Tổng thống Philippines cam kết tăng chi tiêu quân sự đối phó Trung Quốc
Ấn Độ sắp mua S-400 của Nga
Ông Putin nói không muốn đưa nước Nga quay về thời Liên Xô
Indonesia và Úc kêu gọi không khiêu khích trên biển Đông
Hàn Quốc thay 5 bộ trưởng
Tin thế giới đọc nhanh trưa 21-12-2015
- Cập nhật : 21/12/2015
Mỹ tính tăng cường tuần tra Biển Đông vào năm sau
Theo Navy Times, các quan chức Mỹ cho biết sẽ có thêm nhiều cuộc tuần tra bằng tàu và máy bay của hải quân tại Biển Đông vào năm 2016. Các chuyên gia pháp lý nói rằng tuần tra là cách duy nhất để bảo vệ quyền tự do đi lại, đang bị thách thức bởi Trung Quốc.
"Chúng tôi cần phải nhắc lại rằng hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải từ thời tổng thống Jimmy Carter còn đương nhiệm", Craig Allen, một giáo sư về vấn đề hàng hải và môi trường biển tại Đại học luật Washington nói. "Nếu bạn cứ mặc nhận yêu sách của người khác, bạn có thể đánh mất quyền của mình".
Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, đóng tại Nhật Bản, vốn thường xuyên tuần tra trên Biển Đông và các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật, đang xem xét tham gia hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải. Tàu chiến đấu duyên hải Forth Worth, đóng tại Singapore, cũng có thể được giao nhiệm vụ, nhưng các quan chức hải quân nói rằng khả năng này khó xảy ra, vì hải quân có xu hướng điều động tàu chiến ở tuyến đầu như tàu khu trục và tàu tuần dương vào vùng biển tranh chấp.
Vấn đề Biển Đông dự đoán sẽ nóng lên trong năm 2016, vì Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan, đã đồng ý xử vụ Philippines kiện Trung Quốc vì yêu sách "đường lưỡi bò". Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông dựa trên "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra, đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia. Nước này tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hồi tháng 10, tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa. Hai máy bay B-52 cũng bay gần các đảo nhân tạo hồi tháng trước, nhưng không đi vào phạm vi 12 hải lý.
Máy bay B-52 Mỹ tuần trước vô tình bay trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở đá Châu Viên. Trung Quốc tức giận trước động thái này, nói rằng Mỹ có hành vi "khiêu khích quân sự nghiêm trọng".
Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Mật vụ Nga đập tan 30 âm mưu khủng bố trong năm 2015
Các nhân viên An ninh Liên bang Nga có mặt tại hiện trường vụ đánh bom sân bay quốc tế Domodedovo vào năm 2011. Ảnh: Wikipedia
"Năm nay, tôi muốn nhấn mạnh vào điều này, nhờ có nỗ lực của các nhân viên An ninh Liên bang (FSB) mà hơn 30 tội ác mang tính chất khủng bố được ngăn chặn", AFP dẫn phát biểu của ông Putin. "Lực lượng phản gián của chúng ta có trách nhiệm rất lớn. Họ đã tìm ra hơn 320 quan chức phản bội và gián điệp nước ngoài".
"Chúng ta hiện phải chứng kiến việc các mật vụ đến từ một số quốc gia nhất định đang tăng cường hoạt động ở Nga", ông chủ Điện Kremlin cho biết thêm.
Giới chuyên gia nhận định sự gia tăng các hoạt động gián điệp tại Nga thời gian qua chủ yếu là do những hệ lụy từ cuộc xung đột ở miền đông Ukraine nổ ra hồi tháng 4 năm ngoái.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin cũng nhắc tới Syria, một điểm nóng toàn cầu khác. Theo ông, lực lượng vũ trang Nga vẫn chưa triển khai hết khả năng ở Syria và có thể sử dụng "nhiều phương tiện quân sự hơn nữa" nếu cần thiết. Nga bắt đầu chiến dịch không kích nhằm vào các nhóm khủng bố tại Syria từ hồi tháng 9.
Máy bay ném bom Nga dội 1.500 quả bom vào các mục tiêu IS
"Tổng cộng, các máy bay tầm xa tiến hành 145 lần xuất kích, ném 1.500 quả bom ở Syria, và khoảng 20 tên lửa hành trình đã được khai hỏa", RThôm qua dẫn lời tướng Anatoly Konovalov, phó tư lệnh lực lượng không quân Nga, nói.
Phi đội gồm máy bay ném bom chiến lược Tu-22 Blinder và Tu-160 Blackjack cất cánh từ những đường băng ở Nga và dành khoảng 16 tiếng trên bầu trời để hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu ở Syria, ông Konovalov cho biết thêm.
