tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 15-10-2015

  • Cập nhật : 15/10/2015

Mỹ, Úc yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đảo nhân tạo

Ngày 14-10, Trung Quốc lại tiếp tục có phản ứng tiêu cực và khiêu khích sau khi các quan chức Mỹ và Úc yêu cầu Bắc Kinh lập tức  ngừng xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.

hai quan my dang cho lenh cua nha trang de tuan tra sat cac dao nhan tao bat hop phap cua trung quoc tren bien dong - anh: csis

Hải quân Mỹ đang chờ lệnh của Nhà Trắng để tuần tra sát các đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc trên biển Đông - Ảnh: CSIS

Theo Reuters, trong cuộc họp báo tại Boston, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Mỹ “sẽ hoạt động ở bất kỳ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép, và biển Đông không phải là ngoại lệ”.

“Chúng tôi sẽ làm như vậy với thời gian và địa điểm do chúng tôi chọn lựa” - ông Carter nhấn mạnh.

Trước đó hải quân Mỹ xác nhận đã quyết định sẽ triển khai tàu và máy bay tới tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông.

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết hải quân chỉ chờ lệnh của Nhà Trắng là sẽ lập tức triển khai chiến dịch tuần tra.

Cuộc họp báo của ông Carter diễn ra nhân dịp ông và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne họp định kỳ ở Boston.

Bốn bộ trưởng ra tuyên bố chung bày tỏ “sự lo ngại nghiêm trọng về hoạt động bồi lấn và xây dựng của Trung Quốc trên biển Đông”.

Các bộ trưởng yêu cầu Trung Quốc “lập tức dừng hành vi bồi lấn, xây dựng và quân sự hóa”. Ngoại trưởng Úc Bishop khẳng định bà muốn chính quyền Bắc Kinh tuân thủ cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình khi đi thăm Mỹ là Trung Quốc “sẽ không quân sự hóa” các đảo nhân tạo.

Phản ứng lại với lời chỉ trích của các bộ trưởng Mỹ và Úc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố nước này chưa từng quân sự hóa biển Đông (dù đã xây nhiều cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo bất hợp pháp, bao gồm ba đường băng quân sự dài 3.000m).

Thậm chí bà Hoa còn ngang ngược chỉ trích “một số quốc gia ở ngoài khu vực đã triển khai vũ khí tấn công quy mô lớn và khoe cơ bắp quân sự nhiều lần” ở biển Đông. Bà Hoa lớn tiếng yêu cầu “các nước không thổi phồng vấn đề biển Đông”.


Kinh tế Trung Quốc tiếp tục lao dốc

Nhập khẩu Trung Quốc trong tháng 9 tiếp tục giảm hơn 20%, đẩy nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này đứng trước nguy cơ tuột dốc nghiêm trọng. 

nhap khau trung quoc giam lan thu 11 lien tiep, day nen kinh te nuoc nay dung truoc nguy co tiep tuc lao doc - anh: reuters

Nhập khẩu Trung Quốc giảm lần thứ 11 liên tiếp, đẩy nền kinh tế nước này đứng trước nguy cơ tiếp tục lao dốc - Ảnh: Reuters

Báo South China Morning Post cho biết xuất khẩu và nhập khẩu của nước này giảm đang dấy lên mối quan ngại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu kinh tế tháng 9 của Trung Quốc cho biết xuất khẩu nước này giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi nhập khẩu cũng giảm 20,4%. Đây là lần giảm liên tục thứ 11 trong cả hai lĩnh vực xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tính từ cuối năm 2014 đến nay.

Những con số này vượt ngoài dự tính của giới phân tích kinh tế Trung Quốc. Trước đó, họ từng ước tính nhập khẩu nước này chỉ giảm 15% trong tháng 9. Giới chuyên gia cảnh báo đang có dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn yếu hơn trong thời gian tới.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng vừa công bố thặng dư thương mại trong tháng 9 của nước này chỉ đứng ở mức 60,34 tỉ USD, tăng khoảng 10 triệu USD so với tháng 8, là con số không lớn so với quy mô nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Một số chuyên gia cảnh báo nhu cầu quá yếu ở thị trường nội địa và ở nước ngoài sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thương thêm trong những tháng sắp tới. Thậm chí, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể đang đứng ở mức thấp nhất trong quý cuối của năm 2015 do sản xuất dư thừa từ các nhà máy, nợ công đang rất cao và lĩnh vực đầu tư gần như bị đóng băng ở nước này.

Nhập khẩu của Trung Quốc giảm cũng khiến các thị trường tiền tệ và chứng khoán của châu Á tiếp tục giảm do giới đầu tư đổ sang mua các loại tài sản an toàn.

