Indonesia sẽ theo dõi hoạt động đánh bắt cá trái phép gần Biển Đông
Australia có thể theo dõi tập trận Nga - Trung ở Biển Đông
Mỹ bắt giữ một nghi phạm liên quan đến tổ chức khủng bố IS
Thượng viện Brazil thông qua báo cáo phế truất Tổng thống Rousseff
Tin thế giới đọc nhanh trưa 04-08-2016
- Cập nhật : 04/08/2016
Hậu quả thảm khốc nếu chiến tranh Mỹ - Trung nổ ra
Một cuộc chiến tranh Mỹ - Trung nếu nổ ra trong tương lai gần có thể xóa sổ nhiều lực lượng của hai nước, làm gia tăng nguy cơ trước các mối đe dọa khác.
Báo cáo công bố mới đây của Viện nghiên cứu RAND đưa ra dự đoán rằng nếu một cuộc chiến nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, đây sẽ là một cuộc xung đột không có hồi kết bởi không bên nào giành được phần thắng mang tính quyết định, theo National Interest.
Trong báo cáo có tựa đề "Góc nhìn đa chiều của cuộc chiến tranh Mỹ - Trung" đăng tải hôm 28/7, ba học giả David C. Gompert, Astrid Cevallos và Cristina L.Garafola nhận định rằng nếu vì lý do nào đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không thể hóa giải, cuộc chiến giữa hai cường quốc nhiều khả năng sẽ nổ ra trên biển và trên không, trong khi lĩnh vực chiến tranh mạng, chiến tranh không gian cũng sẽ đóng vai trò quan trọng.
Những tiến bộ trong năng lực tác chiến của Bắc Kinh gần đây, đặc biệt là khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD), khiến Mỹ không thể kiểm soát hoàn toàn chiến trường, phá hủy các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc và giành được chiến thắng mang tính áp đảo và quyết định.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn có thể hứng chịu nhiều thương vong hơn từ những loại vũ khí tấn công uy lực tầm xa của Mỹ, bất chấp năng lực A2AD được cải thiện của quân đội nước này.
"Việc các bên tăng cường bố trí lực lượng ở các khu vực xa xôi, cũng như khả năng phát hiện và tấn công đối thủ được cải thiện có thể biến phần lớn Tây Thái Bình Dương thành vùng chiến sự và hậu quả kinh tế của nó sẽ rất thảm khốc. Tuy nhiên khó có khả năng vũ khí hạt nhân sẽ được triển khai bởi cả hai bên đều cân nhắc được mức độ hủy diệt của nó với các lợi ích quốc gia", báo cáo viết.
Ngoài ra, báo cáo cũng dự đoán khả năng Mỹ tấn công dồn dập vào lãnh thổ Trung Quốc đại lục cao hơn so với việc Bắc Kinh chủ động tấn công vào nước Mỹ, ngoại trừ các cuộc tấn công mạng.
"Có thể Trung Quốc sẽ không tấn công vào lãnh thổ Mỹ, bởi các vũ khí thông thường của họ chưa đạt được khả năng này. Ngược lại, Mỹ sẽ sử dụng vũ khí phi hạt nhân tấn công ồ ạt vào các mục tiêu quân sự ở Trung Quốc", báo cáo nhận định.Chiến tranh Mỹ - Trung có thể phát triển theo nhiều kịch bản, gồm một cuộc chiến đẫm máu trong thời gian ngắn hoặc một cuộc xung đột kéo dài mang tính hủy diệt. Ngoài ra, việc sử dụng các công nghệ hiện đại khiến hai bên đều muốn phát động đòn tấn công phủ đầu trước đối thủ.
Báo cáo cho rằng các thiết bị cảm biến, vũ khí dẫn đường, kết nối mạng kỹ thuật số và các công nghệ thông tin khác được sử dụng để tấn công lực lượng đối phương đã phát triển đến mức có thể là mối đe dọa cho cả hai bên. Đây là lý do khiến cả hai bên đều muốn ra tay trước nhằm tránh thiệt hại. Tuy nhiên không bên nào có thể giành quyền kiểm soát hoàn toàn bởi cả hai đều có nguồn lực dồi dào để tham chiến trong thời gian dài, ngay cả khi bị tổn thất về quân sự lẫn kinh tế.
Hậu quả thảm khốc
Theo các học giả, nếu chiến tranh Mỹ - Trung diễn ra trong thời gian ngắn, Mỹ sẽ bị tổn thất nặng nề, nhưng hậu quả mà nó gây ra với Trung Quốc có thể biến thành thảm họa.
Nếu các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trao quyền cho các tướng quân đội lên kế hoạch tấn công chớp nhoáng đối phương, một cuộc chiến khốc liệt sẽ bùng phát. Lực lượng không quân và tàu chiến mặt nước của hải quân Mỹ sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất, các tàu sân bay bị tên lửa diệt hạm vô hiệu hóa và các căn cứ không quân trong khu vực bị đánh phá.
