Nhật - Ấn bắt tay kiềm chế Trung Quốc
Cần đối sách mới trước hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông
Tàu ngầm, tàu khu trục Nhật Bản ghé cảng Subic thăm Philippines
Mỹ sẽ tiếp tục áp sát đảo nhân tạo phi pháp
Hỏa hoạn lớn tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nga
Tin thế giới đọc nhanh trưa 01-04-2016
- Cập nhật : 01/04/2016
Malaysia triệu đại sứ Trung Quốc vì 100 tàu cá 'xâm phạm lãnh hải'
Khoảng 100 tàu cá Trung Quốc hôm 24/3 bị phát hiện ở vùng biển gần bãi cạn Luconia tranh chấp giữa hai nước. Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) và hải quân nước này cho hay đã triển khai lực lượng đến khu vực trên để theo dõi tình hình.
Bộ Ngoại giao Malaysia xác nhận một lượng lớn tàu cá cắm cờ Trung Quốc bị phát hiện trong vùng biển được cho là thuộc Malaysia và được tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống.
Theo New Straits Times, Malaysia đã triệu đại sứ Trung Quốc "để yêu cầu giải thích cũng như bày tỏ mối quan ngại của Malaysia về vấn đề này", thông cáo của Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay.
Kuala Lumpur tin Bắc Kinh có chung quan điểm rằng mối quan hệ mật thiết giữa Malaysia và Trung Quốc được xây dựng dựa trên sự tôn trọng "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không gây hấn lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình".
"Bằng hình thức liên lạc lần này, Malaysia tin rằng với thiện chí và sự chân thành, Malaysia và Trung Quốc sẽ tìm ra một biện pháp hòa giải cho bất kỳ vấn đề nào giữa hai nước", thông cáo viết.
Tuy nhiên, cũng trong hôm nay, MMEA cảnh báo rằng tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trong lãnh hải Malaysia có thể bị đánh chìm và biến thành đá ngầm nhân tạo hoặc bán đấu giá cùng với sản lượng đã đánh bắt, nếu bị kết luận vi phạm luật pháp Malaysia.
Bãi cạn Luconia là một tập hợp nhiều rạn đá ngầm ở phía nam Biển Đông mà cả Malaysia lẫn Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc cho rằng Luconia nằm trong cái gọi là "đường chín đoạn" mà nước này tự vạch ra để áp đặt chủ quyền với hầu hết Biển Đông.
Tổng thống Ukraine đặt hy vọng vào chuyến thăm Mỹ
Ngày 30-3, Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko bắt đầu chuyến thăm đầu tiên trong năm 2016 tới Mỹ. Giới phân tích cho rằng trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, số phận Chính phủ Ukraine cũng như các đợt giải ngân từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể sẽ được định đoạt.
Theo thông báo của Văn phòng Báo chí Tổng thống, ông Poroshenko sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Washington dự kiến diễn ra trong hai ngày 1 và 2-4, và sẽ gặp gỡ giới lãnh đạo Mỹ, song chưa biết cụ thể là người nào. Trùng thời điểm diễn ra chuyến thăm, ngày 30-3, Quốc hội Mỹ sẽ tổ chức một cuộc thảo luận về vấn đề Ukraine.
Giới phân tích dự đoán sẽ có 3 vấn đề được đưa ra thảo luận trong cuộc hội đàm song phương lần này, đó là khả năng Ukraine có thể nhận được các đợt giải ngân tín dụng từ IMF, thoả thuận Minsk và Chính phủ Ukraine.
Tổng thống Poroshenko đã bày tỏ hy vọng rằng trước chuyến đi Mỹ, Ukraine kịp thành lập Chính phủ mới và Nội các dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Arsenyi Yatsenyuk sẽ từ nhiệm vào ngày 29-3. Nhưng kế hoạch này đã thất bại khi lãnh đạo đảng của Tổng thống trong Quốc hội Yury Lutshenko tuyên bố việc bỏ phiếu cho vị trí Thủ tướng chỉ có thể diễn ra vào ngày 31-3. Các đại biểu thuộc đảng “Mặt trận Dân tộc” của Yatsenyuk muốn cuộc bỏ phiếu Chính phủ mới diễn ra vào ngày 5-4.
Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Chính phủ Ukraine, Mỹ nhấn mạnh rằng Chính phủ Ukraine cần phải được thành lập sớm nhất có thể, còn Đại sứ Mỹ ở Ukraine Jeffrey Payette tuyên bố ủng hộ một chính phủ kỹ trị. Theo các chuyên gia Ukraine và giới truyền thông, Mỹ ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalia Yaresko (vốn là một công dân Mỹ) giữ vị trí Thủ tướng Ukraine. Vào cuối năm ngoái, bà Yaresko đã đạt được thoả thuận với các chủ nợ quốc tế về phương án giải quyết nợ của Ukraine. Tuy nhiên, các đại diện của đảng Khối Poroshenko đã tuyên bố chính thức đề cử Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, ông Vladimir Groisman, vào vị trí Thủ tướng.
Theo chuyên gia về Ukraine thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế Anatoly Oktisiuk, Thủ tướng Yatsenyuk đang cố tình làm chậm trễ việc Chính phủ từ chức, làm hỏng kế hoạch trong chuyến đi Mỹ của Tổng thống Poroshenko. Nếu ông Poroshenko giải thích được lý do chậm trễ, Mỹ có thể ủng hộ ứng cử viên Groisman. Nhưng nếu Mỹ tiếp tục nhấn mạnh sự ủng hộ ứng cử viên Yaresko thì Poroshenko lại trở về Kiev với một phương án thay thế Chính phủ khác.
Trong khi đó, việc Mỹ và IMF có hỗ trợ tài chính cho Ukraine hay không phụ thuộc vào sự hình thành một Chính phủ mới. Theo Tổng thống Poroshenko, việc thành lập Chính phủ mới có thể giúp Ukraine nhận được các khoản tín dụng lên tới 1 tỷ USD từ Mỹ và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân 3 tỷ USD. Tháng 3-2015, IMF đã thông qua chương trình cung cấp tín dụng cho Ukraine với số tiền lên tới 17,5 tỷ USD trong khoảng thời gian 4 năm. Ukraine đã nhận được đợt giải ngân đầu tiên theo chương trình mới với số tiền 5 tỷ USD vào ngày 13-3-2015, đợt thứ hai là 1,7 tỷ USD vào ngày 4-8-2015. Đợt giải ngân thứ ba với 1,7 tỷ USD nữa sẽ nâng số tiền mà Ukraine có thể nhận được lên tới 2,7 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD dưới dạng đảm bảo của Chính phủ Mỹ.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại IMF William Murray cho biết quỹ này không dự định sẽ ngừng mối quan hệ với Ukraine nhưng vẫn đang chờ đợi sự chắc chắn và ổn định của một Chính phủ mới, cũng như việc tiến hành các chương trình cải cách ở nước này.
Trong hai năm gần đây, Ukraine là 1 trong 5 nước ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Không một quốc gia nào khác, ngoài Syria, nhận được sự quan tâm từ Tổng thống Mỹ Barack Obama như Ukraine. Tuy vậy, phương Tây bắt đầu mất đi sự kiên nhẫn với chính quyền Ukraine, dù các mối đe dọa thường xuyên từ chiến sự ở Donbass, không cho phép các đối tác phương Tây “từ bỏ” Ukraine.
Dù chưa rõ chuyến thăm này của Tổng thống Poroshenko có giải quyết được vấn đề nào hay không, song Ukraine vẫn hoàn toàn có thể đặt hy vọng vào chuyến thăm này, bởi trong chuyến thăm Moscow hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định Washington sẽ không bỏ rơi Ukraine.
Kinh tế Triều Tiên chịu ảnh hưởng lớn do cấm vận quốc tế
Báo cáo của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết kinh tế Triều Tiên nhiều khả năng sẽ chịu cú sốc lớn với quy mô xuất khẩu bị giảm đến một nửa sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gia tăng cấm vận nước này. Nguyên nhân là do những mặt hàng của Triều Tiên thuộc diện bị cấm vận chiếm đến một nửa tỷ trọng xuất khẩu của nước này.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hôm 2-3.
