Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose - Ảnh: AFP
“Chúng tôi kịch liệt phản đối việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào hoạt động hai hải đăng ở Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma”, ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết vào ngày 19.10, theo AFP.
“Những hành động này của Trung Quốc rõ ràng là nhằm thay đổi nguyên trạng và củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ không chấp nhận những hành động đơn phương này”, ông Jose nói thêm.
Philippines lâu nay là quốc gia phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo AFP. Manila cũng đã nộp đơn kiện lên tòa án quốc tế, phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọng gần cả Biển Đông, nhưng Bắc Kinh phớt lờ không tham gia các phiên phân xử.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình hôm 13.10 đã khẳng định việc Trung Quốc xây dựng hai ngọn hải đăng phi pháp tại Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, theo TTXVN.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Chấn Dân, tại diễn đàn an ninh Hương Sơn (Bắc Kinh, Trung Quốc) ngang ngược nói Trung Quốc sẽ tiếp tục xây những công trình xây dựng như thế này.
Cũng tại diễn đàn an ninh Hương Sơn, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, ông Phạm Trường Long ngang ngược cho rằng việc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa chỉ vì mục đích dân sự và “sẽ không ảnh hưởng tự do hàng hải ở Biển Đông” và hai hải đăng “đã bắt đầu cung cấp dịch vụ định vị hàng hải cho tất cả các quốc gia”.
Phản ứng trước những tuyên bố của Trung Quốc, Tư lệnh lực lượng vũ trang Malaysia, tướng Zulkefli Mohd Zin ngày 18.10 cho biết Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông là “hành động gây hấn không thể chấp nhận được”.
Mỹ cũng đã cáo buộc Trung Quốc tăng cường hoạt động bồi đắp, xây dựng nhằm biến những bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành những đảo nhân tạo phi pháp để đặt các căn cứ quân sự, đe dọa tự do hàng hải trên Biển Đông.
Washington đã quyết định sẽ điều tàu chiến và máy bay tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa, để thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.(Thanh Niên Online)
Anh sợ Trung Quốc cài phần mềm phá hoại cơ sở hạt nhân
Lo ngại Trung Quốc cài đặt hệ thống theo dõi từ xa, chính phủ Anh ra lệnh tăng cường giám sát an ninh mạng ở dự án điện hạt nhân sẽ được Trung Quốc triển khai ở nước Anh.
Đồ họa dự án điện hạt nhân do Trung Quốc xây ở Hinkley Point - Nguồn: BBC
Công ty Trung Quốc sẽ được các đối tác của Pháp hỗ trợ xây dựng 2 nhà máy hạt nhân ở Hinkley Point (vùng Somerset) và Sizewell (thuộc vùng Suffolk, Anh). Chính phủ Anh sẽ chính thức công bố dự án này nhân chuyến công du 4 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Anh bắt đầu từ ngày 20.10.
Tờ The Independent của Anh đưa tin, ngày 19.10, các gián điệp Anh được giao nhiệm vụ tăng cường theo dõi một công ty Trung Quốc khi công ty này triển khai dự án hạt nhân theo thiết kế của Trung Quốc. Đây là dự án hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc được triển khai ở Anh.
Cơ quan chỉ huy tình báo của chính phủ Anh, hay còn gọi là GCHQ, là cơ quan được chính phủ nước này giao nhiệm vụ theo dõi dự án hạt nhân về an ninh mạng. “Chúng tôi có nhiệm vụ theo dõi các dự án hạ tầng trọng điểm thuộc nhà nước, kể cả dự án hạt nhân”, người phát ngôn GCHQ nói trong thông cáo, theo Express.
Lo ngại của chính phủ Anh được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vướng những bê bối ngày càng nghiêm trọng về các cuộc tấn công của tin tặc và theo dõi thông tin tình báo, vốn được cho là có sự chỉ đạo từ chính quyền Bắc Kinh.
Chuyện theo dõi hay tấn công nhà máy điện hạt nhân từng được đặt ra khi một phần mềm độc hại có tên là Stuxnet được phát hiện xâm nhập vào cơ sở hạt nhân của Iran nhằm phá hủy nhà máy này. Phần mềm độc hại Stuxnet được cho là do mật vụ Mỹ và Israel phát triển. Tấn công bằng phần mềm được xem là nhanh nhất và hiệu quả nhất để phá hủy một nhà máy điện hạt nhân.
Hai nhà ngoại giao Triều Tiên buôn lậu xì gà vào Brazil
Hai nhà ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã bị bắt quả tang tuồn lậu xì gà cao cấp của Cuba vào Brazil, đài KBS đưa tin ngày 19.10.
Một xí nghiệp sản xuất xì gà ở Cuba - Ảnh: Reuters
Lãnh sự quán Hàn Quốc ở São Paulo (Brazil) ngày 18.10 cho biết, 2 nhà ngoại giao Triều Tiên, rời Panama vào ngày 27.9, bị bắt trong khi làm thủ tục kiểm tra tại sân bay quốc tế Viracopos ở thành phố Campinas, thuộc bang São Paulo.
KBS không cho biết danh tính của 2 nhà ngoại giao Triều Tiên. Theo giới chức hải quan Brazil, 2 người nói trên bị phát hiện mang theo khoảng 3.800 điếu xì gà Cuba với những nhãn hiệu khác nhau. Lực lượng hải quan địa phương đã tịch thu số xì gà trên, nhưng đã phóng thích 2 viên chức Triều Tiên sau khi thông báo vụ việc cho Bộ Ngoại giao Brazil.
Trong một vụ việc tương tự vào năm 2010, một số nhà ngoại giao Triều Tiên cũng đã bị bắt tại sân bay Guarulhos, ở São Paulo khi đang cố gắng tuồn lậu các sản phẩm cá vào Brazil.
Phía Triều Tiên chưa có phản ứng gì với thông tin trên.
Trung Quốc bắt 4 công nhân quốc phòng làm gián điệp
Trung Quốc vừa bắt 4 công nhân làm việc cho một công ty sản xuất thiết bị quân sự ở nước này với cáo buộc làmgián điệp và đe dọa an ninh quốc gia.
Trung Quốc bắt 4 công nhân làm gián điệp cho nước ngoài, đe dọa an ninh quốc gia - Ảnh minh họa: Reuters
Bốn công nhân làm việc cho một công ty sản xuất thiết bị quân sự ở tỉnh Tứ Xuyên bị cảnh sát bắt vì tội cung cấp tài liệu mật quốc gia cho nước ngoài và đe dọa an ninh quốc gia, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) hôm nay 19.10 dẫn nguồn tin từ truyền hình nhà nước Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, truyền thông Trung Quốc không cho biết tên của công ty sản xuất thiết bị quân sự được tin là của nhà nước cũng như tên của bốn công nhân, chỉ nói rằng họ làm gián điệp độc lập với nhau.
Các công nhân này được cho đã bắt đầu thu thập thông tin gián điệp từ năm 2013 đến 2014. Truyền thông Trung Quốc không nói họ làm cho ai và quốc gia nào thuê họ.
Một công nhân sản xuất được cho đã thường xuyên liên lạc trên mạng với một người đàn ông tự xưng là phóng viên nước ngoài. Phóng viên nước ngoài này trả cho công nhân Trung Quốc 3.200 nhân dân tệ (10 triệu đồng) mỗi tháng để cung cấp thông tin chi tiết về thiết bị quân sự ở công ty anh ta đang làm việc.
Một người khác là chuyên viên kỹ thuật không hài lòng với đồng lương ít ỏi ở nơi anh ta đang làm nên tìm công việc khác trên mạng. Chuyên viên kỹ thuật liên lạc được với người tự xưng là phóng viên nước ngoài nói trên và cũng được người này trả cho 4.000 nhân dân tệ (hơn 14 triệu đồng) mỗi tháng. Đổi lại, chuyên viên kỹ thuật Trung Quốc phải cung cấp thông tin về những thiết bị sản xuất ở công ty đang làm việc, kể cả công việc ở giai đoạn kiểm tra, kiểm nghiệm.
