Ba lý do khiến Mỹ chưa sẵn sàng ở Biển Đông
Tuy muốn dập tắt tham vọng đơn phương thay đổi trật tự thế giới của Trung Quốc, Washington cũng có nhiều lý do để chậm bước vào một cuộc xung đột toàn diện với Bắc Kinh.
Tháng 10-2015, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi, nơi Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp - Ảnh: Navy.mil
Theo phân tích của báo Nikkei Asian Review, có ba lý do cụ thể sau:
(1) Quân đội Mỹ đang bị kéo căng bởi cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông, mặt trận chống khủng bố ở quê nhà và cuộc khủng hoảng chưa hồi kết tại Ukraine;
(2) Binh lính Mỹ đang mệt mỏi và tinh thần suy giảm. Đây là hậu quả của các chiến trường Afghanistan và Iraq để lại, cũng là một trong những lý do khiến Tổng thống Obama không muốn gửi quân đến Syria;
(3) Ngân sách quốc phòng của Mỹ đang bị vắt kiệt.
Nhà phân tích Tetsuro Kosaka cho rằng sẽ mất đến 10 năm để quân đội Mỹ lấy lại đủ sức mạnh, trong khi quân đội Trung Quốc đang trong tư thế sẵn sàng.
Sau 10 - 20 năm nữa, Mỹ có thể lật thế cân bằng trên Biển Đông với các khí tài hiện đại như tàu chiến, máy bay trang bị tên lửa laser, nhưng đến lúc đó Trung Quốc cũng có đủ thời gian tận dụng các đảo trên Biển Đông để thiết lập thành trì và thậm chí kích động các trận chiến quy
mô nhỏ.
Nhưng bên cạnh đó, sự ủng hộ của Nhật đối với các hoạt động tuần tra của Mỹ tại Biển Đông cũng là một tín hiệu hà hơi tiếp sức cho Mỹ.
Cả hai nước vừa tuyên bố sẽ tham gia tập trận chung trên Biển Đông để gửi đi thông điệp tự do hàng hải và hòa bình, đáp lại hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.
Theo International Business Times, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani trong cuộc gặp với tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris mới đây tại Hawaii tuyên bố ủng hộ việc tàu chiến Mỹ tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.
Mỹ, Nhật thỏa thuận sẽ tập trận chung với Úc thời gian sắp tới và mở rộng hoạt động này với cả các nước khu vực Đông Nam Á.
“Cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng vũ lực và đất nước chúng tôi cũng tin vào điều này” - ông Nakatani khẳng định.
Trung Quốc gần đây bị quốc tế chỉ trích dữ dội vì nỗ lực quân sự hóa trên Biển Đông. Nước này cũng vừa tổ chức cuộc tập trận giả định xung đột quy mô lớn từ ngày 17 đến 19-11 với việc huy động nhiều tàu khu trục, tàu ngầm và trực thăng chống ngầm.(TT)
Bà Suu Kyi tiết lộ thành phần nội các mới của Myanmar
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo của đảng NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Myanmar vừa qua, tiết lộ những thành phần sẽ có trong nội các chính phủ mới với mong muốn thực hiện mục tiêu hòa giải dân tộc.
Nhà lãnh đạo của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) cho biết nội các chính phủ mới của Myanmar sẽ bao gồm các đảng phái và đại diện các cộng đồng thiểu số ở nước này. Bà Suu Kyi giải thích mục đích nội các chính phủ đa dạng, đa sắc tộc chính là nhằm kết hợp sức mạnh của cả dân tộc Myanmar.
“Đảng của chúng tôi đã chiến thắng, giành phần lớn số ghế trong quốc hội nhưng chúng tôi sẽ không giành hết (chiến thắng này) cho mình”, bà Suu Kyi trả lời phỏng vấn trên đài RFA hôm 26.11, theo Reuters.
“Như tôi từng nói, chúng tôi sẽ hợp tác với những nhóm khác trên tinh thần chia sẻ thành công của mình với họ, xây dựng khối đoàn kết quốc gia. Tất nhiên, đảng NLD sẽ là lãnh đạo. Đó là điều bắt buộc mà người dân giao phó và cũng là yêu cầu của chúng tôi”, bà Suu Kyi nói tiếp.
Theo bà, bất kỳ đảng phái hay nhóm sắc tộc nào cho dù không thuộc NLD nhưng nếu có tinh thần yêu nước và mong muốn làm việc và mang lại lợi ích cho quốc gia đều được chào đón trong nội các của NLD.
Tuy nhiên, không rõ trong phát biểu của mình bà Suu Kyi có hàm ý cả người Rohingya Hồi giáo, tộc người bị phân biệt đối xử ở Myanmar vì bị xem là di dân nước ngoài, không được phép bỏ phiếu kỳ bầu cử tháng 11 vừa qua.
Quốc hội mới của Myanmar với 25% số ghế dành cho quân đội mà không cần qua bầu cử sẽ ra mắt vào tháng 2.2016. Các nghị sĩ sẽ lựa chọn tổng thống với nội các có nhiệm kỳ 5 năm tính từ đầu tháng 4.2016.
Cho đến nay chưa rõ ai sẽ là tổng thống của Myanmar. Lãnh đạo của NLD không được hiến pháp nước này cho phép điều hành chính phủ với cương vị tổng thống vì bà có người thân mang quốc tịch nước ngoài. Chồng bà, người đã mất và 2 người con của bà Suu Kyi mang quốc tịch Anh.
Hàng loạt UFO vờn quanh máy bay chở khách
Một hành khách đi máy bay đã vô tình quay lại được hình ảnh ít nhất 8 vật thể bay được cho là UFO (vật thể bay không xác định) lởn vởn bên dưới một máy bay chở khách.
Các vật thể bí ẩn phát sáng được cho là UFO xuất hiện ở mạn phải máy bay - Ảnh chụp màn hình Mirror
Những vật thể này sau đó đã biến mất trong mây.
Hành khách nói trên chộp được những hình ảnh này bằng điện thoại iPhone khi đang trên chuyến bay đi từ Vancouver (Canada), đến Đài Bắc (Trung Quốc), theoMirror.
Những UFO này có thể phát sáng chúng xuất hiện và bay bên dưới mạn phải máy bay. Người đàn ông đã gửi đoạn video đến tổ chức phi lợi nhuận Mutual UFO Network (Mỹ), chuyên điều tra những vụ nhìn thấy UFO .
Video sau đó được đăng lên trang YouTube và ngay lập tức thu hút được hàng nghìn lượt xem. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin đó là UFO.
Một cuộc tranh luận đã nổi lên về tính xác thực của vật thể bay không xác định. Trong khi đó, tổ chức Mutual UFO Network vẫn chưa đưa ra bình luận gì.
Hồi cuối tháng 10.2015, một hành khách trên chuyến bay đi từ San Jose, bang California đến Houston, bang Texas (Mỹ) cũng khẳng định mình đã quay được hình ảnh một đĩa kim loại khổng lồ và nhiều vật thể phát sáng nghi là UFO ở gần 'Vùng 51', căn cứ quân sự tuyệt mật của quân đội Mỹ thuộc bang Nevada.
Ông này sau đó đã thông báo cho Mutual UFO Network. Tổ chức này sau đó xếp vụ việc này vào loại chưa thể giải thích, theo Daily Mail.
Liên Hiệp Quốc lo ngại thỏa thuận trục xuất người đào tẩu Triều Tiên - Nga
Hiệp ước bổ sung về trục xuất người đào tẩu của Triều Tiên với Nga làm Liên Hiệp Quốc quan ngại về số phận của người tị nạn Triều Tiên trước mối đe dọa bị trừng phạt ở quê nhà.
Tuần qua, Triều Tiên và Nga ký kết một hiệp ước bổ sung mà theo đó Nga sẽ gửi trả lại Triều Tiên những người đào tẩu đang bị Moscow giam giữ. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Triều Tiên, ông Marzuki Darusman, cho biết rất lo ngại đối với hiệp ước này. Theo ông, người Triều Tiên đào tẩu sẽ đối mặt với nguy hiểm nếu bị trục xuất về nước.
“Tôi cảm thấy thất vọng khi biết rằng Nga đã ký hiệp ước bổ sung với Triều Tiên tuần qua”, ông Darusman nói trong một thông cáo ở Seoul, Hàn Quốc, theo Reuters hôm 26.11.
Theo ông, “Mặc dù Nga bảo đảm rằng hiệp ước sẽ không dẫn đến nhục hình, đàn áp bất kỳ ai, nhưng tôi quan ngại sâu sắc rằng trên thực tế nó sẽ buộc những người tị nạn Triều Tiên hồi hương. Điều này có thể đẩy họ vào cảnh bị trừng phạt”.
Nga và Triều Tiên có đường biên giới chung. Theo thỏa thuận, Nga và Triều Tiên trong vòng 30 ngày phải trục xuất người nhập cư bất hợp pháp trên lãnh thổ của nước kia.
Moscow chưa đưa ra bình luận gì về phát biểu của đại diện LHQ, theo Reuters.
Hãng thông tấn TASS của Nga tuần qua dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp Nga Alexander Konovalov nói rằng hiệp ước của Triều Tiên và Nga được ký bổ sung cho hiệp ước trước đó nhân chuyến viếng thăm Triều Tiên của giới chức Nga. Theo ông Konovalov, hiệp ước mà Nga ký kết tương tự những gì Moscow ký với nước khác.
Ngoài hiệp ước liên quan đến trục xuất người nhập cư trái phép, Triều Tiên và Nga còn ký nhiều thỏa thuận liên quan đến hợp tác quân sự và kinh tế, theo UPI.
Biểu tình chống trục xuất người tị nạn Triều Tiên - Ảnh: Reuters
Nhiều người Triều Tiên đã chạy khỏi đất nước rồi bị trục xuất về nước thường bị chính quyền Bình Nhưỡng bạc đãi như tra tấn, giam giữ, thậm chí bị hành quyết, người phát ngôn về nhân quyền của LHQ Ravina Shamdasani nói.
Hiệp ước quốc tế về người tị nạn cấm cưỡng bức hồi hương đối với những người tị nạn về nơi mà họ có nguy cơ bị đàn áp. Trung Quốc là nước tham gia hiệp ước này, nhưng Bắc Kinh xem những người tị nạn từ Triều Tiên là tị nạn kinh tế nên thường trục xuất họ về nước.
Nhiều người Triều Tiên nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc, Thái Lan đang phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về nước theo yêu cầu của Triều Tiên.
Một ủy ban của LHQ tuần qua đã đưa ra một báo cáo cho rằng Triều Tiên vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên Bình Nhưỡng phủ nhận cáo buộc này của LHQ, gọi đó là sự bôi nhọ chính trị của Mỹ và các “thế lực thù địch” nhằm chống lại nhà nước Triều Tiên.
Trung Quốc sắp lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài
Trung Quốc tìm cách mở rộng hoạt động quân sự sang nước ngoài, khi tuyên bố đang đàm phán mở một căn cứ hậu cần ở Djibouti, quốc gia Đông Phi.
Tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo RT, Trung Quốc tuyên bố sẽ thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, đặt gần một căn cứ không quân Mỹ dùng cho hoạt động bay không người lái của Lầu Năm Góc.
Bắc Kinh hiện đang đàm phán với chính phủ Djibouti để xây dựng. Tuy nhiên, Bắc Kinh dùng từ "cơ sở hỗ trợ" chứ không dùng "căn cứ quân sự" để nói về dự định này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, "cơ sở hỗ trợ" sẽ cung cấp "hỗ trợ hậu cần" về nhiên liệu, chỗ nghỉ ngơi và tiếp tế cho hải quân Trung Quốc.
"Việc xây dựng các cơ sở có liên quan sẽ giúp hải quân và quân đội Trung Quốc tiếp tục tham gia vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, thực hiện các nhiệm vụ hộ tống ở vùng biển gần Somalia và vịnh Aden, cũng như cung cấp hỗ trợ nhân đạo", ông Hồng nói trong buổi họp báo thường nhật của Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh hôm 24/11.
Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này "muốn đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc đảm bảo hòa bình và gìn giữ an ninh khu vực".
(
Tinkinhte
tổng hợp)