Cụ thể, nghị quyết mới về cấm vận Triều Tiên mà HĐBA LHQ thông qua hôm 2-3 bao gồm việc cấm Triều Tiên tiến hành giao dịch liên quan đến 7 mặt hàng như quặng sắt, than đá, vàng, titan và đất hiếm, ngoài các mục đích vì dân sinh hoặc không liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Được biết, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của Bình Nhưỡng đạt 3,344 tỷ USD với tỷ trọng các mặt hàng trên chiếm gần một nửa trong số đó.
Báo cáo trên cho biết các biện pháp cấm vận lần này của quốc tế sẽ khiến Triều Tiên mất đi nguồn thu ngoại tệ tương đương 1,5 tỷ USD/năm. Những cấm vận này kéo dài sẽ khiến kinh tế và công nghiệp của Triều Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu ngoại tệ. Bên cạnh đó, việc Bình Nhưỡng xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng khác không chịu cấm vận như quần áo cũng sẽ không hề dễ dàng bởi nước này bị thiếu hụt nguồn cung cấp điện, chưa kể đến các điều khoản trừng phạt liên quan đến vận tải và tài chính khác. Tuy nhiên, báo cáo này nhấn mạnh việc Trung Quốc, nước đối tác và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên, thực hiện nghị quyết của quốc tế như thế nào chính là yếu tố quan trọng quyết định tính hiệu quả của các lệnh cấm vận. Trên thực tế, 97% mặt hàng của Bình Nhưỡng thuộc diện cấm vận đều được xuất khẩu sang Bắc Kinh. Ví dụ như từ năm 2010-2014, 100% quặng sắt và than đá của Triều Tiên được xuất khẩu sang thị trường nước anh em này.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Triều Tiên đã chính thức đề cập đến “cuộc hành quân gian khổ”, hay nói cách khác là sự vượt qua khó khăn sau khi bị quốc tế gia tăng trừng phạt. Báo “Lao động Triều Tiên” hôm 28-3 đăng bài viết có nội dung “con đường cách mạng còn dài và đầy gian khổ”, và “đất nước có thể lại một lần nữa trải qua khó khăn cùng cực, thậm chí phải ăn rễ cây để sống”. “Cuộc hành quân gian khổ” là khẩu hiệu mà chính quyền Triều Tiên đưa ra để nhấn mạnh sự hy sinh của người dân vào thời điểm sau khi cố Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời vào năm 1994 và kinh tế Triều Tiên rơi vào khó khăn trầm trọng. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng dùng lại khẩu hiệu này sau khi nghị quyết mới của HĐBA LHQ có hiệu lực.
Cuộc vờn đuổi giữa chiến hạm Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông
Khi các thủy thủ trong "đội Snoopie" nhận được cảnh báo và vào vị trí, họ nhìn thấy một tàu khu trục nhỏ của hải quân Trung Quốc xuất hiện ở chân trời. "Đội Snoopie" là từ dùng để chỉ nhóm các chuyên gia và thủy thủ có trách nhiệm báo cáo về những thay đổi ở môi trường bên ngoài tàu.
Tàu Trung Quốc đi cùng chiều với tàu tuần dương Mỹ từ hướng đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều khiến họ chú ý hơn khi đó là một chiếc trực thăng bắt đầu cất cánh trên tàu Trung Quốc và đang hướng về chiến hạm Mỹ. Phóng viên Helene Cooper từ New York Times lúc này cũng có mặt trên tàu Chancellorsville và ghi lại toàn bộ diễn biến của cuộc chạm trán.
"Đây là chiến hạm của hải quân Mỹ đang tuần tra", thủy thủ Ensign Anthony Giancana nói qua điệm đàm, cố gắng để liên lạc với trực thăng. "Hãy chuyển sang tần số 121.5 hoặc 243". Thế nhưng, tất cả những gì họ nhận được chỉ là một sự im lặng đến kỳ lạ.
Thời gian cứ thế trôi qua, căng thẳng không ngừng gia tăng khi mà chiếc trực thăng từ tàu Trung Quốc vẫn không chịu trả lời. Nó bay lượn thành vòng tròn trên bầu trời trước khi quay đầu trở về nơi xuất phát. Lúc này, tàu khu trục nhỏ Trung Quốc vẫn phăm phăm tiến sát tới tàu tuần dương Mỹ. Nơi mũi tàu, thuyền trưởng Curt A. Renshaw phải gác lại thói quen thường nhật tắm vào buổi sáng của mình để nhanh chóng chạy lên đài chỉ huy họp bàn chớp nhoáng với các sĩ quan.
