Tổng thống Mỹ kêu gọi Triều Tiên đi theo mô hình hạt nhân Iran, đồng thời thúc giục Hàn Quốc lên tiếng đối với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 30-10-2015
- Cập nhật : 30/10/2015
Tòa quốc tế đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về 'đường lưỡi bò'
"Sau khi xem xét các khiếu nại do Philippines nộp, tòa đã bác bỏ lập luận" của Trung Quốc rằng "tranh chấp thực ra là về chủ quyền đối với các đảo" ở Biển Đông và do đó, vượt quá thẩm quyền của tòa án, AFP dẫn tuyên bố của Toà Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan.
Thay vào đó, tòa cho rằng vụ kiện phản ánh "tranh chấp giữa hai quốc gia, liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS)", và điều này nằm trong thẩm quyền của tòa.
Philippines đã đệ đơn kiện lên PCA từ tháng 1/2013, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Philippines cũng khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải.
Tòa án khẳng định họ có thẩm quyền để xem xét 7 vấn đề chống lại Trung Quốc do Philippines đặt ra, trong đó có việc liệu bãi cạn Scarborough và bãi cạn nửa chìm nửa nổi như đá Vành Khăn có được coi là đảo hay không. Tuy nhiên, tòa nói thêm rằng thẩm quyền của mình đối với 7 điểm khác sẽ cần được xem xét thêm. Tòa yêu cầu Manila làm rõ một vấn đề khác.
Tòa cũng cho biết đã lên kế hoạch về các phiên điều trần tiếp theo và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trong năm tới.
Sau khi tòa đưa ra thông báo, Trung Quốc tái khẳng định lập trường là không chấp nhận và không tham gia vào phiên tòa. "Nỗ lực để đạt được nhiều lợi ích bất hợp pháp hơn nữa, bằng cách tiến hành phân xử đơn phương là không thực tế và sẽ chẳng dẫn đến đâu", Zhu Haiquan, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói. "Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán và tham vấn với các bên liên quan trực tiếp. Đây là phương án đúng đắn duy nhất".
Trong khi đó, Mỹ hoan nghênh quyết định của tòa. "Điều này cho thấy luật pháp quốc tế được áp dụng" vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, một quan chức quốc phòng cấp cao nói.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông dựa trên "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra, đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia. Nước này tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc nhiều năm nay khẳng định tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương và khăng khăng không đồng ý tham dự vụ kiện của Philippines.
WSJ: Mỹ đặt các quốc gia châu Á Thái Bình Dương vào thế đi trên dây
Theo các quan chức Mỹ, Washington sẽ hối thúc các đồng minh và đối tác noi gương Mỹ, tiến hành những cuộc tuần tra đảm bảo "tự do hàng hải" trên Biển Đông, cụ thể là trong khu vực phạm vi 12 hải lý xung quanh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Một quan chức cao cấp của Mỹ nói: "Chúng tôi đang khuyến khích các quốc gia sử dụng những quyền mà họ được hưởng theo luật pháp quốc tế, tương tự như cách chúng tôi sử dụng quyền của mình."
Trong khi đó, Trung Quốc hối thúc các quốc gia khước từ những nỗ lực của Mỹ, đồng thời cảnh báo Washington về những hậu quả nếu như Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra xung quanh những đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo thường lệ vào ngày thứ 5 hàng tuần, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: "Chúng tôi kêu gọi Mỹ không nên ngày càng trượt xa trên con đường sai lầm. Nhưng nếu Mỹ vẫn khăng khăng làm như vậy, chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết."
Những cuộc vận động ngoại giao công khai này phản ánh một cuộc chạy đua đang diễn ra tại khu vực, trong đó Trung Quốc tìm cách thách thức vị thế của Mỹ là cường quốc quân sự và kinh tế chi phối châu Á.
Giới phân tích cho rằng, cuộc tuần tra hôm 27/10 của hải quân Mỹ là nhằm mục đích trấn an các đồng minh và đối tác vốn đang quan ngại rằng Washington hành động chưa đủ mạnh để đáp trả các hành động quân sự của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, khi yêu cầu những nước đồng minh và đối tác phối hợp hành động với mình, Mỹ cũng đặt một số nước vốn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc vào thế phải lựa chọn rất khó khăn.
Nhật Bản, Australia và Philippines đã công khai bày tỏ ủng hộ cuộc tuần tra của Mỹ, song một số nước trong khu vực đưa ra những tuyên bố trung lập.
Mỹ sẽ thay đổi chiến lược tấn công IS
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết Mỹ sẽ tăng cường không kích IS tại Iraq, Syria và thay đổi chiến lược tấn công, nhấn mạnh về “hành động trực tiếp” trên bộ.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ về tình hình Trung Đông ở Nhà Trắng ngày 27-10, ông Carter cho biết ông hi vọng sẽ có thêm những hành động như đã diễn ra tuần qua khi quân đội Mỹ giải cứu 70 con tin nhưng chỉ bị tổn thất một binh sĩ đặc nhiệm tại Iraq.
Sau đợt vây ráp tuần trước, đặc nhiệm Joshua Wheeler đã trở thành quân nhân Mỹ đầu tiên hi sinh trong khi chiến đấu tại Iraq kể từ năm 2011.
