tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 19-12-2015

  • Cập nhật : 19/12/2015

Nhật Bản xâu chuỗi tên lửa trên 200 đảo đối phó Trung Quốc

 Nguồn tin quân sự và chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo đang ra sức củng cố hệ thống phòng thủ và hạ tầng ở các đảo xa trên biển Hoa Đông, nơi nước này và Trung Quốc vẫn tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo một số nguồn tin nội bộ của Reuters, Tokyo đang tìm cách xâu chuỗi các hệ thống tên lửa chống hạm và chống máy bay dọc 200 hòn đảo ở biển Hoa Đông, trải dài trên phạm vi 1.400 km từ thềm lục địa Nhật Bản tới giáp lãnh thổ Đài Loan.

Các nhà hoạch định quân sự và chính sách của chính phủ Nhật Bản tiết lộ mục tiêu chính của Thủ tướng Shinzo Abe khi tăng cường sức mạnh quân đội bao gồm cả một chiến lược thống trị trên biển và trên không xung quanh các đảo xa, từ đó kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một khi chuỗi hệ thống tên lửa nối liền 200 đảo hoàn thành, đây sẽ là rào cản lớn đối với tàu thuyền Trung Quốc muốn đi từ bờ biển phía Đông của họ tới Tây Thái Bình Dương.

luc luong phong ve nhat ban (sdf) dien tap quan su tren dao eniyabanare. anh: reuters

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) diễn tập quân sự trên đảo Eniyabanare. Ảnh: Reuters

Nghị sĩ Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Akihisa Nagashima cho rằng sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối của Mỹ là một yếu tố thúc đẩy Nhật Bản chuyển trọng tâm phòng thủ từ đảo Hokkaido ở phía Bắc (do lo ngại Liên Xô và sau là Nga) sang chuỗi đảo phía Tây Nam.

Ông Yosuke Isozaki, từng là cố vấn an ninh cho Thủ tướng Abe, nói thêm Nhật Bản muốn gia tăng lợi thế hàng hải và hàng không để phù hợp với sức mạnh của quân đội Mỹ. Số lượng nhân viên quân sự của Nhật Bản trên các đảo ở biển Hoa Đông sẽ tăng lên khoảng 10.000 người trong vòng 5 năm tới.

Họ sẽ được hỗ trợ bởi lực lượng thủy quân lục chiến, tàu ngầm tàng hình, máy bay chiến đấu F-35, xe chiến đấu đổ bộ và tàu sân bay. Ngoài ra còn có sự hậu thuẫn của Hạm đội 7 Mỹ đóng tại Yokosuka, phía Nam Tokyo.

Trong khi Bắc Kinh gần như hoàn tất công cuộc bồi lấn trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), họ cũng đã kịp “vẽ ra” khái niệm gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” chạy qua biển Hoa Đông và phía Nam tới Philippines nhằm xác định ranh giới ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Trong 5 hoặc 6 năm tới, chuỗi đảo đầu tiên sẽ rất quan trọng trong cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản - Mỹ” – giáo sư Satoshi Morimoto của Đại học Takushoku, đồng thời là nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản năm 2012, nhận xét.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong một email gửi Reuters nói rằng bất kỳ hành động nào của quân đội Nhật Bản cũng dẫn đến sự nghi ngại từ các nước láng giềng. “Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản nhìn lịch sử như một tấm gương và hành động nhiều hơn vì lợi ích dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau” – email viết.

Trong khi đó, ông Toshi Yoshihara, giáo sư tại Trường ĐH Chiến tranh hải quân (Mỹ), đánh giá Tokyo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Để tạo điều kiện cho kế hoạch của mình, quân đội Nhật Bản lần đầu tiên đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên 5.000 tỉ yên (40 tỉ USD) vào năm sau.


Trung Quốc không dám dùng vũ lực ngăn tuần tra biển Đông

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Giáo sư Carl Thayer nhận định Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực cản trở các cuộc tuần tra trên biển Đông.

Máy bay tuần tra P-3 Orion của không quân hoàng gia Úc - Ảnh: AFPMáy bay tuần tra P-3 Orion của không quân hoàng gia Úc - Ảnh: AFP

Ngày 18-12, Bộ Quốc phòng Úc tuyên bố Úc sẽ tiếp tục tuần tra biển Đông bất chấp sức ép từ Trung Quốc. 

