Việc Tổng thống Putin tuyên bố "Thế giới đơn cực đã chấm dứt" cho thấy cán cân quyền lực trên thế giới đã thay đổi và người Mỹ buộc phải thừa nhận.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 21-01-2016
- Cập nhật : 21/01/2016
Đồng tiền Nga tiếp tục sụt giá thảm hại
Ngày 20-1, đồng rúp Nga sụt giá xuống mức thấp chưa từng thấy khi tình hình kinh tế Nga tiếp tục xấu đi vì giá dầu sụt giảm.
Theo AFP, trong phiên giao dịch hôm nay giá đồng rúp Nga giảm xuống chỉ còn 1 USD đổi được 80,1 rúp, mức thấp lịch sử. Đồng rúp cũng giảm giá mạnh so với đồng euro.
Giới phân tích nhận định sau một thời gian ổn định, đồng rúp tiếp tục trượt dốc do giá dầu giảm xuống dưới 29 USD/thùng.
Dầu và khí đốt cung cấp hơn 50% thu ngân sách Nga. Kinh tế Nga càng thêm khủng hoảng do cấm vận phương Tây. Mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng của Nga, cho biết GDP Nga sẽ sụt 1% trong năm 2016.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thừa nhận chính phủ Matxcơva đang xem xét cắt giảm chi tiêu “một cách đáng kể”. Chuyên gia Igor Nikolayev, giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược FBK Grant Thornton nhận định việc đồng rúp sụt giá thảm hại là dấu hiệu rất xấu đối với nền kinh tế Nga.
Tình trạng này dẫn tới những nguy cơ tài chính, khiến giới đầu tư e ngại không muốn đổ tiền vào thị trường Nga. “Kể cả một người bình thường cũng hiểu rằng khi đồng rúp sụt giá, giá cả hàng hóa sẽ leo thang và cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn hơn” - ông Nikolayev nhận định.
Tại Diễn đàn Kinh tế Gaidar ở Matxcơva hôm 13-1, Thủ tướng Medvedev cho biết nền kinh tế Nga cần phải chuẩn bị để đối phó với “kịch bản xấu nhất” nếu tiếp tục lao đao vì cấm vận phương Tây và giá dầu giảm.
Tổng thống F.Hollande: Kinh tế Pháp đang thực sự “bết bát”
Tổng thống Pháp F.Hollande mới đây đã phải lên tiếng thừa nhận rằng ông đã phải ban bố “tình trạng khẩn cấp về kinh tế” và khẳng định đã đến lúc Pháp phải xem xét lại và thay đổi các mô hình kinh tế, xã hội.
Trong bài phát biểu được coi là thông điệp hàng năm với giới doanh nghiệp Pháp, Tổng thống Hollande đã đưa ra một loạt giải pháp kinh tế nhằm đưa nền kinh tế Pháp vượt qua được giai đoạn trì trệ hiện nay, đồng thời làm giảm nạn thất nghiệp hiện đang gia tăng.
Theo ông Hollande, kinh tế Pháp đang thực sự “bết bát” và hiện không thể tiếp tục trì hoãn việc đổi mới các mô hình doanh nghiệp ở Pháp. Ông Hollande đưa ra một loạt biện pháp để khuyến khích các nhà tuyển dụng lao động thuê người làm, cũng như đề xuất cung cấp thêm tiền để tái đào tạo khoảng 500 nghìn công nhân.
“Những mối đe dọa khủng bố năm 2015 đã buộc nước Pháp phải ban hành tình trạng khẩn cấp. Trong các điều kiện quốc tế bất ổn và bối cảnh kinh tế quốc tế không ổn định, việc ban hành tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực kinh tế và xã hội là điều hợp lý. Đối với công dân Pháp, việc làm là vấn đề quan trọng nhất sau vấn đề về an ninh”- Hollande nhấn mạnh.
Theo ông Hollande, hiện thế giới đang “trải qua những biến động khổng lồ và tất cả cần phải nhận thức được quy mô của những biến động này” để thay đổi các mô hình kinh tế Pháp. “Các cường quốc kinh tế đang nổi lên, nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ. Chúng ta phải suy nghĩ, xem xét lại các mô hình kinh tế và xã hội của mình”- ông Hollande phát biểu.
Đề cập đến việc khắc phục tình trạng thất nghiệp đang gia tăng, Tổng thống Pháp cho biết Chính phủ Pháp sẽ tăng cường hơn nữa các khoản chi phí để giải quyết vấn đề này.
Cụ thể, Pháp sẽ chi khoảng 1 tỷ USD để tái đào tạo chuyên nghiệp cho khoảng 500 nghìn công nhân, tạo ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ trong việc tạo ra các việc làm mới.
Bên cạnh đó, Pháp cũng sẽ giành khoảng 2 tỷ USD để thực hiện các biện pháp giảm thất nghiệp. Số tiền này sẽ được chi cho đào tạo nhân lực và các khoản trợ cấp xã hội. Khoản tiền này sẽ được trích từ các khoản tiết kiệm chứ không phải lấy từ khoản thu thuế” – Tổng thống Hollande nhấn mạnh.
Được biết, năm 2016 sẽ là năm cuối cùng ông Hollande nắm quyền Tổng thống Pháp. Trong chiến dịch vận động tranh cử vào năm 2012, ông Hollande đã cam kết rằng nhiệm vụ hàng đầu trên cương vị Tổng thống Pháp của ông là ngăn chặn sự gia tăng nạn thất nghiệp ở Pháp nhưng rõ ràng nhiệm vụ này đã không được ông Hollande thực hiện thành công.
Bầu cử Tổng thống Pháp tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 4-5 năm 2017.
Ngân sách của Nga sẽ thiếu hụt 38,6 tỷ USD trong năm 2016
Trả lời phỏng vấn truyền hình cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay tình trạng tụt dốc của giá dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách của Nga thiếu hụt 3.000 tỷ ruble (38,6 tỷ USD) trong năm nay.
Bản dự toán ngân sách 2016 của Nga được tính toán dựa trên mức giá dầu Ural là 50 USD/thùng. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu chủ chốt này của Nga đã rơi xuống 27 USD/thùng hôm 16/1.
Theo ông Siluanov, Nga có thể phải sử dụng một phần của Quỹ Tiền tài Quốc gia (NWF) để bù đắp cho ngân sách thâm hụt trong năm 2016, nếu không thực thi các biện pháp điều chỉnh ngân sách tương ứng với mức giá dầu mới.
Kinh tế Nga liên tục bị “tác động” bởi sự sụt giảm mạnh của giá dầu trên thị trường thế giới kể từ giữa năm 2014, trong bối cảnh nguồn thu từ bán dầu khí chiếm gần một nửa nguồn thu ngân sách nước này.
Giá dầu giảm cũng gây sức ép đối với đồng ruble vốn đã giảm hơn 50% so với đồng USD, kể từ khi giá dầu mỏ bắt đầu xuống dốc.
Tuy nhiên, ông Siluanov nhận định tỷ giá đồng ruble đã vượt qua tình trạng tồi tệ nhất, trong bối cảnh giá dầu đã giảm gần 4 lần và khó có thể giảm thêm 4 lần nữa so với mức hiện nay.
NWF và Quỹ Dự trữ là hai quỹ quốc gia sử dụng trong thời gian kinh tế Nga gặp khó khăn. Hiện một phần của NWF đã được đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng./.
Singapore bắt 27 người Bangladesh vì tội khủng bố
Ngày 20-1, Bộ Nội vụ Singapore thông báo bắt giữ 27 công dân Bangladesh vì tội lên kế hoạch tấn công khủng bố tại nhiều nước, trong đó có cả quê nhà Bangladesh.
Theo Channel News Asia, Bộ Nội vụ cho biết cả 27 người này đều đang làm việc trong ngành xây dựng ở Singapore. Họ bị bắt giữ theo Điều luật An ninh Quốc gia từ ngày 16-11 đến ngày 1-12-2015.
Tất cả các nghi phạm trên đều được hồi hương về Bangladesh, trừ một người phải thụ án tại Singapore vì âm mưu vượt biên trái phép.