Chính quyền Tổng thống Obama phản đối việc điều động lực lượng bộ binh Mỹ tới Syria, nhưng hiện tại đã có khoảng 3.500 lính Mỹ đang ở Iraq để làm công tác “đào tạo và tư vấn” hỗ trợ các lực lượng địa phương chống IS.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cảnh báo mọi hoạt động trên bộ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ cần phải tuân thủ những quy định đã có của chính phủ về cuộc chiến chống IS.
Ông Carter thông báo với các thượng nghị sĩ, quân đội Mỹ đang tập trung tấn công và giành lại thành phố Raqqa ở bắc Syria, nơi được cho là thủ phủ của IS, và chiếm lại thành phố Ramadi của Iraq, tiến hành các cuộc vây ráp và tăng cường hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống IS.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tăng cường chiến dịch không kích, bổ sung máy bay của Mỹ và của liên quân để tấn công IS với tần suất các đợt không kích nhiều hơn và mạnh hơn”.
Tuy nhiên cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, việc tăng thêm các đợt không kích IS tại Syria sẽ chỉ tiến hành khi Mỹ nắm được các nguồn tin tình báo tốt hơn về những mục tiêu IS cần tấn công.
Sự thay đổi về chiến lược chống IS theo tạp chí Vox (Mỹ) cho thấy Mỹ đang thừa nhận một số thực tế đang diễn ra trên thực địa.
Nga đưa người lên Mặt trăng năm 2029
Theo kế hoạch, tàu vũ trụ có người lái của Nga sẽ đáp xuống Mặt trăng năm 2029.
Cho đến nay Nga vẫn chưa đưa được người lên Mặt trăng và họ đang ráo riết hiện thực hóa mục tiêu này - Ảnh: Twitter/RT
Tại cuộc họp ngày 27-10 ở thủ đô Matxcơva, ông Vladimir Solntsev - người đứng đầu Cơ quan hàng không vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) cho biết hiện các nhà khoa học Nga đang chế tạo một tàu vũ trụ mới làm bằng vật liệu tổng hợp đặc biệt để thám hiểm Mặt trăng.
Chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra năm 2021. Đến năm 2023, tàu thám hiểm Mặt trăng sẽ kết nối với Trạm không gian quốc tế (ISS). Năm 2025, Nga sẽ phóng tàu không người lái đầu tiên lên Mặt trăng và 4 năm sau sẽ đưa con người lên Mặt trăng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng BBC trước đó, ông Solntsev cho biết "chúng tôi phải lên Mặt trăng", và việc này nhằm chuẩn bị cho chuyến bay lên sao Hỏa trong tương lai.
Sau thất bại của tàu Luna 1, ngày 14-9-1959, tàu vũ trụ Luna 2 của Nga đã chạm bề mặt Mặt trăng, trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên lên đến Mặt trăng. Thành công này cũng mở ra cuộc chạy đua căng thẳng giữa Nga và Mỹ trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.
Mười năm sau, vào ngày 20-7-1969, tàu vũ trụ Apollo 11 của Mỹ đã đáp xuống Mặt trăng, trở thành tàu vũ trụ có người lái đầu tiên viếng thăm "chị Hằng". Mỹ sau đó còn đưa con người lên Mặt trăng 5 lần nữa, cho đến năm 1972.
Ngày 9-8-1976, Nga phóng tàu Luna 24 lên Mặt trăng. Đây là tàu vũ trụ không người lái cuối cùng của nước này thực hiện sứ mệnh Mặt trăng và nó đã mang về Trái đất mẫu đất trên Mặt trăng. Dù vậy, Matxcơva chưa lần nào đưa được phi hành gia lên Mặt trăng.
Trung Quốc bỏ chính sách một con
Chính sách một con gây tranh cãi được Trung Quốc áp dụng từ năm 1979 nhằm làm giảm tỷ lệ sinh và kìm hãm tỷ lệ gia tăng dân số. Chính sách này ước tính đã ngăn cản được khoảng 400 triệu ca sinh nở kể từ khi nó đi vào hiệu lực.
Các cặp vợ chồng vi phạm đối mặt với nhiều hình phạt, từ phạt tiền đến mất việc và ép phá thai. Tuy nhiên, tình trạng dân số ngày càng lão hóa đã buộc giới chức nước này phải thay đổi.
Chính quyền Trung Quốc chính thức bắt đầu nới lỏng quy định về một con cách đây hai năm, cho phép các đôi vợ chồng, trong đó có ít nhất một người là con một, được phép sinh con thứ hai.
Tuy nhiên, nhiều người có thể vẫn lựa chọn chỉ sinh một con, bởi các gia đình một con đã trở thành chuẩn mực xã hội. Các nhà phê bình cho rằng thậm chí chính sách hai con cũng không đủ sức làm tăng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc.
Hiện khoảng 30% trong tổng số hơn 1,3 tỷ dân của Trung Quốc ở trên độ tuổi 50.
Tuyên bố chấm dứt chính sách một con được đưa ra vào ngày bế mạc hội nghị của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo dự kiến cũng sẽ công bố các mục tiêu phát triển và kế hoạch cho 5 năm tới.