Mỹ có nguy cơ mất căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương
Hơn 200 chiến binh hạ vũ khí đầu hàng quân chính phủ Syria
Iran thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung
Phó chủ tịch Hạ viện Pháp từ chức sau cáo buộc quấy rối tình dục
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Châu Âu ‘độc tài' và 'tàn nhẫn’
Tin thế giới đọc nhanh trưa 09-05-2016
- Cập nhật : 09/05/2016
Mỹ muốn mở rộng sự hiện diện quân sự ở sườn phía đông của NATO
Thủ tướng Nhật nhờ Nga "quản lý hộ" đảo tranh chấp trong 50 năm?
Tờ Kommersant (Nga) ngày 7/5 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất với phía Nga phương án giải quyết tranh chấp Quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Đề nghị trên được ông Abe nêu ra với ông Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trao đổi tại khu nhà riêng Bocharov Ruchei của ông Putin tại thành phố Sochi hôm 6/5.
Kommersant dẫn lời cựu Đại sứ Nga tại Nhật Bản, ông Alexander Nikolayevich Panov dự đoán: "Truyền thông Nhật đã ngầm hé lộ chủ trương mới của ông Abe trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Theo đó, phương án mới một phần dựa trên cơ sở chủ trương năm 1998 do Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto Ryutaro và Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin đề ra.
Như vậy, Nội các của Thủ tướng Abe có thể nêu phương án như sau: Ký kết hiệp định hòa bình, trao trả đảo Habomai và Shikotan về cho Nhật; các đảo còn lại (Kunashir, Iturup) vẫn do Nga 'quản lý' trong một thời hạn nhất định, có thể là 30 đến 50 năm...
Nếu Tokyo nêu ra phương án đúng như trên thì chứng minh phía Nhật đã lựa chọn thỏa hiệp với Moscow."
Chuyên gia Alexander Gabuev thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow, Nga đánh giá, các động thái nổi bật của Shinzo Abe có khả năng liên quan tới tình hình chính trị trong nước của Nhật Bản.
Nhật sẽ tổ chức bầu cử Thượng viện sớm vào tháng 7 tới, trong khi dư luận nước này "hết sức kỳ vọng vào kết quả chuyến đi tới Sochi của Thủ tướng".
Hàn Quốc chỉ trích ông Kim Jong Un "thiếu chân thành"
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 8/5 từ chối đề xuất đối thoại mà nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đưa ra tại đại hội Đảng Lao động Triều Tiên, cho rằng đề xuất này thiếu sự chân thành và chỉ là một mưu đồ tuyên truyền của Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un phát biểu tại ngày họp thứ hai Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng, ngày 7/5. Ảnh: EPA/ TTXVN
Tuyên bố trên nêu rõ: “Đề xuất của miền Bắc chỉ là một chiến dịch tuyên truyền mà không có sự chân thành khi Triều Tiên đề cập đến đối thoại liên Triều trong khi vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân".
Tuyên bố cũng chỉ ra rằng miền Bắc đã không chấm dứt những hành động khiêu khích nhằm vào miền Nam, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng lựa chọn con đường hướng tới phi hạt nhân hóa nếu muốn mang lại hòa bình và tái lập quan hệ hữu nghị trên bán đảo Triều Tiên.
Theo các phương tiện truyền thông Triều Tiên, tại đại hội Đảng Lao động Triều Tiên đang diễn ra, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đề xuất tổ chức cuộc đàm phán quân sự giữa hai miền Triều Tiên trong một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng dọc biên giới hai miền.
Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi đất nước sẵn sàng sử dụng vũ lực để thống nhất với Hàn Quốc nếu Triều Tiên bị xâm lược. Trước đó, nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố Triều Tiên sẽ nỗ lực vì một thế giới phi hạt nhân và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ông còn nhấn mạnh với tư cách là một quốc gia sở hữu hạt nhân có trách nhiệm, Triều Tiên sẽ chỉ sử dụng các vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền đất nước bị các cường quốc hạt nhân đe dọa.
Liên quan đến điều này, tuyên bố của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng chỉ rõ: “Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế có chung quan điểm cho rằng Triều Tiên không nên được công nhận là quốc gia sở hữu hạt nhân”.
Mexico xác nhận danh tính 30 trường hợp "dính" đến Hồ sơ Panama
Cơ quan Quản lý thuế của Mexico (SAT) cho biết 30 trong tổng 33 trường hợp Mexico liên quan tới vụ "Hồ sơ Panama" đã được xác nhận danh tính đầy đủ.
Phát biểu với giới báo ngày 6/5, Cơ quan Quản lý thuế của Mexico (SAT) cho biết 30 trong tổng 33 trường hợp Mexico liên quan tới vụ "Hồ sơ Panama" đã được xác nhận danh tính đầy đủ, trong khi 3 trường hợp còn lại vẫn trong quá trình điều tra.
Trong số các trường hợp đã được xác định, có 4 doanh nghiệp và 26 cá nhân và những đối tượng này đã nhận được thông báo triệu tập tới để giải trình về những vấn đề liên quan tới giao dịch, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế theo luật định.
Ngay sau khi vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama," phía Mexico đã thông báo có 33 đối tượng và thực thể Mexico liên quan và cam kết sớm tiến hành điều tra và làm rõ từng trường hợp.
Trong một diễn biến liên quan đến vụ rò rỉ hồ sơ thuế gây chấn động dự luận, công ty luật Mossack Fonseca tại Panama đã gửi thư tới Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại Mỹ nhằm hối thúc tổ chức này không công bố số tài liệu mật của Mossack Fonseca lên mạng.
Trong bức thư đề ngày 6/5, Mossack Fonseca nhấn mạnh các hoạt động của công ty này đều hợp pháp, và cho rằng số tài liệu mà ICIJ đang nắm giữ là do tin tặc đánh cắp thông qua việc thâm nhập vào cơ sở dữ liệu của hãng từ các máy chủ nước ngoài.
Trước đó, ngày 9/5, ICIJ tuyên bố sẽ công bố trên mạng một phần trong 11,5 triệu tài liệu thuế mật mà hiệp hội này có được từ báo Đức Sueddeutsche Zeitung. Theo ICIJ, đợt công bố lần này gồm thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài do công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành.
Trong nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống trốn thuế, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng hối thúc quốc hội nhanh chóng thông qua gói các biện pháp chấm dứt ngăn chặn việc sử dụng các công ty bình phong ở nước này vào các hoạt động như trốn thuế và rửa tiền.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, chỉ có Quốc hội nước này mới xóa bỏ những lỗ hổng pháp lý mà các đối tượng giàu có hay các doanh nghiệp lớn lợi dụng để trốn thuế thông qua các công ty bình phong.
Theo điều tra ban đầu của ICIJ, Mossack Fonseca đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế," qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế.
Australia bầu cử trước thời hạn
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã chính thức kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 2/7 tới.
Theo kế hoạch, vào sáng 9/5, Tổng Toàn quyền Peter Cosgrove sẽ chính thức tuyên bố giải tán hai viện Quốc hội, đánh dấu thời điểm khởi động cho chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 8 tuần, được xem là dài nhất trong 50 năm qua.
Phát biểu với giới báo chí tại Nhà Quốc hội ở Canberra sau cuộc gặp với Tổng Toàn quyền, Thủ tướng Turnbull cho biết cuộc bầu cử sẽ là một sự “lựa chọn rõ ràng” cho cử tri.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phát biểu trong phiên họp Hạ viện ở Canberra ngày 4/5. Ảnh: EPA/TTXVN
Với việc giải tán lưỡng viện Quốc hội để bầu cử trước thời hạn, có nghĩa toàn bộ 150 ghế tại Hạ viện cùng 76 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại. Tại một cuộc bầu cử bình thường thì chỉ Hạ viện và một nửa số ghế tại Thượng viện phải bầu lại. Như vậy, đối với Thượng viện, mỗi tiểu bang sẽ bầu 12 tân nghị sĩ và mỗi vùng lãnh thổ bầu 2 người, trong đó 6 người sẽ có nhiệm kỳ 6 năm và 6 người có nhiệm kỳ 3 năm.
Cuộc bầu cử chủ yếu sẽ chứng kiến cuộc đua song mã giữa Liên đảng Tự-do Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Turnbull và Công đảng đối lập do ông Bill Shorten đứng đầu.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy hiện tỷ lệ cử tri ủng hộ bên là ngang nhau 50-50, do vậy cuộc bầu cử được cho là sẽ diễn ra khá khốc liệt với sự cạnh tranh cao.
Liên đảng cầm quyền muốn dựa vào dự thảo ngân sách mới công bố hôm 3/5 vừa qua để làm xương sống cho chiến dịch tranh cử với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong bối cảnh nền kinh tế Australia không mấy ổn định do đang phải chuyển đổi từ việc dựa quá nhiều ngành khai thác mỏ trước đây.
Trong khi Công đảng đối lập muốn tập trung công kích chính sách của Liên đảng về bãi bỏ hỗ trợ các dịch vụ trong lĩnh vực y tế và giáo dục.(BTT)