Trong số những người bị bắt, có 26 người là thành viên của một nhóm nghiên cứu tôn giáo hậu thuẫn các nhóm khủng bố như Al-Qaeda và IS ở Iraq và Syria, người còn lại vẫn đang trong quá trình bị cực đoan hoá.
“Các thành viên trong nhóm làm nhiều cách để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện. Chúng chia sẻ tài liệu thánh chiến với nhau một cách kín đáo, và tổ chức họp hàng tuần để thảo luận về các cuộc xung đột và thánh chiến liên quan đến Hồi giáo.”
“Chúng cũng cẩn trọng lựa chọn các thành viên người Bangladesh khác để phát triển mạng lưới của mình” – Bộ tuyên bố trong thông cáo báo chí.
Sau quá trình thẩm vấn, một số thành viên trong nhóm thừa nhận ý định tham gia lực lượng thánh chiến trong khu vực và tại Trung Đông.
Trong quá trình lục soát nơi của nhóm người này, lực lượng chức năng Singapore còn thu giữ được nhiều tang vật như các tài liệu gồm sách và video thánh chiến, hay các đoạn phim về quá trình trẻ em bị đào tạo trong các trại khủng bố.
Một vài thành viên trong nhóm thậm chí còn sở hữu những tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách thức “giết người thầm lặng” bằng nhiều cách và nhiều loại vũ khí khác nhau.
Là quốc gia có thành phần người dân theo Hồi giáo chiếm đa số, thời gian qua, giới cầm quyền Bangladesh đã bị chia rẽ thành nhiều nhóm Hồi giáo đối lập.
Chính phủ cầm quyền Dhaka buộc tội các nhóm này kích động tình trạng bạo lực trong nước, và mới đây đã kết án tử hình một lãnh đạo Hồi giáo hàng đầu vì tội ác chiến tranh mà ông gây ra cách đây hàng thập kỷ.
Theo Bộ Nội vụ Singapore, những nghi can vừa bị bắt giữ bị các lãnh đạo tôn giáo cực đoan ở Bagnladesh khuyến khích trở về đất nước để tiến hành thánh chiến chống chính phủ đương nhiệm.
Trung Quốc xử cựu phó bí thư Tân Cương 12 năm tù
Ngày 20-1, một tòa án ở thủ đô Trung Quốc tuyên án tù 12 năm đối với cựu Phó bí thư Tân Cương Yang Gang vì tội tham nhũng, nhận hối lộ 14 triệu nhân dân tệ (2,1 triệu USD).
Theo Tân Hoa xã, tòa án Bắc Kinh khẳng định ông Yang nhận hối lộ 14 triệu nhân dân tệ (2,1 triệu USD) trong vòng năm năm. Điều tra cho thấy từ năm 1998 đến 2002 ông Yang lợi dụng chức quyền để giúp nhiều doanh nghiệp giành dự án phát triển hạ tầng và một số người mua quan bán tước.
Vợ và con trai của ông Yang cũng tham gia đưa nhận hối lộ. Ông Yang được hưởng bản án tương đối nhẹ vì đã thú nhận tội lỗi và trả lại phần nào số tiền tham nhũng. Ông Yang giữ chức Phó bí thư Tân Cương từ năm 2006 đến 2010.
Ngoài ra ông còn là Bí thư Thành ủy Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Chính quyền Trung Quốc điều tra ông Yang hồi năm 2013. Đây là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng “đánh hổ đập ruồi” do Chủ tịch Trung Quốc Tận Cận Bình phát động.
Tân Cương là quê nhà của cộng đồng người Hồi giáo Uighur. Trong những năm qua, hàng loạt vụ tấn công bạo lực xảy ra tại khu vực này. Chính quyền Trung Quốc cáo buộc một số nhóm người cực đoan Uighur mở chiến tranh ly khai.
Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền chỉ trích Bắc Kinh thực hiện các chính sách đàn áp kinh tế, văn hóa và tôn giáo đối với người Uighur, khiến làn sóng bất mãn chuyển thành bạo lực.