Ứng cử viên Tổng thống Philippines dọa cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ và Úc
Hàng nghìn lính Trung Quốc áp sát biên giới với Triều Tiên
Đa số người Nga ủng hộ việc mai táng thi hài Lenin
Nhật Bản có thể tuột mất hợp đồng "khủng" đóng tàu ngầm cho Úc
Brazil điều tra Tổng thống và Phó Tổng thống
Tin thế giới đọc nhanh trưa 21-04-2016
- Cập nhật : 21/04/2016
Tướng Mỹ nhận định Triều Tiên có thể phát triển tên lửa xuyên lục địa
Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện, tư lệnh lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương, đại tướng Vincent Brooks cảnh báo nếu không có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, Triều Tiên sẽ chế tạo thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn tới bất cứ địa điểm nào của Mỹ và đồng minh, theo AFP.
"Quan sát các hệ thống vũ khí trình diễn trong những cuộc diễu binh và một số vụ phóng thử tên lửa gần đây, chúng ta có thể dễ dàng thấy họ đã đạt được những tiến bộ gì. Nếu không ngăn chặn kịp thời, chúng ta sẽ chứng kiến họ sẽ sở hữu tên lửa xuyên lục địa trong thời gian tới", tướng Brooks khẳng định.
Trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ John McCain về chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Brooks cho rằng quyết tâm theo đuổi việc chế tạo tên lửa của lãnh đạo trẻ tuổi này là rất đáng lo ngại.
Ngoài ra, Tướng Brooks cũng bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên theo đuổi chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Tướng Brooks mới đây được đề cử làm tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Ông khẳng định nếu việc đề cử ông được phê chuẩn, ông muốn trở thành một đối tác thân thiết với quốc gia đồng minh để giúp đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Ngày 15/4 Triều Tiên nỗ lực phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung ngoài khơi bờ biển phía đông nhưng thất bại,
Chiến binh IS tới từ hơn 70 quốc gia
Sau khi kiểm tra hàng nghìn hồ sơ, các nhà nghiên cứu đã công bố bản phân tích dữ liệu bên trong nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cho thấy các tay súng của hơn 70 quốc gia đã gia nhập nhóm thánh chiến này.
Kho tài liệu trên đến từ một kẻ đào ngũ IS, người đã giao nộp khoảng 11.000 hồ sơ cá nhân cho mạng truyền hình NBC của Mỹ, dù một nửa trong số đó được phát hiện là bản sao. Sau đó NBC đã gửi 4.600 tài liệu trong số này cho Trung tâm chống khủng bố (CTC), đặt trụ sở tại West Point nhưng hoạt động độc lập với học việc quân sự Mỹ.
CTC cho hay khi so sáng tài liệu mà trung tâm này nhận được từ NBC với các hồ sơ cá nhân IS tương tự mà Bộ Ngoại giao Mỹ có được thì kết quả cho thấy tương thích “khoảng 98%”. Các mẫu này, được hoàn tất bởi những tân binh bằng tiếng Arập và thường bao gồm cả những ghi chú của kẻ tuyển mộ, chiếm khoảng 30% trong số 15.000 tân binh vào Syria trong thời gian từ năm 2013-2014.
Bản phân tích, đăng trên trang web của CTC, không chỉ cung cấp một bức tranh tổng hợp về các tay súng IS mà còn đi sâu vào cách thức IS “tìm cách xem xét kỹ các thành viên mới, quản lý năng lực hiệu quả....”. Những đối tượng được tuyển mộ có độ tuổi từ 12 đến gần 70, mặc dù độ tuổi trung bình là 26 hoặc 27. Chỉ 400 trường hợp là dưới 18 tuổi. Quốc gia đứng đầu trong danh sách những tay súng mới của IS là Saudi Arabia (579 người), tiếp đến là Tunisia (559), Maroc (240), Thổ Nhỹ Kỳ (212), Ai Cập (151) và Nga (141), Pháp (49), Đức (38), Liban (30), Anh (26), Australia (11) và Canada (7)...
Trung-Ấn rậm rịch lập đường dây nóng quân sự
Trung Quốc và Ấn Độ đang tiến tới việc thành lập một đường dây nóng quân sự giữa thời điểm căng thẳng lãnh thổ vẫn đang ẩm ỉ trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này.
Binh sĩ Ấn Độ thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biên giới Trung Quốc- Ấn Độ ở bang Arunachal Pradesh. Ảnh: AFP
Thông tin trên đã được truyền thông Trung Quốc rầm rộ đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar vào ngày 18/4 đã khẳng định rằng Bắc Kinh rất hào hứng với ý tưởng lập đường dây nóng này.
Tân hoa xã trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar bày tỏ rằng Ấn Độ mong muốn tăng cường trao đổi và hợp tác song phương với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực.
Ngoài ra, hãng thông tấn Ấn Độ PTI lại đưa tin đậm nét đến tuyên bố của Bộ trưởng Parrikar nhấn mạnh đến việc phân giới rõ ràng giữa hai nước chiểu theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) dọc biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.
Năm 1962, một cuộc chiến tranh biên giới đã xảy ra giữa hai nước tại khu vực ở bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ) nơi Bắc Kinh khăng khăng tuyên bố cũng thuộc lãnh thổ của mình.
Đến 2014, căng thẳng lại leo thang khi hàng trăm binh sĩ Trung Quốc xuất hiện tại khu vực miền núi Ladakh nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ ngay trước thềm chuyến thăm đất nước hàng xóm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong một diễn biến khác, đầu tháng này, Ấn Độ đã vô cùng thất vọng khi Trung Quốc từ chối đề nghị của nước này bổ xung tên của Masood Azhar, người đứng đầu nhóm phiến quân Pakistan Jaish-e-Mohammad, vào danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc.
PTI cho biết Ngoại trưởng Sushma Swaraj vào ngày 18/4 đã yêu cầu Bắc Kinh cân nhắc về Azhar, đối tượng tình nghi chỉ đạo tiến hành tấn công căn cứ không quân Pathankot ở miền bắc bang Punjab (Ấn Độ) vào đầu tháng 1/2016.
IS chia đôi lực lượng, tập trung tấn công châu Âu
Phát biểu tại hội nghị chống khủng bố quốc tế tại London ngày 19/4, Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề an ninh mới nổi của NATO Jamie Shea cho rằng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhiều khả năng đã phân chia làm hai lực lượng chuyên trách, trong đó một lực lượng phụ trách việc bảo vệ vùng đất nhóm chiếm tại Syria và Iraq, lực lượng còn lại có nhiệm vụ thành lập các tổ chức ngầm, tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào châu Âu, theo Sputnik.
Cũng trong hội nghị, người đứng đầu đơn vị chống khủng bố thuộc Ủy ban châu Âu George Berto Silva khẳng định IS đang cố gắng thực hiện các cuộc tấn công sinh học, hóa học và hạt nhân vào châu Âu, đồng thời đang tìm cách sỡ hữu những vũ khí và vật liệu cần thiết cho mục tiêu này.
Các chuyên gia kỹ thuật của IS cũng đang nỗ lực nghiên cứu các phương thức tấn công mới nhằm tránh sự theo dõi của các hoạt động an ninh, tình báo, điển hình như việc cấy ghép các thiết bị nổ vào cơ thể con người.
Trước tình trạng liên tục bị dồn ép và đánh bật khỏi các lãnh thổ quan trọng tại Syria và Iraq, IS liên tục cảnh báo sẽ tiến hành các cuộc tấn công ở lãnh thổ nước ngoài. Ngày 17/4 nhóm này đã công bố bản danh sách các nước mục tiêu tiếp theo của chúng trong đó có ba quốc gia Đông Nam Á là Philippines, Indonesia, Malaysia.