Công nhân thứ ba, làm việc 10 năm cho công ty Trung Quốc nói trên, được một kẻ làm dịch vụ tuyển dụng nhân sự trên mạng thuê với mức lương 1,2 triệu nhân dân tệ (4,2 tỉ đồng) một năm. Người công nhân này không cần cung cấp thông tin như 2 người trên, chỉ làm những công việc mà cơ quan điều tra Trung Quốc gọi là “đe dọa an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, không rõ công việc cụ thể của anh này là gì.
Công nhân cuối cùng không thu thập thông tin bí mật hoặc có hoạt động liên quan gián điệp nhưng bị cáo buộc giúp đỡ gián điệp khi biết và giới thiệu người cho gián điệp nước ngoài. Sau khi từ chối công việc thu thập thông tin cho nước ngoài, anh này giới thiệu nó cho một nhà nghiên cứu của một trường đại học.
Nhật Bản nổi giận với UNESCO về tài liệu vụ Nam Kinh
Nhật Bản có thể sẽ cắt tài trợ cho UNESCO sau khi tổ chức này quyết định đưa các tài liệu liên quan tới vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 vào chương trình “Ký ức thế giới”.
Nhật Bản đe dọa cắt tài trợ cho UNESCO - Ảnh: DW
Theo đài DW (Đức), chiến dịch phản đối của Nhật Bản với Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) về vấn đề này đang tăng nhiệt khi dư luận trong nước kêu gọi Chính phủ Nhật cắt khoản tiền tài trợ cho tổ chức này.
Năm 2014, Nhật Bản đóng góp cho UNESCO 31 triệu USD và là nước có đóng góp tài chính lớn thứ hai cho UNESCO.
Ngày 12-10, ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, úp mở về khả năng Nhật Bản có thể cắt giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn khoản hỗ trợ tài chính cho UNESCO sau khi Trung Quốc thuyết phục thành công tổ chức này liệt kê các tài liệu, hình ảnh và những thước phim liên quan tới vụ tấn công thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) năm 1937 của quân đội thiên hoàng Nhật Bản vào chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
“Tài liệu về vụ thảm sát Nam Kinh” còn có cả biên bản của Tòa án quân sự quốc tế vùng Viễn Đông. Trong đó, rất nhiều tướng lĩnh quân đội Nhật Bản bị kết án vì những tội ác chiến tranh đã gây ra.
Phía Trung Quốc cho rằng có 300.000 người Trung Quốc thiệt mạng trong vụ thảm sát của quân đội thiên hoàng Nhật Bản, phần lớn trong đó là dân thường.
Các đánh giá thương vong độc lập khác cho biết số người chết trong vụ thảm sát Nam Kinh nằm trong khoảng từ 20.000-200.000 người.
Mặc dù phía Nhật Bản thừa nhận việc có thường dân bị thiệt mạng trong vụ thảm sát và cũng xảy ra tình trạng cướp bóc, nhưng họ cực lực phản đối các con số thống kê thương vong mà phía Trung Quốc đưa ra. Nhật Bản cũng bức xúc về việc các tài liệu liên quan tới vụ việc do Bắc Kinh gửi lên UNESCO đã không được các chuyên gia bên ngoài thẩm định.
Tại cuộc họp báo, ông Suga nói: “Tính xác thực của những tài liệu này vẫn chưa được các chuyên gia kiểm định. Nước chúng tôi kiên quyết yêu cầu phải có sự công bằng và minh bạch trong hệ thống kiểm định tư liệu của chương trình này (Ký ức thế giới) để nó không bị lợi dụng cho các mục đích chính trị”.
(
Tinkinhte
tổng hợp)