tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 03-04-2016

  • Cập nhật : 03/04/2016

Indonesia đưa máy bay, xây căn cứ trên Biển Đông đối phó Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg ngày 31-3, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu khẳng định nước này sẽ triển khai các tiêm kích F-16 đến quần đảo Natuna trên Biển Đông.

may bay chien dau f-16 trong bien che cua khong quan indonesia - anh: khong quan indonesia

Máy bay chiến đấu F-16 trong biên chế của Không quân Indonesia - Ảnh: Không quân Indonesia

Ông nhấn mạnh: “Quần đảo Natuna là một cánh cửa, nếu cánh cửa đó không được bảo vệ thì bọn trộm có thể lẻn vào trong”. 

Tuyên bố được ông Ryacudu đưa ra gần hai tuần sau khi xảy ra các vụ đụng độ giữa tàu cá Indonesia với các tàu hải cảnh của Trung Quốc trong vùng biển gần Natuna.

Tuy nhiên, việc triển khai các tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo đến Natuna chỉ là một phần trong kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực của Indonesia. Bộ trưởng Ryacudu cho biết phần tiếp theo trong kế hoạch bao gồm nâng cấp một sân bay quân sự, xây dựng cầu cảng, triển khai tàu chiến và binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt.

Trước đó, tạp chí chuyên về quốc phòng IHS Jane’s ngày 30-3 tiết lộ Indonesia đang có kế hoạch xây dựng căn cứ tàu ngầm thứ ba của mình trên đảo Pulau Natuna Besar, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Natuna.

Ngân sách được dành cho kế hoạch này khoảng 40 triệu USD, trong đó bao gồm cả việc xây dựng một cầu cảng mới đủ khả năng tiếp nhận các tàu chiến cỡ lớn như Sigma 10514.

Theo IHS Jane’s, hiện hải quân Indonesia đang vận hành hai tàu ngầm lớp Type 209 do Đức chế tạo. Trong thời gian tới, lực lượng này sẽ tiếp tục nhận thêm ba tàu ngầm Type 209 nữa từ Hàn Quốc và một trong số này sẽ được đưa tới Natuana.

Đánh giá về kế hoạch triển khai F-16 đến Natuna, nhà nghiên cứu Aaron Connelly tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney (Úc) cho biết: “Điều này giống như biểu dương lực lượng nhưng thành thật mà nói nó không có nghĩa lý gì cả.

Indonesia có thể sử dụng các chiêu bài ngoại giao nhưng về quân sự thì hoàn toàn không có. Jakarta cũng không thể xua đuổi quân đội Trung Quốc chỉ bằng vài máy bay F-16. Bản thân các tiêm kích này cũng chẳng thích hợp để sử dụng cho mục đích tuần tra giám sát hàng hải”.

Quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia và do nước này kiểm soát trên thực tế. Bất đồng giữa Jakarta và Bắc Kinh xuất phát từ sự chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý xung quanh quần đảo do Indonesia tuyên bố với đường chín đoạn vô lý của Trung Quốc.

Điều này đã dẫn tới việc không ít lần các tàu của hai phía đụng độ nhau trong khu vực vùng nước xung quanh Natuna.

Lần gần đây nhất là vào ngày 20-3, khi một tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản các tàu công vụ Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong khu vực. Jakarta sau đó đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Indonesia để phản đối hành động này.


Triều Tiên dọa tấn công Mỹ thảm khốc hơn ngày 11-9

 Tờ báo nhà nước DPRK của CHDCND Triều Tiên ra ngày 1-4 có bài xã luận tuyên bố, các cuộc tấn công của họ nhằm vào Mỹ sẽ thảm khốc hơn nhiều so với thảm họa 11-9.

mot trong nhung buc anh duoc dang tai tren to dprk today - anh: nknews

Một trong những bức ảnh được đăng tải trên tờ DPRK Today - Ảnh: Nknews

Theo NKNews, bài báo cũng nói, tất cả các loại vũ khí hủy diệt của CHDCND Triều Tiên đều nhằm vào Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và những địa điểm khác mà từ đó Washington có thể điều động một chiến dịch quân sự.