Ông Renshaw ngày hôm trước đã thông báo với toàn bộ thủy thủ đoàn rằng tàu Chancellorsville sẽ di chuyển qua quần đảo Trường Sa, đồng thời yêu cầu họ luôn trong tư thế sẵn sàng phản ứng và cảnh giác với các rắc rối có thể xảy ra. Ông đã lường trước được rằng tàu Trung Quốc sẽ xuất hiện bởi Bắc Kinh những tháng gần đây thường xuyên điều tàu bám đuôi chiến hạm Mỹ khi chúng đi vào khu vực Biển Đông.Trên một bục gần ghế thuyền trưởng, cuốn sách "Tàu chiến của Jane" (Jane’s Fighting Ships) được mở tới trang 144 với dòng chữ "Tàu khu trục nhỏ Trung Quốc".
Ensign Anthony Giancana, 25 tuổi , đến từ Minneapolis, tìm kiếm hướng dẫn hàng hải trong một cuốn sách lúc tàu Chancellorsville của Mỹ chạm trán tàu Trung Quốc. Ảnh: NYTimes
"Anh từng bị bám buôi bao giờ chưa?", thuyền trưởng Renshaw hỏi Ensign Kristine Mun, sĩ quan hoa tiêu của tàu. Ông sau đó quay sang Ensign Niles Li, một sĩ quan biết nói tiếng Trung Quốc, thắc mắc vì sao trực thăng Trung Quốc từ chối phản hồi qua điện đàm.
Cuối cùng, khi tàu Trung Quốc chỉ còn cách chừng 10 km, và ai nấy đều nhìn thấy rõ nó bằng mắt thường, điện đàm trên tàu USS Chancellorsville mới vang lên một giọng nói bằng tiếng Anh. "Chiến hạm hải quân Mỹ 62... Đây là chiến hạm Trung Quốc 575".
"Đây là chiến hạm hải quân Mỹ 62. Chào buổi sáng quý vị. Hôm nay quả là một ngày dễ chịu trên biển. Hết", tàu USS Chancellorsville trả lời nhưng không nhận được phản hồi nào. Họ lặp lại những gì vừa nói nhưng tiếp tục không được trả lời.
Thuyền trưởng Renshaw yêu cầu Ensign Li thay ông truyền đạt thông điệp qua bộ đàm. "Họ không thể giả vờ không biết tiếng Trung được", ông quả quyết.
"Chiến hạm Trung Quốc 575. Đây là chiến hạm Mỹ 62", Ensign Li nói bằng tiếng Trung. "Hôm nay đúng là một ngày nắng đẹp để đi biển, hết".
Thêm nhiều phút nữa trôi qua trong lặng im. Ensign Anthony Giancana bắt đầu cảm thấy sốt ruột. "Thật chẳng khác gì ngày khai giảng", anh nói bâng quơ. "Chúng ta đã hoàn thành bài huấn luyện mùa xuân rồi cơ mà".
Đột nhiên, điện đàm lại vang lên tiếng trả lời từ tàu Trung Quốc. "Chiến hạm Mỹ 62, đây là chiến hạm Trung Quốc 575. Thời tiết hôm nay khá tuyệt. Chúng tôi rất vui khi gặp quý vị trên biển".
"Đây là chiến hạm Mỹ 62. Thời tiết đúng là rất đẹp. Chúng tôi cũng vui khi được gặp quý vị, hết", Ensign Li đáp lại vẫn bằng tiếng Trung Quốc.
Sau màn dạo đầu, tàu Trung Quốc bắt tay vào việc chính và chuyển sang dùng tiếng Anh. "Quý vị đã rời cảng được bao lâu rồi? Hết", phía Trung Quốc hỏi.