"Thật phi thường và mới mẻ khi các chiến đấu cơ Tu-160 xuất kích từ đường băng Olenegorsk phía tây bắc Nga, bay quanh châu Âu, tiến vào Địa Trung Hải rồi khai hỏa tên lửa nhằm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Đáng chú ý là các mục tiêu này bị tấn công với độ chính xác cao", Konovalov nói.
Tu-22 tiến hành các cuộc ném bom trong khi tên lửa hành trình cả phiên bản cũ lẫn mới được bắn đi từ Tu-160.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày cho hay lực lượng vũ trang nước này vẫn chưa vận dụng hết khả năng của mình trong các chiến dịch không kích ở Syria và có thể sẽ sử dụng "nhiều phương tiện quân sự" hơn nữa nếu cần thiết.
Nga bắt đầu triển khai máy bay ném bom chiến lược tham gia không kích IS và những nhóm khủng bố khác ở Syria từ hôm 17/11. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh sự tham gia của phi đội gồm 25 máy bay ném bom chiến lược cho phép Moscow tăng gấp đôi các cuộc không kích. Trước đây, nhiệm vụ này chỉ do chiến đấu cơ Sukhoi, gồm các mẫu như Su-34, Su-25 và Su-24M, thực hiện.
Indonesia: Máy bay quân sự rơi, hai phi công thiệt mạng
Một máy bay huấn luyện quân sự của Indonesia vừa bị rơi vào ngày 20-12 trong lúc đang biểu diễn khiến hai phi công thiệt mạng.
Theo AP ngày 20-12, một máy bay quân sự KAI T-50 của không quân Indonesia đã bị rơi trong khi biểu diễn tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường không quân Yogyakarta.
Thiếu tướng Dwi Badarmanto, người phát ngôn của lực lượng không quân Indonesia ngay sau đó đã lên tiếng xác nhận vụ tai nạn, đồng thời thông báo cả hai phi công đều đã thiệt mạng.
Hiện một đội điều tra đã được điều đến hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Theo một nhân chứng tên Jawardi, chiếc máy bay đã rơi xuống một căn cứ phức hợp không quân gần sân bay dân sự Adi Sutjipto trên đảo chính Java, Indonesia. Các hình ảnh trên truyền hình địa phương sau đó cũng cho thấy khói đen bốc lên cuồn cuộn từ xác chiếc máy bay đang bốc cháy.
KAI T-50 là loại máy bay do Hàn Quốc sản xuất dựa trên nguyên mẫu tiêm kích F-16 của Mỹ, có thể đảm nhận cả vai trò máy bay huấn luyện và máy bay chiến đấu hạng nhẹ.
Chiếc T-50 vừa bị rơi là một trong số 16 máy bay cùng loại vừa được không quân Indonesia đặt mua và tiếp nhận hồi năm ngoái. Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Indonesia, Philippines là quốc gia thứ hai sở hữu T-50 trong thời gian tới.
Khủng hoảng Yemen tiếp tục leo thang
Ít nhất 68 người được báo cáo đã thiệt mạng trong các cuộc chạm trán mới nhất giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy người Houthi tại vùng tây bắc Yemen mặc cho thỏa thuận ngừng bắn.
Đài BBC cho biết chiến sự nổ ra gần thị trấn Harad, nơi quân chính phủ chiếm lại được cách đây hai ngày. Các nguồn tin quân sự của chính phủ Yemen nói có 28 người thiệt mạng, trong khi phe nổi dậy mất 40 người.
Giao tranh vẫn diễn ra tại Yemen dù thỏa thuận ngừng bắn và các cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc bảo trợ đang diễn ra tại Thụy Sĩ từ ngày 19-12.
Các nguồn tin nói chiến sự leo thang vào sáng thứ bảy 19-12 khi quân chính phủ được hỗ trợ bởi liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tiến về cảng biển Midi, còn phe nổi dậy thì tăng thêm viện quân.
Hiện phái đoàn Houthi và chính phủ Yemen đang gặp nhau tại Biel, Thụy Sĩ với nỗ lực chấm dứt nhiều tháng liền giao tranh. Phe nổi dậy cáo buộc lực lượng chính phủ và liên quân vi phạm lệnh ngừng bắn.
Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu bắt đầu chiến dịch quân sự trợ giúp chính phủ Yemen hồi tháng ba sau khi quân Houthi chiếm thủ đô Sannaa và tiến về thành phố Aden.
Kể từ đó, ít nhất 5700 người, gần một nửa là thường dân, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích và đụng độ trên mặt đất.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Yemen đang trở nên tồi tệ, hơn 21 triệu người (chiếm 4/5 dân số) đang cần sự trợ giúp.