Trung Quốc ngày hôm nay chính thức bắt đầu thi hành cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông”. Đây là lần thứ 18 kể từ năm 1999, Bắc Kinh đơn phương thi hành luật này, luật này có hiệu lực với cả tàu cá nước ngoài.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 30-10-2015
- Cập nhật : 30/10/2015
Tư lệnh hải quân Mỹ - Trung họp trực tuyến về Biển Đông
Đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh hải quân Trung Quốc (trái), và đô đốc JohnRichardson, tham mưu trưởng hải quân Mỹ. Ảnh: U.S Department of Defense/USNI
Đô đốc John Richardson, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, và đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh hải quân Trung Quốc, hôm nay sẽ tổ chức một phiên họp trực tuyến kéo dài trong một tiếng, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.
Động thái trên được thực hiện sau khi Washington hôm 27/10 điều tàu khu trục USS Lassen đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá Subi, nơi Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Trung Quốc rất phẫn nộ trước hành động này. Tờ Global Times, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã công kích Lầu Năm Góc có "hành vi khiêu khích" và kêu gọi Bắc Kinh "chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".
Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói sẽ "đáp trả kiên quyết" bất kỳ hành động cố ý khiêu khích nào.
Theo nguồn tin nói trên, cuộc thảo luận do các quan chức quân sự của cả đôi bên đề xuất nhằm bàn bạc về những hoạt động gần đây ở Biển Đông cũng như mối quan hệ giữa hai nước. Đây sẽ là cuộc họp trực tuyến thứ ba giữa tư lệnh hải quân Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành bồi đắp và xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Tuần dương hạm Pháp tới Trung Quốc tập trận chung
Tàu Vendemiaire sáng 27/10 cập cảng thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông trong "chuyến thăm hữu nghị" kéo dài 4 ngày, báo People's Liberation Army Daily đưa tin.
Tàu Pháp sẽ tham gia tập trận hải quân về các cuộc đối đầu không cố ý trên biển, và các sĩ quan hải quân Pháp - Trung sẽ thăm tàu của nhau, giao hữu bóng đá, báo cho biết thêm. Hoạt động được cho là nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, lòng tin và hợp tác giữa hải quân hai nước.
Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 8 của tàu Vendemiaire diễn ra trước khi Tổng thống Pháp Francois Hollande đến nước này vào tuần tới.
Trung Quốc và Mỹ căng thẳng sau khi Washington cử một tàu khu trục tên lửa dẫn đường tới gần một trong các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc cho biết đã theo dõi và cảnh báo tàu, sau đó triệu tập đại sứ Mỹ để phản đối.
Pháp và Mỹ là hai thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và tiến hành bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo.
Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể ở Trường Sa, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở đây cuối năm 2013.
Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
NATO tính tăng quân sát biên giới Nga
Binh sĩ NATO chuẩn bị tham gia một cuộc tập trận tại căn cứ không quân Birgi ở thành phố Trapani, Italy, ngày 19/10. Ảnh: Reuters.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự định đặt tại mỗi quốc gia Ba Lan và ba nước Baltic một tiểu đoàn, gồm từ 800 đến 1.000 binh sĩ. Trong kế hoạch đơn giản hơn, NATO chỉ đặt một tiểu đoàn trong khu vực, tờ Wall Street Journal hôm qua đưa tin.
Mỹ ủng hộ kế hoạch nhưng Đức thì ngược lại. Phía Đức cho biết họ không muốn đối xử với Nga như kẻ thù lâu dài hay loại nước này khỏi châu Âu cho dù hai bên có bất đồng liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Theo các quan chức NATO, Berlin có thể sẽ chỉ ủng hộ kế hoạch đơn giản hơn.
Một số nước thành viên cho rằng tăng quân, dù chỉ là nhỏ, cũng có thể dẫn đến hậu quả bất ngờ là tạo ra xung đột với Nga. Theo đó, NATO nên tăng cường nỗ lực phòng thủ như thể hiện khả năng điều động nhanh lượng lớn binh sĩ bằng tập trận tương tự hoạt động đang diễn ra ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Các quan chức NATO nói kế hoạch mới hiện ở giai đoạn đầu và chưa được trình lên Hội đồng NATO, yêu cầu cần có sự đồng thuận trước khi thông qua, và sẽ không có sự điều động nào diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo NATO tổ chức vào tháng 7/2016 tại thủ đô Warsaw, Ba Lan.
NATO năm ngoái thông qua "kế hoạch sẵn sàng hành động" nhằm tái trấn an các nước thành viên phía đông rằng liên minh sẽ hỗ trợ phòng thủ trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga. Kế hoạch bao gồm thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh và 6 trung tâm chỉ huy tại Ba Lan, Romania, Bulgaria cùng ba quốc gia Baltic.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã rơi xuống mức thấp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh liên quan đến việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Ukraine không thuộc NATO nhưng có biên giới chung với một số thành viên trong liên minh quân sự này.