“Số liệu không tốt nhưng vẫn có thể chấp nhận được đối với các nhà đầu tư. Khi dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng chậm chạp thì thị trường sẽ thấy trước được các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của chính phủ” - chuyên gia Ngô Khảm ở Công ty bảo hiểm JK Life tại Thượng Hải trấn an.

Song, nhà quản lý Tim Schroeders tại Tập đoàn tài chính Pengana ở Melbourne (Úc) cảnh báo tình trạng tuột dốc của nền kinh tế Trung Quốc tiếp diễn sẽ đè nặng lên thị trường tài chính nước này.


Bà Yingluck phản đối lệnh tịch thu tài sản

Theo Bangkok Post, Chính phủ Thái Lan dự định ban hành lệnh hành chính, tịch thu tài sản của cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra để đền bù cho những thất thoát phát sinh từ chương trình trợ giá gạo cho nông dân dưới thời của bà.

ba yingluck phan doi lenh tich thu tai san. anh: reuters.

Bà Yingluck phản đối lệnh tịch thu tài sản. Ảnh: Reuters.

Hôm 12-10, Phó thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam giải thích lệnh hành chính này tuân thủ Luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi của các quan chức ban hành năm 1996.

Ông Wissanu nói lệnh hành chính dựa trên những thông tin điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC), trong đó chỉ ra sự tắc trách trong chương trình trợ giá gạo dẫn đến thiệt hại cho nhà nước.

Bà Yingluck lập tức phản ứng trên trang Facebook cá nhân, nói rằng chính phủ đang tìm cách hành xử như một tòa án. Bà nói thêm rằng lệnh này chỉ nhằm tránh cho chính phủ một khoản án phí lớn nếu vụ việc bị đưa sang tòa dân sự.

Cựu thủ tướng Thái Lan cũng yêu cầu chính phủ không đưa ra lệnh tịch thu tài sản của bà và đưa vụ việc ra tòa án dân sự cho đến khi tòa án tối cao có phán quyết về vụ của bà.

“Tôi cảm thấy lo lắng vì một trong các cố vấn pháp lý của thủ tướng đã tuyên bố rằng với việc đòi bồi thường thiệt hại trong một vụ án dân sự sẽ khiến chính phủ chịu án phí lớn mặc dù đưa vụ này ra tòa dân sự là cách tốt nhất để duy trì sự công bằng” - bà Yingluck viết trên Facebook.

Phó thủ tướng Wissanu bác bỏ những chỉ trích của bà Yingluck, nói luật này đã có gần 20 năm và có hơn 300 lệnh như vậy được ban hành. Bà Yingluck bị NACC cáo buộc tội tắc trách khi còn tại vị vì đã không ngăn chặn tổn thất và tham nhũng tràn lan trong chương trình trợ giá gạo mà lẽ ra bà phải quản lý.


IS khẳng định Mỹ đã tiêu diệt chỉ huy quyền lực thứ hai của chúng

 IS thừa nhận đòn không kích của Mỹ đã tiêu diệt tên Abu Mutaz al-Qurashi, kẻ chỉ huy nắm giữ quyền lực thứ hai, chỉ sau thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi.

is thua nhan don khong kich cua my da tieu diet ten abu mutaz al-qurashi, ke chi huy nam giu quyen luc thu hai, chi sau thu linh abu bakr al-baghdadi - anh: reuters

IS thừa nhận đòn không kích của Mỹ đã tiêu diệt tên Abu Mutaz al-Qurashi, kẻ chỉ huy nắm giữ quyền lực thứ hai, chỉ sau thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi - Ảnh: Reuters

Theo AFP, ngày 13-10, một phát ngôn viên IS khẳng định kẻ nắm giữ quyền lực số hai của IS đã bị tiêu diệt trong một đợt không kích của Mỹ hồi đầu năm nay.

Phát ngôn viên Abu Mohamed al-Adnani nói trong băng âm thanh phát trên các trang web của lực lượng thánh chiến cho biết: “Người Mỹ đang vui mừng vì giết chết được Abu Mutaz al-Qurashi và xem đây là một thành tích lớn”.

Tuy nhiên tên Adnani không cho biết tên Qurashi bị tiêu diệt trong hoàn cảnh nào.

Một thông báo của Nhà Trắng ngày 22-8 nói Qurashi tên thật là Fadhil Ahmad al-Hayali đã chết trong đợt không kích do Mỹ thực hiện tại thành phố Mosul, miền bắc Iraq ngày 18-8. 

