Tổng thống Philippines trả lời PV Thanh Niên: 'Chiến tranh trên Biển Đông là vô ích'
Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III ngày 30.3 khẳng định với Thanh Niên rằng trước những căng thẳng cũng như các hành động thời gian qua của Trung Quốc, Philippines đã phải đặt vấn đề Biển Đông lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Đó là khẳng định được Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III đưa ra tại Hội thảo Báo chí và Xuất bản châu Á 2016 đang diễn ra ở thủ đô Manila hôm nay.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, PV Thanh Niên đã trực tiếp hỏi Tổng thống Aquino về quan điểm của Philippines trước bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự trên Biển Đông và những giải pháp để giải quyết căng thẳng và sự gia tăng các hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay liệu có khiến mâu thuẫn dẫn đến chiến tranh ở khu vực không. Tổng thống Aquino trả lời: “Tất cả các bên liên quan và các nước khác đều nhận thức được rằng chiến tranh trên Biển Đông là vô ích. Không ai đạt được gì, thậm chí trên thực tế cả thế giới sẽ mất mát nếu có chiến tranh”.
Bản thân Philippines là nước liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông nhưng lập trường của Philippines, theo Tổng thống Aquino, là không theo đuổi quân sự hóa hay chạy đua vũ trang. “Thay vào đó, chúng tôi thà tập trung nguồn lực của mình vào phát triển kinh tế theo phương cách truyền thống hơn là “vung tiền” vào súng ống”.
Ông Aquino nói rằng Trung Quốc đang xây dựng và tiến hành bố trí các trang thiết bị quân sự phục vụ cho những mục tiêu quân sự của nước này. Và điều đó dĩ nhiên gây ra mối quan ngại đối với Philippines.
“Sự mất cân bằng khu vực là do Trung Quốc tuyên bố yêu sách về đường 9 đoạn, tuyên bố rằng họ có toàn quyền kiểm soát Biển Đông. Trong khi đó, chúng tôi thấy rằng tất cả các bên đều đã tham gia vào UNCLOS - văn bản đưa ra các quyền chủ quyền và nghĩa vụ cho mọi quốc gia. Thế nhưng sự bền vững phải được đặt lên trên quyền lợi chứ không phải một bên nào đó có thể tự ý hành động dựa trên chủ nghĩa dân tộc của mình”, ông Aquino trả lời PV Thanh Niên.
Tổng thống Philippines Aquino trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên - Ảnh: Phan Công
Nhà lãnh đạo Philippines nhấn mạnh các nước phải hành động để xây dựng thịnh vượng cho tất cả bởi sự thiếu bền vững không thúc đẩy thịnh vượng. Quan điểm của Philippines là: “Chúng tôi muốn tìm cách giải quyết được cái gì thuộc quyền chủ quyền của ai, và mỗi bên có nghĩa vụ gì. Một khi giải quyết được vấn đề này, chúng ta có thể cải thiện tất cả các mối quan hệ. Bởi vì câu trả lời không phải là sức mạnh kinh tế hay sức mạnh quân sự. Khi đó chúng ta sẽ giảm được căng thẳng và tránh được mọi khả năng xung đột”.
Nói về yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, ông Aquino cho rằng nếu Manila chấp nhận yêu sách phi lý của Bắc Kinh, Manila sẽ mất đi phân nửa bờ biển của mình. Philippines có hơn 36.000 km đường bờ biển nhưng Bắc Kinh với yêu sách của mình có thể ôm trọn bờ phía tây của Philippines.
Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III chụp hình lưu niệm cùng đại diện các cơ quan truyền thông - Ảnh: Phan Công
Để giải quyết vấn đề nan giải đó, ngoài việc đưa ra tòa án quốc tế, Tổng thống Aquino cho biết Philippines sẽ tăng cường năng lực cảnh báo hàng hải, tăng cường lực lượng từ phía bờ đông sang và xem xét tiến hành các hoạt động chưa có trước đây, trong đó có thể cân nhắc việc xây dựng một lực lượng tàu ngầm.
“Nói chung, vấn đề trên Biển Đông đang khiến chúng tôi phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn trước kia, khiến chúng tôi đưa vấn đề này lên hàng đầu trong các vấn đề cần giải quyết trong chính sách đối ngoại vì nó tác động trực tiếp đến sự phát triển của Philippines. Vấn đề này hiện nay đã ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân nước tôi trong các vùng đánh bắt cá. Vì vậy phải tìm kiếm giải pháp và đẩy nhanh hướng giải quyết vấn đề này vì lợi ích của tất cả các bên”, ông Aquino khẳng định.
