Các nhà báo đến từ hơn 80 quốc gia đã xem xét 11,5 triệu hồ sơ rò rỉ từ cơ sở dữ liệu của Mossack Fonseca, công ty luật nước ngoài lớn thứ tư trên thế giới.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 01-04-2016
- Cập nhật : 01/04/2016
Mỹ không thừa nhận đặc quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Washington tuyên bố không thừa nhận vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông, nếu Trung Quốc tuyên bố thành lập một vùng như từng làm ở biển Hoa Đông.
Manila đã ký hợp đồng trị giá 154 triệu USD mua hai trực thăng chống tàu ngầm và có thể đầu tư xây dựng hạm đội tàu ngầm đầu tiên của nước này - Ảnh: Reuters
Theo Straitstimes đây là phát biểu mới nhất của thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ, Robert Work đưa ra ngày 30-3.
Năm 2013 Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không tại biển Hoa Đông, bao trùm cả những đảo Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Biển Đông, ông Robert Work khẳng định Mỹ sẽ không thừa nhận một vùng đặc quyền tương tự nếu Trung Quốc tuyên bố thành lập tại vùng biển có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa các nước trong khu vực.
Trong diễn biến liên quan, Manila đã ký hợp đồng trị giá 114 triệu USD mua hai trực thăng chống tàu ngầm, đồng thời cân nhắc khả năng đầu tư xây dựng hạm đội tàu ngầm đầu tiên của nước này.
Thứ trưởng bộ quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho biết nước này đã đồng ý mua hai trực thăng AgustaWestland AW159 Lynx Wildcat do nhà thầu vũ khí Finmeccanica của Italy cung cấp.
Các trực thăng với tầm bay 490km này sẽ được điều động trên các chiến hạm BRP Gregorio del Pilar và BRP Ramon Alcaraz. Cùng với đó, gói mua vũ khí còn có thể gồm cả các ngư lôi Sting Ray do Anh sản xuất.
Trong một hội nghị báo chí, tổng thống Benigno Aquino cho biết Philippines đang cân nhắc khả năng xây dựng “lực lượng tàu ngầm” nhằm đáp ứng các nhu cầu an ninh quốc phòng đang thay đổi.
Từ năm 2011 Philippines đã tính toán việc đặt mua 3 chiếc tàu ngầm. Nước này cũng đã thành lập một “văn phòng tàu ngầm” và hy vọng trong 10 năm tới sẽ có một hạm đội tàu ngầm nhỏ đi vào hoạt động.
Giới phân tích quốc phòng cho rằng mặc dù việc sở hữu tàu ngầm sẽ nâng cao vị thế cho hải quân của một nước, nhưng điều này không thiết thực, do chi phí quá cao và tác động không lớn của việc trang bị.
Philippines đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng thời gian qua nhằm đối phó với công cuộc bành trướng của Trung Quốc. Từ năm 2012 nước này đã chi khoảng 2,38 tỉ USD để mua vũ khí, khí tài quân sự.
Bom nổ liên hoàn gây chết người ở nam Thái Lan
Các vụ nổ hôm qua và hôm nay xảy ra ở Pattani, một trong ba tỉnh có dân số chủ yếu là người Hồi giáo, gần biên giới Malaysia. Ít nhất 10 quả bom phát nổ ở huyện Yaring, gồm hai quả tại máy rút tiền, làm 11 cảnh sát bị thương. Một dân thường thiệt mạng vì vụ nổ gần tiệm cắt tóc, phát ngôn viên quân đội nói.
Sự phản kháng chính quyền trung ương diễn ra trong nhiều thập kỷ tại khu vực này, nhưng bạo lực tăng mạnh năm 2004. Kể từ đó, hơn 6.500 người, trong đó có các nhà sư Phật giáo, giáo viên, quân đội và quân ly khai đã chết.
"Những kẻ gây ra rắc rối muốn chứng minh rằng chúng vẫn đang hoạt động", Reuters dẫn lời Đại tá Yuthanam Phetmuang, phó phát ngôn viên Bộ Chỉ huy chiến dịch an ninh nội địa (ISOC), nói.
Giới chức cho rằng các nhóm nổi dậy thực hiện, tuy nhiên chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về cuộc tấn công.
