Trung Quốc hôm nay cáo buộc Mỹ có hành vi "khiêu khích quân sự nghiêm trọng" khi một máy bay ném bom B-52 vô tình bay sát đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 19-12-2015
- Cập nhật : 19/12/2015
Trung - Hàn thành lập đường dây nóng cảnh sát biển
Trung Quốc và Hàn Quốc vừa nhất trí thành lập một đường dây nóng giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước nhằm tránh những sự cố đáng tiếc.
Tàu tuần tra Hàn Quốc đang làm nhiệm vụ giám sát các tàu đánh cá của Trung Quốc hồi năm 2011 - Ảnh: AFP
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 17-12 thông báo chính quyền Seoul và Bắc Kinh vừa nhất trí thành lập một đường dây nóng giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước.
Đây là nỗ lực nhằm ứng phó kịp thời với các tai nạn trên biển và chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp.
Phát biểu trong một tuyên bố sau lễ ký kết, ông Hong Ik-tae, người đứng đầu cảnh sát biển Hàn Quốc nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ giúp lực lượng cảnh sát biển hai nước “trao đổi thông tin một cách nhanh chóng để duy trì trật tự hàng hải và đối phó với các tai nạn trên biển”.
Cũng theo Yonhap, thỏa thuận được ký kết tại Bắc Kinh vào ngày 17-12 với sự tham gia của người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển hai nước.
Hai bên cũng nhất trí tổ chức một hội nghị thường niên nhằm cải thiện trao đổi song phương và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Trước đó, Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc ngày 8-12 thông báo, tàu chiến nước này đã phải nổ súng cảnh báo một tàu tuần tra Trung Quốc đi vào vùng biển của Hàn Quốc.
Theo AFP, trong gần 4 năm qua, khoảng 2.200 tàu cá Trung Quốc đã bị Hàn Quốc chặn lại và xử phạt do đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển phía tây và phía nam của nước này.
Số ngư dân Trung Quốc bị Hàn Quốc bắt giữ cũng tăng từ 2 người trong năm 2010 lên 66 người trong năm 2013. Nhiều trường hợp chạm trán giữa ngư dân Trung Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc dẫn tới bạo lực đã làm dấy lên căng thẳng ngoại giao giữa hai nước trong một vài giai đoạn.
Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết chặn nguồn tiền của IS
Các bộ trưởng tài chính những nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua tán thành nghị quyết chặn nguồn tài trợ cho IS, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew chủ trì cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng tài chính tại Hội đồng Bảo an, tìm cách thúc đẩy ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria, nơi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn, thiết lập vùng đầu não IS gọi là thủ đô.
Theo Reuters, nghị quyết do Mỹ và Nga soạn thảo kết hợp những biện pháp hiện hành nhằm vào nguồn tài chính của IS và chỉ dẫn về cách thức thực hiện nhằm thúc đẩy thêm nhiều nước hành động.
Nghị quyết hối thúc các nước "có động thái quyết đoán và dứt khoát nhằm cắt dòng tài trợ, và các tài sản tài chính, nguồn kinh tế khác", bao gồm dầu mỏ và đồ cổ, và nộp các tên vào danh sách trừng phạt "một cách chủ động hơn". Nó cũng kêu gọi các chính phủ thông qua luật xếp việc tài trợ và tham chiến cho IS là tội hình sự nghiêm trọng.
Một nghị quyết do Nga soạn thảo về việc cắt nguồn thu của những kẻ cực đoan được thông qua hồi tháng Hai, nhưng động thái của các nước vẫn chậm chạp. "Dù chúng ta đang có bước tiến nhằm cô lập ISIL về mặt tài chính, nếu muốn thành công, tất cả chúng ta phải tăng cường nỗ lực, cả bản thân và tập thể ở cấp độ quốc tế", AFP dẫn lời ông Lew nói về IS.
Biện pháp mới nhất sẽ yêu cầu tất cả các nước báo cáo trong vòng 120 ngày về các bước nhằm vào nguồn tài chính của IS.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon sẽ được đề nghị chuẩn bị một báo cáo trong vòng 45 ngày về mối đe dọa từ IS và dòng tiền của nhóm, trong đó cũng tập trung vào việc tài trợ cho các chiến binh nước ngoài.
Ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc gồm 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an, có thể áp dụng các biện pháp như phong tỏa tài sản, cấm xuất cảnh và cấm vận vũ khí với các cá nhân và tổ chức liên quan đến phiến quân IS.
Theo công ty phân tích IHS có trụ sở tại London, IS kiếm được 80 triệu USD mỗi tháng, nhưng các cuộc không kích của Nga và liên quân Mỹ vào những cơ sở dầu mỏ đang gây sức ép lên nguồn tiền của nhóm. Khoảng một nửa doanh thu đến từ tài sản trộm cắp, tống tiền, 43% từ việc bán dầu mỏ và phần còn lại là buôn lậu ma túy, bán điện và nguồn quyên góp, IHS cho biết.
Trung Quốc huy động chiến hạm 'đánh trận giả' trên biển Đông
Theo nhật báo PLA, cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc đã diễn ra vào ngày 16-12 trên phạm vi “vài ngàn kilomet” trên biển Đông.
Trong cuộc tập trận, các binh sĩ Trung Quốc được chia làm hai đội, xanh và đỏ, để tiến hành các bài diễn tập quân sự khác nhau, trong đó có việc đối phó với một cuộc tấn công bằng tên lửa do một tàu thương mại của một bên thứ ba.
Các chiến hạm của Trung Quốc cũng đã mô phỏng một cuộc tấn công bằng tên lửa đối hạm có sự phối hợp của tàu ngầm, máy bay tuần tra và máy bay chiến đấu phản lực.
Hôm 13-12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hải quân nước này đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hiện không rõ hai hoạt động này có phải là một hay không.
'Lệnh cấm vận của Nga có thể lật đổ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ'
Các gói trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ của Nga thậm chí có thể dẫn đến “thay đổi chế độ” ở Ankara khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang khắc phục hậu quả kinh tế từ các lệnh trừng phạt đó, hãng tin Sputnik dẫn lời Abdoulkarim Firouzkalaei, giảng viên tại khoa Quốc tế thuộc ĐH Tehran, nhận định.
Theo chuyên gia Firouzkalaei, hàng loạt lệnh trừng phạt của Nga nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm tê liệt nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ, nay càng thêm trì trệ hơn nữa.
“Theo đó, đảng Công lý và Phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất toàn bộ cử tri bầu cử chủ yếu của đảng. Đến lúc đó, hệ thống quyền lực sẽ có nhiều thay đổi và tôi không loại trừ khả năng chế độ hiện thời của Ankra sẽ thay đổi. Nếu ông Erdogan tiếp tục thực thi các chính sách táo bạo, ông sẽ mất chức” - chuyên gia Firouzkalaei nhấn mạnh.
Firouzkalaei cũng nêu ra một kịch bản, trong đó việc chấm dứt xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt ở Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn tới chuyện lật đổ tổng thống Erdogan. Khi Tehran trong thời gian chờ gỡ bỏ lệnh cấm vận quốc tế, quốc gia này vẫn nỗ lực tìm kiếm thị trường mới để bán dầu mỏ và khí đốt nhằm đối phó với tình trạng nguồn cung cho toàn cầu dư thừa trong khi con đường xuất khẩu lại hạn chế.
“Các lệnh cấm vận kinh tế đang làm suy giảm quyền lực của tổng thống Erdogan ngay trước mắt chúng ta. Trong vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 Nga, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã sai lầm, phần lớn sai lầm đều cho bản thân ông” - chuyên gia Firouzkalaei khẳng định.
Putin khẳng định có người Nga ‘làm nhiệm vụ quân sự’ tại Ukraine
Ông Putin nói trong cuộc họp báo cuối năm với sự tham gia của gần 1.400 nhà báo trong và ngoài nước: "Chúng tôi chưa bao giờ phủ nhận việc có người Nga thực hiện nhiệm vụ quân sự ở Ukraine".
Quân nhân được cho là phục vụ quân đội Nga, đứng canh một chiếc xe quân sự bên ngoài lãnh thổ của một đơn vị quân đội Ukraine trong làng Perevalnoye, Simferopo (Ảnh: AP)
"Nhưng điều đó không có nghĩa là Nga có triển khai quân đội chính quy đóng quân ở đó. Hai việc đó hoàn toàn khác biệt."