Hội thảo Báo chí và Xuất bản châu Á 2016 diễn ra từ ngày 29-31.3 tại Manila. Hội thảo do Hiệp hội Báo chí và xuất bản thế giới WAN-IFRA tổ chức; quy tụ hơn 300 đại biểu đại diện cho hơn 80 hãng truyền thông, báo chí ở 24 nước châu Á.(TN)
Canada phát tín hiệu mong muốn cải thiện quan hệ với Nga
Ngày 29/3, Ngoại trưởng Canada Stéphane Dion đã để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ với Nga sau nhiều năm căng thẳng.
Ngoại trưởng Canada Stéphane Dion. (Nguồn: The Canadian Press)
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, trong bài phát biểu tại trường Đại học Ottawa về cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại của Canada, Ngoại trưởng Dion nhấn mạnh việc cắt đứt quan hệ với Nga không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, bao gồm cả Canada, Nga, Ukraine và an ninh toàn cầu.
Theo ông, Canada cần chấm dứt chính sách cự tuyệt đàm phán với Nga vì làm vậy không khác nào tự gây khó cho chính nước này.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Canada nhấn mạnh: "Việc tái can dự với Nga sẽ có lợi cho Ukraine, châu Âu và giúp bình ổn tình hình khu vực Trung Á. Điều đó cũng sẽ phục vụ các lợi ích của Canada thông qua việc có thể thảo luận với Nga về những vấn đề quan trọng như Bắc cực."
Ngoại trưởng Dion cũng chỉ trích chính sách đối đầu cứng rắn với Nga của chính phủ tiền nhiệm, cho rằng cách tiếp cận này làm suy giảm vai trò của Canada trong các diễn đàn quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các diễn đàn về thủy sản quốc tế, nơi các nước thảo luận về những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với Canada.
Năm 2014, Chính quyền của Thủ tướng Stephen Harper đã áp dụng chính sách "ghế trống", từ chối ngồi cùng bàn hoặc chủ trì bất kỳ cuộc đàm phán đa phương nào có sự can dự của phái đoàn Nga để phản đối việc Moskva can dự quân sự vào Ukraine.
Canada cũng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức của Nga, khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.
Pháp bán 24 tiêm kích Rafale cho Qatar
Pháp bán 24 tiêm kích Rafale cho Qatar, trị giá 6,7 tỉ euro - Ảnh: AFP
Pháp đã ký hợp đồng bán 24 tiêm kích Rafale cho Qatar tại triển lãm quốc phòng ở Doha (Qatar) ngày 29.3.
Hợp đồng gồm 24 chiếc tiêm kích Rafale và các tên lửa MBDA. Phía Pháp cũng sẽ huấn luyện cho 36 phi công và khoảng 100 thợ máy. Tổng giá trị hợp đồng là 6,7 tỉ euro (7,5 tỉ USD), theo trang tin Defense News ngày 29.3.
Hồi năm 2014, Ai Cập cũng mua 24 chiếc Rafale của Pháp nhưng với giá thấp hơn. Nguyên nhân được cho là hợp đồng của Qatar còn có các tên lửa hành trình.
Nhà thầu chính là hãng Dassault, radar và các hệ thống chuyên biệt do Thales cung cấp, động cơ từ hãng Safran. Hãng MBDA chịu trách nhiệm cung cấp tên lửa.
Hiện hãng đóng tàu DCNS (Pháp) cũng là ứng cử viên có thể bán 3 tàu chiến cho Qatar với giá từ 3-4 tỉ euro, còn nhà thầu Nexter có thể sẽ bán 300 xe bọc thép VBCI với giá 2 tỉ euro, theo AFP.
Năm 2014, Qatar cũng đã có thoả thuận về việc mua 22 trực thăng NH90 của châu Âu nhưng hợp đồng gần 2 tỉ euro này vẫn chưa được ký.
An ninh biển nóng ran vì Nga, Trung, Nhật
An ninh biển ở khu vực Đông Bắc Á đã nóng trở lại, khi Nhật lắp radar chống Trung Quốc, Bắc Kinh lập ADIZ và Nga muốn xây căn cứ quân sự.
Nhật Bản đã bật hệ thống radar tại biển Hoa Đông hôm 28/2 để thu thập thông tin tình báo gần nhóm đảo đang tranh chấp với Trung Quốc.
“Trước ngày 28/3, chúng tôi không hề có đơn vị nào quan sát bờ biển ở phía tây đảo chính Okinawa. Đây là một khoảng trống chúng tôi cần lấp đầy” – Thiếu tá Daigo Shiomitsu thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất của Nhật Bản, nói về căn cứ mới ở đảo Yonaguni.
