Vì sao thế giới đua nhau vung tiền mua vũ khí?
Mỹ cần mua thêm 18 động cơ tên lửa Nga
Nhật chuẩn bị tác chiến thủy-bộ
Ông Obama thảo luận với CIA về IS
Chi nhánh của “kẻ gác tiền mờ ám Panama” bị vây ráp
Tin thế giới đọc nhanh 08-10-2015
- Cập nhật : 08/10/2015
Tổng thống Mỹ mở chiến dịch quảng bá TPP
Ngày 7-10, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu chiến dịch quảng bá Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Mỹ để đảm bảo quốc hội nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận quan trọng này.
Theo báo Washington Post, ông Obama thừa nhận trước khi quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn TPP, quá trình thảo luận, tham vấn và tranh cãi về thỏa thuận này sẽ tốn nhiều thời gian.
“Chúng tôi sẽ nói chuyện với các thành viên quốc hội, với cả công chúng Mỹ, các thống đốc, thị trưởng... về việc TPP tốt cho cộng đồng của họ như thế nào” - ông Obama nói.
Trước đó, các tổ chức doanh nghiệp như Hiệp hội Du lịch Mỹ, Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia đều đã lên tiếng ủng hộ TPP, nhưng cũng cho biết cần thời gian đánh giá thỏa thuận này. Ông Obama cảnh báo sẽ có nhiều thông tin sai lệch về TPP bị đồn thổi.
“Đó là chuyện thường xảy ra, nhưng tôi tin rằng có đủ bằng chứng cho thấy TPP có lợi cho nước Mỹ” - ông Obama nhấn mạnh.
Ông Obama bày tỏ tin tưởng TPP sẽ sớm đi vào thực tế cuộc sống. “Chúng ta sẽ bán thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ, hàng nông sản, hàng công nghiệp. Chúng ta sẽ tiếp cận được nhiều thị trường” - ông Obama lạc quan.
Các quan chức Nhà Trắng đã bắt đầu vận động hành lang giới nghị sĩ quốc hội để sớm phê chuẩn TPP. Quá trình thảo luận, tham vấn được dự báo tốn rất nhiều thời gian và có thể đến giữa năm sau Quốc hội Mỹ mới bỏ phiếu
Giới quan sát nhận định sẽ không dễ để ông Obama thuyết phục quốc hội phê chuẩn TPP. Mới đây, thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với TPP.
“TPP tạo cơ hội lịch sử để giảm các rào cản thương mại, mở cửa thị trường mới, quảng bá hàng xuất khẩu Mỹ, đảm bảo sự cạnh tranh của các công ty Mỹ” - ông McCain nhấn mạnh.
Ngược lại ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders chỉ trích TPP sẽ làm tổn thương người tiêu dùng, công nhân Mỹ và đe dọa sẽ làm tất cả để cản trở thỏa thuận này. Các nghị sĩ khác đều tỏ ra thận trọng và cho biết cần có thời gian để nghiên cứu và hiểu rõ TPP.
Cựu chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bị bắt
Theo BBC, các công tố viên ở New York cho rằng cựu chủ tịch John Ashe "biến Liên Hợp Quốc thành nơi thu lợi nhuận", khi ông giúp trùm bất động sản Ng Lap Seng đạt được các hợp đồng chính phủ.
Ông Ashe bị bắt hôm qua với cáo buộc nhận 1,3 triệu USD, chi tiền vào các món đồ xa xỉ.
Tổng thư ký Ban Ki-moon nói ông bị "sốc và cảm thấy hết sức bối rối" trước cáo buộc. Vụ việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 70 năm Liên Hợp Quốc.
"Để đổi lấy những chiếc đồng hồ Rolex, một sân bóng rổ và những bộ đồ may riêng, John Ashe bán cả bản thân và thể chế toàn cầu ông lãnh đạo", Thẩm phán Liên bang Preet Bharara nói.
Ông Ashe, người giữ chức vụ chủ tịch Đại Hội đồng trong một năm, từ tháng 9/2013, được cho là nhận hối lộ để đổi lấy việc ủng hộ đề xuất xây dựng trung tâm hội nghị Liên Hợp Quốc tại Macau, một ý tưởng của ông Ng.
"Ngoài các món đồ khác, ông Ashe nhận hơn 500.000 USD từ ông Ng, người đang tìm cách xây một trung tâm hội nghị do Liên Hợp Quốc tài trợ, trị giá nhiều tỷ đôla ở Macau", đơn kiện cho biết.
Đề án được đưa ra trong giai đoạn 2011 - 2014, tức bao gồm thời điểm ông Ashe giữ chức chủ tịch Đại Hội đồng, các công tố viên cho biết. Ông Ashe, công dân Antigua, cũng tổ chức nhiều cuộc họp với các quan chức chính phủ Antigua và Kenya để giúp những nhà đầu tư bất động sản giành được hợp đồng phát triển lớn, ông Bharara nói.
Ông Ashe cũng được cho là đã trốn thuế với khoản tiền tham nhũng ông nhận được và cho phép các doanh nhân trả tiền cho ông cùng gia đình ở tại một khách sạn giá 850 USD/đêm ở New Orleans.
Ngoài ông Ashe và ông Ng, 4 người khác cũng bị bắt, bao gồm nhà ngoại giao Francis Lorenzo thuộc Cộng hoà Dominica, hai công dân Mỹ sống ở Trung Quốc được cho là giúp điều phối đề án. Những người này bị cáo buộc hối lộ quan chức Liên Hợp Quốc và âm mưu rửa tiền.
Ông Bharara cho biết cuộc điều tra vẫn tiếp diễn và nhiều khả năng sẽ tiếp tục bắt giữ thêm người.
Nobel Hóa học cho công trình nghiên cứu DNA
Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển (NSAC) ngày 7-10 trao giải Nobel Hóa học 2015 cho ba nhà khoa học Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sanca cho công trình nghiên cứu về "sửa chữa DNA".
Ông Tomas Lindahl thuộc Viện Francis Crick (Anh), ông Paul Modrich thuộc Viện y khoa Paul Modrich (Mỹ) trong khi ông Aziz Sancar thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ).
Cả ba đoạt giải Nobel cho công trình nghiên cứu về cách các tế bào sửa chữa DNA và bảo vệ thông tin di truyền. Khám phá giúp giới khoa học hiểu rõ về cách hoạt động của tế bào sống và giúp phát triển các cách điều trị ung thư mới.
“Tôi rất tự hào khi nhận giải thưởng hôm nay” - ông Tomas trả lời trên điện thoại tại buổi công bố giải thưởng.
DNA của con người bị tàn phá mỗi ngày do tác động của tia UV, các gốc tự do cũng như các chất gây ung thư. Chưa kể bản chất phân tử DNA cũng không ổn định. Có hàng ngàn biến đổi tự phát diễn ra mỗi ngày trong bộ gen của tế bào. Tuy nhiên trong tế bào tồn tại những hệ thống ở cấp độ phân tử luôn theo dõi và sửa chữa các DNA để giữ nguyên vẹn các thông tin di truyền.
Các ba nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel năm nay nhờ làm sáng tỏ cơ chế hoạt động của những hệ thống trên.
Nhật mua vũ khí bí mật chống máy bay tàng hình Trung Quốc
Nhật sẽ sở hữu 4 chiếc máy bay cảnh báo sớm Grumman E-2D Advanced Hawkeye - một khắc tinh của chiến đấu cơ tàng hình Trung Quốc.
Theo The National Interest, loại máy bay cảnh báo hiện đại của Mỹ được trang bị rađa AN/APY-9 UHF-band cực mạnh của nhà sản xuất Lockheed Martin. Nó có khả năng hòa mạng với Hệ thống điều khiển hỏa lực tập trung - phòng không của hải quân Mỹ (NIFC-CA).
Các rađa dùng băng tầng UHF (300MHz - 1GHz) như AN/APY-9 được giới quốc phòng các nước đánh giá cao trong khả năng chống lại công nghệ tàng hình.
Những mẫu chiến đấu cơ hiện đại của Trung Quốc hiện nay như Chengdu J-20, Shenyang J-31, Sukhoi PAK-FA của Nga và ngay cả mẫu F-22 Raptor, F-35 của Mỹ sẽ không qua mắt được rađa AN/APY-9.
Đối với Nhật, phi đội cảnh báo E-2D sẽ giúp đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm siêu thanh, tên lửa hành trình tầm thấp và tên lửa đạn đạo TBM. Đây là một lợi thế lớn trước nguy cơ từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Chuyên gia đánh giá khả năng vô hiệu hóa Chengdu J-20 và J-31 được xem như “quà tặng kèm”, đặc biệt nếu Nhật nâng cấp phi đội F-35 Eagle và các chiến đấu cơ khác để tranh thủ khả năng của NIFC-CA.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật hôm 25-9 cũng đề cập kế hoạch của Bộ Quốc phòng nước này đóng hai tàu chiến lớp Aegis gắn hệ thống chia sẻ thông tin NIFC-CA. Riêng bốn chiếc máy bay cảnh báo sớm E-2D Nhật có thể sẽ nhận được trong năm 2019.
Đương kim tổng thống Brazil bị điều tra
Các nhà điều tra sẽ xác định xem liệu Tổng thống Dilma Rousseff và Phó tổng thống Michel Temer có lạm quyền trong chiến dịch tái tranh cử năm ngoái hay không.
Ngoài ra họ cũng bị cáo buộc đã dùng tiền bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử, trong đó có khoản tiền có nguồn gốc từ Tập đoàn Petrobras - "nhân vật chính" trong vụ đại án tham nhũng làm chấn động Brazil.
Thông tin với giới truyền thông ngày 6-10, các quan chức Tòa án tối cao về bầu cử của Brazil (TSE) nói có căn cứ để điều tra bất thường trong chiến dịch tái tranh cử của bà Rousseff.
Cũng theo TSE, đây là lần đầu tiên họ mở cuộc điều tra như vậy đối với một tổng thống đương nhiệm.
Theo Reuters, cuộc điều tra của TSE có thể sẽ dẫn đến việc hủy bỏ chiến thắng của bà Rousseff trong cuộc bầu cử một năm trước, mặc dù việc điều tra dự kiến kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và có thể được kháng cáo lên Tòa án tối cao.
Trước đó, bà Rousseff và Đảng Lao động (PT) cầm quyền bị Đảng Dân chủ xã hội (PSDB) đối lập đệ đơn kiện với các cáo buộc lạm quyền, gian lận, dùng tiền bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử... Vào tháng 2 năm nay, thẩm phán Maria Thereza de Assis Moura tuyên bố không đủ bằng chứng để điều tra các cáo buộc này.
Tuy nhiên ngày 5-10 (giờ địa phương), TSE đã bỏ phiếu lật ngược phán quyết của thẩm phán Moura và tuyên bố có đủ căn cứ để mở cuộc điều tra.