Apple từ chối cung cấp mã nguồn cho chính phủ Trung Quốc
Giữa Apple và FBI đã xảy ra bất đồng nảy lửa về việc mở khóa dữ liệu được mã hóa trong một chiếc iPhone liên quan đến vụ nổ súng ở San Bernardino tháng 12 năm ngoái.
Vấn đề trung tâm gây ra cuộc tranh cãi là việc lựa chọn hợp tác với chính phủ hay đảm bảo quyền riêng tư một cách tuyệt đối của người dùng iPhone.
Các nhà hành pháp (của Mỹ) đã nỗ lực quy kết hãng Apple có khả năng là kẻ đồng lõa trong việc bàn giao thông tin cho chính phủ Trung Quốc với lý do thương mại nhưng lại từ chối hợp tác với Mỹ để truy cập vào dữ liệu cá nhân trong vụ án hình sự.
Reuters dẫn lời luật sư Bruce Sewell xác nhận trong hai năm qua, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Apple cung cấp mã nguồn của iPhone, chiếc điện thoại được mặc định mã hóa và được sử dụng bởi hàng trăm triệu người trên thế giới.
“Tôi muốn được làm rõ điều này. Apple đã không cung cấp mã nguồn cho chính phủ Trung Quốc” - vị luật sư nói trong phiên tòa ngày 19-4.
Trước đó, Apple đã phủ nhận cáo buộc “có hành vi bôi nhọ” từ Bộ Tư pháp Mỹ trong nỗ lực buộc công ty này mở khóa iPhone 5C. Chiếc iPhone là điện thoại của một trong hai tên thủ phạm của vụ nổ súng San Bernardino.
Tranh luận lại diễn ra trong buổi điều trần nhằm thẩm vấn điểm chung tiềm năng giữa những nhà hành pháp và công ty công nghệ trong cuộc tranh luận về vấn đề mã hóa. Sau hơn ba giờ đồng hồ vẫn chưa có thỏa thuận rõ ràng nào được đưa ra.
Đại úy Charles Cohen, Cảnh sát trưởng tiểu bang Indiana, lặp đi lặp lại ý kiến cho rằng Apple đã âm thầm hợp tác với Bắc Kinh, kiểm soát nghiêm ngặt công nghệ để đổi lấy quyền gia nhập vào thị trường.
Bộ Tư pháp Mỹ lập luận trong trường hợp San Bernardino, chính phủ sẵn sàng yêu cầu Apple giao nộp mã nguồn làm nền tảng cho sản phẩm của hãng này, mặc dù lúc đó chính phủ chỉ nhờ sự giúp đỡ của công ty qua việc viết phần mềm mới có khả năng vô hiệu hóa các biện pháp bảo vệ mật mã trên điện thoại.
Những chuyên gia công nghệ và an ninh đều cho rằng nếu chính phủ Mỹ đã có được mã nguồn của Apple với lệnh của tòa án thông thường, chính phủ các nước khác sẽ có cớ đòi làm điều tương tự.
Không lâu sau khi đạt được chỉ thị của tòa án vào tháng 2, FBI đã bỏ vụ kiện với Apple qua thông báo rằng họ đã tìm thấy một pháp nhân thứ ba giúp nhà điều tra xâm nhập vào iPhone của tay súng Rizwan Farook.
Ngày 19-4, Apple và FBI đã xuất hiện lần thứ hai tại Quốc hội để làm chứng về việc những nhà hành pháp truy cập các thiết bị mã hóa - một tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ giữa thung lũng Silicon và Washington được nhắc lại qua vụ án San Bernardino.
Bế tắc này nhấn mạnh mối quan ngại về an ninh quốc gia gây ra bởi những tiến bộ trong công nghệ bảo mật, việc tội phạm sử dụng thiết bị liên lạc được mặc định mã hóa đã gây nhiều cản trở cho điều tra viên - nhà hành pháp nói trong phiên tòa.
Phản biện lại, Apple và các công ty khác cho rằng công nghệ bảo vệ người tiêu dùng là phần không thể thiếu.