tien - anh: reuters

 Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov (phải) thừa nhận quỹ dự trữ đang cạn tiền - Ảnh: Reuters

Theo Itar-Tass, tại Thượng viện Bộ trưởng Siluanov cho biết trong năm 2016 thu ngân sách của chính phủ sẽ chỉ đạt 217 tỷ USD trong khi chi tiêu lên đến 252 tỷ USD. Trong khi đó, Quỹ Dự trữ Nga sẽ giảm hơn 50%, tương đương 40,85 tỷ USD.

Bộ trưởng Siluanov cảnh báo nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp dưới 50 USD/thùng như hiện nay và tỷ giá đồng USD không thay đổi thì “năm 2016 sẽ là năm cuối cùng chúng ta có thể sử dụng quỹ dự trữ. Sau đó chúng ta sẽ đánh mất nguồn lực này”.

Đầu năm 2015 Quỹ Dự trữ của Nga đạt mức 77,161 tỷ USD, tương đương 6,7% GDP. Tuy nhiên Bộ Tài chính dự báo đến cuối năm 2016 số tiền trong quỹ này sẽ chỉ còn lại khoảng 16,4 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP. “Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ” - ông Siluanov kết luận.

Hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Nga cho biết đã tiêu 6 tỷ USD từ Quỹ Dự trữ để bù đắp cho thâm hụt ngân sách trong tháng 9. Trước đó Điện Kremlin xác định sẽ bù đắp cho Quỹ Dự trữ nếu giá dầu tăng lên trên 70 USD/thùng. Ông Siluanov khi đó cảnh báo Nga sẽ đánh mất sự ổn định nếu Quỹ Dự trữ cạn tiền.

Tuy nhiên giới chuyên gia quốc tế đánh giá hoàn toàn không có khả năng giá dầu sẽ tăng trở lại. Trong thời gian qua, giá dầu giảm và cấm vận phương Tây đã khiến nền kinh tế Nga chao đảo. Trong quý 3-2015, GDP Nga giảm tới 4,3%.

Phát biểu tại Thượng viện, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Vedev cảnh báo kinh tế nước này sẽ phải chịu một cú sốc thứ hai nếu giá dầu giữ ở mức 40 USD/thùng trong ba năm tới.

Interfax dẫn lời ông Vedev cảnh báo: "Kịch bản giả định cho thấy giá dầu xuống mức 40 USD/thùng vào năm 2016 và duy trì mức đó tới năm 2018. Chúng tôi tính rằng sự suy giảm như vậy đồng nghĩa với cú sốc thứ hai cho nền kinh tế Nga - một cú sốc bên ngoài, và sẽ mất thêm thời gian để thích ứng với điều kiện mới."


Chủ tịch Quốc hội Đức loại trừ khả năng phê chuẩn TTIP

Chủ tịch Quốc hội Đức Norbert Lammert đã yêu cầu tăng cường sự minh bạch trong đàm phán về Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), đồng thời cảnh báo Quốc hội Đức sẽ không ký thỏa thuận này.

Sputnik đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Đức Norbert Lammert đã yêu cầu tăng cường sự minh bạch trong đàm phán về Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), đồng thời cảnh báo Quốc hội Đức sẽ không ký thỏa thuận này.

Phát biểu với với hãng tin Đức Funke Mediengruppe, ông Lammert nêu rõ: "Tôi loại trừ khả năng quốc hội Đức phê chuẩn TTIP giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, bởi vì quốc hội không thể kiểm soát việc thực hiện thỏa thuận này."

Tương tự như Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel, ông Lammert nói rằng "Đại sứ quán Mỹ cung cấp rất ít thông tin, do đó cả chính phủ lẫn Quốc hội Đức đều không có gì để thảo luận (về TTIP)."

Người dân Đức cũng phản đối thỏa thuận TTIP. Ở các thành phố lớn trên toàn nước Đức thường xuyên diễn ra những cuộc biểu tình phản đối sáng kiến này, với sự tham gia của hàng nghìn người.

TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu.

Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. EU và Mỹ hy vọng sẽ đạt được TTIP vào năm 2016.


Không chỉ Mỹ xoay trục sang châu Á

Năm 1999 và 2005, hai cựu Chủ tịch nước của Trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Anh Quốc, nhưng cả hai lần đó thảm đỏ nước Anh dường như ít rực rỡ hơn so với chuyến công du lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong lịch trình 4 ngày, điểm đến của ông Tập trải dài từ London đến Manchester, từ các trường đại học cho đến câu lạc bộ bóng đá. Đặc biệt, vị chủ tịch được đón tiếp tại Lưỡng viện Quốc hội – một đặc ân vốn chỉ dành cho một số lãnh đạo phương Tây.

Hiếm có một chuyến thăm cấp nhà nước nào mà lịch trình trải khắp khu vực, nhưng cũng hiếm có lần nào chính phủ Anh lại đặt cược lớn vào một mối quan hệ như vậy. Trong khi nhiều nước phương Tây, bao gồm Mỹ vẫn ưa thích giữ mối quan hệ bền chặt với các nước cộng hòa, sẵn sàng giao thương với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng không sâu, thì Anh tích cực theo đuổi Trung Quốc, ca ngợi sự khởi đầu cho một mối quan hệ “kỷ nguyên vàng”.