Sau khi Bộ Quốc phòng Úc xác nhận việc triển khai máy bay bay tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội. Tờ Thời báo Hoàn Cầu đe dọa máy bay quân sự Úc “không nên thử lòng kiên nhẫn của Trung Quốc”, nếu không có thể sẽ bị bắn rơi.

Ngày 17-12, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định chính quyền Canberra sẽ không lùi bước trước những cảnh báo hiếu chiến của Bắc Kinh. Bà Payne mô tả các chuyến bay tuần tra của không quân Úc giúp bảo vệ an ninh và ổn định khu vực.

bo truong quoc phong uc marise payne khang dinh nuoc nay se tiep tuc tuan tra bien dong - anh: reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định nước này sẽ tiếp tục tuần tra biển Đông - Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho rằng chiến dịch tuần tra của cả quân đội Mỹ và không quân Úc trên biển Đông là vẫn chưa đủ mạnh mẽ để  răn đe Trung Quốc.

* Theo giáo sư, quân đội Mỹ và Úc cần phải tuần tra trên biển Đông như thế nào để đảm bảo tính hiệu quả?

Theo Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), các đảo nhân tạo chỉ có vùng an toàn 500 m chứ không có không phận và không có vùng lãnh hải 12 hải lý.

Việc lực lượng Mỹ và Úc tuần tra ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo là phản tác dụng bởi hành động đó dẫn tới sự hiểu lầm rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc là đảo thật theo luật pháp quốc tế.

Để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, quân đội Mỹ và Úc cần lập tức triển khai máy bay bay trên đầu các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép và đưa tàu đi vào vùng an toàn 500 m quanh các đảo này.

* Liệu quân đội Úc có sẵn sàng hành động mạnh mẽ như vậy?

Úc không có một chương trình tự do hàng hải chính thức tương tự như Mỹ. Quân đội Úc đã đưa máy bay quân sự đến biển Đông từ ba thập kỷ qua.

Và chính phủ Úc sẽ tiếp tục triển khai máy bay và tàu chiến tới biển Đông trong thời gian tới theo các kế hoạch cụ thể. Đến nay Úc lựa chọn thực hiện bảo vệ tự do hàng hải một cách lặng lẽ. Úc biết Trung Quốc hiểu điều đó, và Trung Quốc biết Úc đang làm gì.

Việc chuyến bay tuần tra của không quân Úc được phóng viên BBC công bố là diễn biến mới buộc chính phủ Úc phải công khai hơn, mạnh mẽ hơn về các cuộc tuần tra trên biển Đông để công chúng Úc và cộng đồng quốc tế hiểu rõ.

* Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước những cuộc tuần tra kế tiếp? Liệu Bắc Kinh có dám gây hấn và đối đầu?

Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra tuyên bố phản đối như thường lệ. Hải quân Trung Quốc trên tàu chiến gần các đảo nhân tạo trái phép sẽ tiếp tục gửi thông điệp cảnh báo tới máy bay Úc. Nhưng máy bay Úc sẽ tiếp tục bay tuần tra bất chấp những cảnh báo đó.

Tình huống này sẽ còn kéo dài trong tương lai. Và sẽ đến lúc hải quân Trung Quốc chấp nhận phớt lờ, ngừng cảnh báo và máy bay Úc bay tuần tra thoải mái.  

Chắc chắn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ lớn tiếng chỉ trích Úc. Vấn đề là quân đội Trung Quốc không có máy bay quân sự ở biển Đông để chặn đầu máy bay Úc. Do đó nguy cơ đối đầu là rất nhỏ.

Trung Quốc có tàu chiến hoạt động gần các đảo nhân tạo trái phép, do đó khả năng đụng độ trên biển là có thể xảy ra, nhưng không lớn. Cả Úc và Trung Quốc đều có thỏa thuận về Quy tắc đối đầu ngoài ý muốn trên biển (CUES).

Một nguyên nhân nữa là hiệp ước ANZUS giữa Úc và Mỹ kêu gọi sự tham vấn và hỗ trợ tức thời nếu lực lượng vũ trang của một trong hai quốc gia bị tấn công ở Thái Bình Dương. Đây là vũ khí mạnh mẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc thực hiện các hành động liều lĩnh, gây hấn trên biển Đông.

* Sau sự kiện Úc bay tuần tra biển Đông, báo chí Nhật cũng đã kêu gọi chính phủ Tokyo hành động tương tự. Liệu Nhật sẽ tiếp bước Mỹ và Úc?