Tuy nhiên, tổn thất của Trung Quốc sẽ nặng hơn nhiều, khi các hạm đội hải quân, không quân cũng như các hệ thống A2AD trên đất liền gần như bị xóa sổ. "Nếu chiến tranh nổ ra vào năm 2025, các hệ thống A2AD cải tiến có thể giúp Trung Quốc hạn chế thiệt hại, nhưng họ vẫn chịu tổn thất nhiều hơn Mỹ. Nếu chiến tranh kéo dài, kết quả của cuộc chiến vẫn còn bỏ ngỏ", báo cáo đánh giá.
Trong bất kỳ kịch bản nào, một cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ khiến hai bên chịu tổn thất nặng nề về quân sự và kinh tế. Trên thực tế, chiến tranh sẽ phá hủy năng lực quân đội hai nước ở mức độ chưa từng thấy khiến cả hai đều bị các mối đe dọa khác gây hại.
Khả năng tấn công và tiêu diệt lẫn nhau khó lường của quân đội Mỹ và Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh thông thường có thể hủy hoại sức chiến đấu của họ trong nhiều tháng, khiến họ sau đó phải chạy đua huy động công nghiệp, công nghệ và nhân lực để bổ sung và tăng cường lực lượng.
"Suy cho cùng, Mỹ và Trung Quốc không được lợi gì khi phát động chiến tranh. Chiến tranh Mỹ - Trung không hẳn là không thể tránh được", Graham Allison, giám đốc Trung tâm Khoa học và các Vấn đề Quốc tế Belfer thuộc trường Havard Kenedy, nhấn mạnh.(VNexpress)
Philippines bất ngờ khuyên ngư dân ‘né’ bãi cạn Scarborough
“Chúng ta đều biết rằng Trung Quốc đang chiếm bãi cạn Scarborough, vậy nên chúng ta hãy chờ đợi trong khi tìm ra cách để làm sao ngư dân chúng ta có thể trở lại đây mà không còn bị quấy rối nữa” - AFP dẫn lời Charles Jose, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, hôm 3-8.
Ông Jose nói rằng mặc dù phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12-7 bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở biển Đông đã rõ, tuy nhiên “tình hình thực địa” lại hoàn toàn khác.
“Thực tế là Trung Quốc đang hiện diện ở đó. Vấn đề này cần được đối thoại” -ông Jose nói. Khi được hỏi liệu điều này có đồng nghĩa chuyện ngư dân Philippines tạm thời phải “né” bãi cạn Scarborough hay không, ông Jose nhận định: “Đó là vì sự an toàn của tất cả mọi người”.
Theo AFP, cảnh báo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi tòa án tối cao Trung Quốc công bố bản diễn giải về "các vùng biển Trung Quốc" ở biển Đông, dọa phạt tù một năm những ai đánh bắt trái phép vào các vùng biển đó, kể cả vùng biển có tranh chấp.
Lập trường này của Manila có thể làm tức giận nhiều người vốn chỉ trích chính quyền của tân Tổng thống Rodrigo Duterte do theo đuổi quan điểm mềm dẻo với Trung Quốc. Ông Duterte từng tuyên bố ông muốn khôi phục quan hệ với Trung Quốc khi mối quan hệ này vốn bị rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Benigno Aquino.
Ấn Độ quyết triển khai tên lửa BrahMos đến biên giới Trung Quốc
Việc chính phủ Ấn Độ cho phép triển khai một trung đoàn tên lửa siêu thanh BrahMos đến biên giới được cho là động thái răn đe Trung Quốc.
Times of India hôm nay dẫn nguồn tin quân sự cho biết chính phủ Ấn Độ đã cho phép quân đội nước này triển khai một trung đoàn tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos ở vùng đồi núi miền đông bắc, giáp biên giới với Trung Quốc
Đây được xem như một động thái nhằm tăng cường khả năng răn đe đối với Bắc Kinh.
Nguồn tin cho biết Thủ tướng Narendra Modiđã thông qua kế hoạch triển khai trung đoàn tên lửa BrahMos với khoảng 100 tên lửa cùng chi phí hơn 43 tỷ rupee (khoảng 640,7 triệu USD). Trung đoàn này còn có 5 bệ phóng tự hành trên xe tải hạng nặng và một sở chỉ huy di động.
Trung đoàn sẽ bố trí tại bang miền núi Arunachal Pradesh, nơi Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ. Hai nước cho đến nay vẫn chưa đạt được thoả thuận về đường phân định biên giới tại khu vực này.
Tên lửa BrahMos có tầm bắn 290 km, là loại tên lửa hành trình chiến thuật phi hạt nhân được Ấn Độ hợp tác với Nga phát triển, và trở thành loại vũ khí chính xác được trang bị cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tiếp có các hành động đe dọa xâm nhập nhiều trạm biên phòng Ấn Độ dọc biên giới. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư phát triển các tuyến đường và sân bay gần biên giới, khiến Ấn Độ lo ngại.