Thuyền trưởng Renshaw lập tức lắc đầu. "Không, chúng ta sẽ không trả lời. Tôi không bao giờ hỏi một câu như thế", ông khẳng định."Chiến hạm hải quân Trung Quốc 575, đây là chiến hạm hải quân Mỹ 62. Chúng tôi không thảo luận về lịch trình của mình. Nhưng chúng tôi đang tận hưởng quãng thời gian trên biển, hết", Ensign Giancana đưa điện đàm lên và đáp.
Các cuộc đối thoại kiểu như vậy cứ thế tiếp diễn giữa hai con tàu chiến chất đầy tên lửa, ngư lôi và pháo hạng nặng. Để thử xem tàu Trung Quốc có thực sự đeo bám mình hay không, tàu Chancellorsville quyết định đánh lái. Sau đó, các sĩ quan đứng yên và tập trung nghe ngóng, quan sát.
"Nó cũng vừa chuyển hướng thưa ngài", một sĩ quan cấp dưới của Renshaw báo cáo. Chancellorsville từ đây chính thức bị bám đuôi.
"Chiến hạm hải quân Mỹ 62, đây là chiến hạm hải quân Trung Quốc 575. Các ngài vẫn sẽ tiếp tục hành trình dài ngày trên biển chứ? Hết", tàu Trung Quốc hỏi.
Câu hỏi trên cũng không được trả lời bởi làm vậy đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng Trung Quốc có quyền biết về lịch trình của tàu Chancellorsville, ông Renshaw giải thích. Đó không phải tự do hàng hải.
"Đây là chiến hạm hải quân Mỹ 62", thuyền trưởng Renshaw đáp. "Đã rõ, tất cả hành trình của chúng tôi đều ngắn bởi chúng tôi muốn tận hưởng thời gian trên biển, bất kể dù ở cách nhà bao xa. Hết".
"Chiến hạm hải quân Mỹ 62, đây là chiến hạm hải quân Trung Quốc 575", phía Trung Quốc thông báo. "Đã rõ, chúng tôi sẽ ở cạnh các ngài trong những ngày kế tiếp. Hết".
Sự việc trên xảy ra hôm 22/3. Sáng hôm sau, chiếc tàu khu trục nhỏ Trung Quốc được thay thế bằng một khu trục hạm thực thụ. Con tàu bám theo chiến hạm Mỹ cho tới tận lúc nó ra khỏi Biển Đông vào nửa đêm 25/3.
Nga sẽ đáp trả việc Mỹ tăng hiện diện quân sự ở Đông Âu
Hãng tin RT (Nga) ngày 31-3 đưa tin đặc phái viên của Nga tại NATO Aleksandr Grushko tuyên bố Nga sẽ đáp trả mạnh nếu NATO ủng hộ kế hoạch triển khai các đơn vị thiết giáp mới đến Đông Âu mà Mỹ vừa công bố.
"Chúng tôi không phải là những người quan sát thụ động, chúng tôi nhất định sẽ đưa ra tất cả biện pháp quân sự mà chúng tôi thấy là cần thiết để đối trọng với sự tăng cường hiện diện mà hiện vẫn chưa được thực hiện này" - ông Grushko khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24 ngày 30-3.
Ông Grushko nhận định động thái của Mỹ và NATO đã làm tình hình an ninh khu vực tồi tệ hơn.
Bình luận của đặc phái viên Nga tại NATO Grushko được đưa ra không lâu sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu. Theo đó, Mỹ sẽ điều thêm một lữ đoàn thiết giáp đến khu vực này, nâng tổng số lữ đoàn hiện diện thường xuyên của Mỹ tại đây lên ba lữ đoàn vào cuối năm 2017.
"Kế hoạch này tiếp tục chứng tỏ cách tiếp cận mạnh mẽ và cân bằng của chúng tôi để trấn an các đồng minh và đối tác NATO trong sự trỗi dậy của Nga ở Đông Âu cũng như các nơi khác" - tướng Philip Breedlove, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Âu, cho biết.
Theo kế hoạch được quân đội Mỹ công bố, một lữ đoàn sẽ được triển khai luân phiên chín tháng tới Đông Âu bắt đầu từ tháng 2-2017 và sẽ tiến hành tập trận quân sự ở các nước Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Bulgaria và Hungary nhằm đối phó các động thái của Nga ở khu vực này.