Biển Đông: Mỹ và Nhật Bản tìm cách liên thủ đối phó Trung Quốc
Hàng loạt nhà tài phiệt Đảng đối lập quay sang ủng hộ cho bà Hillary Clinton
Nga - Trung tập trận ở Biển Đông: Tướng Mỹ nói thẳng
Trung Quốc lắp radar trên giàn khoan: Tiếp tục lớn tiếng
Tin thế giới đọc nhanh 11-08-2016
- Cập nhật : 11/08/2016
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan hôm qua (9/8) đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Saint Peterburg. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí cởi mở và xây dựng. Hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận nhằm khôi phục quan hệ song phương.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Saint Peterburg ngày 9/8. (Ảnh: EPA)
Sau cuộc gặp, lãnh đạo hai nước cho biết hai bên đã nhất trí thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, hủy bỏ các biện pháp hạn chế và hợp tác trong vấn đề Syria.
Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Erdogan có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ưu tiên hiện nay là đưa quan hệ hợp tác giữa 2 nước về mức độ trước thời điểm khủng hoảng. Đây là một nhiệm vụ vô cùng áp lực, vì chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, trao đổi thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm tới 43%.
Hai bên sẽ phải nỗ lực rất nhiều để khôi phục hợp tác kinh tế và thương mại. Tiến trình này đã được triển khai, nhưng nó sẽ phải mất một thời gian. Chuyến thăm Nga vào cuối tháng 7 vừa qua của đoàn đại biểu các quan chức kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là một bước quan trọng trong việc khôi phục hợp tác song phương”, ông Putin nói.
Tổng thống Putin cũng cho biết, Nga có kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp kinh tế đặc biệt và những hạn chế đối với các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ mà Nga áp đặt sau vụ chiến đấu cơ của Nga bị lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tại Syria hồi năm ngoái. Những hạn chế đối với các công ty xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được dỡ bỏ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Nga cũng dự định sẽ nhanh chóng khôi phục hoạt động đường hàng không tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có tầm nhìn chung và tiềm năng hợp tác to lớn, quan hệ hợp tác tốt đẹp chưa có tiền lệ trước khủng hoảng là một minh chứng. Hiện, mối quan hệ song phương giữa hai nước đã vững chắc hơn nhiều và có thể chống lại bất cứ cuộc khủng hoảng nào.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí trong thời gian tới sẽ thực hiện các dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước, trong đó có dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tay-íp Erdogan cho biết: “Mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào một giai đoạn tích cực. Cả hai đều nhất trí thiết lập những mục tiêu lớn. Tôi chắc chắn là những bước đi mà hai bên thực hiện sẽ thúc đẩy hợp tác song phương”.
Chuyến thăm Nga của Tổng thống Erdogan diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước phương tây và Mỹ đang ngày càng căng thẳng sau vụ đảo chính bất thành tại nước này ngày 15/7 vừa qua.
Do đó, bên cạnh mục đích chấm dứt giai đoạn căng thẳng trong quan hệ với Nga sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của Nga ở khu vực biên giới Syria hồi tháng 11 năm ngoái, chuyến thăm này còn là thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ gửi các đối tác phương Tây rằng, nước này có thể có những lựa chọn chiến lược khác.(VOV)
Cảnh sát Ethiopia bắn chết 90 người biểu tình
Lực lượng an ninh Ethiopia đã nổ súng bắn chết hơn 90 người trong các cuộc tuần hành phản đối tại các khu vực Oromiya và Amhara cuối tuần vừa qua.
Theo Reuters, năm ngoái bất ổn nổi lên ở Oromiya trong vài tháng cho đến hồi đầu năm nay vì kế hoạch thu hồi đất trồng trọt dùng cho phát triển của chính quyền. Nhà chức trách hủy ý định này hồi tháng 1-2016 nhưng biểu tình lại nổ ra phản đối các vụ bắt giữ những người phe đối lập.
Cuối tuần qua, những người biểu tình hô khẩu hiệu chống chính quyền và yêu cầu chính quyền thả các chính trị gia đối lập.
“Chúng tôi đã lên danh sách 33 người biểu tình bị giết bởi lực lượng an ninh bao gồm cảnh sát và binh lính, nhưng tôi chắc danh sách sẽ còn dài” - ông Mulatu Gemechu, phó chủ tịch đảng đối lập Hội nghị Liên bang Oromo, cho biết.
Những vụ giết chóc xảy ra ở ít nhất 10 thị trấn trên khắp Oromiya, gồm Ambo, Dembi Doloi và Nekemt. “26 người bị thương, trong khi một số khác bị bắt” - ông Mulatu thông báo.
Ở Amhara, người dân nói cảnh sát nã đạn thẳng vào đám đông biểu tình, vốn kéo dài cho đến tận sáng thứ hai 8-8 tại thành phố Bahir Dar. “Các bệnh viện đầy người chết và bị thương”, một nhân chứng thông tin.
Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng vụ tắm máu ở Bahir Dar có thể xem là “giết người ngoài vòng pháp luật” và có ít nhất 30 người bị giết trong một ngày. Chính quyền Washington đã ra tuyên bố “quan ngoại sâu sắc” về tình trạng bạo lực tại Ethiopia - đất nước ở phía đông châu Phi với số dân khoảng 91 triệu người.
Hãng tin nhà nước Ethiopian News trong khi đó đưa tin rằng “các cuộc biểu tình mang tính bất hợp pháp” bởi “các lực lượng phản hòa bình” đã bị kiểm soát nhưng lại không đề cập gì đến thương vong.
Ông Trump lôi kéo cử tri ủng hộ sở hữu súng chống lại bà Clinton
Ngày 9/8, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tiếp tục đưa ra những phát ngôn gây tranh cãi khi gợi ý những cử tri ủng hộ quyền sử dụng súng đạn không bỏ phiếu cho đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua giành ghế Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở thành phố Wilmington, bang Bắc Carolina, tỷ phú Trump cho rằng nếu cựu Ngoại trưởng Mỹ đắc cử tổng thống và được quyền lựa chọn thẩm phán cho Tòa án tối cáo và sẽ không gì có thể bảo vệ quyền sở hữu vũ khí của người dân.
Ông nhấn mạnh: “Bà Clinton muốn xóa bỏ Luật sửa đổi thứ hai - đạo luật bảo vệ quyền mang theo vũ khí theo Hiến pháp Mỹ... Nếu bà ta được quyền lựa chọn thẩm phán, bạn không thể làm gì được nữa. Mặc dù có những người ủng hộ Luật sửa đổi thứ hai, có thể có những người đó, tôi không biết.”
Dù không rõ ý nghĩa chính xác lời phát biểu trên của ứng cử viên Trump, song giới truyền thông và mạng xã hội đã nhanh chóng đưa ra "mổ xẻ" và cho rằng “ông trùm” bất động sản đang cố gắng vận động những người ủng hộ quyền sở hữu súng quay sang ủng hộ mình và chống lại bà Clinton.
Giới truyền thông thậm chí còn lo ngại ông Trump đang muốn gợi ý nhóm cử tri trên có hành vi bạo lực để ngăn chặn đối thủ đảng Dân chủ nếu bà đắc cử và đề cử một thẩm phán mới. Chỉ 3 tiếng sau khi ông Trump phát biểu, Luật sửa đổi thứ hai đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Twitter, với hơn 60.000 bài đăng liên quan đến vấn đề này.
Quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton, ông Robby Mook đã chỉ trích những phát ngôn của ông Trump là “nguy hiểm,” đồng thời nhấn mạnh “một người muốn làm tổng thống không nên khơi gợi bạo lực bằng bất cứ cách nào.”
Tuy nhiên, phía chiến dịch tranh cử của tỷ phú Trump sau đó đã đưa ra tuyên bố giải thích rằng phát ngôn của ứng cử viên Cộng hòa là nhằm nhấn mạnh “sức mạnh của sự đoàn kết” cũng như quyền lực của những cử tri ủng hộ việc sở hữu súng đạn trong cuộc bầu cử tổng thống.
Giám đốc truyền thông của ông Trump, ông Jason Miller nhấn mạnh: “Những người ủng hộ Luật sửa đổi thứ hai đều có tinh thần tuyệt vời và cực kỳ đoàn kết, điều đó giúp họ có quyền lực chính trị to lớn.”
Trong khi đó, ứng cử viên phó Tổng thống của đảng Cộng hòa Mike Pence cũng khẳng định ông Trump “dĩ nhiên không” khuyến khích bạo lực chống lại bà Clinton, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng nhóm cử tri ủng hộ quyền sở hữu súng “nên tham gia tiến trình chính trị và bày tỏ tiếng nói.”
Tương tự, cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani cũng lên tiếng bênh vực ông Trump rằng đại diện của đảng Cộng hòa chỉ đang đề cập đến nhóm cử tri “có quyền lực không bỏ phiếu cho bà Clinton.”
Ông Giuliani cũng cáo buộc các cơ quan truyền thông khi diễn giải sai hàm ý trong phát ngôn của ông Trump, cho rằng đây là bằng chứng cho thấy giới truyền thông có định kiến với tỷ phú 70 tuổi này.
Vấn đề kiểm soát súng đạn đang là chủ đề gây tranh cãi trên chính trường Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Clinton từng bày tỏ quyết tâm áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với hoạt động kinh doanh súng đạn nhằm ngăn chặn rơi vào tay các đối tượng tội phạm nguy hiểm.
Phát ngôn gây tranh cãi của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều người từng hỗ trợ tài chính cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong vòng bỏ phiếu sơ bộ chuyển sang tài trợ cho ứng cử viên của đảng Dân chủ Clinton, thay vì cho ông Trump.
Thậm chí một số nghị sỹ đảng Cộng hòa mà mới đây nhất là Thượng nghị sỹ bang Maine, bà Susan Collins, cũng đã tuyên bố không bỏ phiếu cho "ông trùm" bất động sản vì ông có thiên hướng thích dọa dẫm và thóa mạ người khác.
Theo bà, để ông Trump trở thành tổng thống sẽ khiến thế giới vốn đã đầy mối hiểm nguy sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn.
Đây được xem là đòn mạnh giáng vào nỗ lực tranh cử của tỷ phú 70 tuổi, bởi bà Collins vốn là một nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng hòa và những chỉ trích của nữ chính khách này được xem là sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến lá phiếu của các cử tri Cộng hòa.(TTXVN)
Thượng nghị sỹ kỳ cựu nhất đảng Cộng hòa phản đối Donald Trump
Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa tại bang Maine, bà Susan Collins, tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Donald J. Trump trong cuộc bầu cử tổng thống.
Đây là đòn mới giáng xuống ứng cử viên này giữa lúc ông Trump đang tìm mọi cách để đoàn kết đảng của mình và giành thêm sự ủng hộ của cử tri nữ.
Bà Collins tiết lộ quyết định trên trong cột dư luận của tờ The Washington Post phát hành tối 8/8, trong đó bà giải thích rằng bà không thể ủng hộ ông Trump vì ông có thiên hướng thích dọa dẫm và thóa mạ người khác.
Theo bà, để ông Trump trở thành tổng thống sẽ khiến thế giới vốn đã đầy mối hiểm nguy sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn.
Theo tờ New York Times số ra ngày 9/8, cho tới nay, bà Collins là thượng nghị sỹ kỳ cựu nhất của đảng Cộng hòa công khai bày tỏ sự phản đối ông Trump, và thông điệp của bà có thể phát đi một tín hiệu tới các đảng viên Cộng hòa khác rằng nếu muốn an toàn hãy tránh xa ứng cử viên của chính đảng mình.
Bà cũng là một trong số ít những đảng viên Cộng hòa ôn hòa có ghế tại Thượng viện và trong nhiệm kỳ thứ tư của mình, bà đang lãnh đạo ủy ban phụ trách an ninh nội địa của Thượng viện.
Do đó, những lời chỉ trích của bà được xem là sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến lá phiếu của các cử tri Cộng hòa.
Mặt khác, sự phản đối của bà cũng khiến ông Trump khó có thể thu hút được phiếu bầu tại bang Maine vì bà Collins là nhân vật được lòng dân chúng tại đây.(Vietnamplus)