Ông Obama công khai nói ông Trump ‘không hợp’ làm tổng thống
Trong cuộc họp báo cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã khẳng định ông Trump không thể đảm nhiệm vai trò tổng thống dựa vào cách giải quyết những vấn đề ngoại giao và phát ngôn của ông ấy về gia đình các quân nhân Mỹ, theo ABC News.
“Sự việc ông ấy “tấn công” một gia đình được trao huy chương Sao Vàng vì đã hy sinh thân mình cho đất nước đã chứng tỏ rằng ông ấy không hề có kiến thức cơ bản về những vấn đề hệ trọng của châu Âu, Trung Đông và châu Á, điều này đồng nghĩa với việc ông ấy không hề chuẩn bị để đảm nhiệm vị trí này” - ông Obama phát biểu tại Nhà Trắng.
Ông Trump thời gian gần đây đã liên tục đưa ra những ý kiến “gây bão” khi lên lên tiếng chế giễu mẹ của liệt sĩ Humayun Khan, quân nhân đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2004. Bố của quân nhân Humayun Khan, ông Khizr Khan, trong hội nghị toàn quốc đảng Dân chủ vào tuần rồi đã chỉ trích luận điệu chống Hồi giáo của ứng cử viên đảng Cộng hòa và cho rằng Trump “chưa hề hy sinh cái gì và hy sinh một ai hết”.
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích vợ của ông Khan vì đã đứng im lặng bên cạnh chồng trong hội nghị. Tại Nhà Trắng, Tổng thống đương nhiệm Obama cho rằng các lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ trở nên sáo rỗng nếu như tiếp tục ủng hộ Donald Trump.
“Sẽ đến một thời điểm mà bạn phải thốt lên: Đủ rồi!” - ông Obama nói. “Câu hỏi mà tôi nghĩ họ phải tự hỏi chính mình rằng nếu như đã liên tục cho rằng những phát ngôn đó là không thể chấp nhận được, vậy tại sao bạn còn ủng hộ ông ấy? Điều này sẽ cho thấy điều gì về tiêu chuẩn cơ bản của đảng các bạn?” - ông Obama nói thêm.
Trong khi đó, kết quả thăm dò công bố ngày 1-8 do CNN/ORC tiến hành cho thấy cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, đã giành ưu thế dẫn trước là 52% so với tỉ phú Donald Trump với 43%.(PLO)
Tổng thống Pháp nói Donald Trump phát biểu 'gây buồn nôn'
Ông Francois Hollande cho rằng ứng viên tổng thống Trump của đảng Cộng hòa có phát ngôn khiến "bạn muốn nôn", khi ông góp thêm tiếng nói chỉ trích tỷ phú này.
"Sự thái quá của ông ấy làm bạn buồn nôn, kể cả ở Mỹ, như trường hợp của Donald Trump, đặc biệt là khi ông nói xấu về một người lính, về ký ức của một người lính", AFP dẫn lời ông Hollande hôm nay nói với các phóng viên tại Paris.
Lãnh đạo Pháp đề cập đến mâu thuẫn giữa ông Trump và cha mẹ theo đạo Hồi của một lính Mỹ tử trận. Vụ việc làm chấn động chiến dịch vận động tranh cử tổng thống chỉ ba tháng trước cuộc bỏ phiếu tháng 11 tới.
Khizr Khan, cha đại úy Humayun Khan tử trận, tuần trước phát biểu tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, lên án nhà tài phiệt New York kỳ thị người Hồi giáo. Ông nhấn mạnh rằng con trai ông sẽ không thể có mặt ở Mỹ, trở thành một người lính và hy sinh vì đất nước trên chiến trường Iraq năm 2004 nếu khi xưa tỷ phú Trump làm tổng thống và dựng rào chắn cấm người Hồi giáo.
Ứng viên đại diện đảng Cộng hòa phản bác lại bằng cách đặt câu hỏi vì sao bà Ghazala Khan chỉ im lặng đứng bên chồng mình mà không nói năng gì. Ông sau đó tự trả lời rằng nguyên nhân có lẽ bởi "bà ấy không được phép lên tiếng".
Ông Hollande chỉ trích "những bình luận gây tổn thương và làm nhục của ông Trump". "Nếu người Mỹ chọn ông Trump, sẽ có những hậu quả, bởi cuộc bầu cử Mỹ là một cuộc bầu cử toàn cầu", tổng thống Pháp nói thêm.
Chiến dịch của ứng viên đảng Cộng hòa đang cuốn vào một chuỗi bê bối tự phát, khi ông Trump những ngày gần đây chỉ trích người Hồi giáo, trẻ sơ sinh, lính cứu hỏa, quân đội. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho rằng ông Trump "không phù hợp" để giữ vị trí tổng thống, trong tuyên bố quở trách mạnh mẽ nhất đến nay về tỷ phú 70 tuổi.