Tờ báo 'diều hâu' gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc
Mỹ quan ngại về căng thẳng tại khu vực biên giới Nga-Ukraine
Báo động về sử dụng lao động nô lệ
Ông Trump thừa nhận có thể thua bà Clinton
Tin thế giới đọc nhanh 12-08-2016
- Cập nhật : 12/08/2016
Canh bạc liều lĩnh Trung Quốc bày ra trên Biển Đông
Động thái quân sự hóa trên các đảo nhân tạo hé lộ toan tính của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông, buộc Mỹ phải có hành động quyết liệt để chống lại.
Với việc xây dựng các nhà chứa cho chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và máy bay trinh sát, cùng một loạt tháp và cấu trúc hình tổ ong kỳ lạ trên các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp, Trung Quốc dường như đang bày ra một canh bạc trên Biển Đông để thách thức trật tự thế giới và khu vực, theoNational Interest.
Những hình ảnh vệ tinh mới được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington công bố cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một loạt nhà chứa máy bay tại các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo tiến sĩ Jerry Hendrix, chuyên gia cấp cao và là giám đốc Chương trình Đánh giá và Chiến lược Quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), những cấu trúc lục lăng kỳ lạ mà Trung Quốc xây dựng cạnh các nhà chứa máy bay này chính là ụ tên lửa, chứng tỏ Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không và khu vực quân sự trên Biển Đông.
Chuyên gia này đánh giá rằng Trung Quốc đã lựa chọn thời điểm cẩn thận để xây dựng các công trình trên, và các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ sẽ phải chuẩn bị các phương án để bảo vệ hệ thống trật tự quốc tế đã được duy trì suốt 70 năm qua, nếu không sẽ phải chấp nhận sự sụp đổ của nó.
Theo quan sát của Hendrix, các nhà chứa máy bay trên đá Chữ Thập và Su Bi đã gần hoàn thành, trong khi công trình trên đá Vành Khăn vẫn còn đang trong giai đoạn xây dựng đầu tiên. Mỗi khu nhà chứa trên một đảo nhân tạo như vậy có thể chứa tới 24 chiến đấu cơ, giúp Trung Quốc có thể triển khai một phi đội tiền tiêu gồm 72 tiêm kích ở Biển Đông vào bất cứ lúc nào, gần gấp đôi phi đội tiêm kích chiến thuật trên tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Với một phi đội máy bay hùng hậu như vậy, Trung Quốc có thể dễ dàng chiếm được ưu thế trên không ở Biển Đông trong một thời gian dài. Cấu trúc được gia cố của các nhà chứa máy bay trên đảo nhân tạo có thể bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công khác nhau, trừ phi bị oanh tạc bằng vũ khí hạng nặng.
Ngoài các ụ tên lửa hình lục lăng vốn xuất hiện khá phổ biến trên đất liền Trung Quốc, trên các đảo nhân tạo còn mọc lên những cụm tháp được bố trí theo hình tam giác. Theo Hendrix, đây nhiều khả năng là một mạng lưới cảm biến đồng bộ có thể bao quát nhiều phổ radar khác nhau.
Trong trường hợp Trung Quốc quyết định đặt cược lớn vào ba đảo nhân tạo này, họ có thể bố trí, lắp đặt các loại vũ khí tối tân, và về cơ bản sẽ đảo ngược cán cân sức mạnh trong khu vực, Hendrix nhận định.Chẳng hạn như nếu Trung Quốc bố trí các cụm tên lửa diệt hạm YJ-62 trên cả ba đảo nhân tạo này, họ sẽ gần như kiểm soát toàn bộ cửa ngõ phía nam của Biển Đông đối với các tàu quân sự và thương mại nước ngoài. Khi bổ sung thêm hệ thống tên lửa phòng không HQ-9A có tính năng tương tự S-300 của Nga, Bắc Kinh có thể hạn chế hoạt động của các máy bay chiến thuật trong khu vực, chỉ ngoại trừ máy bay tàng hình F-22 và F-35.
Các chiến lược gia quân sự Mỹ sẽ không thể tự tin về khả năng sống sót của các chiến đấu cơ thế hệ 4 của mình như tiêm kích F-16 và tiêm kích hạm FA-18 Hornet trong trường hợp căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông leo thang. Nếu Trung Quốc đi xa tới mức bố trí "sát thủ diệt tàu sân bay" DF-21D trên ít nhất một đảo nhân tạo, hải quân Mỹ có thể sẽ không còn được tự do tiếp cận căn cứ ở Singapore, và buộc phải đi tới Australia, Trân Châu Cảng và Nhật Bản.
Thời cơ
Một khi các nhà chứa máy bay và ụ tên lửa hoàn thành, chiến đấu cơ và tên lửa Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được ồ ạt kéo đến và lắp đặt vào giữa đêm, khiến người Mỹ phải giật mình vào sáng hôm sau, Hendrix dự đoán.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng Trung Quốc sẽ không dại gì manh động ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra ở Mỹ, để tự phơi mình trên mặt báo trong một chiến dịch tranh cử vốn trở nên rất khó đoán định. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ không chờ đợi đến khi tổng thống mới của Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào tháng một năm sau.
Bởi vậy, Trung Quốc rất có thể sẽ chờ thời cơ, ra tay đúng vào giai đoạn chuyển giao quyền lực của nước Mỹ, với niềm tin rằng Tổng thống Barack Obama trong những ngày cuối của nhiệm kỳ sẽ chấp nhận một hiện trạng mới trên Biển Đông mà không phản ứng quá quyết liệt.
Theo giới phân tích, chính quyền Mỹ hiện nay và trong tương lai phải có những động thái quyết liệt để ngăn chặn toan tính này của Trung Quốc, nhằm đảm bảo Biển Đông luôn là một vùng biển hòa bình, ổn định theo luật pháp quốc tế.Chiến lược bành trướng, mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi các hành động của họ không thu hút được sự chú ý quá lớn của dư luận thế giới. Việc gia tăng những lời chỉ trích của thế giới đối hoạt động tăng cường quân sự hóa trên các đảo nhân tạo trên Biển Đông, nơi Tòa Trọng tài đã bác bỏ "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố, sẽ ngày càng đặt Bắc Kinh vào thế khó.
Cộng đồng quốc tế có thể tiếp tục gia tăng sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ canh bạc liều lĩnh trên Biển Đông bằng cách khai thác một loạt biện pháp cấm vận về kinh tế và công nghệ với Trung Quốc vì cách hành xử bất chấp luật pháp quốc tế. Ngoài ra, quân đội Mỹ có thể kết hợp với các đối tác trong khu vực để tiến hành một loạt cuộc diễn tập quân sự trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, để làm rõ với Trung Quốc rằng những động thái ngang ngược của họ không được chào đón ở khu vực.
Nếu Mỹ và các đối tác trong khu vực không thực hiện những bước này, Trung Quốc có thể coi đó là tín hiệu "bật đèn xanh" để họ lấn tới, tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không và khu vực quân sự ở Biển Đông. Đến lúc đó, Mỹ sẽ phải đứng trước hai lựa chọn, hoặc là gây chiến với Trung Quốc, hoặc cam chịu để có hòa bình bằng cách chấp nhận sự yếu thế của trật tự thế giới hiện nay, tiến sĩ Hendrix nhấn mạnh.(Vnexpress)
Luật chống khủng bố Nga bị nghi 'mở đường' tham nhũng
Tối 9-8, hàng trăm người dân Nga tụ tập ở thủ đô Moscow (Nga) phản đối luật chống khủng bố trong một cuộc biểu tình hiếm hoi được chính phủ cho phép, theo báo New York Times (Mỹ).
Luật chống khủng bố này được Tổng thống Vladimir Putin ký thông qua hồi tháng 7, có nhiều biện pháp mà người biểu tình xem là can thiệp thô bạo quyền riêng tư và quyền tự do thông tin, như yêu cầu thu thập mọi dữ liệu giao tiếp của người nghi vấn trong vòng sáu tháng, mọi dữ liệu điện đàm và nhắn tin của người nghi vấn trong 1-3 năm. Người phụ trách soạn thảo luật chống khủng bố mới của Nga là nghị sĩ Irina A. Yarovaya.
Nhà hoạt động đối lập Aleksei A. Navalny phát biểu tại cuộc biểu tình ngày 9-8 ở Moscow (Nga). Ảnh: REUTERS
Ban đầu những người lãnh đạo biểu tình yêu cầu được tụ tập ở một số địa điểm ở trung tâm thủ đô, gần dinh tổng thống nhưng không được chính quyền Moscow đồng ý. Cuối cùng đám đông biểu tình tụ tập ở công viên Sokolniki - địa điểm được chính quyền Moscow chọn.
Lãnh đạo biểu tình là ông Leonid Volkov, một chính trị gia đối lập. Tham gia biểu tình có nhiều nhà hoạt động xã hội, chính trị gia và chuyên gia. Cuộc biểu tình chỉ diễn ra trong hơn một giờ. Các lãnh đạo biểu tình đã có nhiều phát biểu thoải mái và cứng rắn.
Ông Leonid Volkov chỉ trích luật chống khủng bố này cũng giống như rất nhiều đạo luật khác được thông qua chỉ nhằm tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng khi dự kiến kinh phí cần thiết để thực hiện luật này ít nhất là 15 tỉ USD.
Nhà hoạt động vì tự do Internet Sarkis Darbinyan chỉ trích các cơ quan an ninh Nga vi phạm “trắng trợn và đáng xấu hổ các quyền của người dân”. Nhiều nhà hoạt động xã hội kêu gọi người dân phản đối việc chính phủ kiểm soát chặt Internet.
Indonesia đề nghị Campuchia tuần tra chung Biển Đông
Indonesia sẵn sàng cung cấp các tàu chiến cho Campuchia để tăng cường hoạt động hải quân chung, trong đó có tuần tra ở bắc Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm qua có cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen và người đồng cấp của Campuchia Tea Banh.