“Điều này cũng có nghĩa là chúng tôi có thể giám sát vùng lãnh thổ quanh Nhật Bản và phản ứng trước mọi tình huống” – ông Shiomitsu nói thêm.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Nozomu Yoshitomi thuộc trường Đại học Nihon, trạm này sẽ khiến Trung Quốc nổi giận. Ông Yoshitomi cho biết thêm, trạm này không chỉ thu thập thông tin tình báo, mà còn được sử dụng làm căn cứ tác chiến quân sự trong khu vực.
Theo Reuters, phát biểu về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông thuộc về chủ quyền của Trung Quốc, và phản đối ‘hành vi gây hấn’ này của Nhật Bản.
“Các hoạt động của tàu và máy bay của Trung Quốc trong vùng biển và vùng trời liên quan là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp” – trích tuyên bố của phía Trung Quốc.
Nhóm các đảo đá mà Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đang do phía Nhật Bản kiểm soát. Tokyo đã quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo tại đây.
Trước đó, vào tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, các phi cơ bay vào khu vực này phải tuân thủ mệnh lệnh của Trung Quốc, nếu không quân đội nước này có quyền "vận dụng các biện pháp phòng vệ khẩn cấp".
Yonaguni chỉ cách đông Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 100km, gần rìa ADIZ mà Trung Quốc lập nên.
Trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tăng lực lượng của họ tại biển Hoa Đông lên tổng số 10.000 người, bao gồm cả các đơn vị tên lửa nhằm giúp Tokyo xâu chuỗi ‘lá chắn’ dọc chuỗi đảo.
Năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách nói rằng, đây là một phần trong chiến lược của Nhật Bản nhằm kiềm chân Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách giành quyền kiểm soát biển Đông.
Vị trí quần đảo Kuril mà Nga đang kiểm soát. Nhật Bản gọi đây là Lãnh thổ phương Bắc.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Soighu tuần trước cho hay, Nga có thể nghiên cứu khả năng xây dựng một căn cứ hải quân, và triển khai hệ thống tên lửa tối tân ở nơi họ gọi là quần đảo Kuril đang tranh chấp với Nhật Bản.
Nhật Bản gọi quần đảo này là Vùng lãnh thổ phương bắc. Tranh cãi liên quan tới các đảo này khiến Nhật và Nga không thể ký hiệp ước hòa bình chính thức sau chiến tranh.
“Qua kênh ngoại giao, chúng tôi được biết về quan điểm của phía Nga, và chúng tôi lo ngại về bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu” – Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói.
“Chúng tôi cũng nói với họ rằng nếu điều này dẫn tới việc Nga củng cố hạ tầng quân sự tại Vùng lãnh thổ phương Bắc, điều này mâu thuẫn với quan điểm của Nhật và rất đáng tiếc”, ông Yoshihide Suga nói thêm.
Mỹ kỳ vọng Trung Quốc tham gia hội đàm về THAAD
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken ngày 29.3 cho biết ông kỳ vọng Trung Quốc sẽ chấp thuận đề xuất tham gia hội đàm bàn về hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà Mỹ muốn triển khai đến Hàn Quốc.
“Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc có thể không tin chúng tôi, nhưng chúng tôi đề xuất hội đàm với Trung Quốc để lý giải về việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc và kỳ vọng Bắc Kinh sẽ chấp thuận đề xuất này”, ông phát biểu tại tổ chức nghiên cứu chính sách Brookings Institution ở thủ đô Washington (Mỹ).
Theo ông Blinken, việc triển khai THAAD đến Hàn Quốc là cần thiết cho đến khi Triều Tiên thay đổi hành vi của nước này, và việc này “không nhằm vào Trung Quốc”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đến Washington tham dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ngày 31.3. Chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Triều Tiên dự kiến là "điểm nóng" trong thượng đỉnh lần này.
Mỹ và Hàn Quốc nhất trí bắt đầu hội đàm về việc triển khai THAAD hồi tháng rồi sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần 4 vào ngày 6.1 và phóng tên lửa tầm xa vào ngày 7.2.
Trung Quốc đã ủng hộ những biện pháp trừng phạt quốc tế nhắm vào Triều Tiên, vốn là đồng minh lâu năm của Bắc Kinh, sau hai đợt thử nghiệm kể trên. Tuy nhiên Trung Quốc phản đối THAAD vì radar của hệ thống này có phạm vi hoạt động vượt xa Triều Tiên, sang Trung Quốc. Bắc Kinh xem đây là mối đe dọa an ninh đối với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 31.3 để thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trước khi có buổi hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
(
Tinkinhte
tổng hợp)