Hồi tháng một, các chuyên gia phân tích quân sự và xung đột nói bạo lực ở miền nam đã mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ vì giới chức thắt chặt an ninh.
Chiến tranh gây thiệt hại cho Syria hơn 200 tỉ USD
“Tổn thất kinh tế và thiệt hại về cơ sở hạ tầng đã vượt qua con số 200 tỉ USD. Các vấn đề kinh tế chỉ có thể được giải quyết khi tình hình ở Syria ổn định trở lại. Song việc tái thiết cơ sở hạ tầng đòi hỏi rất nhiều thời gian” - Tổng thống Assad nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti.
Ông Assad cho biết nhiều quốc gia phương Tây chống Syria sẽ cố giành lấy những hợp đồng béo bở về tái xây dựng các công trình này.
Tuy nhiên, Damacus sẽ chỉ dành những hợp đồng trên cho ba quốc gia luôn ủng hộ Syria trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài năm năm này, cụ thể là Nga, Trung Quốc và Iran.
“Nếu bạn đặt câu hỏi này cho bất kỳ người dân Syria nào, chắc chắn câu trả lời dù xét về mặt chính trị hay tình cảm đều là chúng tôi hoan nghênh các công ty từ ba quốc gia trên, nhất là Nga” - ông Assad nói.
Cuộc bạo động xảy ra ở Nga bắt đầu từ tháng 3-2011 và đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người. Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, hàng triệu người đã đi tị nạn khỏi vùng chiến sự này.
IS đánh bom liều chết tại Nga
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng vừa tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công liều chết làm một cảnh sát thiệt mạng tại vùng Dagestan, Nga.
Theo AFP, thông báo của IS tung lên mạng cho biết một phiến quân “đã kích nổ đai bom trên người tại chốt kiểm soát của lực lượng cảnh sát Dagestan… làm chết và bị thương nhiều người ở đó”.
Tuy nhiên nguồn tin từ cảnh sát địa phương lại nói vụ tấn công ngày 30-3 hoặc do một vụ nổ bom xe xảy ra tại chốt kiểm soát hoặc có kẻ đã quẳng một vật liệu nổ vào xe cảnh sát. Lực lượng này cho biết đã có một cảnh sát thiệt mạng và một người khác bị thương.
Vụ tấn công xảy ra sau khi quân đội Syria với sự yểm trợ của lực lượng quân đội Nga đã giành được chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống IS, giành lại quyền kiểm soát thành cổ Palmyra.
Các vụ tấn công nhằm vào cảnh sát không phổ biến ở khu vực Bắc Caucasus. Khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng nổi dậy âm ỉ của nhóm Hồi giáo cực đoan nổi dậy.
Lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở Dagestan, khu vực nằm ngay phía đông Chechnya, đã gia nhập IS. Năm ngoái IS tuyên bố đã thành lập một chi nhánh của chúng tại Bắc Caucasus.
Trong một diễn biến khác, tổ chức tình báo SITE vừa cho biết IS đã tung lên mạng những bức hình kêu gọi những người Hồi giáo ở Đức tổ chức các cuộc tấn công giống như ở Brussels nhằm vào văn phòng của thủ tướng Đức Angela Merkel và sân bay Cologne-Bonn.
Nga sẽ tập trận chống khủng bố ở biển Đông
"Đây là lần đầu tiên các tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương tham gia cuộc tập trận này" - hãng Tass dẫn lời Roman Martov, phát ngôn viên Quân khu phía Đông, ngày 31-3 cho biết.
Theo đó, tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Vinogradov, tàu kéo Fotiy Krylov và tàu chở dầu Irkut sẽ tham gia tập trận chống khủng bố đa quốc gia ADMM-PLUS ở biển Đông vào tháng 5 này.
Cuộc tập trận có sự tham dự của gần 30 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát ngôn viên Martov cho biết nhóm tàu Nga sẽ tuần tra khu vực tập trận và tham gia chiến dịch chung về phát hiện và giải phóng con tàu bị một nhóm khủng bố giả định bắt giữ.
Sau khi trả tự do cho tàu, một đơn vị liên minh sẽ hộ tống nó về cảng.
Các thủy thủ Nga có kế hoạch thăm cảng Singapore và Brunei trong khuôn khổ cuộc tập trận hàng hải này.