Phnom Penh Post cho biết hai bên đã trao đổi về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới giữa hai quốc gia, trong đó có nội dung tăng cường huấn luyện quân sự và mua bán các vũ khí.
Theo văn phòng Tùy viên Quốc phòng Indonesia, thỏa thuận này sẽ cho phép Indonesia huấn luyện cho binh sĩ thuộc các nhánh của lực lượng vũ trang Campuchia và bán các vũ khí do Jakarta sản xuất.
Ông Ryacudu cho hay ông cũng đề nghị bán các tàu chiến cho Campuchia để nước này tăng cường hợp tác với Indonesia trong các hoạt động hải quân, đặc biệt là tuần tra chung ở bắc Biển Đông.
"Chúng tôi có xưởng đóng tàu riêng, khả năng khá tốt và chúng tôi đã sản xuất các tàu được Philippines mua lại, đó những gì mà chúng tôi muốn cung cấp cho phía Campuchia nếu họ muốn mua", ông Ryacudu nói. "Chúng tôi muốn bán cho họ với giá đặc biệt, một giá hữu nghị".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat cho hay nước này cần tàu chiến mới nhưng ngân sách có hạn. Ông cũng nói rằng chưa có thêm thông tin gì về kế hoạch mua hai tàu khu trục của Trung Quốc mà ông Tea Banh tuyên bố hồi tháng hai.
Campuchia được cho là hiện có một hạm đội tàu nhỏ gồm 20 chiếc, trong đó có 8 tàu tuần tra do Trung Quốc sản xuất. Quân đội nước này đang thiếu cả tài chính lẫn nhân lực có khả năng sử dụng các tàu hiện đại.
Biển Đông là nơi Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các nước ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Indonesia, một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN, không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng mâu thuẫn với Bắc Kinh về quyền đánh cá gần quần đảo Natuna.
Sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước thành viên ASEAN có sự chia rẽ về quan điểm. Trong đó, Campuchia tuyên bố không ủng hộ phán quyết trên và đã ngăn ASEAN đề cập đến vấn đề này trong tuyên bố chung tại Hội nghị Ngoại trưởng của khối.
Nga-Thổ bắt tay về Syria
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch sẽ bắt tay hợp tác về Syria. Kế hoạch hợp tác này thành hình sau cuộc gặp hòa giải giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Nga, sau khi quan hệ hai bên xấu đi vì Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga trên không phận Syria cuối năm ngoái.
Tổng thống Nga Putin (trái) chào mừng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đến thăm Nga ngày 9-8. Ảnh: REUTERS
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một ủy ban hành động chung về Syria của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp lần đầu trong ngày 11-8 tại Nga. Thành phần của ủy ban gồm các quan chức tình báo, quân sự và đại diện ngoại giao hai nước.
Báo Hurriyet Daily News (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết quân đội hai nước thống nhất sẽ lập một đường dây nóng quân sự nhằm ngăn chặn các sự cố đối đầu hai bên trong không phận Syria.
Sự thay đổi thái độ của ông Erdogan với ông Putin có thể gợi suy nghĩ sẽ có một sự thỏa hiệp giữa hai nước về Syria. Nhiều nhà phân tích chính trị nghi ngờ hiệu quả của sự hợp tác này.
Tổng thống Nga Putin (thứ hai từ trái qua) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) họp báo tại Nga ngày 9-8. Ảnh: AP
Quân đội Nga đang hỗ trợ quân đội Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ phe nổi dậy lật đổ Tổng thống al-Assad.
“Tôi nghĩ giờ này hai bên vẫn chưa có quyết định rõ ràng vì cả hai xung đột quyền lợi ở Syria” - nhà phân tích quân sự độc lập người Nga Alexander Golts nhận định.
“Vào ngày hai ông Erdogan và Putin gặp nhau, chính phủ Nga đã trình lên Quốc hội Nga một văn bản cho phép quân đội Nga chiến đấu lâu dài ở Syria. Điều này có nghĩa là Nga sẽ can dự vào nội chiến Syria trong một thời gian dài nữa. Và với quan điểm của Nga là ủng hộ ông al-Assad thì điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được với ông Erdogan” - theo ông Golts.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại (Nga) Ishat Saetov cũng cho rằng việc hợp tác giữa Nga-Thổ sẽ không tới đâu, vì “Tôi nghĩ ông Erdogan cần Nga hơn ông Putin cần Thổ Nhĩ Kỳ, bản thân ông Erdogan đã không đạt được mục đích khi quyết định căng thẳng trong quan hệ với Nga trước đó. Ông ấy muốn cải thiện quan hệ chính trị với Nga để Nga hủy bỏ trừng phạt kinh tế. Về mặt khác, ông Erdogan vẫn muốn giữ quan hệ tốt với phương Tây”.
Sau cuộc gặp với ông Erdogan, ông Putin thông báo Nga sẽ thu hồi một số lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh đó sẽ tái khởi động các dự án năng lượng quan trọng như xây dựng nhà máy hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ, lắp đặt đường ống khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một số quan chức Nga, Nga sẽ khôi phục thương mại toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm nay.(PLO)