Bài báo có đoạn: “Nếu đợt tấn công của ba chiếc máy bay dân dụng từ 15 năm trước khiến 3.000 người chết và gây ra cơn ác mộng với đời sống nước Mỹ thì việc nổ ra cuộc chiến cuối cùng của chúng ta sẽ xóa sổ quốc gia này khỏi lịch sử, để họ thậm chí không còn thời gian mà hối tiếc hay có những cơn ác mộng về nó nữa”.

Bài báo cũng nói Mỹ đã “sốc và bất ngờ” trước thông báo “lật bài ngửa” cuối cùng của CHDCND Triều Tiên mà trong đó nước này tuyên bố sẽ tiến hành các đợt tấn công hạt nhân phủ đầu vào lục địa Mỹ.

Bài báo viết: “Mới chỉ bị ba máy bay dân dụng tấn công, nước Mỹ đã xấu hổ trước thế giới và phải gánh chịu những tổn thất về kinh tế và tâm lý không thể tính xuể. Các hệ thống vũ khí đa dạng, được thu nhỏ và mạnh mẽ nhất của Chosun (tên cũ của Triều Tiên) đều nhằm vào những trung tâm điều khiển chiến tranh của các tên đế quốc Mỹ bao gồm Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, từ trên bộ, trên không và dưới nước”.

Bài báo cũng nói hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo của Mỹ THAAD (Terminal High Altitude Area Defense - hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) sẽ không thể địch nổi các vũ khí của CHDCND Triều Tiên.

Đây không phải lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên đe dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào Mỹ.

Hai tuần trước, quốc gia này cũng dọa tiến hành các loạt tấn công phủ đầu vào Mỹ, tuyên bố bom của họ đã được phát triển ở tầm mức công nghệ tiên tiến có thể bắn tới New York City và thiêu rụi mọi thứ.

Năm ngày trước lời đe dọa tấn công New York đó, CHDCND Triều Tiên công bố những bức ảnh nói rằng đã có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và những cuộc thử nghiệm động cơ tên lửa và công nghệ tên lửa đạn đạo trở về khí quyển.

Chuyên gia nghiên cứu CHDCND Triều Tiên Daniel Pinkston, giảng viên ở Đại học Troy cho rằng, những đe dọa của CHDCND Triều Tiên có mục đích đối nội nhiều hơn là nhắm tới bên ngoài.

Ông nói: “Mỗi khi CHDCND Triều Tiên gặp trục trặc trong vấn đề điều hành chính sách đất nước, các phương tiện truyền thông nhà nước ở đây lại phải đổ lỗi thất bại cho các thế lực bên ngoài”.

Ông Pinkston cũng nói, nếu CHDCND Triều Tiên tiến hành một vụ tấn công khủng bố hoặc một tấn công quân sự chống lại Mỹ, chính CHDCND Triều Tiên mới là nước bị “phá hủy hoàn toàn” và điều này sẽ “mau chóng xảy ra”.


Trung Quốc đối mặt với ngập lụt nặng vì El Nino

Cơn càn quét của hiện tượng El Nino nghiêm trọng nhất kể từ giai đoạn 1997-1998 sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nặng nề, khi mực nước dâng cao đến 80%.
xa nuoc tai dap tam hiep tai nghi xuong, tinh ho bac, trong dot lut nam 2010. anh: xinhua.

Xả nước tại đập Tam Hiệp tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, trong đợt lụt năm 2010. Ảnh: Xinhua.

Tân Hoa xã ngày 1/4 dẫn lời Liu Ning, Tổng thư ký Trung tâm chỉ huy phòng chống lụt bão và cứu trợ hạn hán quốc gia, cho biết rất có thể sông Dương Tử (hay Trường Giang) sẽ ngập lụt nặng ở trung lưu và hạ lưu trong năm nay. Các thác nước ở khu vực dọc sông Dương Tử đang có lượng nước cao hơn mức trung bình và tại nhiều nơi, mùa lũ đã bắt đầu sớm hơn so với những năm trước.

Theo ông Liu, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với điều kiện khí hậu nghiêm trọng hơn trong năm nay do tác động của El Nino, vốn bắt đầu từ tháng 9/2015 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 6/2016. El Nino đang ảnh hưởng đến Trung Quốc theo cách tương tự các điều kiện khí hậu từng gây ra lũ lụt năm 1998.

El Nino là hiện tượng ấm lên bất thường của nước biển ở vành đai xích đạo Thái Bình Dương, thường diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm một lần. Trong khi vừa gây hạn hán ở khu vực Đông Nam Á, nó còn có thể vừa là nguyên nhân gây lũ lụt tại Nam Mỹ.