Nhật sẽ thận trọng. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã có sự tiến triển thời gian qua. Hai bên vừa thảo luận về cơ chế giảm thiểu nguy cơ đối đầu trên không và trên biển.

Nhưng nếu Trung Quốc có hành vi liều lĩnh, hiếu chiến trên biển Đông thì nhiều khả năng Mỹ, Úc và Nhật sẽ thảo luận chiến lược hành động để bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.


IS ráo riết tuyển người Trung Quốc

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang chiêu mộ chiến binh mới ở Trung Quốc với lời kêu gọi họ cùng cầm súng đứng lên “trên chiến trường”.

Trước đoạn video quay bài hát với một mục tiêu thu hút người Hồi giáo tại Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói: “Không quốc gia nào có thể đứng riêng lẽ trong cuộc chiến chống khủng bố. Thay vào đó, cộng đồng quốc tế cần kề vai sát cánh, hợp tác để cùng nhau tiêu diệt mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố”. Vài ngày trước, tại Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 14 tổ chức ở tỉnh Hà Nam, Bắc Kinh lần nữa kêu gọi phối hợp tốt hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.

mot nguoi duoc dua khoi vu tan cong vao khach san radisson tai thu do cua mali hoi thang 11. anh: ap

Một người được đưa khỏi vụ tấn công vào khách sạn Radisson tại thủ đô của Mali hồi tháng 11. Ảnh: AP

Tương tự lực lượng Al-Qeada trong quá khứ, IS có khả năng cố gắng tiếp cận với cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Chuyên gia Raffaello Pantucci của Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh cho rằng hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Trung Đông và châu Phi gia tăng khả năng tiếp xúc với khủng bố trong những vùng này. Ví dụ, hồi tháng trước, 3 giám đốc điều hành thuộc các công ty xây dựng đường sắt Trung Quốc thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào khách sạn Radisson tại thủ đô của Mali.

duc hom 17-12 dong cua mot nha tho hoi giao vi day la noi chieu mo, gay quy cho khung bo. anh: reuters

Đức hôm 17-12 đóng cửa một nhà thờ Hồi giáo vì đây là nơi chiêu mộ, gây quỹ cho khủng bố. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Đức hôm 17-12 đóng cửa một nhà thờ Hồi giáo với lý do địa điểm này là nơi chiêu mộ chiến binh và gây quỹ cho các tổ chức khủng bố như IS. Ông Reinhold Gall, Bộ trưởng Nội vụ bang Baden-Wurttemberg khẳng định cảnh sát Đức tiến hành đột kích vào nhà thờ này và trung tâm văn hóa giáo dục Hồi giáo Mesdschid Sahabe (MSM) ở phía tây TP Stuttgart, thu giữ nhiều thiết bị dự trữ dữ liệu, máy tính, điện thoại và nhiều tài liệu.

Hầu hết các chiến binh Salafist đến từ phía Tây vùng Balkans trở thành những “du khách” thường xuyên của nhà thờ Hồi giáo nói trên. 10 người đã tới Syria chiến đấu cho IS sau khi đến nhà thờ này. “Những nguồn quyên góp lại được chuyển cho các tổ chức khủng bố và những chiến binh được chiêu mộ để tham chiến tại Syria. Chúng tôi không thể để tình trạng này tiếp diễn” – ông Reinhold Gall nói.


Nga sắp "bỏ rơi" ông Assad

Nga đã thể hiện rõ với phương Tây rằng nước này không phản đối việc Tổng thống Syria phải từ chức như một phần của tiến trình hòa bình.

Tiết lộ bất ngờ trên do giới chức ngoại giao phương Tây hôm 17-12. Theo các quan chức giấu tên này, thực tế trên một phần được phản ánh qua sự xuống giọng của Nga ở những công bố ủng hộ ông Assad trước thềm các cuộc hội đàm ở New York.

nga da co ke hoach rieng ve so phan ong assad, chi co dieu ho chua cong khai, theo gioi chuc ngoai giao phuong tay. anh: reuters

Nga đã có kế hoạch riêng về số phận ông Assad, chỉ có điều họ chưa công khai, theo giới chức ngoại giao phương Tây. Ảnh: Reuters

Nga, cũng như Iran từ lâu là đồng minh thân cận của Assad và hiện đang không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria với sự ủng hộ của quân đội chính phủ. Cả Nga và Iran cũng khăng khăng rằng số phận của Tổng thống Assad phải được định đoạt qua tổng tuyển cử, tức là phải do người dân Syria quyết định. Các nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và một số nước khác đã miễn cưỡng chịu để ông Assad tại vị trong thời kỳ chuyển tiếp. Sự thỏa hiệp này đã mở một cánh cửa dẫn tới sự biến chuyển từ phía Nga, giới chức ngoại giao phương Tây tiết lộ.

"Nga đã có quyết định riêng của mình về việc khi nào họ sẽ chấp nhận ông Assad phải từ bỏ vị trí vào cuối cuộc chuyển tiếp. Họ chỉ không chuẩn bị công khai điều đó mà thôi” – quan chức trên tiết lộ.

Theo Reuters, một số quan chức phương Tây đã xác nhận tiết lộ trên của giới chức ngoại giao.

Nga, Mỹ, Iran, Ả Rập Saudi cùng nhiều quốc gia châu Âu và Ả Rập khác đã nhất trí lộ trình cho cuộc đình chiến trên cả nước ở Syria, để có 6 tháng đàm phán giữa chính phủ Assad và phe nổi dậy nhằm hình thành một chính phủ thống nhất bắt đầu vào tháng 1 và cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong vòng 18 tháng tới.

Vòng đàm phán thứ 3 sẽ diễn ra vào ngày 18-12 tại New York với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và hơn chục bộ trưởng khác.

Trong một diễn biến khác, lực lượng quân nổi dậy Syria ngày 17-12 lên tiếng bác bỏ những thông tin cho rằng lực lượng này đang nhận sự hỗ trợ từ phía Nga. Bác bỏ này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày khẳng định lực lượng không quân Nga đang hỗ trợ các phe phái đối lập chiến đấu với các phần tử thánh chiến.


Niger phá âm mưu đảo chính trên không

Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou hôm 17-12 thông báo nước này đã phá vỡ một âm mưu đảo chính trong đó những kẻ chủ mưu dự định sử dụng hỏa lực từ trên không để đạt được mục đích.

Trên đài truyền hình quốc gia, ông Issoufou cho biết tình hình đã được kiểm soát. Hầu hết nghi can chính bị bắt và chỉ có 1 người trốn thoát. “Mục tiêu của chúng là lật đổ chính phủ dân cử. Chúng định ​​sử dụng hỏa lực trên không và có thời gian vài tuần để phong tỏa các tài sản của quân đội ở Niamey - vốn được gửi tới TP Diffa để chống lại phong trào Hồi giáo Boko Haram” – ông Issoufou nói.

Niger tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực miền Đông Nam Diffa sau các cuộc tấn công xuyên biên giới từ Nigeria. Hiến binh nước này đã bắt giữ ít nhất 4 sĩ quan quân đội cấp cao hôm 15-12, trong đó có cựu tư lệnh lực lượng vũ trang, tướng Souleymane Salou (sinh năm 1953) và người đứng đầu căn cứ không quân ở thủ đô Niamey, trung tá Dan Haoua.

“Họ bị nghi ngờ tham gia đảo chính nhưng không có thông tin chi tiết vào thời điểm này” – một người thân của tướng Salou cho biết. Tướng Salou từng làm giảng viên quân sự tại Morocco, Mỹ, Pháp, Anh và Đức.

tong thong niger mahamadou issoufou. anh: reuters

Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou. Ảnh: Reuters

Ông Issoufou được bầu làm tổng thống năm 2011, đánh dấu thời kỳ “dân chủ” ở Niger – quốc gia Tây Phi đóng vai trò là nhà sản xuất uranium lớn và đồng minh của phương Tây trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo trong khu vực bao gồm Boko Haram ở Nigeria. Người tiền nhiệm của ông Issoufou, Mamadou Tandja, trước đó bị lật đổ trong một cuộc đảo chính.

Đảng đối lập ở Niger trong cuộc bầu cử vừa qua đã chọn cựu thủ tướng Seyni Oumarou làm ứng viên đối thủ của ông Issoufou nhưng người này sau đó bị thất bại. Ứng viên đối lập thứ hai, Hama Amadou, bị bắt khi vừa trở về nước hôm 14-12 do nghi liên quan tới đường dây buôn bán trẻ em.

Sắp tới, cuộc tổng tuyển cử ngày 21-2-2016 ông Issoufou dự kiến sẽ giành chiến thắng nhưng phe đối lập tố cáo chính phủ của ông gây áp lực trước cuộc bỏ phiếu.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục