Nga dọa đáp trả lệnh trừng phạt mới của Mỹ
WB hủy dự án hạ tầng tại Uganda vì bê bối tình dục
Nga "bật đèn xanh" cho Israel ở Syria
Tên lửa Falcon 9 là “bước đầu” giấc mơ chinh phục Hỏa tinh
Triều Tiên phẫn nộ vì phát biểu của Thủ tướng Canada
Tin thế giới đọc nhanh chiều 22-12-2015
- Cập nhật : 22/12/2015
Tổng thống Philippines cam kết tăng chi tiêu quân sự đối phó Trung Quốc
Tổng thống Philippines cam kết chi 1,77 tỉ USD trang bị cho quân đội đến năm 2017 trước khi ông hết nhiệm kỳ - Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino hôm 21.12 tuyên bố sẽ đẩy mạnh chi tiêu quân sự trước khi về hưu, nhằm đối phó việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.
Ông Aquino, người sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2016 và không có quyền tranh cử theo hiến pháp Philippines, nói rằng sẽ dành thời gian còn lại để cam kết đầu tư cho quốc phòng.
“Chúng tôi đang lập kế hoạch mua các tàu hộ tống mới, tàu vận tải, tàu tuần tra tầm xa, máy bay hỗ trợ tầm gần và một số thiết bị quân sự khác”, Reuters dẫn lời Tổng thống Aquino tại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập lực lượng vũ trang.
Theo đó, ông Aquino cam kết chi 1,77 tỉ USD (83,9 tỉ peso) để tăng cường quân sự. Khoản tiền này được chi trong kế hoạch chi tiêu 5 năm tính tới năm 2017 nhưng chỉ vừa được duyệt hồi đầu năm nay, nghĩa là phần lớn sẽ được dùng trong những tháng tới.
Tổng thống Philippines cho rằng các khí tài này sẽ giúp Philippines bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
“Tôi đang chứng kiến cách quân đội lớn mạnh hơn và hiệu quả hơn trong việc gìn giữ và duy trì hòa bình, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự tự tin cho Philippines”, ông Aquino nói thêm.
Hiện một nhà máy ở Indonesia đang đóng tàu vận tải đổ bộ cho Philippines và dự kiến sẽ giao hàng vào đầu năm 2016. Trong khi đó hệ thống radar do Israel sản xuất cũng sẽ chuyển đến Philippines năm 2017, cùng lúc với việc Philippines nhận đủ các máy bay chiến đấu FA-50 mua từ Hàn Quốc (12 chiếc), theo Reuters.
Ông Aquino cũng nói rằng chính phủ đã dành khoảng 1,26 tỉ USD (56,79 tỉ peso) để mua một phi đội máy bay chiến đấu hạng nhẹ (FA-50) từ Hàn Quốc cũng như trực thăng quân sự của Ý từ năm 2010. Mỹ cũng đã chuyển giao hai tàu tuần duyên cũ và máy bay vận tải cho Philippines.
Trước đây Philippines đã có kế hoạch chi 22 tỉ USD trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội trong vòng 15 năm, dự tính sắm tàu hộ tống, tàu ngầm, hệ thống tên lửa, radar...
Philippines vừa qua đã kiện Trung Quốc tại Toà trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) vì yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Bắc Kinh nuốt trọn gần hết Biển Đông. Tuy nhiên, phía Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào từ các tòa án quốc tế.
Ấn Độ sắp mua S-400 của Nga
New Delhi đã bật đèn xanh để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 mới nhất của Moscow. Đây là dự án nằm trong số hợp đồng quốc phòng có tổng trị giá 7 tỉ USD giữa Ấn Độ và Nga.
Tờ Economic Times ngày 20-12 đưa tin trong phiên họp của Hội đồng Mua sắm Quốc phòng Ấn Độ (DAC) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar hôm 18-12, New Delhi đã thông qua chương trình mua 5 hệ thống tên lửa S-400 của Moscow.
Thương vụ này dự kiến được chốt lại trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Narendra Modi vào ngày 24 và 25-12 tới. Ước tính sơ bộ cho thấy giá trị hợp đồng vào khoảng 400 tỉ rupee (khoảng 5,8 tỉ USD), mục đích nhằm tăng cường lĩnh vực phòng không của Ấn Độ.
Nếu thỏa thuận diễn ra, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ hai sau Trung Quốc sở hữu S-400 từ Nga. Thêm vào đó, DAC cũng yêu cầu mua thêm vũ khí của Moscow để thay thế kho tên lửa cũ kỹ S-125M Pechora gồm 24 quả do Liên Xô sản xuất, với trị giá hợp đồng 180 triệu USD.
Ngoài ra, một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói với hãng tinRIA Novosti tuần trước rằng hai nước có khả năng sẽ ký thỏa thuận hợp tác sản xuất trực thăng Ka-226T trong hoặc sau chuyến thăm của ông Modi.
Sau khi hoàn tất quá trình tái vũ trang và hiện đại hóa lực lượng phòng không, Nga mới bắt đầu bán hệ thống S-400 ra nước ngoài. Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ đóng vai trò là đồng minh quân sự và chính trị của Nga. Moscow từng giúp New Delhi chế tạo tàu sân bay đầu tiên INS Vikramaditya tại xưởng đóng tàu của nước này. Nhiều máy bay của Không lực Ấn Độ cũng do Liên Xô (cũ) và Nga sản xuất.
Thêm vào đó, Nga còn góp phần vào sự ra đời của thế hệ tên lửa hành trình siêu thanh tiên tiến Brahmos sắp được Ấn Độ đưa vào phục vụ những năm sắp tới.
Về S-400, đây là thế hệ kế tiếp của tên lửa phòng không S-300 nổi tiếng của Nga. Thế hệ mới có thể diệt mục tiêu trong nhiều phạm vi, bao gồm cả máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay do thám, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở khoảng cách khoảng 400 km.
Đầu tháng 12 vừa qua, Nga triển khai S-400 tới căn cứ không quân Khmeymim ở Syria để bảo vệ không phận sau khi một chiếc Su-24M bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ gần biên giới Syria.
Ông Putin nói không muốn đưa nước Nga quay về thời Liên Xô
Indonesia và Úc kêu gọi không khiêu khích trên biển Đông
Đối thoại Quốc phòng và Ngoại giao (Đối thoại 2+2) giữa Indonesia và Úc vừa kết thúc ngày 21-12 tại thành phố Sydney (Úc) với cam kết tăng cường hợp tác chống khủng bố.
Trong ảnh (từ trái sang): Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne - Ảnh: AP
Theo Canberra Times ngày 21-12, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của hai nước đã nhất trí cần cải thiện hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố giữa Indonesia và Úc. Theo đó, Canberra và Jakarta sẽ sớm ký kết một biên bản ghi nhớ chống chủ nghĩa khủng bố đồng thời tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố.
Về tình hình biển Đông, Ngoại trưởng Úc bà Julie Bishop thông báo cả hai quốc gia đều bày tỏ quan ngại về tình hình hoà bình và ổn định trên biển Đông và nhấn mạnh đảm bảo an ninh hàng hải là một trong những yếu tố quan trọng góp phần duy trì hoà bình, ổn định và luật pháp trong khu vực.
Các bộ trưởng cũng bày tỏ sự quan ngại trước những động thái gần đây trên biển Đông và kêu gọi các bên cùng kiềm chế, giảm thiểu căng thẳng và không có thêm các hành động khiêu khích nào khác.
Thêm vào đó, các bên trong tranh chấp trên biển Đông cần duy trì và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tham vấn và đàm phán giải quyết sự khác biệt thông qua các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Cũng trong dịp này, Ngoại trưởng Úc đã tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông dựa trên khuôn khổ của luật quốc tế như đã từng làm trước đó.
Về hợp tác quốc phòng, hai bên nhất trí cải thiện và làm mới các thoả thuận quốc phòng đã đạt được giữa hai nước. Phía Úc cũng nhấn mạnh chủ trương tăng cường trao đổi nhân sự để tiếp tục gia hạn các thỏa thuận trong lĩnh vực này, vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2017.
Hàn Quốc thay 5 bộ trưởng
Trong số bộ trưởng bị thay thế, có Bộ trưởng Tài chính Choi Kyoung Hwan - người mới nhậm chức tháng 6 năm ngoái sau thảm họa chìm phà Sewol làm gần 300 người chết.
Quyết định thay thế các bộ trưởng được Tổng thống Park Geun Hye công bố hôm nay 21-12. Theo đó, nghị sĩ đảng cầm quyền Yoo Il Ho sẽ thay ông Choi Kyoung Hwan phụ trách các vấn đề kinh tế.
Theo mô tả của văn phòng tổng thống, ông Yoo Il Ho - cựu bộ trưởng giao thông là "người thích hợp, sẽ thực hiện thành công chính sách kinh tế và thúc đẩy phục hồi kinh tế".
Theo AFP, kinh tế Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đã mở rộng 1,3% trong quý III năm nay, và Ngân hàng Hàn Quốc dự đoán tăng trưởng GDP cả năm 2015 là 2,7%.
Bốn bộ trưởng khác bị thay là Bộ trưởng Giáo dục, Thương mại, Bình đẳng giới và Nội vụ.
Cuộc cải tổ này được bà Park Geun Hye tiến hành trước thềm cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 4 năm tới, với ông Choi Kyung Hwan được cho là sẽ ra tranh cử.