Trong suốt chuyến thăm, cả hai nước công bố một loạt các hợp đồng mà mục đích là để đưa Anh trở thành phát ngôn viên chính của Trung Quốc với phương Tây. Robin Niblett – chủ tịch Chatham House cho rằng, “Đây là một động thái chiến lược trong dài hạn. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Anh chắc chắn sẽ được lợi, nhưng rõ ràng, lợi ích phải làm sao để bù lại sự hoài nghi và phản đối. Hơn nữa, chính sách xoay trục sang châu Á của Anh có thể chọc tức các nước đồng minh. Ngay cả George Osborne – người đề xuất chính sách xoay trục cũng nói rằng, “đó là một rủi ro”.

Vậy điều gì làm cho hai cựu địch thủ, hai quốc gia thuộc hai bờ chiến tuyến trong chiến tranh lạnh mong muốn hợp tác thực hiện “kỷ nguyên vàng” đến như vậy. Trung Quốc không quá hào hứng với nước Anhtrong vai trò là một thị trường nước ngoài vì nước Anh có dân số khá ít. Tuy nhiên, Anh là một “bệ phóng lý tưởng để Trung Quốc đi ra toàn cầu”. Xâm nhập vào the City (trung tâm tài chính – kinh doanh của Anh, nằm ở khu phố cổ nhất London) và thị trường tài chính là nhiệm vụ quan trọng đối với Trung Quốc, đặc biệt là tìm kiếm cơ hội quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy thanh khoản ở Trung Quốc và mong mỏi đồng nhân dân tệ một ngày sẽ trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế đối trọng với đồng USD, “đồng nhân dân tệ sẽ có mức tín nhiệm cao hơn khi được trao đổi tại the City.” Ông Gary Campkin - giám đốc The City UK thuộc nhóm lợi ích ủng hộ cho biết. Đó cũng là lý do vì sao Trung Quốc đánh giá cao quyết định của Anh khi trở thành quốc gia lớn phương Tây đầu tiên tham gia vào AIIB hồi tháng 3.

Đứng trên quan điểm của Anh, câu chuyện bớt phức tạp hơn. Anh cần tiền để đầu tư trong nước, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng, mà Trung Quốc rất muốn giúp đỡ. Cho đến nay, đầu tư Trung Quốc tại Anh vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng có thể thay đổi đáng kể. Ngày 21/10, công ty điện quốc gia Trung Quốc đầu tư 6 tỷ bảng (9,3 tỷ USD) vào dự án hạt nhân tại Hinkley Point. Một số dự án cũng đang trong diện hứa hẹn ký kết, như dự án “Nhà máy năng lượng phía Bắc” – lý do cho chuyeensd thăm Manchester của ông Tập. Trong nỗ lực xa hơn nhằm thúc đẩy chi tiêu Trung Quốc, chính phủ đã tuyên bố sẽ cắt giảm chi phí visas thị thực 2 năm cho khách du lịch Trung Quốc – những người đặc biệt giỏi tiêu tiền ở Anh.

Về xuất khẩu Trung Quốc, từ lâu, Anh thua xa các đối thủ Liên minh châu Âu như Đức, Pháp, ngay cả khi Anh tăng cường giao thương với Trung Quốc hơn thị trường mới nổi khác. Nhưng Stephen Phillips thuộc Hội đồng kinh doanh Trung – Anh nhận định, Trung Quốc đang cố gắng tái cân bằng nền kinh tế từ sản xuất giá rẻ hướng tới mô hình dịch vụ phức tạp hơn. Anh vốn có lợi thế so sánh về giáo dục, kỹ thuật cao cấp và nghiên cứu khoa học. Vừa qua, một trong số những điểm dừng của ông Tập là trường đại học Imperial College London. Theo đó, một loạt dự án hợp tác giáo dục và nghiên cứu với Trung Quốc được tuyên bố.

Tuy nhiên, có nhiều thỏa thuận bị phàn nàn là hậu quả của chủ trương hâm nóng quá nhiệt. Một Nghĩ sĩ Đảng Lao động nhận xét rằng nước Anh hành xử như một kẻ xu nịnh. Đáng ngại hơn là một loạt chỉ trích đến từ Washington lo ngại Anh sẽ tách khỏi Mỹ và phá hoại quyết tâm Phương Tây đứng lên giải quyết các vấn đề lớn như Biển Đông và nhân quyền.

Thậm chí cả trong lĩnh vực kinh tế, chuyến thăm của ông Tập cũng thu hút khá nhiều tranh cãi. Hôm 21/10, tin về vụ hãng thép Ấn Độ sa thải hàng nghìn nhân viên tại Anh tràn ngập các trang báo London và họ cũng không quên đổ lỗi cho cơn lũ hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Như vậy, không phải ai cũng hài lòng tuyệt đối về vai trò mới của Trung Quốc trong ngành công nghiệp năng lượng Anh. Như ông Osborne – Bộ trưởng Tài chính đã từng nói đó là chính sách xoay trục rủi ro.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục