Trung Quốc "lớn tiếng" chỉ trích Philippines mua máy bay Nhật
Công ty Mỹ tiếp tục mua thêm động cơ tên lửa của Nga
Nga-Trung bàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Đặc vụ Israel bị đồng đội bắn chết
Mỹ không kích các địa điểm chế tạo vũ khí hóa học của IS
Tin thế giới đọc nhanh trưa 11-03-2016
- Cập nhật : 11/03/2016
Nhật giúp ASEAN cải thiện an ninh biển
Nhật Bản sẽ tăng cường viện trợ cho các nước châu Á giữa lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển Đông.
Hãng tin Kyodo hôm 8-3 dẫn nội dung Sách trắng mới nhất của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho biết Tokyo có ý định giúp bảo vệ các tuyến đường biển trọng yếu trong khu vực, bao gồm các tuyến xung quanh các nước thành viên ASEAN.
Theo Sách trắng, các nước ASEAN đóng vai trò “cực kỳ quan trọng cả về chính trị và kinh tế”. Với mục đích phát triển “một trật tự dựa trên các giá trị toàn cầu” tại Đông Á, Nhật Bản sẽ hỗ trợ cải thiện an ninh hàng hải và xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước ASEAN. Đến năm 2020, Nhật Bản cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ nâng tổng số tiền đầu tư vào châu Á lên khoảng 110 tỉ USD.
Trong một bước đi khác cho thấy Tokyo không để yên cho Bắc Kinh leo thang quân sự hóa biển Đông, vào tháng 4 tới, một tàu ngầm Nhật Bản dự kiến thăm cảng Subic của Philippines lần đầu tiên trong 15 năm qua. Ngoài ra, hai nước còn ký thỏa thuận cho phép Tokyo bán thiết bị quân sự cho Manila. Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 9-3 thông báo quyết định thuê 5 máy bay TC-90 của Nhật để tuần tra biển Đông. Trước đó, Hàn Quốc đã cung cấp 2 máy bay chiến đấu và tiếp tục chuyển giao 10 chiếc nữa cho Philippines từ giờ đến năm 2017.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ và xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông dự kiến cũng là nội dung thảo luận quan trọng khi ông Luhut Binsar Pandjaitan - Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia - thăm Nhật trong tháng 4. Phát biểu sau cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Shinsuke Sugiyama hôm 8-3, ông Luhut khẳng định Indonesia quan tâm đến tự do đi lại ở biển Đông, đồng thời muốn duy trì quan hệ tốt với cả Tokyo và Bắc Kinh.
Hàn Quốc bố trí tên lửa dọc biên giới trên biển với Triều Tiên
"Hệ thống tên lửa đất đối không có dẫn đường mang tên Cheongung được bố trí tại khu vực hải đảo phía Tây Bắc vào đầu năm nay để phòng vệ trước các máy bay của Triều Tiên", hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng giấu tên cho biết.
Theo nguồn tin trên, nhờ được trang bị hệ thống radar 3D, hệ thống tên lửa tầm trung này có thể phát hiện, theo dõi và đánh chặn cùng lúc hàng chục máy bay và tên lửa của đối phương từ mọi hướng trong bán kính 40 km khi chúng xâm phạm không phận của Hàn Quốc mà gần như không có cảnh báo.
Loại vũ khí trên do hãng sản xuất vũ khí LIG Nex của Hàn Quốc phát triển vào năm 2011 và vượt qua được kỳ kiểm tra về yêu cầu hoạt động của quân đội vào tháng 7-2015.
Khu vực biên giới liên Triều trên biển Hoàng Hải là nơi xảy ra nhiều vụ va chạm quân sự liên Triều trong thập kỷ qua.
Hồi tháng 11-2010, Triều Tiên đã nã pháo vào quần đảo Yeonpyeong, khiến bốn người gồm dân thường và binh sĩ.
Mỹ điều máy bay ném bom tàng hình B-2 tới Thái Bình Dương
Washington ngày 9-3 thông báo điều ba máy bay ném bom tàng hình B-2 có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên.
Theo AFP, đây là những máy bay ném bom tàng hình tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Động thái diễn ra sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố cảnh báo có thể triển khai đợt tấn công hạt nhân phủ đầu với Mỹ.
Đây là những máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và Không quân Hoa Kỳ chỉ có khoảng 20 máy bay loại này. Chúng có khả năng tấn công bằng cả các loại vũ khí truyền thống lẫn vũ khí hạt nhân.
Hãng Kyodo dẫn nguồn tin Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ cho biết các máy bay B-2 được điều tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lúc Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận chung thường niên với quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại vùng biển của Hàn Quốc và các vùng biển gần đó.
Cũng theo Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, trong thời gian điều động này, các máy bay B-2 sẽ tiến hành tập trận với quân đội Úc.
Tư lệnh Lực lượng không quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, nữ đại tướng Lori J. Robinson cho rằng: “Những sự việc gần đây cho thấy nhu cầu cần phải tiếp tục trang bị sức mạnh không quân thường xuyên và tin cậy trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương”.
Các quan chức Mỹ từ chối không cho biết chính xác các máy bay này sẽ được điều đi tới đâu. Chỉ nói “các máy bay B-2 sẽ phối hợp và thực hành huấn luyện với lực lượng không quân các nước đồng minh và đối tác, kiểm tra liên lạc qua sóng bộ đàm với trung tâm điều khiển không quân của Mỹ”.
Theo Daily Mail, các máy bay B-2 được điều đi thuộc Căn cứ không quân Whiteman ở Missouri.
Máy bay Trung Quốc quay đầu vì trục trặc giữa biển Đông
Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời một nhân viên thuộc Bộ phận dịch vụ khách hàng của Air China xác nhận chuyến bay mang số hiệu CA177, cất cánh vào lúc 7 giờ 15 tối ngày 9-3, đã phải quay trở lại sân bay quốc tế Phú Đông ở Thượng Hải vào lúc 0 giờ 30 do một sự cố kỹ thuật.
Theo một thông tin trên tài khoản mạng xã hội của trang tin hàng không dân sự CAN News tại Bắc Kinh, chiếc Airbus A330-200 đã phải quay đầu do hệ thống liên lạc vệ tinh bị hỏng.
Các hành khách trên CA177 đã được chuyển sang một máy bay khác, sau khi chiếc phi cơ gặp trục trặc phải ở lại Thượng Hải để sửa chữa.
Các hành khách sau đó rời sân bay Phú Đông trên một máy bay khách vào lúc 2 giờ 50 sáng sớm ngày 10-3, theo nhân viên Air China.
Thông tin trên đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng tại Trung Quốc. Một số người đặt câu hỏi rằng tại sao máy bay phải quay về Thượng Hải để sửa chữa, thay vì tới một sân bay gần hơn.
Philippines có ngoại trưởng mới
Theo The Diplomat, trong một tuyên bố, phát ngôn viên của tổng thống - ông Herminio Coloma cho biết ông Jose Almendras, Bộ trưởng Nội các Philippines, sẽ được bổ nhiệm làm ngoại trưởng thay thế cho ông Albert del Rosari, người vừa từ chức vì lý do sức khỏe.
Cựu Ngoại trưởng Del Rosari gặp phải một loạt các vấn đề về sức khỏe, trong đó có bệnh về cột sống và tim mạch mới phát hiện gần đây.
Trong nhiệm kỳ từ tháng 2-2011, ông Del Rosari đã chứng kiến nhiều cột mốc đáng chú ý trong quan hệ ngoại giao của Philippines, trong đó có các vấn đề liên quan đến biển Đông. Ông là người tiên phong trong vụ kiện Trung Quốc về yêu sách phi lý ở biển Đông, cũng như thắt chặt quan hệ Mỹ - Philippines với Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014.
Ông Jose Almendras giữ cương vị bộ trưởng Nội các từ năm 2012. Trước đó, ông từng làm bộ trưởng Năng lượng.
Ông Almendras sẽ giữ chức ngoại trưởng Philippines trong vài tháng tới. Tổng thống Aquino gần kết thúc nhiệm kỳ sáu năm của mình và Philippines đang chuẩn bị tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 5. Tuy nhiên, ngoại trưởng mới và Tổng thống Aquino vẫn sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề của đất nước, trong đó có việc Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc ở The Hague (La Haye), Hà Lan.