Thông báo cũng nói cuộc không kích nhằm một một chiếc xe và đã giết luôn được một tên chuyên phụ trách hoạt động truyền thông là Abu Abdullah.

Theo miêu tả của Nhà Trắng, tên Hayali là thành viên của hội đồng điều hành IS và là kẻ điều phối chính một khối lượng lớn vũ khí, thuốc nổ, phương tiện và người giữa Iraq và Syria.

Trong thông báo hồi tháng tám, Nhà Trắng cũng nói Hayali “chịu trách nhiệm về các hoạt động của IS tại Iraq, khu vực hắn có vai trò quan trọng trong việc lên kế hoạch các cuộc tấn công trong hai năm qua, trong đó có cả cuộc tấn công của IS vào Mosul tháng 6-2014”.

Trước khi gia nhập IS, Hayali là thành viên của tổ chức Al-Qaeda tại Iraq. Tên này cũng được thông tin từng là cựu quan chức Iraq dưới thời ông Saddam Hussein.(Tuổi Trẻ)


Sau tranh cãi nảy lửa, bà Clinton gây ấn tượng

Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gây ấn tượng mạnh trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng cử viên Đảng Dân chủ tranh cử tổng thống năm 2016.

ba clinton da to ra day ban linh truoc nhung loi chi trich cua doi thu - anh: reuters

Bà Clinton đã tỏ ra đầy bản lĩnh trước những lời chỉ trích của đối thủ - Ảnh: Reuters

Theo AFP, bà Clinton, thượng nghị sĩ Bernie Sanders và ba ứng cử viên khác của Đảng Dân chủ tranh cãi nảy lửa về hàng loạt vấn đề của nước Mỹ, từ kiểm soát súng đạn, can thiệp quân sự vào Trung Đông cho đến thương mại quốc tế và quản lý Phố Wall…

Các nhà quan sát nhận định bà Clinton tỏ ra rất điềm tĩnh, tự tin và phản ứng hiệu quả trước các đòn tấn công của đối thủ trong cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ ở Las Vegas. “Bà ấy không hề bối rối. Không ai khiêu khích được bà ấy” - giáo sư khoa học chính trị Timothy Hagle thuộc ĐH Iowa nhận định.

Trái ngược với cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Cộng hòa đầy những màn chỉ trích cá nhân, cuộc tranh luận của các ứng cử viên Dân chủ tập trung vào những chính sách trong và ngoài nước của Chính phủ Mỹ. Bà Clinton khẳng định bà không hề đứng sau ai trong các chính sách tiến bộ, thiên tả.

Khi thượng nghị sĩ Sanders nói Mỹ nên học tập Đan Mạch, bà Clinton tấn công: “Chúng ta không phải là Đan Mạch. Tôi yêu đất nước Đan Mạch nhưng chúng ta là nước Mỹ”.

Khi người dẫn chương trình kênh CNN hỏi tại sao bà hay thay đổi quan điểm, bà Clinton nói: “Như nhiều người khác, tôi luôn tiếp nhận thông tin mới. Tôi quan sát những gì đang xảy ra trên thế giới”.

Bà Clinton cũng tranh thủ chỉ trích ông Sanders vì không mạnh mẽ theo đuổi các chính sách hạn chế súng đạn. Ông Sanders biện minh vấn đề kiểm soát súng đạn là rất phức tạp, nhưng bà Clinton nhấn mạnh: “Tôi cũng từng làm việc tại thượng viện. Vấn đề đó hoàn toàn không phức tạp đối với tôi”.

Các ứng cử viên chỉ trích bà Clinton từng bỏ phiếu thông qua cuộc chiến Iraq do tổng thống George W. Bush phát động. Bà Clinton nhấn mạnh rằng Tổng thống Barack Obama không hề do dự khi mời bà làm ngoại trưởng, bởi ông tin tưởng vào những nhận định của bà.

Sau cuộc tranh luận, cựu tổng thống Bill Clinton gửi tin nhắn lên Twitter khẳng định ông rất tự hào với vợ mình. “Hôm nay bà ấy đã cho thấy tại sao bà ấy xứng đáng là tổng thống”.

Hàng loạt báo lớn tại Mỹ như New York Times, Washington Post hay Wall Street Journal cũng đều đánh giá cao màn thể hiện thuyết phục của bà Clinton.

Bà Clinton hiện vẫn đang dẫn đầu danh sách ứng cử viên Đảng Dân chủ xét về tỉ lệ ủng hộ trên toàn quốc, nhưng bà đang thua ông Sanders ở New Hampshire và chỉ dẫn trước với điểm số ít ỏi ở Iowa. Đây là hai bang rất quan trọng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục