Malaysia cân nhắc cho máy bay do thám Mỹ xuất phát từ nước này để tuần tra Biển Đông, đối phó với hoạt động gia tăng của Trung Quốc.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 29-10-2015
- Cập nhật : 29/10/2015
Nhiều nước ủng hộ Mỹ tuần tra biển Đông
Sau Philippines và Úc, đến lượt chính phủ Nhật lên tiếng ủng hộ việc hải quân Mỹ điều tàu chiến USS Lassen tới tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông.
Hôm qua, tàu khu trục Mỹ USS Lassen đã đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng và xây đảo nhân tạo trái phép - Ảnh: CSIS
Theo báo Japan Times, đang ở thăm Kazakhstan, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đánh giá Mỹ đã hành động theo đúng luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh các hành vi đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông là mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế.
“Để bảo vệ vùng biển tự do, mở và hòa bình, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm đồng minh Mỹ” - ông Abe cam kết. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani cho rằng Nhật “cần nghiên cứu cách đối phó với tình hình trên biển Đông do ảnh hưởng của nó đối với an ninh Nhật ngày càng gia tăng”.
Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino mô tả việc Mỹ tuần tra biển Đông là “duy trì sự cân bằng quyền lực”. “Nếu các tuyên bố vô lý của một cường quốc khu vực không bị phản đối thì sẽ được chấp nhận, và nếu được chấp nhận thì sẽ trở thành thực tế” - ông Aquino cảnh báo.
Ông Aquino khẳng định không chỉ Philippines mà các nước khác cần hoan nghênh và ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne tuyên bố Canberra ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông.
Đang có mặt tại Washington, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi tất cả các bên kiềm chế để duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông. Ông cho rằng cần phải giảm căng thẳng trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
“Chúng ta cần trao đổi thẳng thắn để đảm bảo trật tự trên biển, ngăn chặn đụng độ và bảo vệ tự do hàng hải. Chúng tôi muốn ASEAN và Trung Quốc khởi động đàm phán về nội dung bản Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)” - ông Widodo nhấn mạnh.
Mới đây, các quan chức quân sự Mỹ thông báo hải quân Mỹ sẽ tiếp tục triển khai tàu chiến tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.
Mỹ sẽ điều thêm tàu chiến đến Biển Đông
Quan chức yêu cầu giấu tên trên khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm lại một lần nữa. Chúng tôi đi trên những vùng biển quốc tế vào thời điểm và khu vực theo lựa chọn của chúng tôi.”
Trước đó cùng ngày, khi điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đề nghị có thêm hoạt động tại khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp.
Ông Carter nêu rõ: “Chúng ta đang hành động dựa trên cơ sở rằng chúng ta sẽ bay, đi trên biển và hoạt động tại bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép và vào bất cứ khi nào các nhu cầu về hoạt động của chúng ta cần đến.”
Rối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định nước này chưa từng tuyên bố kinh tế phải tăng ở mức 7% trong năm nay, trong khi một quan chức cấp cao Ngân hàng Trung ương nước này thì nói ngược lại.
Phát biểu của ông Lý được đưa ra ngay khi ông Dịch Cương, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, hôm 25.10 tuyên bố nước này đủ khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng thường niên ở mức khoảng 6-7% trong giai đoạn 2016-2020, Reuters cho hay.
Các phát biểu kể trên được đưa ra trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đang ngày càng lo ngại trước tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất vào cuối tuần trước, lần thứ 6 trong vòng chưa đầy một năm qua.
Phát biểu hôm 25.10, ông Lý cảnh báo chớ nên xem thường các khó khăn kinh tế trước mắt. “Chúng tôi chưa từng nói chúng tôi sẽ cố bảo vệ cho đến chết bất kỳ mục tiêu (tăng trưởng) nào, mà chúng tôi chỉ nói rằng nền kinh tế nên tăng ở một mức độ hợp lý”, ông Lý cho hay.
Trong khi đó, cũng trong ngày 25.10, tại một sự kiện khác ở Bắc Kinh, ông Dịch Cương đã có động thái trấn an nhà đầu tư khi cho rằng 7%, mức tăng trưởng chậm nhất của kinh tế Trung Quốc trong 2 thập niên qua, là một điều “bình thường mới”.
“Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lại sẽ vẫn tương đối nhanh. Khoảng 6 - 7 chấm gì đó. Đây là điều hết sức bình thường”, ông Dịch nói.
Các quan chức cấp cao Trung Quốc đang tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 5 (Hội nghị Trung ương 5), kéo dài từ ngày 26 đến 29.10. Đây là một kỳ họp thường niên quan trọng của đảng Cộng sản Trung Quốc để bàn về kế hoạch 5 năm lần thứ 13.
Nghị trình kỳ này được cho là sẽ tập trung vào báo cáo dài khoảng 100 trang về các đề xuất phát triển kinh tế chủ đạo cho khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2020 của Trung Quốc.
“Trung Quốc lập lực lượng có thể tấn công Đài Loan trước năm 2020”
Trong bản copy báo cáo, dự kiến được công bố trong ngày 27/10, có đoạn nói rằng Trung Quốc trên thực tế đã củng cố các năng lực như cảnh báo sớm, hệ thống điều khiển tên lửa, do thám chiến trường, hoạt động trên không và trên biển, mã hóa thông tin và tấn công chính xác.
Hiện Trung Quốc có khả năng giám sát 24/7 các vùng biển thuộc "Chuỗi đảo thứ nhất" là nhóm đảo lớn đầu tiên nằm ở ngoài lục địa Đông Á, bao gồm quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan và Bắc Philippines.
Trung Quốc cũng đã đẩy nhanh việc cơ giới hóa lục quân, nâng cấp công nghệ thông tin và các cuộc diễn tập bắn đạn thật, tăng cường hoạt động vận tải hàng không và nghiên cứu-phát triển chiến lược cũng như tiến hành những cuộc tập trận đổ bộ chung để thích nghi với các chiến thuật.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện có khả năng chiến đấu đổ bộ cả từ trên bộ, trên biển và trên không và có thể "chiếm các đảo xa" của Đài Loan.
Báo cáo nhấn mạnh rằng Trung Quốc những năm gần đây đã triển khai các phương tiện tấn công đổ bộ, rocket đa nòng tầm xa, tên lửa chống hạm tầm xa, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 và tên lửa phòng không.
Cũng theo báo cáo, quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường phòng thủ và các chiến dịch tuần tra trên biển ở quần đảo Pratas (Đông Sa) và đảo Thái Bình - đảo lớn nhất Biển Đông./.(Vietnam+)
Hải quân Úc - Việt Nam trao đổi năng lực và kỹ năng kiểm soát 'tàu lạ'
Ngày 28.10, Sở Thông tin và Truyền thông, TP.Đà Nẵng cho hay tàu tiếp dầu Hải quân Úc HMAS Sirius cùng 62 sĩ quan, thủy thủ sẽ đến thăm hữu nghị TP.Đà Nẵng từ 30.10 đến 3.11.