Các nhà khoa học từ lâu đã nhấn rằng mạnh El Nino thường gây lũ lụt nghiêm trọng ở phía nam Trung Quốc và năm nay cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Theo SCMP, lượng mưa ở sông Dương Tử vào tháng 5 được dự báo sẽ tăng 10-50% so với các năm trước. Một số nhánh lớn ở hạ lưu có khả năng có lượng mưa lớn hơn 20-50%. Từ tháng 6 đến tháng 8, toàn bộ sông Dương Tử sẽ có lượng mưa cao hơn 50%, khoảng 50-80% ở khu vực trung lưu.

Các tỉnh ở lưu vực sông Dương Tử là nơi sản xuất khoảng 60% sản lượng gạo của Trung Quốc và một phần năm sản lượng bông. Tuy nhiên, lũ lụt nặng nề sẽ buộc Trung Quốc phải nhập khẩu gạo, hầu như từ các nhà xuất khẩu lớn của Châu Á như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.

Mưa lớn đã nhấn chìm các tỉnh phía nam bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây và Phúc Kiến một tuần trước, kéo theo cảnh báo khi mực nước ở nhiều con sông cũng tăng đáng báo động. Cơ quan phòng chống lụt bão quốc gia đã cử 4 lực lượng khẩn cấp thực hiện công tác cứu trợ lũ lụt tại các tỉnh bị ảnh hưởng.

Vào thời điểm đó, mực nước ở Cám Giang, một nhánh sông Dương Tử ở Giang Tây, cao hơn 2,52 m so với giới hạn an toàn. Một phần của đoạn đường cao tốc ở Giang Tây, nối thành phố Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến và thành phố Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên, đã ngưng hoạt động trong hơn một ngày vì lở đất.

nguoi dan tinh ho bac di chuyen trong dot lu nam 1998. anh: ap.

Người dân tỉnh Hồ Bắc di chuyển trong đợt lũ năm 1998. Ảnh: AP.

Tại một cuộc họp về kiểm soát lũ gần đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã kêu gọi giới chức địa phương có những biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo an toàn của người dân khi phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt ở các con sông lớn.

Chính quyền địa phương được yêu cầu thiết lập biện pháp đối phó với lũ lụt càng sớm càng tốt. Các biện pháp được đưa ra bao gồm sửa chữa cơ sở hạ tầng từng bị phá hủy trong lũ lụt, bổ sung các vật liệu cần thiết để kiểm soát lũ lụt và có kế hoạch quản lý khủng hoảng.

Năm 1998, El Nino gây lũ lụt lớn dọc lưu vực sông Dương Tử và hai đường thủy chính ở phía đông bắc. Các trận lụt bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài hai tháng, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của 220 triệu người dân ở 24 tỉnh. Đây được coi là một trong ba trận lũ nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 20.


Ông Putin đã “dạy một bài học” cho các cường quốc Phương Tây

Nước Nga do Tổng thống Vladimir Putin lãnh đạo đã "dạy một bài học" cho các cường quốc phương Tây khi tạo cơ hội giải phóng Palmira ở Syria và bảo vệ các cộng đồng tôn giáo thiểu số Syria trước nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS).
tong thong nga vladimir putin. anh sputnik/sergey guneevв

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Sputnik/Sergey Guneevв

Nhà báo Ivan Ryufol của tờ báo Le Figaro (Pháp) bày tỏ quan điểm.
"Cảm ơn ai đây? Cảm ơn Putin", tác giả viết.
Theo ông, nhờ những cuộc không kích của Nga nhằm vào vị trí IS, quân đội chính phủ Syria đã giải phóng thành công Palmira.
Bài báo trên Le Figaro cũng nói rằng, Nga đã trở thành người chiến thắng khi tạo cơ hội giải phóng thành phố cổ.
Tờ báo cũng nói thêm: "Chiến thắng này "bộc lộ sự yếu kém của Mỹ và các đồng minh người Pháp."
 
