Arab Saudi tử hình 55 kẻ khủng bố trong cùng một ngày
Nga sẵn sàng phong tỏa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria
Nữ chính trị gia Nga chết bất thường trên xe hơi
Triều Tiên bị nghi thất bại khi phóng thử tên lửa từ tàu ngầm
Mỹ thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa biên giới để chống IS
Tin thế giới đọc nhanh chiều 27-11-2015
- Cập nhật : 27/11/2015
Nga tiếp tục trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 26-11, chính phủ Nga tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát thực phẩm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ vì vi phạm các quy định an toàn, một động thái được xem là trả đũa vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga.
Theo AFP, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev khẳng định ít nhất 15% hàng nông sản Thổ Nhĩ Kỳ nhập vào Nga không đáp ứng các quy định của Matxcơva vì hàm lượng thuốc trừ sâu và nitrate vượt qua tiêu chuẩn an toàn.
“Chúng tôi đã 40 lần phát hiện thấy dấu vết nhiều loại hóa chất độc hại trong thực phẩm có nguồn gốc động vật của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong năm nay” - ông Tkachev cho biết.
“Do nhiều nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ liên tục vi phạm các quy định của Nga, chính phủ Nga đã yêu cầu Cơ quan An toàn thực phẩm (Rosselkhoznadzor) xiết chặt kiểm soát nguồn cung hàng nông sản và thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Tkachev nhấn mạnh.
Ông Tkachev thông báo nhà chức trách Nga sẽ tổ chức hàng loạt chiến dịch kiểm tra hàng thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới. Trong 10 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD hàng nông sản và thực phẩm sang Nga.
Rau Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 20% lượng rau nhập vào Nga, trong khi trái cây chiếm 25%. Bộ trưởng Tkachev cho biết Nga có thể chuyển sang mua thực phẩm từ các nước như Nam Phi, Trung Quốc, Argentina và Gruzia.
Bộ Nông nghiệp Nga cũng sẽ đe dọa sẽ ngừng mua bột mì và dầu ăn của Thổ Nhĩ Kỳ và chuyển hướng sang các nước ở Trung Đông và châu Phi. Ngoài biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ, trước đó Nga cũng đã khuyến cáo công dân nước này không sang Thổ Nhĩ Kỳ du lịch.
Hôm qua, các nghị sĩ Nga cũng trình dự luật phạt tù năm năm với bất kỳ ai phạm tội phủ nhận hành vi diệt chủng người Armenia do đế quốc Ottoman thực hiện hồi năm 1915.
Trực thăng Nga rơi, 15 người thiệt mạng
Trực thăng Mi-8, chở theo 22 hành khách và ba thành viên tổ bay, rơi xuống ngoại ô thị trấn Igarka, miền tây Siberia, cách thủ đô Moscow khoảng 2.800 km về phía đông bắc.
"15 người thiệt mạng và 10 người phải nhập viện sau tai nạn", AFP dẫn thông báo từ cơ quan vận tải khu vực cho biết. Trực thăng mất liên lạc tầm 4h00 GMT, khoảng 15 phút sau khi nó cất cánh từ sân bay Igarka.
Theo Siberian Times, chiếc Mi-8 gặp nạn thuộc công ty hàng không Turukhan và nó chở theo các công nhân dầu khí của Vankorneft. Trực thăng rơi xuống sông Yenisei và nằm trên mặt băng. Hai trực thăng Mi-8 đang đưa lực lượng cứu hộ cùng bác sĩ tới hiện trường.
Cơ quan địa phương thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết trực thăng đã tìm cách hạ cánh khẩn cấp nhưng không nêu rõ nguyên nhân tai nạn. Các công tố viên thông báo họ sẽ điều tra về khả năng có vi phạm an toàn.
IS tuyên chiến với 60 nước và vùng lãnh thổ
Video dài hơn 4 phút do Trung tâm Truyền thông Al-Hayat, nhánh truyền thông của Nhà nước Hồi giáo (IS) đăng tải. Video được thuyết minh bởi một giọng trầm, nói tiếng Anh lưu loát, theo Huffington Post.
IS bắt đầu video bằng cách khoe khoang phần lãnh thổ nhóm phiến quân chiếm thêm và hệ thống cai trị Hồi giáo Khilafah, tuyên bố diện tích khu vực chúng kiểm soát hiện lớn hơn Anh, rộng gấp 8 lần Bỉ và 30 lần Qatar, .
IS chế giễu rằng Mỹ tuyên bố có "quân đội vĩ đại nhất trong lịch sử" nhưng binh sĩ lại "quá yếu", Washington không dám điều bộ binh tới khu vực chúng kiểm soát ở Iraq và Syria. Lính Mỹ thiếu "ý chí và quyết tâm" bởi họ "vẫn sợ" những thất bại như ở Afghanistan và Iraq.
Phiến quân IS sẽ "tiếp tục ám ảnh tâm trí binh sĩ của các người và thắt chặt nỗi sợ hãi vào tim chúng", giọng thuyết minh nói. Binh sĩ Mỹ khi trở về quê nhà đều "chết hoặc tự tử".
Video nhắc đến liên minh quốc tế tuyên chiến với IS, đăng tải hình ảnh cờ của 59 quốc gia cùng cờ đảo Đài Loan.
Xu hướng chống lại IS ngày càng tăng "chỉ làm tăng đức tin của bọn ta", giọng thuyết minh tuyên bố, cảnh báo "ngọn lửa chiến tranh sẽ thiêu cháy các người trên những ngọn đồi ở Dabiq", tên một thị trấn ở Syria.
Video kết thúc bằng một lời tuyên chiến. "Xuất chiêu đi. Hãy tập trung đồng minh của các người, lên kế hoạch đối phó bọn ta. Đồng minh của bọn ta là vĩ đại nhất. Ông ấy là Allah và mọi vinh quang đều thuộc về ông ấy".
IS đăng video mới chỉ một ngày sau khi chúng có hành động tương tự dọa tiếp tục tấn công khủng bố Pháp. Nhóm phiến quân trước đó nhận trách nhiệm thực hiện loạt vụ đánh bom tự sát và xả súng ở thủ đô Paris tối 13/11, làm 130 người chết.
Công ty Trung Quốc dừng dự án kênh đào Nicaragua
Tập đoàn phát triển kênh đào Nicaragua HK (HKND) hôm 26-11 thông báo dừng dự án kênh đào trị giá 50 tỉ USD ở Nicaragua vì tài sản cá nhân của ông chủ tập đoàn này - Vương Tịnh bị sụt giảm.
Vương Tịnh - chủ tịch Tập đoàn HKND - được cho là đang gặp khó khăn trong việc rót tài chính cho dự án kênh đào Nicaragua - Ảnh:scmp
Song, giới chuyên gia đang nghi ngờ con kênh này tạm dừng ngoài nguyên nhân tài chính, còn có các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội.
Báo South China Morning Post cho biết HKND hoãn khởi công công trình kênh đào khổng lồ này cho đến cuối năm 2016, dù HKND đã lấy được hồ sơ chứng nhận các nghiên cứu môi trường xung quanh con kênh đào này hồi đầu tháng 11.
Tuyên bố của HKND không đưa ra lý do cụ thể việc tạm hoãn này nhưng lại tiết lộ “thiết kế của con kênh hiện nay đang được điều chỉnh chi tiết để đạt hiệu quả tối ưu”.
Song, cũng xuất hiện thông tin kênh đào Nicaragua tạm dừng vì thiếu tiền. Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Tập đoàn HKND Vương Tịnh, người đang dùng phần lớn tài sản cá nhân của mình để tài trợ dự án trị giá 50 tỉ USD này, đang gặp phải khó khăn khi tài sản của ông bị giảm nhiều kể từ đợt thị trường chứng khoán Trung Quốc vỡ vừa qua.
Chỉ số tỉ phú do Bloomberg xếp Vương Tịnh là một trong 200 người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ròng lên đến 10,2 tỉ USD. Song, tài sản của ông Vương đã giảm 1,1 tỉ USD sau đợt thị trường chứng khoán ở Trung Quốc vỡ hồi tháng 10.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc loan tin một khi hoàn thành thì kênh đào Nicaragua sẽ trở thành con kênh nhân tạo đối trọng với con kênh đào Panama hiện nay.
Hơn nữa, khi con kênh 278km này được đào xong sẽ giúp Trung Quốc đặt chân vào Trung Mỹ, một khu vực sân sau của Mỹ từ rất lâu.
Công nhân của HKND đã thu thập thông tin các tuyến đường trong khuôn khổ dự án hồi tháng 12-2014 nhưng vẫn chưa bắt đầu đào kênh.
Dự án trên đã khiến nhiều nông dân Nicaragua phản ứng dữ dội. Họ lo sợ đất đai của mình sẽ bị tịch thu khi dự án này được khởi công.
Giới hoạt động môi trường quan ngại dự án này chưa được nghiên cứu thích đáng. Họ cũng quan ngại sẽ ảnh hưởng đến hồ nước ngọt Nicaragua và các nguồn cung cấp nước ngọt khác cho quốc gia này.
Brazil bắt tỉ phú, nghị sĩ cấp cao liên quan đến Petrobras
Brazil vừa bắt giữ một trong những tỉ phú giàu nhất nước và một nghị sĩ cấp cao trong cuộc điều tra vụ tham nhũng Petrobras.
Theo BBC, tỉ phú Andre Esteves bị bắt tại nhà riêng ở Rio de Janeiro. Cảnh sát tịch thu các tài liệu từ nhà riêng cũng như tại ngân hàng của tỉ phú này.
Cùng lúc, lãnh đạo Đảng Lao động cầm quyền tại thượng viện Delcidio Amaral cũng bị bắt giữ. Cả hai bị cáo buộc cản trở quá trình điều tra tham nhũng.
Ông Esteves là người giàu thứ 13 tại Brazil với khối tài sản hơn 2,5 tỉ USD trong khi ông Amaral là quan chức cấp cao đương chức đầu tiên bị bắt giữ liên quan đến vụ bê bối.
Ngay sau vụ bắt giữ, cảnh sát Brazil đã công bố đoạn băng ghi âm bí mật, trong đó ông Amaral đề nghị cựu lãnh đạo chi nhánh quốc tế của Petrobras không tiết lộ các bằng chứng liên quan đến ông và ông Esteves. Đổi lại, ông sẽ giúp lãnh đạo của Petrobras là Nestor Cervero thoát khỏi Brazil đến châu Âu.
Đoạn băng do con của ông Cervero bí mật ghi lại. Người này khẳng định cha mình đã khước từ lời đề nghị của ông nghị sĩ.
Thượng viện Brazil đã phải họp khẩn hôm 25-11 và cuối cùng ủng hộ quyết định của tòa án tối cao bắt giữ ông Amaral.
Hai vụ bắt giữ mới nhất cho thấy bê bối tham nhũng Petrobras vẫn tiếp tục lan rộng trên chính trường Brazil. Cuộc điều tra kéo dài 2 năm qua đã bắt giữ hơn 100 người, bao gồm nhiều chính trị gia, lãnh đạo của Petrobras và nhiều tập đoàn lớn trong nước. Tổng thống Dilma Rousseff dù không liên quan trực tiếp đến bê bối nhưng cũng chịu nhiều sức ép từ vụ việc.