NATO còn cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine, chỉ trích Moscow vì tăng cường tập trận trong khu vực cùng với cái gọi là "sự xâm phạm không phận NATO mang tính khiêu khích" và "dọa sử dụng vũ khí hạt nhân". Moscow cũng nhiều lần tuyên bố coi NATO là mối đe dọa an ninh.
Lộ hình ảnh tàu sân bay Trung Quốc tự đóng
Tại xưởng đóng tàu Đại Liên, một module trên thân tàu có chiều cao 7,5 m và chiều rộng 27 m , gần như chắc chắn là nơi chứa máy bay, trang Weibohôm 24/10 đăng tải ảnh về chiếc tàu sân bay.
Tàu mang số hiệu 17 có thể có lượng giãn nước là 65.000 đến 70.000 tấn, có thể mang theo 36 đến 48 máy bay, kết hợp chiến đấu cơ J-15 và trực thăng Z-8/Z-18.
Vỏ tàu cũng có nhiều ngăn và tấm vách ngăn kín nước. Nó có kích thướctương đương tàu Liêu Ninh hoặc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đang được đóng mới của hải quân Anh.
Tàu mang số hiệu 17 này sẽ có các tính năng tự động hóa để giảm số lượng thủy thủ, tăng chứa nhiên liệu và đạn dược. Tháp chỉ huy trên tàu cũng nhỏ hơn, giúp nó hoạt động năng suất hơn Liêu Ninh.
Theo kế hoạch, tàu mới này sẽ được xuất xưởng vào quý II năm sau. Khi đó nó sẽ được đặt tên, có thể là tên một tỉnh hoặc thành phố của Trung Quốc. Tàu có thể sẵn sàng được sử dụng vào 2019.
Hồi cuối tháng 9, hình ảnh vệ tinh do Airbus Defence & Space (ADS) chụp cho thấy tàu sân bay của Trung Quốc có thể đang được đóng tại xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên. Đây cũng là nơi tàu Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất hiện nay của hải quân Trung Quốc (PLAN), được cải hoán từ một tàu sân bay cũ của Ukraine.
Ảnh chụp ngày 10/3 cho thấy thân tàu dài từ 150 đến 170 m, rộng khoảng 30 m. Thân tàu được lắp ráp suốt mùa hè, hiện dài 240 m, rộng 35 m và sẽ dài ít nhất 270 m khi hoàn thành.
Đầu tháng 3, một sĩ quan hải quân cấp cao Trung Quốc cho biết nước này đang đóng tàu sân bay thứ hai, xác nhận bước đi tăng cường sức mạnh trên biển của Bắc Kinh vốn đã được đồn đoán rộng rãi.
Trung Quốc đang có một tàu sân bay tên Liêu Ninh trong biên chế. Tàu Liêu Ninh, vốn là tàu Varyag của Liên Xô cũ, dài khoảng 300 m, được Trung Quốc mua từ Ukraine, sau đó tân trang lại và đưa vào hoạt động hồi tháng 9/2012.
Australia cân nhắc điều tàu tuần tra đến Biển Đông
Australia để ngỏ khả năng cùng Mỹ tuần tra gần các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ảnh: EPA
“Australia đang xem xét các khả năng", Wall Street Journal hôm nay dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc quân đội nước này cho biết.
Một quan chức quốc phòng khác, người tham gia vào việc lập kế hoạch cho Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne, xác nhận các hoạt động của hải quân hoặc máy bay tuần tra trên biển đã được chuẩn bị, mặc dù việc này chưa được đưa vào thực hiện ngay.
"Lúc này, chúng tôi đang nhìn nhận các lựa chọn", vị này nói. Các quan chức tính đến việc điều tàu đi tuần tra trong nhiều tháng nếu căng thẳng ở Biển Đông gia tăng.
Bà Payne tuy không trả lời trực tiếp nhưng nhấn mạnh rằng Australia có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
"Các tàu và máy bay của Australia sẽ tiếp tục thực hiện các quyền theo luật quốc tế về tự do hàng hải và hàng không", bà nói.
Bộ trưởng Payne đã bày tỏ sự ủng hộ với việc tàu USS Lassen của Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông do Trung Quốc xây dựng. Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013. Australia có 60% lượng hàng hóa đi qua Biển Đông.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo hải quân nước này sẽ điều hai tàu khu trục tên lửa "Lan Châu 170" và "Đài Châu 533" áp sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái.
Hai tàu khu trục nhỏ của Australia là HMAS Arunta và HMAS Stuart dự kiến sẽ tham gia tập trận chung với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông trong tuần sau. Bà Payne xác nhận kế hoạch này sẽ diễn ra sau khi tàu Mỹ hoàn thành việc tuần tra.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và tiến hành bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo.
Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.