"Người Nga chẳng cần nhiều lời để chỉ ra kẻ thù của thế giới Thiên chúa giáo, kẻ đáng bị tiêu diệt. Khi (tổng thống Pháp) Holland nói về "tiêu diệt IS", ông ấy đã không thuyết phục tới mức làm IS nổi giận, hứa với ông ấy ngày tận thế và giữ lời hứa",  tác giả của tờ báo viết.
Lực lượng dân quân “Chim ưng sa mạc” hôm nay cùng với quân chính phủ Syria giải phóng hoàn toàn thành Palmyra cổ xưa khỏi ách chiếm đóng của các chiến binh "Nhà nước Hồi giáo".
Ông cũng nhấn mạnh rằng chiến thắng này sẽ không thể có được nếu thiếu sự hỗ trợ của Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
"Giành được chiến thắng này, chúng tôi xin cảm tạ Tổng thống Putin đã giúp đất nước và quân đội chúng tôi, không như các nước khác chỉ hỗ trợ bọn khủng bố. Xin thay mặt Chính phủ và nhân dân nước chúng tôi bày tỏ lời cảm ơn to lớn. Chúng tôi rất kính trọng và yêu mến nhân dân Nga", vị chỉ huy quân sự Syria tuyên bố.

Phó thủ tướng Nga bị tố tham nhũng

pho thu tuong nga dmitry rogozin - anh: reuters

Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin - Ảnh: Reuters

Ông Anton Pominov, giám đốc tổ chức Minh bạch Quốc tế Nga cho biết, trong báo cáo thu nhập, ông Rogozin có kê khai nhà ở của gia đình mình, nhưng không nói rõ là căn hộ ấy nằm ở một trong những khu vực có giá nhất của Moscow. Hơn nữa, vào thời điểm đó, các thông tin về chủ nhà đã được gỡ bỏ một cách đáng ngờ trong cơ sở dữ liệu của Rosreestra (Cơ quan liên bang đăng ký nhà nước, địa chính và bản đồ).

Trong hồ sơ kê khai thu nhập và tài sản năm 2013, Rogozin nêu rằng ông và vợ sở hữu hai phần bằng nhau (mỗi phần 20%) của căn hộ 346 mét vuông. Trong cơ sở dữ liệu thì 60% căn hộ này thuộc sở hữu của Alexey Rogozin, con trai họ. Và cũng trong năm đó, Alexey Rogozin có nộp tờ khai thuế thu nhập. Theo dữ liệu từ mã nguồn mở, căn hộ này gồm hai tầng, 10 phòng, nằm trên khu phố Ochakovo-Matveevskoe, một trong những khu đắt giá nhất Moscow, theo ý kiến của các nhà hoạt động chống tham nhũng.

Một căn hộ tương tự trong khu vực này nhưng chỉ 7 phòng đã có giá là 516 triệu rúp, có thể cho thuê với giá 900.000 rúp một tháng. Trong khi đó, theo hồ sơ kê khai thu nhập chính thức, tổng thu nhập trong 4 năm (2011 - 2014) của Dmitry Rogozin, vợ và con trai ông cộng lại chỉ là 48,4 triệu rúp.

Ông Pominov cho biết, tổ chức Minh bạch Quốc tế Nga đã soạn đơn khiếu nại yêu cầu Viện Tổng công tố kiểm tra việc mua bất động sản này có phù hợp với thu nhập và chi phí của quan chức cấp cao hay không và viết thư thắc mắc gửi Rosreestra.

Dĩ nhiên ông Rogozin không im lặng trước sự việc này. Trước khi có những văn bản kết luận chính thức, ông chỉ có thể sử dụng mạng xã hội để nêu chính kiến của mình.

"Không thể làm ngơ với sự bịa đặt này, vì uy tín đối với tôi rất quan trọng… Điều quan trọng nhất là tôi luôn trung thực. Tôi không có những thu nhập nào khác ngoài những gì được ghi trong tờ khai thuế. Tôi không sở hữu các tài khoản, bất động sản và động sản ở ngoài lãnh thổ Nga. Tôi yêu tổ quốc và công việc mình đang làm, và sống bằng điều đó. Đối với tôi, những người dựng lên trò khiêu khích này không trong sạch khi cố tình bôi nhọ thanh danh người khác một cách đầy ác ý", Phó thủ tướng Nga viết trên tài khoản Twitter của mình.

Ông Dmitry Rogozin được bổ nhiệm Phó thủ tướng phụ trách tổ hợp công nghiệp quốc phòng từ ngày 23.12.2011.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục